Nội chiến Mozambique tiềm ẩn mối họa quốc tế

Thứ Bảy, 18/12/2021, 21:42

Ngay cả sau khi Mozambique giành được độc lập từ tay Bồ Đào Nha vào năm 1974, đất nước này vẫn là “bãi chiến trường” cho các thế lực ngoại quốc. Cuộc chiến đang diễn ra tại tỉnh Cabo Delgado của Mozambique cũng không phải là ngoại lệ.

Sự can thiệp của các thế lực nước ngoài vào cuộc nội chiến này đang  ngày càng công khai và mạnh bạo hơn. Chính quyền các nước có liên quan không thể ngờ rằng họ đang biến chiến tranh Mozambique thành một vấn đề có khả năng đe dọa sự ổn địch của toàn khu vực Đông Phi.

Không còn là nội chiến

Năm 1992, nội chiến Mozambique kết thúc. Nhưng đất nước này chưa được yên ổn một ngày kể từ khi đó. Hai đảng FRELIMO và RENAMO liên tục đấu tranh trên đài chính trị. Trong khi quân đội sử dụng quyền lực của mình để “ngáng đường” chính phủ dân sự. Mạng lưới an ninh của Mozambique rất lỏng lẻo và chỉ quản lý được các khu đô thị. Điều này đã “tiếp tay” cho những đối tượng Hồi giáo cực đoan nổi dậy tại tỉnh Cabo Delgado.

Từng có thời Aboud Rogo là vị imam (thầy tư tế Hồi giáo) quyền lực nhất vùng Đông Phi. Ông này là người lập nên phong trào tôn giáo Ahlu Sunnah Wa-Jamo đòi chính phủ thế tục các nước trong khu vực từ bỏ quyền lực, đồng thời biến quốc gia trở thành một nước Hồi giáo được lãnh đạo bởi những vị chức sắc tôn giáo theo bộ luật Sharia cổ. Chính phủ Mozambique luôn để mắt đến Aboud Rago không chỉ vì tư tưởng cực đoan mà còn bởi ông ta có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Shabaab ở Somalia.

Nội chiến Mozambique tiềm ẩn mối họa quốc tế -0
Tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga đem đến Mozambique ba trực thăng tấn công.

Aboud Rogo và gia đình đã sống nhiều năm ở thủ đô Mombasa của Kenya. Năm 2012, ông ta cùng người vợ đang ngồi trên xe ôtô thì bị một kẻ bịt mặt bắn chết. Vụ ám sát “châm ngòi” cho hàng loạt các cuộc biểu tình tại các nước Đông Phi. Ba năm sau, những tín đồ trung thành nhất tại Mozambique thành lập nhóm phiến quân Ansar al-Sunna với mục đích biến tham vọng của Aboud Rogo thành hiện thực.

Ansar al-Sunna thành lập một nhà nước ly khai tại Cabo Delgado. Phương thức hoạt động chính của nhóm phiến quân này là khủng bố. Họ thường xuyên tấn công bệnh viện, trường học, các cơ sở tôn giáo của đạo Thiên Chúa và các tín ngưỡng địa phương. Sự bạo tàn của Ansar al-Sunna khó mà kể hết. Theo điều tra của Quỹ Save the Children của Anh, nhóm phiến quân phải chịu trách nhiệm về 218 vụ chặt đầu thanh thiếu niên, trong đó nạn nhân trẻ nhất chỉ mới 11 tuổi. Vì sự khủng bố của Ansar al-Sunna mà 800.000 người Mozambique đã phải bỏ nhà chạy loạn.

Ansar al-Sunna có mối quan hệ chặt chẽ với các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Tổ chức này nhận viện trợ về tiền và vũ khí từ các tín đồ của Aboud Rogo ở nước ngoài. Họ thuê những tay súng IS và al-Shabbab từ Somalia, Tanzania và Kenya để huấn luyện cho phiến quân ở Mozambique. Những thành viên mới sau khi hoàn thành khoá huấn luyện này sẽ được gửi sang Syria và Libya làm quân tình nguyện hỗ trợ đồng minh của Ansar al-Sunna. Đây là cách để tổ chức này vừa củng cố khối liên minh, vừa trang bị kinh nghiệm thực chiến cho quân mình.

Về phần mình, Chính phủ Mozambiqe cầu viện đến các nước láng giềng cùng với khối NATO. Hơn 3.100 lính từ các nước Châu Phi, Châu Âu và Mỹ đang được triển khai tại Mozambique để hỗ trợ quân chính phủ. Mới đây, Liên minh Châu Âu (EU) đã gửi thêm 1.100 quân đến Mozambique nhằm mục đích huấn luyện lực lượng phản ứng nhanh Mozambique.

Nội chiến Mozambique tiềm ẩn mối họa quốc tế -0
Người dân Mozambique chạy loạn.

Tổng tư lệnh quân đội Mozambique Joachim Mangrasse nói với báo chí: “Các sỹ quan Châu Âu sẽ ở lại Mozambique hai năm để hoàn thành nhiệm vụ. Họ sẽ đóng góp một phần quan trọng cho sự ổn định của Mozambique nói riêng và khu vực Đông Phi nói chung… Ngoài sỹ quan cố vấn, EU sẽ hỗ trợ cho quân đội Mozambique về mặt vũ khí không gây sát thương”.

Trong khi binh lính Châu Âu chủ yếu nhận nhiệm vụ bảo vệ và huấn luyện, các đơn vị từ những nước Châu Phi trực tiếp tham chiến ở Mozambique. Rwanda là nước Châu Phi đầu tiên gửi quân đến Mozambique. Họ phái 2.000 quân nhân, nhiều hơn nước thứ hai là Nam Phi với 1.500 quân. Ngoài ra còn có Botswana (296 quân), Tanzania (277 quân) và Lesotho (70 quân). Zimbabwe và Malawi mỗi nước chỉ cử một cố vấn quân sự cấp cao.

Lực lượng lính đánh thuê tại Mozambique cũng rất đáng kể. Tập đoàn quân sự Wagner (Nga) khét tiếng đã tham gia cuộc nội chiến Mozambique kể từ tháng 9- 2019. Họ hợp đồng với chính phủ 200 lính đánh thuê, ba trực thăng chiến đấu hạng nặng và một số lượng không rõ các loại phương tiện quân sự cùng máy bay điều khiển từ xa.

Công ty Dyck Advisor đặt trụ sở ở Nam Phi gửi 40 lính và sáu trực thăng chiến đấu hạng nhẹ đến Mozambique. Một công ty quân sự Nam Phi khác là Paramount hiện có bốn trực thăng Gazelle, hai trực thăng Mi-24, một máy bay do thám Mwari và 12 xe bọc thép Marauder thực hiện nhiệm vụ tại Mozambique. Những đơn vị lính đánh thuê tinh nhuệ chuyên thực hiện các nhiệm vụ đột kích nhằm tiêu diệt yếu nhân và phá hoại cơ sở hạ tầng của kẻ địch.

Chiến tranh và kinh tế

Tại sao EU, Liên minh Châu Phi (AU) và Cộng đồng Phát triển miền Nam Châu Phi (SADC) lại gửi quân đến Mozambique? Câu trả lời không chỉ đơn giản là giữ ổn định cho khu vực. Chuyên gia phân tích chính trị Kudzai Chimhangwa viết trên tờ The Daily Mail như sau: “Cabo Delgado nói riêng và Mozambique nói chung sở hữu những mỏ khí tự nhiên có trữ lượng bậc nhất Châu Phi. Rất nhiều thế lực quốc tế đã đổ nhiều triệu USD vào khu vực này. Chắc chắn chính phủ nhiều nước sẽ muốn bảo vệ những khoản đầu tư của mình bằng cách phái quân đến Mozambique”.

Nội chiến Mozambique tiềm ẩn mối họa quốc tế -0
Một người lính Rwanda tại Mozambique.

Mỏ khí tự nhiên đầu tiên ở Mozambique được phát hiện vào năm 2010 tại vùng lòng chảo Rovuma, ngoài khơi biển Ấn Độ Dương. Kể từ đó đến nay lần lượt các tập đoàn năng lượng từ Mỹ, Châu Âu và Nga đã đến thăm dò và khai thác ở khu vực này. Những mỏ khí đốt là nơi tập trung nhiều quân đội nước ngoài nhất, ví dụ như một mỏ gần thành phố Mocímboa da Praia có đến hơn 50 lính Pháp. Vào đầu năm nay quân nổi dậy đã tấn công vào cơ sở trị giá 60 tỷ USD này và cướp đi nhiều tài sản, máy móc đắt tiền. Sau vụ tấn công, Total đã tuyên bố đóng cửa khu mỏ và đưa toàn bộ đội ngũ nhân viên về Pháp.

Bản thân cuộc nội chiến Mozambique cũng xuất phát từ những lý do kinh tế. Nền kinh tế gặp khủng hoảng khiến nhiều thanh niên Mozambique thất nghiệp. Hai cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nền nhất là các bộ tộc Mwani và Makwa ở Cabo Delgado. Ansar al-Sunna hứa hẹn những thanh niên này cơ hội được lật đổ chế độ Mozambique đầy bất bình đẳng và lập nên một nhà nước Hồi giáo mới công bằng hơn.

Mặt khác phiến quân cũng biết cách “lấy lòng” người dân địa phương. Nhà hoạt động Ilam Rawoot giải thích: “Ansar al-Sunna không chỉ làm mỗi việc gieo rắc sự sợ hãi. Họ còn tổ chức tiếp tế lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho người dân nông thôn. Số tiền để làm việc này được lấy từ việc đi cướp các cơ sở chính phủ và tư nhân nước ngoài, buôn bán heroin và săn voi lấy ngà. Bằng cách đảm nhận những chức năng của chính phủ, Ansar al-Sunna đang gây dựng “thế trận lòng dân” mà quân đội khó phá vỡ được”.

Hiểm họa tiềm ẩn

Nội chiến Mozambique hiện khó đi đến hồi kết. Chuyên gia về Mozambique Borges Nhamirre trả lời hãng tin AP: “Nhiều quan chức và lãnh đạo quân đội Mozambique vẫn lầm tưởng rằng có thể đánh bại quân nổi dậy trong một cuộc chiến thông thường. Sự thật là Ansar al-Sunna không phải một đội quân thông thường. Họ có sáu thủ lĩnh cao nhất là Abdul Faizal, Abdul Raim, Abdul Remane, Ibn Omar, “Salimo”, và Nuno Remane. Mỗi người họ lại chỉ huy một toán quân khác nhau hoạt động độc lập. Quân chính phủ đánh tới đâu, họ rút tới đấy rồi chờ thời cơ để phản công. Cuộc chiến cứ ở thế giằng co như thế này chưa biết bao giờ kết thúc”.

Nội chiến Mozambique tiềm ẩn mối họa quốc tế -0
Lính Nam Phi tham chiến tại Mozambique.

Cũng như mọi cuộc chiến khác, “chìa khoá thành công” cho nội chiến Mozambique là người dân. Chính phủ chỉ có thể giành chiến thắng nếu như họ chứng tỏ được vai trò lãnh đạo của mình đối với nhân dân vùng chiến sự, từ đó khiến Ansar al-Sunna không còn chỗ dựa. Đây là cả một quá trình khó khăn sau nhiều năm liền chính quyền các cấp khiến người dân thất vọng vì nền kinh tế kiệt quệ và tình trạng tham nhũng tràn lan.

Trong trường hợp chính phủ Mozambique không sớm giải quyết được cuộc chiến, hậu quả đối với khu vực Đông Phi sẽ là rất lớn. Trong những năm gần đây các nhóm phiến quân Hồi giáo đã mạnh lên nhiều, một phần vì tình hình khu vực có nhiều bất ổn, mặt khác vì chính phủ các quốc gia tiếp tục thất bại trong nhiệm vụ cầm quyền. Việc Mozambique trở thành một “cứ địa” mới của phiến quân quả thật vô cùng nguy hiểm. Cabo Delgado sở hữu nguồn khí tự nhiên dồi dào và quan trọng hơn là hải cảng để các nhóm nổi dậy xuất khẩu khí đốt và nhập về vũ khí.

Cuộc nội chiến Mozambique khởi phát từ các vấn đề kinh tế và an ninh. Và nó sẽ chỉ kết thúc khi các vấn đề này được giải quyết. Đã đến lúc chính phủ Mozambique lẫn các nước đồng minh cần phải thay đổi chiến lược của mình, nghiêm túc tiến hành việc chống tham nhũng và định hướng lại các nguồn lực của xã hội vào việc phát triển đời sống nhân dân.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.