Nữ điệp viên Marthe Richard, người sống sót giữa hai làn đạn

Thứ Tư, 25/10/2023, 20:25

Marthe Richard (tên thật là Marthe Betenfeld) sinh năm 1889 ở Lorraine, Pháp, trong một gia đình người Đức. Từ năm 14 tuổi, Marthe học may để chuẩn bị làm nhà thiết kế thời trang. Năm 1913, ở tuổi 22, bà trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên ở Pháp nhận bằng phi công.

Là một phi công xuất sắc, Marthe trở thành đối thủ cạnh tranh với các phi công nam. Năm 1914, bà kết hôn với phi công quân sự Henri Richer, nhưng tháng 5/1916, ông hy sinh ngoài mặt trận.

Sau khi chồng qua đời, vốn là người yêu nước, Marthe muốn trả thù quân Đức bằng bất cứ giá nào, bà định trở thành phi công quân sự. Tuy nhiên, bà không được nhận vào lực lượng không quân. Lúc bấy giờ, bà xin  phục vụ cho Cục 5, cơ quan phản gián của Pháp, do đại úy Georges Ladoux phụ trách  (người sau này bị buộc tội oan làm gián điệp hai mang). Bà lấy bí danh là "Chim sơn ca". Về sau, trong cuốn sách “Cuộc đời điệp viên của tôi”, bà viết:

“Làm nhà tình báo trước tiên là phục vụ. Công việc tình báo được thực hiện tuyệt đối bí mật, các nhân viên tình báo chết trong im lặng, như thể rơi tõm xuống hầm. Điều đó có nghĩa là anh ta phục vụ những người cấp trên mà nhiệm vụ của họ là không tin ai. Một nghề thật khủng khiếp. Sự ngờ vực bao trùm bạn từ mọi phía. Còn nhiệm vụ của bạn là làm cho kẻ thù tin rằng bạn đang phản bội tổ quốc mình. Nhưng kẻ thù lại do dự, liệu kẻ phản bội này có phải là điệp viên hai mang không? Những người cử bạn đi làm nhiệm vụ cũng nghi ngờ bạn. Vì vậy, điệp viên hai mang phục vụ tổ quốc mình phải chịu một trong những hình thức tra tấn tàn khốc nhất có thể tưởng tượng được: anh ta đứng giữa hai làn đạn…”.

Nữ điệp viên Marthe Richard, người sống sót giữa hai làn đạn -0
Điệp viên Marthe Richard - tác giả cuốn hồi ký bán chạy.

Một lần, Marthe hết sức bất ngờ, khi đại úy Ladoux thông báo với bà rằng bà được cử sang Tây Ban Nha làm nhiệm vụ.

Không thể từ chối chuyến đi, chẳng bao lâu, bà xuất hiện trên bãi biển ở San Sebastian, Tây Ban Nha, với mục đích duy nhất là trở thành “điệp viên Đức”, nghĩa là, nói theo thuật ngữ chuyên môn, thâm nhập vào mạng lưới tình báo Đức.

Chỉ sau vài ngày cuộc sống vô tư bên bờ biển, người Đức đã “mắc câu” Marthe. Lợi dụng khó khăn tài chính của bà, họ dễ dàng “tuyển mộ” bà và đặt cho bà biệt danh S-32, giao cho bà nhiệm vụ đầu tiên kèm theo tiền, bản hướng dẫn và mật tự. Sau này bà nhớ lại: “Tôi hơi ngạc nhiên về độ nhanh nhạy mà chúng tôi đã thỏa thuận”.

- S.32, nếu cô không thực hiện nghĩa vụ của mình - người Đức nói - tôi sẽ không trả dù chỉ ba nghìn peseta cho mạng sống của cô, bất kể cô ở đâu, Paris hay New York.

Khi trở về Paris, Marthe báo cáo tình hình cho đại úy Ladoux, khiến ông hết sức hoan hỉ.

- Thật tuyệt vời! - ông thốt lên - Cô đã tìm được người cần thiết ở Tây Ban Nha. Đó là Nam tước Von Krohn, tùy viên quân sự Đức ở thủ đô Madrid.

Đại úy Ladoux nói rằng giờ đây Marthe phải thể hiện không chỉ với tư cách là một nhân viên tình báo mà còn là một phụ nữ.

- Bằng cách đó cô sẽ cứu được nhiều mạng người, Marthe. Nghề nghiệp đòi hỏi điều đó.

Ít lâu sau, Marthe trở lại Tây Ban Nha, nơi thực sự bắt đầu trò chơi hai mang của bà. Von Krohn đón bà ở San Sebastian, đưa bà đến một biệt thự sang trọng, và chẳng bao lâu, người phụ nữ hai mươi sáu tuổi duyên dáng buộc phải trở thành tình nhân của con người mà bà căm ghét như kẻ thù. “Nếu trong tương lai, sự nghiệp đáng ngờ của tôi đạt được thành công, thì tôi chủ yếu chịu ơn chính lòng căm thù cháy bỏng này, vì nó... đã khơi dậy trong tôi sự can đảm, tàn ác và dối trá” - bà viết.

Lợi dụng sự tin cậy của Von Krohn, Marthe đóng vai “liên lạc viên” của y với những kẻ đang âm mưu chuẩn bị một cuộc nổi dậy ở Maroc với sự giúp đỡ của người Đức, và xác định tọa độ điểm gặp của các tàu ngầm Đức và một đoàn tàu hộ tống chở vũ khí cho phiến quân Maroc. Cuộc nổi dậy đã bị ngăn chặn.

Nữ điệp viên Marthe Richard, người sống sót giữa hai làn đạn -0
Điệp viên Marthe Richard thời trẻ.

Theo sáng kiến của Marthe, Von Krohn đã giúp bà mở một thẩm mỹ viện “Tấm gương sơn ca” mà y dự định sử dụng vì lợi ích riêng của mình - để ngụy trang và hóa trang cho các điệp viên Đức được tung vào nước Pháp. Marthe biết làm tóc và nhuộm tóc để tạo ra những dấu hiệu giúp bắt những tên gián điệp đến Pháp.

Và một thời gian sau, Marthe đã khám phá ra một đường hầm bí mật xuyên dãy Pyrenees, do tình báo Đức sử dụng. Để làm được điều đó, bà đã dùng đến những thủ đoạn thuần túy phụ nữ: thứ nhất, bà xúi giục tổ chức việc “theo dõi” từ phía Pháp, điều này đã tước đi cơ hội trở về Pháp hợp pháp của bà; và thứ hai, bà giả vờ mang thai với Von Krohn, mà muốn phá thai phải sang Pháp. Dù muốn hay không, Von Krohn phải đưa bà đi qua đường hầm  bí mật này.

Sau đó, một số điệp viên nguy hiểm của Đức đã bị bắt giữ tại đường hầm này.

Một lần, Marthe và Von Krohn bị tai nạn xe hơi. Bà bị gãy chân phải nằm viện 2 tháng. Trên một tờ báo của Pháp, xuất hiện bài viết, trong đó tác giả đặt câu hỏi: Marthe Richard làm gì trong đêm trên con đường cao tốc cùng với tùy viên quân sự Đức? Bài báo có nhan đề “Nữ điệp viên trong ô tô: Von Krohn và bà Richard”. Ít lâu sau, nỗi đau thể xác của Marthe được cộng thêm nỗi đau tinh thần: bà nhận được một lá thư của mẹ nói về việc gia đình phải hứng chịu sự truy nã và ô nhục ở Pháp.

Nằm trên giường trong nhà Von Krohn, Marthe có thể nghe được những cuộc trò chuyện của y với các điệp viên. Một lần, nghe tin về vụ đánh bom đang được chuẩn bị ở nhà máy thuốc súng Buno gần Bayonne, Pháp, bà tìm cách thông báo cho Cục 5. Nhưng có điều gì đó không ổn. Nhà máy vẫn bị đánh bom, 90 người tử nạn.

Nữ điệp viên Marthe Richard, người sống sót giữa hai làn đạn -0
San Sebastian năm 1914 là “thánh địa” của gián điệp.

Đến thời gian này, Marthe Richet ấp ủ một kế hoạch mới nhằm kết thúc hoạt động điệp viên hai mang của mình. Một hôm, trong  lúc Von Krohn đang nghỉ trưa, Marthe quyết định quấy rầy y và giả vờ xin tiền. Không muốn đứng dậy, y đưa chìa khóa cho bà và nói mật mã két sắt của y. Marthe hy vọng đánh cắp danh sách các điệp viên Đức ở Tây Ban Nha.

Marthe biết trong két sắt có ảnh của tất cả các điệp viên, thông tin về các điểm tiếp tế cho tàu ngầm ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, thông tin về vị trí các bãi mìn, mật mã, điện tín, danh sách những người Tây Ban Nha gốc Đức làm việc cho Pháp.

Marthe trình bày chi tiết kế hoạch cướp két sắt của Von Krohn cho đại úy Ladoux. Để làm điều đó, bà chỉ cần một ít thuốc ngủ và một trợ lý đứng đợi dưới cửa sổ nhà nam tước để lấy các tài liệu trong két theo thời gian thỏa thuận. Nhưng Ladoux từ chối vì cho rằng kế hoạch này quá mạo hiểm. Chỉ sau nhiều lần thuyết phục, viên đại úy mới nhượng bộ và ngày hôm sau ông chuyển cho Marthe một số gói thuốc ngủ. Marthe kể với một người bạn của bà cùng làm việc trong ngành tình báo, về những gói thuốc ngủ bà nhận được. Anh ta bình tĩnh đổ thứ bột đựng trong hai cái túi vào cốc bia rồi uống cạn. Kết quả là những chiếc túi chứa một hỗn hợp hoàn toàn vô hại.

Khi chân sắp khỏi, Marthe đi an dưỡng tại một nhà nghỉ ven biển Tây Ban Nha. Ở đó đã xảy ra một trường hợp bí ẩn: khi đang bơi thuyền, bà bị một số kẻ lạ mặt tìm cách dìm chết, và chỉ nhờ có sức khỏe phi thường và sự luyện tập thể thao tốt, bà mới thoát nạn. Marthe liên lạc với Von Krohn và được biết đó là một vụ ám sát do các điệp viên của Von Kalle, tùy viên quân sự Đức và là đối thủ của Von Krohn thực hiện.

Biết mình bị theo dõi, hơn nữa, đến lúc đó, vẫn không nhận được chỉ thị gì của đại úy Ladoux về kế hoạch phá két sắt, Marthe quyết định nói thẳng với Von Krohn rằng bà làm việc cho tình báo Pháp. Trong cơn phẫn nộ, y đã đấm vào mặt Marthe làm bà gãy một chiếc răng. Sau đó, với sự trợ giúp của một cảnh sát Tây Ban Nha, Von Krohn định bắt giữ Marthe vì tội làm gián điệp. Nhưng đã quá muộn. Marthe đến gặp công tước Ratibor, đại sứ Đức. Trong vai một phụ nữ bị xúc phạm, bà nói: “Tôi là tình nhân của Von Krohn và tôi mang đến cho ngài những bằng chứng về việc ông ta đã chu cấp cho tôi bằng số tiền dành để trả lương cho các điệp viên của ông ta”. Sau đó, Marthe chuyển cho đại sứ một xấp thư tình của Von Krohn gửi cho bà, đồng thời đọc mật mã két sắt của tùy viên quân sự Đức! Đại sứ tin chắc rằng người Pháp đã nắm được toàn bộ mạng lưới gián điệp do Von Krohn tổ chức. Ít lâu sau, y bị triệu hồi về nước. Mạng lưới của Von Krohn phải được thành lập lại.

Marthe trở lại Pháp mà không cần thị thực. Viên trung úy hiến binh nhận ra bà ở cửa khẩu và nói:

- Chào “Chim sơn ca”!

Đại tá Guber, người thay thế đại úy Ladoux, đứng đầu Cục 5, nói với bà:

- Bây giờ, thưa Madamme Richard, sau khi bà bị bại lộ, chúng tôi không cần sự phục vụ của bà nữa.

Thiên sử thi “Chim sơn ca” kết thúc như vậy. Ở Pháp, Marthe được tiếp đón rất lạnh lùng, vì thế bà tự ý rời bỏ nhiệm vụ của mình. Dù sao, Marthe vẫn ở lại tổ quốc và năm 1926, bà kết hôn với Thomas Crompton, giám đốc tài chính của Quỹ Rockefeller. Vài năm sau, sau khi chồng đột ngột qua đời, Marthe chuyển đến Bougival, nơi bà tổ chức một cuộc sống rất dễ chịu và thịnh vượng về mặt tài chính.

Sau này, khi Ladoux, người chỉ huy đầu tiên của Marthe, được minh oan, bà đã xuất bản cuốn hồi ký có nhan đề “Cuộc đời điệp viên của tôi”. Cuốn sách trở thành sách bán chạy, và năm 1937 được dựng thành phim. Dưới áp lực của giới truyền thông, Marhe thậm chí còn nhận được Huân chương Bắc đẩu Bội tinh do Thủ tướng Édouard Herriot trao tặng.

Trong Thế chiến thứ hai, Marthe là một chiến sĩ chống phát xít trung kiên, năm 1945, bà được bầu làm cố vấn của Tòa thị chính Paris. Theo sáng kiến của bà, một đạo luật cấm các nhà thổ đã được thông qua, trong dân gian được gọi là “Luật Marthe Richard”.

Marthe Richard qua đời năm 1982 tại Paris, thọ 92 tuổi.

Anh Duy (Tổng hợp)
.
.