Nữ điệp viên Đức gác lại sự nghiệp khoa học để phục vụ tổ quốc
Chỉ nửa thế kỷ sau khi thế chiến thứ nhất kết thúc, các nhà sử học mới biết đến hoạt động của nữ điệp viên Đức Elisabeth Schragmuller. Bà là người phụ nữ duy nhất trong quân đội Đức lúc bấy giờ được phong quân hàm cấp úy và trở thành giám đốc trường tình báo ở Antwerp.
30 năm sau khi bà qua đời, một số tình tiết về hoạt động tình báo của bà mới được hé lộ nhờ các cơ quan tình báo Đức giải mật một phần kho tài liệu của mình.
Giữa hòa bình và chiến tranh
Elisabeth Schragmüller là một trường hợp nổi bật trong lịch sử tình báo thế giới. Bà sinh vào tháng 3/1887 tại thành phố Westfalen trong gia đình một sĩ quan Phổ đã nghỉ hưu Carl Anton Schragmüller. Bà học hành chăm chỉ, đầu tiên là tại trường nội trú dành cho nữ sinh ở Weimar, tiếp theo là tại trường trung học nữ đầu tiên của Đức ở Karlsruhe. Sau đó, bà học ngành khoa học xã hội và chính trị tại Đại học Freiburg.
Năm 1913, Elisabeth Schragmüller trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên ở Đức nhận bằng tiến sĩ triết học và đang chuẩn bị cống hiến cho hoạt động khoa học và giảng dạy. Tuy nhiên, kế hoạch của bà bị đổ vỡ do chiến tranh bùng nổ. Bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, Elisabeth sẵn sàng gác lại sự nghiệp khoa học để phục vụ tổ quốc. Đồng thời, bà không muốn trở thành nữ y tá như phần đông các phụ nữ thời bấy giờ, vốn là người thông minh, có học thức, bản chất năng động và thông thạo tiếng Pháp, Elisabeth Schragmüller muốn thể hiện mình ở một lĩnh vực khác.
Sau khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Elisabeth Schragmüller đến Brussels, tại đây vào đầu mùa thu năm 1914, bà gặp Thống chế Nam tước Colmar von der Goltz, Toàn quyền Bỉ do Đức chiếm đóng. Với trí thông minh và sự tháo vát của mình, bà gây được ấn tượng tốt đối với Nam tước và ông đã tiến cử bà làm nhân viên kiểm duyệt tại Phòng VII thuộc Ban quân quản của đơn vị quân đội đồn trú ở Brussels, chuyên giải quyết các vấn đề an ninh. Nhiệm vụ của Elisabeth Schragmüller là đọc những bức thư của các quân nhân Bỉ từ mặt trận gửi về cho gia đình do quân Đức chộp được. Tuy nhiên, đây không phải điều bà mong đợi.
Sau một thời gian ngắn, những báo cáo của bà với sự phân tích kỹ lưỡng và hết sức tinh tế thư từ của lính Bỉ, khả năng khai thác thông tin mang tính chất quân sự từ các văn bản thông thường đã được ban lãnh đạo chú ý và đánh giá cao. Đầu tiên, Elisabeth Schragmüller được chuyển đến phòng điều tra chuyên thẩm vấn điệp viên của các nước Đồng minh bị bắt, sau đó bà được chuyển đến Cục Tình báo Quân đội Brussels. Ở đó, Elisabeth Schragmüller đã hoàn thành đầy đủ khóa đào tạo điệp viên mật, kể cả sử dụng vũ khí cá nhân: tìm hiểu các biểu tượng của trung đoàn, sư đoàn, quân phục và phù hiệu của đối phương; viết mật mã, mật tự, nghiên cứu địa hình học, bản đồ học và nhiều thứ khác. Elisabeth Schragmüller nhanh chóng tiếp thu các bí mật của nghề điệp viên.
Những thành công của Elisabeth Schragmüller được thượng cấp chú ý, sau đó Toàn quyền Bỉ do Đức chiếm đóng đã giới thiệu bà với Đại tá, nhà tình báo huyền thoại Walter Nicolai, Cục trưởng Cục Tình báo III b của Bộ Tổng tham mưu, đề nghị sử dụng bà vào công việc của mình.
Vì Cục Tình báo III b không chỉ là cơ quan tình báo Quân đội mà còn là cơ quan tình báo và phản gián quân sự -chính trị quốc gia, nên làm việc ở đây không chỉ các sĩ quan mà còn cả các nhân viên dân sự giỏi ngoại ngữ và am hiểu tình hình chính trị nội bộ các nước đang giao tranh với Đức. Elisabeth Schragmüller là một người trong số đó.
Đánh giá cao năng lực của Elisabeth Schragmüller, Đại tá Walter Nicolai đã nhận bảo lãnh bà. Sau một thời gian, Elisabeth Schragmüller trở thành một trong những nhân viên chủ chốt của Cục III b, bà hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ tình báo.
Thành công lớn đầu tiên của Elisabeth Schragmüller là chiến dịch ở Milan, nơi bà đã khai thác được những tài liệu mật về hệ thống công sự ở biên giới Ý - Áo. Tiếp theo là các chiến dịch tình báo ở Bỉ, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Anh và nhiều nước khác.
Vì những thành tích đó, Elisabeth Schragmüller được thăng quân hàm Trung úy, và bà trở thành một trong những người lãnh đạo của Cục Tình báo III b, chịu trách nhiệm về mạng lưới tình báo hoạt động chống Pháp. Elisabeth Schragmüller trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất của quân đội Đức lúc bấy giờ mang quân hàm sĩ quan trong Thế chiến thứ nhất.
Hiệu trưởng trường tình báo ở Antwerp
Tài năng của nữ điệp viên được đánh giá cao đến mức ban lãnh đạo quyết định chỉ cử bà đi làm nhiệm vụ tác chiến trong những trường hợp cực kỳ cần thiết. Bà được bổ nhiệm giữ chức hiệu trưởng Trường Tình báo Quân đội, đồng thời điều phối hoạt động của mạng lưới tình báo Đức ở Bỉ, Pháp, Hà Lan và một phần ở Anh.
Được thành lập vào mùa xuân năm 1915 tại Antwerp (Bỉ), ngôi trường này đã trở thành trung tâm hoạt động gián điệp của Đức. Trường được cung cấp nguồn kinh phí dồi dào và những điều kiện không giới hạn để hoạt động, đồng thời được sử dụng đội ngũ giáo viên giỏi nhất mà các cơ quan tình báo Đức có được.
Đầu tiên, các điệp viên của Elisabeth Schragmüller phát hiện và tuyển mộ những lính đào ngũ Bỉ và Pháp, chủ yếu sống ở nước trung lập Thụy Sĩ. Qua họ, tiến hành thu thập các tài liệu quân sự mà tình báo Đức có thể sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài. Các điệp viên hoạt động ở Pháp đã vượt biên giới Pháp - Thụy Sĩ qua những con đèo hiểm trở trên dãy Alps, được mệnh danh là “nóc nhà” của Châu Âu.
Trường Tình báo Antwerp còn được giao nhiệm vụ giám sát sự điều quân của các quốc gia thuộc phe Đồng minh, nghiên cứu tổ chức của họ và đánh giá số lượng quân dự bị ở hậu phương. Ban lãnh đạo quân đội và Bộ Tổng tham mưu của đế quốc Đức cũng quan tâm đến việc kẻ thù vận chuyển bằng đường biển những lực lượng dự bị nào, theo lộ trình nào và bằng các phương tiện giao thông gì. Song song, cần phải theo dõi hoạt động của các xí nghiệp quốc phòng và việc chế tạo vũ khí mới của địch.
Kỷ luật nghiêm minh và bí mật tuyệt đối
Ngay từ đầu, Trường Tình báo Antwerp đã hoạt động theo cái gọi là “phương pháp Elisabeth Schragmüller” - kỷ luật nghiêm minh, chấp hành mệnh lệnh và giữ bí mật tuyệt đối. Tất cả học viên được đưa đến trường bằng ô tô có rèm che kín cửa sổ. Mỗi học viên được dành một phòng riêng, đồng thời cũng là phòng học (học viên che kín mặt bằng khẩu trang trong khi học), phòng ăn, ngủ và “đi dạo”. Các cửa sổ hướng ra đường đều bị đóng kín và được lắp song sắt. Cửa phòng được gắn một tấm biển ghi mã số, vì tên thật của học viên được giữ bí mật.
Bằng việc học tập chăm chỉ, các học viên được quyền rời khỏi phòng (tuy nhiên vẫn bị cấm giao tiếp với nhau), và có điều kiện tìm hiểu các thiết bị của nhà trường. Trường Tình báo Antwerp sở hữu những bộ sưu tập phong phú các bản đồ, sơ đồ và hình ảnh, qua đó học viên nghiên cứu các thành phố, biển và cảng của tất cả các nước trên khắp thế giới. Ngoài ra, trường còn có các mô hình thiết bị quân sự hiện đại: các loại tàu thủy, tàu ngầm, máy bay, pháo binh dã chiến. Trường còn có một thư viện với rất nhiều tài liệu khoa học và kỹ thuật.
Thời gian học tập tăng dần, đến giữa năm 1915 là 15 tuần. Sau khi hoàn thành chương trình cơ bản, những học viên giỏi nhất chuyển sang học với Elisabeth Schragmüller. Bà tổ chức các tiết học riêng cho họ, đào tạo họ thành các nhà tình báo chuyên nghiệp. Giai đoạn cuối cùng của chương trình đào tạo mở rộng là học về mật mã và cái gọi là môn mực “vô hình” (phương pháp sản xuất và sử dụng loại mực này).
Một trong những chiến dịch thành công nhất của các điệp viên được đào tạo ở Trường Tình báo Antwerp là cung cấp cho bộ chỉ huy Đức thông tin về việc quân Đồng minh đang có kế hoạch sử dụng một loại vũ khí bí mật mới trên chiến trường - xe tăng. Elisabeth Schragmüller đã trình bày những thông tin nhận được về vấn đề này trong một số báo cáo gửi đến Tướng Erich von Falkenhayn, Tổng Tham mưu trưởng. Trong đó bà mô tả một cách tỉ mỉ loại xe tăng này và trang bị vũ khí của chúng. Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật của Bộ Tổng tham mưu gọi những báo cáo này là viển vông và không đáng quan tâm.
Sai lầm nghiêm trọng của họ trở nên rõ ràng khi lần đầu tiên quân Anh sử dụng thành công xe tăng trong trận Cambrai vào tháng 11 - tháng 12/1917. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt của Thế chiến thứ nhất. Thông tin quan trọng nhất về xe tăng được thu thập bởi một trong những nữ học viên giỏi nhất của Trường Tình báo Antwerp, Lizzie Wertheim. Về sau, bà bị quân Anh bắt, bị kết án 10 năm tù và chết trong tù.
Sau khi phát hiện ra Trường Tình báo Antwerp, các cơ quan tình báo của Pháp và Anh bắt đầu tìm mọi cách vô hiệu hóa hoạt động của nó. Mặc dù chỉ có thể nhìn thấy các học viên đến trường trong vài giây, nhưng các điệp viên Đồng minh vẫn chụp được ảnh một số người đang bước vào nhà học. Điều đó chứng tỏ đối phương đã kịp thời cài cắm điệp viên của mình vào nhà trường. Sau đây là câu chuyện về việc Elisabeth Schragmüller đích thân xử lý một học viên Bỉ, người duy nhất xâm nhập vào trường của bà. Elisabeth Schragmüller mời anh chàng người Bỉ bị nghi ngờ chơi trò hai mang vào văn phòng của bà. Sau đó, bà thông báo cho anh ta về việc Trường Tình báo Antwerp bị phát hiện và chỉ có hai người biết điều đó: anh ta và bà. Nói xong, bà rút súng lục bắn chết học viên này.
Chiến tranh kết thúc
Sau khi cùng quân đội Đức rời Bỉ, Elisabeth Schragmüller cũng từ bỏ hoạt động tình báo của mình với cấp bậc Trung úy và Huân chương “Chữ thập sắt” hạng nhất.
Trở về tổ quốc, Elisabeth Schragmüller phục hồi hoạt động khoa học của mình ở thành phố Freiburg. Trong những năm 1920, Elisabeth Schragmüller định cư ở Munich, nơi bà tiếp tục hoạt động nghiên cứu khoa học bị gián đoạn do chiến tranh. Thủ trưởng cũ của bà, Đại tá Walter Nicolai, người mà Elizabeth vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện trong thời kỳ hậu chiến, đã cố gắng kiếm cho bà một khoản lương hưu kha khá. Walter Nicolai tin rằng nếu Elisabeth Schragmüller không bị bệnh và qua đời sớm, rất có thể bà được tuyển mộ vào lực lượng tình báo quân đội và phản gián của Đế chế thứ ba.
Tuy nhiên, thật khó nói liệu điều đó có thể xảy ra không - ngày nay chúng ta không biết gì về thái độ thực sự của nữ tiến sĩ triết học đối với chế độ Đức Quốc xã.
Elisabeth Schragmüller qua đời tại Munich vào tháng 2 năm 1940 ở tuổi 53 vì bệnh lao xương.