Nữ điệp viên huyền thoại Elizaveta Zarubina
Trung tá tình báo Liên Xô Elizaveta Zarubina được đông đảo các đồng nghiệp tôn vinh và nể trọng. Chính sắc đẹp, trí thông minh, trực giác và sức lôi cuốn mạnh mẽ đã giúp bà giành được những chiến công to lớn trong sự nghiệp tình báo của mình. Là người biết 7 ngoại ngữ, có trình độ văn hóa và trí tuệ cao, bà làm việc và sống giữa vòng vây của kẻ thù, đóng vai khi thì người Ý, khi thì người Tây Ban Nha, và không một lần thất bại.
Bà đã tuyển dụng được hàng trăm điệp viên cực kỳ giá trị, trong đó có các tướng Bạch vệ, các sĩ quan cao cấp của Gestapo và các nhà vật lý giỏi nhất giữa thế kỷ XX. Elizaveta Zarubina làm quen với cha đẻ của bom nguyên tử Mỹ Robert Oppenheimer qua Kitty, vợ ông, vốn có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản (chồng đầu tiên của bà là đảng viên đảng Cộng sản Mỹ).
Cung cấp thông tin cho Elizaveta Zarubina là hai nhà vật lý Mỹ Leo Szilard và Georgy Gamov, còn ở châu Âu, cộng tác với bà là bí thư ký các đại sứ quán, phu nhân của các nhà ngoại giao, các quan chức của Bộ Ngoại giao Đức. Nhưng bà có hai cộng tác viên đặc biệt giá trị là người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại của Đức Quốc xã Walter Schellenberg và sĩ quan Gestapo Willy Lehman. Ở Liên Xô, sự khéo léo và tài năng thu phục lòng người của bà rất được coi trọng. Nhiều điệp viên thậm chí không nhận tiền - họ làm việc "vì tư tưởng". Và trong điều kiện thiếu ngoại tệ, điều này quả là “nhất cử lưỡng tiện”.
Elizaveta Zarubina tên thật là Esther Rosenzweig, sinh năm 1900 tại làng Rzhaventsi, phía bắc tỉnh Bessarabia (nay là quận Zastavna, tỉnh Chernivtsi thuộc Ukraine). Bố bà là người quản lý điền trang của địa chủ, mẹ làm nghề nội trợ. Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên được phong hàm trung tá An ninh quốc gia Liên Xô. Sức mạnh vô hình nào đã khiến bà, người từng ước mơ tốt nghiệp Đại học Sorbonne, bỏ dở việc học tập và, thấm nhuần tư tưởng tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, đã lao mình vào vòng xoáy của cuộc đấu tranh cách mạng? Họ là cả một thế hệ - những chàng trai và cô gái thích cuộc sống nguy hiểm và phiêu lưu hơn là hạnh phúc tiểu tư sản nhỏ nhen.
Năm 1924, Elizaveta Zarubina tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Vienna. Bà thông thạo tiếng Yiddish (một ngôn ngữ của người Do Thái) và tiếng Nga (bố bà là người rất yêu văn học cổ điển Nga), bà còn thông thạo tiếng Romania, Đức, Anh và Pháp. Một lần, khi tướng Bạch vệ Pavel Dyakonov, điệp viên của bà, người tự coi mình là nhà quý tộc, muốn chỉnh đốn “cô gái Liên Xô tự cao”, bèn đột nhiên nói bằng tiếng Pháp, không một chút bối rối, nữ sĩ quan tình báo, người chỉ đáng tuổi con gái vị tướng, cũng chuyển sang nói bằng ngôn ngữ này, rồi kết thúc câu nói bằng tiếng Anh.
Dưới ảnh hưởng của những tư tưởng cách mạng, năm 1923, Esther gia nhập đảng Cộng sản, lấy bí danh đầu tiên của mình là Anna Deutsch, và cống hiến hết mình cho Quốc tế Cộng sản. Bà tham gia viết lời kêu gọi, rải truyền đơn, tổ chức các cuộc bãi công và tin tưởng vào cuộc cách mạng thế giới!
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà vào làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Vienna, được các nhân viên Phòng Đối ngoại của Tổng cục Chính trị liên bang thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô (OGPU) chú ý, và nhận lời làm việc cho Liên Xô với bí danh Erna.
Tại đây, tài năng đặc biệt của bà với tư cách nhà tuyển dụng đã được bộc lộ. Nhận nhiệm vụ của OGPU, nữ nhân viên tình báo thành lập mạng lưới tình báo của Liên Xô ở Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Năm 1928, bà được triệu tập về Moscow để tham gia các khóa đào tạo, và đổi tên thành Elizaveta Gorskaya, sau đó, bà được giao một nhiệm vụ quan trọng - kiểm tra nhân viên tình báo Liên Xô Yakov Blyumkin, người bị nghi ngờ theo chủ nghĩa Trotsky. Kết quả của nhiệm vụ này là Blyumkin bị bắt "vì hoạt động chống đối Liên Xô".
Trong các bài báo của mình, trung tá hồi hưu Igor Atamanenko viết về nhiệm vụ này như sau: “Để chấm dứt những đồn đoán về mối quan hệ giữa nữ nhân viên tình báo Elizaveta Zarubina và Yakov Blyumkin, tôi chỉ xin trích dẫn nhận xét của một chuyên gia ở Bảo tàng Tình báo đối ngoại: “Vâng, Elizaveta Zarubina đã thông báo cho ban lãnh đạo Phòng Đối ngoại về bản chất lá mặt lá trái của điệp viên Blyumkin ở Istanbul và về mối quan hệ tội lỗi của ông ta với Leon Trotsky. Tuy nhiên, hành động của bà không phải xuất phát từ sự trả thù vì bị lừa dối trong tình yêu, như các nhà văn, nhà báo thích săn tin giật gân ở Moscow đã viết, mà xuất phát từ tính nguyên tắc của một cán bộ tình báo, bởi vì bà coi Blyumkin là một kẻ phiêu lưu và phản bội. Tất cả những nhận định khác đều là suy đoán vu vơ và tưởng tượng bệnh hoạn của những kẻ thiếu chuyên nghiệp”.
Ngay trong lần đầu tiên tới Moscow, Elizaveta kết hôn với nhân viên tình báo Liên Xô Vasily Zarubin, sau đó, hai vợ chồng được cử đến Copenhagen công tác. Thời gian này, các nước châu Âu lần lượt cắt đứt quan hệ với Liên Xô, tình hình chính trị trở nên hết sức căng thẳng bởi hoạt động của những người lưu vong Nga và sự bất bình của giới tinh hoa châu Âu đối với Quốc tế Cộng sản. Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ chính của các nhân viên tình báo là phá hoại mối quan hệ giữa Pháp và Đức.
Thời gian hoạt động ở Đan Mạch, hai vợ chồng đóng giả người Séc và đổi tên thành Kochekov, sau đó, họ chuyển đến thị trấn Saint-Cloud của Pháp, được cấp thẻ định cư, mở rộng quan hệ và thành lập văn phòng quảng cáo "Kochek", chuyên quay phim quảng cáo. Công việc kinh doanh cho phép họ tiếp xúc với rất nhiều người ở châu Âu, là bức bình phong tuyệt vời của hoạt động tình báo.
Cộng tác viên đầu tiên của nhà tuyển dụng Elizaveta Zarubina là nhà báo Ross, chuyên gia về quan hệ Pháp-Đức, làm việc tại Quốc hội Pháp. Người thứ hai là Khanum, nữ nhân viên tốc ký của Đại sứ quán Đức. Và người thứ ba là tướng Dyakonov (điệp viên Vinogradov), chuyên cung cấp cho Trung tâm những thông tin về hoạt động của tình báo quân sự Pháp, tham gia vào vụ bắt cóc tướng Aleksandr Kutepov và cung cấp cho người Pháp thông tin về việc giới lưu vong Nga thực chất là gián điệp thân phát xít.
Năm 1933, hai ông bà Zarubin định cư ở Berlin dưới vỏ bọc là người Mỹ - lúc bấy giờ Đức Quốc xã đang mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Để không trở thành nạn nhân của những cuộc tuần tra bắt người Do Thái, Elizaveta Zarubina phải khẩn trương học tiếng Ý, sau đó bà bắt đầu tuyển mộ những người chống phát xít địa phương. Dòng thông tin không ngừng chảy về Moscow. Chính trong giai đoạn này, Elizaveta Zarubina chiêu mộ được đại úy Wilhelm Lehmann (điệp viên Breitenbach), một người bất bình với các chính sách của Hitler. Năm 1935, Wilhelm Lehmann cung cấp thông tin về việc chế tạo bom bay V-1, và năm 1941 - thông tin về ngày phát xít Đức tấn công Liên Xô. Lehmann đã làm việc cho Liên Xô 13 năm, nhưng cuối cùng lại trở thành nạn nhân của một kẻ phản bội và bị xử tử. Tên của một điệp viên khác của Elizaveta Zarubina - Walter, từng là nhà ngoại giao Đức - cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Qua điệp viên Witterfeld, Elizaveta Zarubina đọc được thư từ đã mã hóa của Bộ trưởng Ngoại giao Đức von Ribbentrop, còn các điệp viên khác của bà đã liên hệ được với giới lãnh đạo Đảng Quốc xã. Tuy nhiên, khi chiến tranh bùng nổ, hai vợ chồng buộc phải quay trở về Liên Xô.
Vào đêm 12/10/1941, vợ chồng Zarubin được mời đến gặp Stalin tại Điện Kremlin. Cuộc trò chuyện kéo dài một giờ. Stalin đã bổ nhiệm Vasily Zarubin giữ chức bí thư thứ hai của Đại sứ quán Liên Xô tại Mỹ. Còn Elizaveta Zarubina được giao một nhiệm vụ thậm chí quan trọng hơn xây dựng mạng lưới tình báo ở Mỹ. Kể từ đây, quan hệ giữa Mỹ và Đức trở thành vấn đề chính trong tầm ngắm của các sĩ quan tình báo. Stalin không muốn để hai kẻ thù cùng âm mưu chống lại Liên Xô.
Và một lần nữa, nhà tuyển dụng nổi tiếng thể hiện tài năng của mình. Năm 1942, sáu tháng sau khi chuyển đến Mỹ, Elizaveta Zarubina đã tổ chức được một mạng lưới gồm 22 điệp viên ở các thành phố khác nhau của Mỹ, trong số đó hoàn toàn không phải ngẫu nhiên - là các nhà vật lý hạt nhân. Chính Elizaveta Zarubina đã đề nghị Trung tâm quan tâm hơn tới việc phát triển vũ khí hạt nhân của người Mỹ, nhờ đó bà đã được trao tặng Huân chương Sao Đỏ.
Các mối quan hệ của Elizaveta Zarubina rất rộng - trong số các cộng tác viên của bà không chỉ có các nhà ngoại giao và thư ký của các đại sứ quán thân thiện với Liên Xô và những người cộng sản, mà còn có vợ của các nghệ sĩ, những người lưu vong. Chỉ đến cuối năm 1944, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI mới chứng minh được vợ chồng Zarubin tham gia hoạt động tình báo và trục xuất họ khỏi nước Mỹ, tuyên bố họ là những người không được hoan nghênh.
Sau chiến thắng phát xít Đức, Elizaveta Zarubina chấm dứt hoạt động nghiệp vụ, trở thành Trưởng phòng của Cơ quan Tình báo Trung ương. Những năm tiếp theo, bà tham gia giảng dạy các nhân viên tình báo trẻ về nghệ thuật tuyển dụng, nhưng sau khi Nikita Khruschyov lên cầm quyền, bà bị sa thải.
Năm 1987, Elizaveta Zarubina qua đời ở Moscow trong một tai nạn thương tâm, khi bà bước ra khỏi xe buýt và vô tình ngã xuống dưới bánh xe.
Chồng bà, ông Vasily Zarubin, qua đời sớm hơn - vào năm 1972.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, một sĩ quan tình báo huyền thoại khác của Liên Xô, Pavel Sudoplatov, thủ trưởng của Elizaveta Zarubina, lần đầu tiên viết về cuộc đời bà trong cuốn sách của mình. Hiện nay, bảo tàng của Cục Tình báo đối ngoại Nga trưng bày nhiều hiện vật về Elizabeth Zarubina. Tuy nhiên, nhiều tình tiết về công việc của bà vẫn còn là điều bí mật.