Nữ điệp viên Laura d’Oriano

Thứ Ba, 04/07/2023, 11:03

Trong thời Thế chiến II, bà Laura d’Oriano là một điệp viên, bà đã bị chính quyền phát xít xử tử vì hoạt động của mình. Laura chào đời ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1911, là con gái của ông Polycarpo d’Oriano (sinh ở Izmir năm 1886) và bà Aida Caruana (sinh ở Malta năm 1890). Laura là một điệp viên người Italy gốc Thụy Sỹ, từng phối hợp hoạt động với quân Đồng Minh trong suốt thời chiến. Bà là người phụ nữ duy nhất chịu án tử ở Italy.

Những ngày tháng yên ấm

Là một phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ và thông minh, bà Laura đã sử dụng tố chất nữ tính ấy như một kỹ thuật quyến rũ nhằm thu thập thông tin và lọt vào những mối quan hệ mà người bình thường không thể làm được. Mặt khác, trái ngược với nhân vật “Mata Hari” tại thời điểm đó, câu chuyện của bà Laura không phải là nhắm đến thế giới thượng lưu và sự lãng mạn, mà đó là câu chuyện về sự nguy hiểm thực sự cùng những mâu thuẫn không thể dung hòa. Bị thúc đẩy bởi sự eo hẹp tiền bạc và lòng thôi thúc phiêu lưu cũng như thèm khát được tự do đã khiến Laura từ bỏ người chồng và 2 đứa con gái nhỏ. Laura D’Oriano bị tuyên án tử ở tuổi 30. Bà bị hành quyết ở Forte Bravetta (Rome) trong tháng 1/1943 mang theo câu chuyện hấp dẫn cùng nhiều bí mật của mình xuống mồ.

Nữ điệp viên Laura d’Oriano -0
Điệp viên Laura d’Oriano. Ảnh nguồn: Levantine Heritage Foundation.

Laura là chị cả trong gia đình có 5 chị em. Vì cha là một nhạc sĩ nên cả gia đình nhà d’Oriano phải đi khắp đó đây, nhưng nhờ vậy mà đã thoát khỏi các cuộc chiến nổ ra trên khắp châu Âu vào thời kỳ đó. Vào cuối thập niên 1920, người cha Polycarp d’Oriano quyết định thành lập doanh nghiệp xuất nhập khẩu các loại nhạc cụ tại cảng Marseilles (Pháp). Từ đó là nhà họ không còn phải rày đây mai đó nữa. Nhưng với cô thiếu nữ Laura, khi đó tròn 17 tuổi và thông thạo 5 thứ tiếng, lại muốn rời Paris để bắt đầu sự nghiệp của một ca sĩ. Tuy nhiên, nỗ lực ca hát đã không thành công như mong đợi. Trở lại Marseille, Laura d’Oriano tình cờ gặp gỡ một công dân Thụy Sỹ tên là Emil Fraunholz, ông đã chạy trốn khỏi đất nước mình để tránh bị bắt lính. Hai người đã nên duyên chồng vợ ở Marseille vào ngày 18/8/1931, theo cách này, Laura đã nghiễm nhiên có quốc tịch Thụy Sỹ.

Ông xã Emil Fraunholz là một người kỳ quặc: tìm mọi cách để kiếm thật nhiều tiền, chẳng hạn như lấy tiền từ các lá thư của binh sĩ đang chiến đấu ở mặt trận châu Phi. Sau đó, hai vợ chồng dọn đến Grasse, Alpes-Maritimes, nơi họ sinh sống bằng việc mở một tiệm tạp hóa. Năm sau, hai vợ chồng đón con gái đầu lòng Renee, năm sau đó là con gái Anna. Thế rồi không khí gia đình trở nên ngột ngạt hơn khi ông xã Fraunholz giở chứng ghen tuông và chiếm hữu, bản thân bà Laura cũng chán ngấy việc làm mẹ và cuối cùng tự thuyết phục bản thân nên buông bỏ để nhẹ nợ. Không chỉ có vậy, người mẹ trẻ còn thuyết phục ông xã và bố mẹ chồng chuyển nhà đến Nice. Tuy vậy, gánh nặng kinh doanh là chuyện không thể vượt qua được. Thế là vào một đêm mùa Xuân năm 1935, bí mật và lặng lẽ, Laura D’Oriano đã một mình rời nhà. Và mãi mãi không gặp các con thêm lần nào nữa.

Tại thời điểm đó, tức giận và tuyệt vọng với sự ra đi của vợ, ông Fraunholz đã về thẳng quê hương Thụy Sỹ và sống ở Bottighofen, nơi ông đã lớn lên. Năm 1938, bà Laura D’Oriano quay trở lại Paris để làm lụng với hy vọng kiếm đủ tiền để tiếp tục theo đuổi việc học hát. Rồi thì bà tìm được công việc làm đại diện cho loại mũ dành cho các quý bà, cùng chức danh nhân viên đánh máy tại một công ty xây dựng. Tuy nhiên, thời cuộc mỗi lúc một khó khăn khi chiến tranh đến gần: tiền kiếm được ít đi, bản thân là một người nước ngoài, bà Laura gặp không ít phiền toái với giấy phép cư trú. Một lần nữa khi chiến tranh buộc phải chạy trốn khỏi Paris bị chiếm đóng vào tháng 8 năm 1940, bà Laura quay trở về Nice. Giấy phép cư trú đã hết hạn, nguy hiểm trập trùng vì nếu để cảnh sát xét hỏi thì Laura rất có nguy cơ sẽ bị bắt.

Trở thành điệp viên

Vô tình bà Laura gặp được ông Daniel Petard và người này đã dành một chân đánh máy trong công ty mình cho Laura. Một đêm nọ, Petard dò đến nhà bà Laura để thăm hỏi hoàn cảnh của cô gái trẻ khốn khó. Đó là một bài kiểm tra mà cuối cùng Petard đã ký vào một tài liệu mà Laura có thể được “trợ giúp nhỏ” nếu cần. Người ta tin rằng kể từ thời điểm đó bà Laura D’Oriano đã trở thành điệp viên, khi bà được giới thiệu gặp gỡ ông Simon Cotton như là một phần cái gọi là “Défense du territoire” (cảnh sát) và tình báo Anh hoạt động mật ở Pháp. Ông Cotton tổ chức một buổi thẩm vấn và Laura có vẻ bị kích động. Ông Cotton hỏi bà biết được mấy thứ tiếng và có biết tiếng Đức không? Laura rõ ràng bấn loạn vì bà không biết thứ ngôn ngữ này. Tiếp đó Cotton hỏi Laura có đủ thức ăn không, và trao cho bà số tiền 300 franc, và khẳng định rằng ông sẽ lo lót mọi giấy tờ. Việc của Laura là xin thị thực để đi Ý, nhưng nó đã bị từ chối.

Theo báo cáo từ Lưu trữ nhà nước Ý thì từ tháng 1/1941, Laura d’Oriano đã được gửi đến Paris cho một nhiệm vụ mật là cố gắng lấy được thông tin từ các sĩ quan Đức. Trong mùa Xuân năm 1941, Laura đã đến Bordeaux và chính tại đây bà đã nhận nhiệm vụ gián điệp đầu tiên. Nhiệm vụ chính của bà Laura là theo dõi các di biến động tàu ngầm Ý đeo neo đậu tại cảng Betasom (Ý). Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Laura gửi những tấm bưu thiếp đến Khách sạn nhỏ ở Toulouse bằng cách viết những câu có vẻ ngây thơ song kỳ thực lại là một loại mật mã. Người nhận các bưu thiếp này là một quý ông Sabloirolle nào đó, người này cũng sắp xếp giấy tờ cho Laura để bà có danh tính mới, đó là Louise Fremont “Loulou”: một ca sĩ kiêm vũ công chuyên nghiệp. Cảng Betasom là một nơi không thể đột nhập do nó được canh gác rất chặt chẽ. Nhiệm vụ này kéo dài tới 2 tháng.

Tới tháng 9/1941, Laura d’Oriano quay lại Nice nơi bà gặp ông Cotton lần thứ hai, người tuyên bố rất hài lòng với chuyến đi của bà và thưởng ngay lập tức 4000 franc. Vào đầu tháng 10/1941, Cotton đề xuất Laura nhận một nhiệm vụ mới và áp lực hơn trên đất Ý. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Laura được đưa đến Marseille để hội kiến với một người có bí danh là Cosik - một điệp viên Anh phụ trách tuyển dụng điệp viên tại thành phố Marseille. Cosik muốn Laura báo hiệu vị trí chính xác các con tàu và những gì đã xảy ra trong việc xây dựng các hải cảng Genoa và Naples, cũng như mô tả sự thiệt hại gây ra từ các cuộc đánh bom của quân Đồng Minh. Laura chấp nhận nhiệm vụ mới. Cosik đồng hành cùng bà đến Briancon (gần biên giới Italy) và chờ đợi ai đó sẽ đưa bà vượt biên. Cosik cũng trao cho Laura một cuốn sổ tay trong đó có các ký hiệu đặc trưng nhằm phân biệt chính xác tàu bình thường với tàu ngầm. 

Thêm nữa bà Laura còn được cung cấp giấy tờ tùy thân giả có tên mới là Laura Fantini. Vào một đêm tối trời ngày 12/12/1941, Laura d’Oriano đi bộ vượt biên giới Pháp - Italy trên đèo Montgenevre. Bà ngủ qua đêm ở Cesana Torinese rồi sau đó đón xe buýt đến Sauze d’Oulx và từ đó là đến Turin và kế tiếp là Genoa. Tại Genoa, Laura có một ngôi nhà riêng ở đó: Bà có một lá thư cần được chuyển đến cho một người có tên là Mary Tallentire. Nhiệm vụ đầu tiên này chỉ là ngầm báo sự xuất hiện một cách suôn sẻ của Laura. Ngày hôm sau, Laura ra bến cảng và từ đó có thể trông rõ tuần dương hạm Bolzano cùng chiến hạm Littorio đang neo đậu. Vào ngày 14/12/1941, Laura đã gửi báo cáo đầu tiên. Theo chỉ thị, Laura phải chuẩn bị những bức thư tiêu chuẩn được viết bằng tiếng Ý, cũng như các báo cáo bằng tiếng Pháp được viết bằng mực tàng hình từ dòng này sang dòng khác.

Nữ điệp viên Laura d’Oriano -0
Cảng Betasom (Italy), nơi tàu ngầm của Phát xít Ý hoạt động trong Thế chiến II. Ảnh nguồn: Histoire de Caychac.

Bại lộ

Sau đó Laura gửi thông điệp vào một cái phong bì và đề địa chỉ chuyển cho Aldo Rossetti, một nhà môi giới chứng khoán của Modane. Cùng cái túi đó đặt trong một phong bì khác đề địa chỉ gửi tới Emilio Brayda, một nhà môi giới khác nhưng sống ở Turin. Brayda lại đưa bức thư cho nhân viên đường sắt chuyển đến Rossetti, người này liền chuyển thư tới Marseilles để vào tay Cosik. Nhìn chung, Laura d’Oriano đã ở Genoa 2 ngày, và rồi đến Naples bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, Laura và những người khác có liên quan đã bị một người cung cấp thông tin đang hoạt động ở Pháp tỏ ý sinh nghi và cấp báo cho phản gián Italy rằng một điệp viên từ Pháp đã có mặt ở Naples. Nhận được tin Cảnh binh quốc gia Italy đã nắm thông tin về sự xuất hiện của Laura ở Naples và sẵn sàng theo dõi bà. Tuy vậy, họ không biết được danh tính thực của nữ điệp viên cũng như không đủ người để theo dõi bà ở mọi nơi.

Trong mọi trường hợp, mọi thư từ của Laura gửi đi từ Italy đã bị chặn lại, giải mã và thay đổi nội dung. Nhân vật quan trọng của phán gián Italy có mặt tại Pháp lúc bấy giờ là đội trưởng Cảnh binh Italy, Saraco Hector. Tay này không hy vọng sẽ chặn đứng các điệp viên địch ngay khi được xác định mà chỉ là muốn theo dõi hành tung để lần ra nơi ẩn náu của địch, cũng như các hành vi, cùng những thông tin khác. Rồi đến khi có thời điểm thích hợp, nạn nhân sẽ bị bắt và sẽ đứng trước 2 lựa chọn: làm điệp viên kép, hoặc bị bắt giữ và tử hình. Saraco Hector đã biết về 2 nhân vật Brayda - Rossetti trong vài tháng qua nhờ vụ bắt giữ một điệp viên khác đã làm việc cho 2 người này ở Italy. Tảng sáng ngày 15/12/1941, Laura d’Oriano đến Naples và rồi nhận phòng trong một nhà trọ. Ngày hôm sau, bà nghĩ rằng mình sẽ thực hiện nhiệm vụ quan sát cảng biển, nhưng đã có những hạn chế khắc nghiệt khi tiếp cận nơi này.

Để tránh bị hoài nghi, Laura lên xe điện nơi đã có sẵn một quý ông trẻ (một sĩ quan hải quân Italy giả dạng) đang ở trên đó và họ bắt đầu trò chuyện. Đến tối, luôn lấy nhiệm vụ làm mục tiêu chính, họ đã hẹn gặp nhau tại một rạp chiếu bóng, tàn cuộc vui, họ hẹn nhau gặp lần nữa. Ngày hôm sau, vào lúc bình minh, Laura đi tàu hỏa đến Rome, vẫn không mảy may biết rằng mình đã bị theo đuôi. Ngày 17/12/1941, Laura đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ đối với một điệp viên: bà đến ngôi nhà của người mẹ ruột. Với động thái này (có lẽ là cần thiết vì Laura không có tiền để mua vé tàu), phản gián Italy không còn nghi ngờ gì nữa đã xác thực chính xác danh tính của nữ điệp viên mà họ đang theo đuổi. Laura ở với mẹ trong một khoảng thời gian thanh thản đến mức bà từng có ý định bỏ mọi thứ để trở về Pháp. Vào ngày 19/12/1941, Laura gửi một lá thư khác cho Brayda, nhưng nó cũng bị chặn lại, được giải mã bởi cảnh binh Italy: lá thư có thông tin về sự hiện diện của hải quân ở Genoa và Naples.

Phiên tòa bất công

Đến ngày 26/12/1941, Laura đáp tàu hỏa đến Naples, và bà mãi không thể đến được đó. Bà đã bị bắt giữ và bị đưa xuống ga Littoria. Ngày hôm sau, Laura bị di lý và giam giữ ở nhà tù phụ nữ Mantellate ở Rome và bị phát hiện đang xài giấy tờ tùy thân với cái tên Laura Fantini, cùng tiền bạc và những thứ khác. Sau đó bà bị chuyển đến Turin để thẩm vấn. Sau khi Laura bị bắt, Brayda cũng bị tóm, Rossetti thì nhanh chân lẩn trốn được gần một năm thì cũng bị bắt. Bà Laura bị giam giữ hơn một năm. Người cha Polycarp (lúc này ông sống tách biệt với vợ) đã tìm mọi cách để cứu con gái, thậm chí người chồng cũ Emil cũng viết thư khẩn cầu lên chính phủ Thụy Sỹ, nhưng mọi nỗ lực đều không ăn thua. Ông Polycarp mãi không gặp con gái nữa. Ngày 15/1/1943, một phiên tòa diễn ra tại Rome. Tòa án được hướng dẫn như một Tòa đặc biệt để bảo vệ nhà nước. Trước tiên họ mời một chuyên gia nhằm ước lượng mức độ nguy hiểm của lượng thông tin mà Laura chuyển cho địch.

Ông Polycarp không đủ tiền để thuê luật sư. Tòa đặc biệt thực chất là tòa chính trị. Các phiên xét xử đều diễn ra kín, các thẩm phán là những tay phát xít mặc áo đen, còn chủ tọa phiên tòa (người mà vào năm 1932 là Antonino Tringali Casanova) đã đồng ý với phán quyết được đưa ra chỉ 1 ngày sau đó. Emilio Brayda được tuyên bố trắng án (sau đó được tình báo Ý phân công công việc), Rossetti bị tuyên án 15 năm tù (nhờ công bào chữa của luật sư Bruno Cassinelli, một thành viên có ảnh hưởng của đảng phát xít, và cũng là một điệp viên của OVRA - tiền thân của Gestapo). Nhưng Laura d’Oriano bị tuyên án tử bằng hình thức xử bắn. Lúc 6 giờ 15 phút Laura gặp một cha xứ và được xưng tội. Vài phút sau bà bị đưa đến một đội hành quyết (một bộ phận của Dân quân tình nguyện vì an ninh quốc gia Ý). Chỉ huy đội xử bắn là Mario De Mari đã đọc to bản án.

Lúc 7 giờ 7 phút sáng, buổi xử tội đã xong. Xác của Laura d’Oriano được chôn trong một ngôi mộ lớn. Mãi đến năm 1958, người cha Polycarp mới tìm thấy ngôi mộ này và cải táng hài cốt trong nghĩa địa Verano ở Rome, nơi người cha cũng được an táng ở đó sau khi qua đời vào năm 1962, hai mộ nằm cạnh nhau. Câu chuyện về cuộc đời của nữ điệp viên Laura d’Oriano anh dũng đã được dựng thành phim tài liệu ở Italy.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.