Những nhân vật lịch sử của tình báo Mỹ

Chủ Nhật, 07/07/2024, 20:35

Năm 1997, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khánh thành Trung tâm hội nghị liên lạc mới (LCC) bao gồm 3 phòng họp, đầy đủ trang thiết bị dùng để tiếp đón các liên lạc viên hải ngoại. Các quan chức quyết định lấy tên của 3 nhân vật nổi tiếng có liên quan đến hoạt động tình báo (thu thập tình báo nước ngoài, phản gián, và hoạt động mật thời đầu nước Mỹ) để đặt tên cho 3 phòng họp. Ba nhân vật đó là Tổng thống George Washington, Chánh án John Jay, và nhà bác học Benjamin Franklin.

George Washington: Giám đốc tình báo đầu tiên

Vai trò giám đốc tình báo của Tổng thống George Washington ít được chú ý hơn so với vô số chiến công mà ông đã đạt được trong cương vị thủ lĩnh chính trị, quân sự. Năm 1753, trải nghiệm thu thập tình báo đầu tiên đã đến với Washington, khi đó ông tròn 21 tuổi. Chính quyền thuộc địa Anh biệt phái Washington đến lãnh thổ Ohio nhằm thu thập thông tin về khả năng quân sự của Pháp. Washington nhận được chỉ thị phải theo dõi các pháo đài, sức mạnh quân đội cùng nhận diện ý đồ và kế hoạch của Pháp để ứng phó với sự bành trướng của thực dân Anh vào Ohio.

Một trong những việc mà Washington đã làm rất tốt là tạo ra bầu không khí thân mật trong những buổi tiệc tùng với các quan thầy Pháp nhằm moi thông tin tình báo giá trị. Khi chỉ huy của mình là Tướng Edward Braddock thất bại vì không chịu thu thập tình báo về kẻ thù trong Chiến tranh Pháp - Ấn (1754-1763), Washington đã viết: “Không gì thiết thực bằng tình báo tốt nhằm làm nản lòng kẻ thù”.

Những nhân vật lịch sử của tình báo Mỹ -0
George Washington - Tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Trong chiến tranh cách mạng, Washington chi hơn 10% ngân sách quân sự cho các hoạt động tình báo. Ngày 2/7/1775, sau 2 tuần nắm quyền chỉ huy Lục quân Lục địa, Washington đã chi tiêu gói ngân sách 333 USD đầu tiên cho thu thập tình báo, số tiền này được trả cho một sĩ quan chưa xác định danh tính đi công tác đến Boston để thành lập mạng lưới các điệp viên nhằm thu thập tình báo về ý đồ và động thái của địch. Một năm sau đó, Washington thành lập một đơn vị có tên Biệt kích Knowlton’s đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá Thomas Knowlton, nhằm tiến hành các hoạt động trinh sát và đột kích vào các cơ sở của người Anh.

Biệt kích Knowlton’s là tổ chức tình báo quân đội đầu tiên của Mỹ hoặc là tổ tiên của biệt kích Mỹ hiện đại, Đặc nhiệm và Lực lượng Delta. Ngoài việc quản lý vô số điệp viên xung quanh các địa điểm của lực lượng Anh, Washington còn điều hành nhiều mạng lưới điệp viên bên trong các thuộc địa do người Anh kiểm soát ở New York City và Philadelphia.

Sau khi người Anh kiểm soát New York City vào mùa thu 1776, Washington đã chỉ đạo trực tiếp các điệp viên ở đây, cụ thể là vòng gián điệp Culper ước độ 20 người. Culper được thành lập năm 1778 được quản lý bởi Thiếu tá Benjamin Tallmadge thuộc Đội kỵ binh ánh sáng Connecticut số 2, người hoạt động từ một tiền đồn trên dòng Hudson. Mạng gián điệp Culper là chuyên nghiệp nhất trong số các mạng gián điệp của Washington, nó sử dụng tên mã, chữ bí mật, thông tin liên lạc được mã hóa, giao liên, thùng thư, địa điểm tín hiệu và các yêu cầu thu thập cụ thể.

Phần tình báo quan trọng nhất tại Culper đã diễn ra vào tháng 7/1780. Một nữ điệp viên có bí danh “Lệnh bà” báo cáo rằng Tướng Anh, Sir Henry Clinton, quyết định đốc thúc binh sĩ Anh từ New York City vượt biển đến Newport, Rhode Island để tấn công binh lực Pháp dưới sự chỉ huy của Tướng Rochambeau, vừa đến.

Quân Pháp đi mất 2 tháng trên biển, và Tướng Henry Clinton muốn tấn công địch khi họ chưa kịp hồi phục. Washington nhận tình báo vào buổi chiều 21/7 và ngay tức khắc lập kế hoạch tấn công giả định vào New York City, ông cho người đi phao tin khắp nơi khiến địch hoang mang. Cho rằng quân Mỹ sắp sửa tấn công, Tướng Henry Clinton liền triệu hồi lui binh (khi đó quân Anh đang trên biển) nhằm tăng cường sức mạnh cho việc phòng thủ thành phố. Tin tình báo của “Lệnh bà” và chiêu lừa bịp của Washington đã giúp quân Pháp thoát khỏi một bàn thua trông thấy, và liền đó họ đã gia nhập quân đội Mỹ.

Mặt khác, Washington cũng điều hành một số mạng lưới gián điệp tại thuộc địa Philadelphia do Anh chiếm đóng. Thiếu tá John Clark là người quản lý các mạng lưới này, các điệp viên thường lấy bí danh là “Lão bà” hoặc “nông dân”. Lydia Darragh là một điệp viên đơn độc, bà nhờ các thành viên trong gia đình mình chuyển tình báo về cho Washington. Có một mục trong tài khoản chi tiêu chính thức của Washington đề ngày 18/6/1778, liệt kê số tiền 6.170 USD cho các hoạt động mật ở Philadelphia. 

John Jay: Giám đốc phản gián đầu tiên

Thuở bắt đầu Chiến tranh cách mạng, những nỗ lực phản gián Mỹ thường tập trung vào việc phát hiện và bắt giữ các cảm tình viên Tories và Tory, mà nhất là những người bị coi là chủ mưu hoặc gián điệp tiềm tàng. Rất nhiều người ủng hộ vương quyền ở các thuộc địa Mỹ. Không đầy 1/3 dân số tỏ ra tích cực ủng hộ việc giành độc lập. Có một thực tế là số người thuộc địa phục vụ trong quân đội Anh nhiều hơn so với những người trong quân đội Mỹ.

Cuộc phiêu lưu đầu tiên của Chánh án tương lai John Jay vào lĩnh vực phản gián đã diễn ra vào mùa hè 1776. Ông đã chủ trì một ủy ban lập pháp điều tra một âm mưu của chủ nghĩa Tory tuyển dụng người để phá hoại các mục tiêu cơ sở hạ tầng và quốc phòng ở New York City và những khu vực lân cận để dọn đường cho sự chiếm đóng của người Anh.

Âm mưu được chỉ đạo bởi Thống đốc New York của Hoàng gia Anh là ngài William Tryon, cùng thị trưởng New York City là ngài David Matthews. Nỗ lực chiêu nạp của người Anh thậm chí còn vươn tới cả các vệ sĩ riêng của George Washington; mục tiêu là bắt sống hoặc thủ tiêu nhà lãnh đạo Mỹ. Cuộc điều tra do chánh án John Jay đứng đầu vào tháng 6/1776 đã vạch trần toàn bộ âm mưu. Một trong những cận vệ của Washington là Thomas Hickey bị hành quyết vì có liên quan. Nhiều kẻ âm mưu khác bị bắt, còn thị trưởng Matthews bị bỏ tù.

Thống đốc Tryon tránh bị bắt bằng cách cư trú trên chiến hạm Anh “Duchess of Gordon” ở hải cảng New York. Từ việc khám phá ra âm mưu này đã khiến người Mỹ tăng cường phát triển một chương trình phản gián lớn và tốt hơn trước, tập trung vào khu vực chiến lược Thung lũng Hudson ở phía Bắc New York.

Khi đó người Anh đã tấn công Thung lũng Hudson. Các lực lượng của Tướng Sir Henry Clinton đã tiếp quản New York City vào mùa Thu 1776 sau khi ngài Clinton khởi động chiến dịch chiêu nạp các cảm tình viên với Tory trong khu vực quanh thành phố.  Ông đề nghị đất đai và tiền bạc cho những người thuộc địa sẵn sàng gia nhập các lực lượng Anh, hoặc làm gián điệp trong khu vực tranh chấp dọc theo sông Hudson, cung cấp thông tin về các hoạt động của người Mỹ. Những nỗ lực phản gián Mỹ chống lại các hoạt động của Tory dưới sự bảo trợ của “Ủy ban phát hiện và đánh bại các âm mưu của tiểu bang New York” vốn do John Jay cầm trịch cho mãi tới giữa tháng 2/1777.

Khi đảm nhiệm chức vụ này, ông Jay đã tiến hành hàng trăm cuộc điều tra phản gián, bắt giữ và xét xử. Phần lớn các nghi phạm là doanh nhân và chính trị gia có tầm ảnh hưởng, có quan hệ lâu dài với Hoàng gia Anh. Tháng 5/1777, ông Jay đã đề xuất thành lập các tòa án dân sự nhằm xử lý những trường hợp phản quốc. Tuy vậy, sau đó, các tòa án binh Mỹ dần dần tiếp quản xử lý những vụ án này.

Jay đã thuê ít nhất 10 nhân viên phản gián nhằm thực hiện các cuộc điều tra của mình. Trong số họ có những cái tên nổi tiếng như Nathaniel Sackett, Elijah Hunter và Enoch Crosby. Elijah Hunter là điệp viên yêu thích của John Jay. Ông Hunter giám sát một mạng lưới các điệp viên phản gián hoạt động trong khu vực Fishkill, sau đó ông trở thành điệp viên kép hoạt động cho phía Mỹ ở New York City. Hay Enoch Crosby có lẽ là điệp viên nổi tiếng và thành công nhất của John Jay.

Từ tháng 8/1776 đến mùa xuân 1777, Crosby (một thợ đóng giày) đã làm việc cho John Jay tại khu vực Fishkill. Trong thời gian này, Crosby đã tham gia nhiều nhóm Tory khác nhau, thu thập bằng chứng về những hoạt động thân Anh của họ, rồi sau đó chuyển cho Jay những thông tin cần thiết để tiến tới bắt giữ và kết án những người này. Crosby dùng nhiều bí danh như John Brown, John Smith, Levi Foster và Jacob Brown, và thường nhanh chân đào tẩu sau khi một nhóm Tory bị bắt.

Những nhiệm vụ của Crosby thập phần nguy hiểm: ông có nguy cơ bị giết bởi các Tory nếu bị vạch mặt là điệp viên Mỹ, hoặc vô tình trở thành bị hại khi bị bắt chung với các Tory. Ngoài công việc phản gián của mình, John Jay còn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quyền của cơ quan hành pháp nhằm tiến hành những hoạt động tình báo trong bí mật.

Những nhân vật lịch sử của tình báo Mỹ -0
John Jay - cha đẻ của lực lượng phản gián Mỹ.

Benjamin Franklin: Bậc thầy về hoạt động mật

Benjamin Franklin có lẽ là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong vai trò lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ. Một thời gian dài trước khi chiến tranh bắt đầu, Franklin được các thuộc địa Châu Âu công nhận là nhà khoa học xuất chúng, nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm, nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, và là một công chức tài năng. Khi Franklin trở thành người đứng đầu Ủy ban Mỹ ở Paris vào tháng 12/1776, ông liền bắt đầu mối giao hảo với chính phủ Pháp với mục tiêu thật sự là đạt được sự nhất trí của Pháp về việc liên minh quân sự chống lại Anh.

Trong vai trò đại diện công chúng của mình với tư cách là đặc phái viên của nước Mỹ, Franklin đã nỗ lực để thể hiện những đặc điểm bề ngoài về lòng trung thực, lòng vị tha và lẽ phải mà nhờ đó ông được nhiều người ngưỡng mộ. Quần áo và phong cách của Franklin đã củng cố hình ảnh một người Mỹ thân thiện, khiêm tốn và cần cù - tương phản hoàn toàn với hình ảnh người Anh trong mắt nhiều người nếu không muốn nói là người Pháp thời bấy giờ.

Trong những giao dịch riêng tư và với những cá nhân Pháp có tầm ảnh hưởng, Franklin tỏ ra hết sức duyên dáng và tinh tế trong việc vận động hành lang vì chính nghĩa của nước Mỹ. Ông dùng trí tuệ và sự hài hước của mình để thiết lập tình hữu nghị và xây dựng được sự ủng hộ ngay trong chính phủ Pháp đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của Hoa Kỳ. Franklin rất giỏi trong việc thao túng nhận thức của người Pháp về nước Mỹ.

Trong nhiều trường hợp, Franklin đã có thể thuyết phục giới chức Pháp không cắt giảm viện trợ bí mật hoặc phong tỏa tàu Mỹ sử dụng các cảng của Pháp trong sự biểu tình và đe dọa của người Anh do Bộ trưởng của Anh ở Paris truyền tải. Từ khả năng thao túng nhận thức của Franklin mà đã thuyết phục giới lãnh đạo Pháp rằng ông đang xem xét một cách nghiêm túc những đề xuất hòa bình của Anh, và đến ngày 7/1/1778, Hội đồng Hoàng gia Pháp đã quyết định đàm phán về một liên minh tấn công và phòng thủ cũng như một hiệp ước thương mại và thân thiện với Mỹ.

Trong tư cách nhà tuyên truyền, Franklin đã cố tình gây bất mãn trong số lính đánh thuê từ nước Đức đang phục vụ trong các lực lượng Anh ở Mỹ, và vạch trần những vi phạm nhân quyền của Anh đối với người Mỹ. Trong lĩnh vực hoạt động bán quân sự, Franklin đã điều phối nỗ lực của hàng chục các nhóm cướp biển hoạt động ngoài các cảng của Pháp và hải cảng Châu Âu khác chống lại tàu bè Anh. Ông thuyết phục chính phủ Pháp phớt lờ nghĩa vụ trung lập đối với những hoạt động này, và đàm phán một thỏa thuận mật cho phép nhóm hải tặc bán các tàu và hàng hóa Anh do họ bắt được cho thương nhân Pháp.

Franklin cũng thành lập một hệ thống cảng Mỹ để xử lý việc tái cung cấp, tuyển dụng thuyền viên, xử lý hàng hóa và tàu bị bắt giữ. Mạng lưới này được gọi là “Hải quân của Franklin” đã tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, quân sự và tâm lý cho chính nghĩa của Mỹ. Tiền thu được từ những hoạt động này đã được Mỹ dùng để mua vật tư quân sự và tàu bè Châu Âu để dùng cho hải quân thuộc địa, đồng thời tái trang bị những tàu bị bắt giữ.

Trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, những cuộc tấn công thường xuyên của cướp biển nhắm vào tàu hàng Anh đã làm leo thang chi phí bảo hiểm hàng hải, khiến cho việc kinh doanh ít lời hơn đối với tầng lớp thương gia Anh có ảnh hưởng về mặt chính trị. Những cuộc tấn công này cũng khiến cuộc chiến ở Bắc Mỹ trở nên hiện thực hơn trong mắt công chúng Anh. Chưa hết, Franklin còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc tấn công quân sự duy nhất của Mỹ vào quần đảo Anh trong thời kỳ chiến tranh cách mạng.

Tháng 4/1778, Đại úy John Paul Jones (một trong những anh hùng hải quân Mỹ nổi tiếng nhất) đã đột kích vào hải cảng Whitehaven (Anh). Franklin và Jones lên kế hoạch thiêu rụi hàng trăm con tàu đang neo đậu trong cảng. Tuy nhiên khi những kẻ tấn công lên tàu thì bất ngờ xảy ra tình hình ngoài ý muốn khiến họ vội vã rút lui sau khi đốt cháy 1 tàu và vãi vài phát đại bác. Người Anh sau đó báo cáo rằng thiệt hại chỉ dao động từ 250 bảng Anh đến 300 bảng Anh.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.