Những nấm mồ vô chủ trên đường tìm “miền đất hứa”

Thứ Hai, 15/01/2024, 20:51

Năm 2023 khép lại với một thống kê của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR): Ít nhất 5.015 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em ở các nước Mỹ Latin, châu Phi, Trung Đông…, đã bỏ mạng trên đường đến châu Âu. Họ được chôn tại nhiều nơi ở Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Croatia, trong đó hơn 4.000 nấm mồ chưa được nhận dạng…

1. Đó là môt đêm không trăng cuối tháng 3/2023, một chiếc thuyền gỗ ọp ẹp dạt vào bờ biển cách thị trấn Aguimes, tỉnh Gran Canaria, Tây Ban Nha hơn 30km rồi nằm lại trên bãi cát hoang vắng. Đến giữa tháng 6, một nhóm thanh niên đi dã ngoại tình cờ nhìn thấy nó. Aragon, thành viên trong nhóm nói với trang tin Inside Politics: “Lúc đến cạnh thuyền, chúng tôi thấy 15 xác người. Tất cả chỉ còn là những bộ xương, lớp da bên ngoài đã nhũn vì nước biển”. Thiếu tá Garcia, sĩ quan thuộc Lực lượng phòng vệ bờ biển Gran Canaria cho biết tất cả mọi giấy tờ tìm được trên tử thi đều mục nát vì bị ngâm nước nhiều ngày: “Chúng tôi biết họ là di dân nhưng không thể xác định tên tuổi, xuất xứ”.

Những nấm mồ vô chủ trên đường tìm “miền đất hứa” -0
Mộ cậu bé Alhassane Bangoura, người duy nhất có tên trong 70 ngôi mộ.

Hôm sau, một cái hố được người dân thị trấn Aguimes đào bằng máy xúc. 15 di dân được chôn chung một chỗ. Trên nấm mồ tập thể ấy là tấm bảng với dòng chữ viết bằng sơn đen: “Đây là nơi yên nghỉ của 15 anh em. Họ đã mất mạng trước khi đặt chân lên bờ biển của chúng tôi”.

Bờ biển thị trấn Aguimes chỉ là một trong nhiều nơi ở quần đảo Canary xuất hiện những nấm mồ vô danh mà người chết là di dân. Theo chính quyền Canary, năm 2023 đã có 35.410 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đến các đảo thuộc quần đảo này bằng thuyền, nhiều nhất là đảo El Hierro nhỏ bé, nằm cách xa những đảo khác. Cũng tại El Hierro, một nghĩa trang với 70 ngôi mộ đã hình thành bởi dân địa phương, trong đó duy nhất chỉ 1 mộ có tên. Đó là mộ của Alhassane Bangoura, 6 tuổi, người Maroc. Ông Rodiguez, trưởng đảo El Hierro nói: “Chúng tôi biết danh tính cậu bé nhờ vào cái vòng đeo tay bằng đồng có khắc tên. Nhóm di dân này đến El Hierro bằng bè nhưng không rõ tổng số là bao nhiêu vì chúng tôi chỉ với được 70 xác”. Bà Lazaro, cũng là cư dân El Hierro nói tiếp: “Chôn cất xong cậu bé, chồng tôi lấy một đoạn ống cống bằng xi măng khắc tên cậu bé. Tôi trồng xung quanh mộ cậu mấy bụi hoa. Vài người khác đặt thêm vài viên đá để chó hoang khỏi đào bới…”.

Không chỉ ở Tây Ban Nha, dọc theo biên giới giữa Croatia, Ba Lan, Litva, tất cả những ngôi mộ không tên đều được đánh dấu bằng những tảng đá và không có bất kỳ một chi tiết nào. Tại Pháp, trong các nghĩa trang ở Calais, có thể thấy trên những tấm bia đá là dòng chữ viết tắt “SN” (Sans Nom - Vô danh). 242 người di cư đã nằm lại nơi này trên đường tìm đến “miền đất hứa”, miền đất mà họ chỉ biết qua phim ảnh, qua lời kể và những đồng tiền, những gói quà của người đi trước gửi về.

Những nấm mồ vô chủ trên đường tìm “miền đất hứa” -0
Những huyệt mộ đào sẵn ở nghĩa trang Essada dành cho người không biết tên.

Ở biên giới Ba Lan - Belarus, một clip video được ai đó tung lên mạng cho thấy lính biên phòng Ba Lan cười nhạo một nam thanh niên bị treo ngược vì mắc kẹt vào hàng rào dây thép gai phân chia ranh giới giữa Ba Lan và Belarus. Ánh đèn pha soi rõ khuôn mặt nạn nhân rúm ró vì đau và vì sợ. Bà Kafya Rachid, 50 tuổi, là mẹ của thanh niên nêu trên cho biết: “Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Mohammed Sabah con tôi còn sống”.

Khởi hành từ Kurdistan, Iraq vào mùa thu năm 2022 để đến Belarus rồi sau đó, Mohammed Sabah, 22 tuổi được một đường dây buôn người đưa đến biên giới Ba Lan. Bà Kafya Rachid nói: “Lần vượt biên đầu tiên, nó bị bắt rồi bị trục xuất. Trong tin nhắn gửi về cho tôi, nó nói sẽ thử thêm một lần nữa nhưng kết quả chỉ là đoạn video trên mạng xã hội. Từ đó mọi liên lạc giữa tôi với nó đều không có hồi âm”.

Trước tình cảnh này, ông Rekaut Rachid, chú của Sabah sống ở London, Anh quốc đã thực hiện 3 chuyến đi đến Ba Lan để tìm kiếm Sabah vì bà Kafya Rachid không thể xin được thị thực vào EU. Ông Rekaut Rachid nói: “Tôi tin rằng chính quyền Ba Lan đã che giấu sự thật khi họ trả lời tôi rằng người thanh niên trong video là người Ai Cập. Theo suy nghĩ của tôi, hoặc là cháu tôi đã chết, hoặc đang ở tù nhưng nếu nó ở tù, tại sao họ lại không cho tôi biết còn nếu đã chết thì vì sao nó chết và đã được chôn ở đâu?”.

2. Cách Tây Ban Nha 2.183km tính theo đường thẳng là thành phố Alexandroupolis,  Hy Lạp, một trong những điểm đến của di dân nếu xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ. Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp chỉ cách nhau bằng con sông Evros nên di dân thường vượt sông bằng những thuyền nhỏ. Đại úy Prokop thuộc lực lượng biên phòng Hy Lạp cho biết sông Evros có rất nhiều bãi bồi và những thân cây mọc chìm dưới nước. Nếu không phải là người địa phương thì thuyền rất dễ bị dòng nước siết đẩy vào những cái bẫy này: “Hồi cuối tháng 10, chúng tôi vớt được 40 xác di dân chết đuối vì lật thuyền. Thi thể của họ vẫn để trong 2 container đông lạnh bên ngoài bệnh viện thành phố Alexandroupolis. Việc xác định danh tính rất khó khăn. Đến nay, chúng tôi mới chỉ biết được họ tên của 4 người”. Giáo sư Pavlos Pavlidis, chuyên gia pháp y Bệnh viện Alexandroupolis nói: “Ngoài việc xác định nguyên nhân gây chết, thu thập mẫu DNA, thống kê đồ vật, tư trang của từng người, chúng tôi còn đề nghị chính quyền quy tập họ về một nơi để sau này thân nhân họ có thể tìm ra phần mộ”. 

Thế nhưng ở Lampedusa, là đảo lớn nhất trong quần đảo Pelagie, Italia, thi thể của những di dân lại không có được sự may mắn như ở Alexandroupolis. Salvatore Vella, công tố viên trưởng Sicilia, người đứng đầu các cuộc điều tra về các vụ đắm tàu của di dân cho biết: “Ở đây không có nhà xác và cũng không có phương tiện giữ lạnh. Sau khi cho vào túi nylon, thi thể được chuyển đến Sicily rồi chôn cất rải rác ở từng thị trấn tùy vào diện tích đất mà họ có thể cung cấp. Vì thế, các huyệt mộ chỉ được đánh số thứ tự. Việc xác định danh tính từng người là không thể”.

Vẫn theo ông Salvatore Vella, 49 di dân khởi hành từ Bắc Phi đến châu Âu trên chiếc tàu có tên Abdelkader. Trên tàu, vài thanh niên đã quay phim ăn mừng khi nhìn thấy bờ biển Italy nhưng chỉ mấy phút sau, đoạn video do họ quay cho thấy chiếc thuyền bị lật úp khiến 27 người chết đuối, nâng con số di dân chết ở bờ biển Italy trong cả năm 2023 là hơn 1.000 người. Việc trục vớt các xác tàu để lấy thi thể rồi sau đó, sắp xếp 30.000 mảnh xương của hơn 1.000 người thành những bộ phận có thể nhận dạng đã tiêu tốn 9,5 triệu euro nhưng cũng chỉ biết được danh tính 528 người, và chỉ 6 người được cấp giấy chứng tử. Số còn lại phải chôn trong những ngôi mộ vô danh. Ông Filippo Furri, nhà nhân chủng học trực tiếp giám định tử thi nói: “Đó không chỉ khó khăn về mặt kỹ thuật mà còn là vấn đề chính trị. Nếu tính cả thân nhân của những người chết thì hàng trăm nghìn người ở nhiều nơi trên thế giới sẽ bị ám ảnh bởi câu hỏi người thân của mình đang ở đâu, có được đối xử tôn trọng khi chôn cất? Chúng ta có nghĩa vụ mai táng người chết một cách đàng hoàng đồng thời cũng phải trả lời cho thân nhân họ vì sao họ chết”.

Tuy nhiên đến nay, việc này diễn ra rất chậm chạp, bất chấp nghị quyết của Nghị viện EU về vấn đề xác định danh tích của di dân tử vong bởi lẽ EU vẫn chưa có quy tắc chung về những thông tin nào nên được thu thập, cũng như chưa có nơi tập trung để lưu trữ những thông tin ấy. Ông Filippo Furri nói: “Quyền và phẩm giá của người tị nạn, người di cư phải được giải quyết cùng với việc thanh toán nạn buôn người nhưng đáng buồn thay, trọng tâm chính trị là truy bắt những kẻ buôn người hơn là tìm ra danh tính nạn nhân của chúng”.

Những nấm mồ vô chủ trên đường tìm “miền đất hứa” -0
Danh tính của di dân xấu số ở nghĩa trang Sidiro chỉ là những hòn đá.

3. Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, 3 tháng đầu năm 2023 là thời điểm nguy hiểm nhất đối với những người cố gắng vượt Địa Trung Hải vì số lượng tàu thuyền chở di dân bị đắm trên biển ngày càng tăng. Thi thể bao gồm cả trẻ em và phụ nữ mang thai thường xuất hiện trên các bãi biển ở Tunisia sau những đợt thủy triều. Một phúc trình của tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Tunisia cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 1.100 thi thể đã được tìm thấy chỉ riêng ở khu vực Sfax. Các đám tang được tổ chức hầu như hàng ngày để giảm bớt áp lực vì hầu hết nhà xác địa phương đã vượt quá sức chứa cũng như quỹ đất ở nhiều nghĩa trang thành phố đã cạn kiệt. Thống đốc khu vực Sfax nói: “Các nhân viên điều tra Tunisia thực hiện khám nghiệm tử thi của những di dân nhằm mục đích xác định nguyên nhân cái chết chứ không phải tìm hiểu danh tính của nạn nhân vì họ không có nghĩa vụ này”. Điều đó đồng nghĩa với việc người chết sẽ được chôn và người chôn “không quan tâm đến ai là ai”.

Với Hội Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC), từ năm 2013 đến nay, tổ chức này đã nhận được 165.000 đơn đề nghị cung cấp thông tin về nhân thân của những người mất tích trên đường di cư, đa số gửi từ Afghanistan, Iraq, Somalia, Guinea, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Syria, Venezuela, Honduras, Sudan… nhưng chỉ có 285 đơn được xử lý thành công. Ông Williams Corburn, thành viên điều hành ICRC khu vực Tây Phi nói: “Một trong những trường hợp mà chúng tôi xác định được danh tính là nhờ nạn nhân mang theo một số vật dụng trên người, như Oussama Tayeb 24 tuổi chẳng hạn…”.

Là thợ hớt tóc, Oussama Tayeb cùng 22 người khác xuất phát từ phía Tây Bắc Algeria lúc 8 giờ tối lễ Giáng sinh 2022. Họ đã chung nhau trả tiền cho kẻ tổ chức với hy vọng chiếc thuyền của hắn sẽ đưa họ vào Tây Ban Nha nhưng đến ngày 9/2/2023, hải quân Tây Ban Nha phát hiện chiếc thuyền trôi dạt trên biển. Kết quả kiểm tra cho thấy trên thuyền có 19 tử thi, tất cả chết vì đói và mất nước. Trong một tử thi, cảnh sát thấy trên cổ là sợi dây chuyền bằng kim loại màu trắng cùng các vật trang trí là mấy cây kéo và một chiếc lược chải đầu bé tí.

Sau khi chôn cất, sợi dây chuyền của Oussama Tayeb được lưu trữ ở Almería rồi được chụp hình đưa lên mạng. Abdallah, anh họ của Oussama Tayeb, người đã sống ở Madrid, Tây Ban Nha gần 10 năm nói: “Khi nhận được tin gia đình cho biết Oussama Tayeb đã lên đường đi Tây Ban Nha nhưng hơn nửa năm mà không thấy tin tức, tôi vào trang web của cảnh sát thì thấy kỷ vật của em tôi. Lúc đến Sở Cảnh sát Almería, tôi mới biết em tôi đã chết và đã được chôn nhưng tôi không biết nó nằm trong ngôi mộ nào. Lẽ ra sau khi chụp hình, họ đeo lại cho em tôi sợi dây chuyền thì việc tìm kiếm có lẽ sẽ dễ dàng hơn”.

Bây giờ, trong hơn 600 ngôi mộ ở nghĩa trang Almería, thi thể của Oussama Tayeb đang nằm ở đâu đó! Và cũng như những ngôi mộ vô danh khác ở nghĩa trang Sidiro, Hy Lạp, nghĩa trang Lampedusa, Italia, nghĩa trang Calais, Pháp, nghĩa trang Aguimes, Tây Ban Nha…, rất nhiều những con người xấu số chỉ được định danh bằng những hòn đá, những cành sồi, những con số hoặc tử tế hơn là một cây thập giá làm từ gỗ thông. Thời gian rồi sẽ cuốn trôi dấu tích nhưng trong tâm khảm những người thân của họ, chỉ đến khi nhắm mắt mới có thể xóa  nhòa…

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.