Nữ doanh nhân quyền lực đứng sau màn đổi chủ của Newcastle

Thứ Hai, 18/10/2021, 08:03

Giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh (Premier League) đã chứng kiến màn đổi chủ ngoạn mục của Newcastle. Đằng sau thương vụ đình đám tiếp quản đội bóng vùng Đông Bắc nước Anh có dấu ấn rất lớn của nữ doanh nhân Amanda Staveley, người được ví von là “nữ hoàng môi giới” của bóng đá Anh.

Cô dâu hụt của Hoàng gia Anh

Câu lạc bộ Newcastle đã trải qua “một ngày đặc biệt” (lời nhận xét từ Alan Shearer, huyền thoại của Newcastle) khi có chủ sở hữu mới. Sau quá trình dài đàm phán, Quỹ Đầu tư công (Public Investment Fund - PIF) từ Saudi Arabia đã thâu tóm Newcastle từ chủ sở hữu là nhà tỷ phú Mike Ashley qua thương vụ trị giá 300 triệu bảng.

PIF có người đứng đầu là Thái tử Mohammad bin Salman, con của Fahda bin Falah, vợ thứ ba của Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud. Sau khi chủ cũ Mike Ashley rời đi, Newcastle giờ đây được điều hành bởi hội đồng quản trị gồm ba người. Đó cụ thể là Yashir bin Othman Al-Rumayyan - đại diện PIF (nắm giữ 80% cổ phần của Newcastle), Amanda Staveley, nữ CEO của PCP Capital Partners  (nắm giữ 10% cổ phần) và Jamie Reuben, đại diện Công ty RB Sports & Media (nắm giữ 10% cổ phần). Không chỉ có chân trong ban lãnh đạo mới của Newcastle, nữ doanh nhân 48 tuổi, Amanda  trước đó còn chính là người trung gian đứng ra dàn xếp việc tiếp quản Newcastle từ quỹ đầu tư công PIF.

Sinh ngày 11 tháng 4 năm 1973 tại Ripon, Yorkshire (Anh), Amanda Louise Staveley (tên đầy đủ của Amanda) là con gái của Robert Staveley, một chủ đất ở Yorkshire người từng lập công viên giải trí Lightwater Valley và Lynne, một cựu vận động viên thể thao. Khi còn nhỏ, Amanda từng mơ ước trở thành vận động viên chạy nước rút thi đấu tại Olympic nhưng chấn thương buộc cô phải từ bỏ ước mơ đó. Thừa hưởng tư chất thông minh, Amanda sớm thể hiện sự nổi trội với bạn bè cùng trang lứa.

Năm 16 tuổi, Staveley từng được đặc cách nhận vào Đại học Cambridge nhờ thành tích học tập xuất sắc. Nhưng Amanda đã liên tiếp hứng chịu cú sốc tâm lý sau khi người ông yêu quý của cô qua đời rồi tới bố bị chẩn đoán gặp vấn đề về tim mạch.

“Tôi luôn là một học sinh hoàn hảo từ khi còn nhỏ cho tới lúc bước vào giảng đường đại học, nhưng đột nhiên áp lực trở nên quá lớn. Không chỉ gặp áp lực về tinh thần từ việc chứng kiến người thân trong gia đình qua đời hay bị bệnh tật, tôi còn mắc chứng rối loạn ăn uống. Tôi gầy đi, cân nặng sụt giảm liên tục bất chấp đã điều chỉnh chế độ ăn uống”,  Amanda trải lòng về quyết định từ bỏ việc học đại học để theo đuổi đam mê kinh doanh.

Nữ doanh nhân quyền lực đứng sau màn đổi chủ của Newcastle -0
Amanda Staveley, “nữ hoàng môi giới” của bóng đá Anh.

Năm 23 tuổi, Amanda đã nhận được khoản vay 180.000 bảng từ một ngân hàng thương mại để mở một nhà hàng có tên Stocks ở khu vực Bottisham, gần  trường đua ngựa nổi tiếng Newmarket. Không chỉ lăn xả vào làm việc ở nhà hàng với tư cách là đầu bếp kiêm nhân viên phục vụ, Amanda còn tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng công việc người mẫu không thường xuyên nhờ khuôn mặt và vóc dáng ưa nhìn.

Không lâu sau khi đi vào hoạt động, nhà hàng Stocks đã trở thành điểm lui đến thường xuyên của không ít khách hàng VIP, trong đó có nhiều doanh nhân, ông hoàng đến từ Trung Đông qua mỗi lần họ nghỉ chân sau khi xem đua ngựa tại trường đua ngựa Newmarket. Đây là bước khởi đầu để Amanda tạo lập những mối quan hệ làm ăn sau này ở Trung Đông.

Không hài lòng với những gì có được, Amanda đã đăng ký theo học những khóa học với tham vọng sớm biến giấc mơ làm cố vấn tài chính trở thành hiện thực. Thành công tiếp nối thành công khi Amanda hùn vốn cùng đối tác mở tổ hợp Q.ton, bao gồm câu lạc bộ sức khỏe, phòng tập gym, nhà hàng và trung tâm hội nghị ở Công viên Khoa học Cambridge. Năm 2000, Amanda được vinh danh là Nữ doanh nhân của năm tại Anh khi mới 27 tuổi.

Ngoài gặt hái thành công trên thương trường, Amanda còn từng là tâm điểm chú ý của giới truyền thông Anh qua cuộc tình với Hoàng tử Andrew. Cuộc gặp gỡ lần đầu giữa hai người diễn ra vào năm 2001 khi Hoàng tử Andrew với tư cách đại sứ thương mại của Vương quốc Anh đến công viên khoa học Cambridge với Nhà vua Abdullah của Jordan.

Amanda có mặt trong đội hình chào đón và vẻ ngoài xinh đẹp của cô đã khiến Hoàng tử Andrew xiêu lòng đến mức mời cô đi ăn tối vào ngày hôm sau. Amanda sớm trở thành khách quen tại Cung điện Buckingham, nơi cô được diện kiến Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip. Hình ảnh cặp đôi trai tài gái sắc hẹn hò và  thường dùng bữa tại nhà hàng sang trọng Mosimann London đã trở nên quen thuộc với người dân tại xứ sương mù.

Nữ doanh nhân quyền lực đứng sau màn đổi chủ của Newcastle -0
Amanda rất “mát tay” trong việc mua bán các đội bóng tại Anh.

Khi mà khối người đã chắc mẩm về hôn lễ trong năm giữa Hoàng tử Andrew và nữ doanh nhân tài sắc vẹn toàn, Amanda đã bất ngờ từ chối lời cầu hôn của Hoàng tử Andrew vào năm 2003. “Andrew là một người đàn ông đáng yêu và tôi vẫn quan tâm đến anh ấy”, Amanda chia sẻ trên tờ Daily Mail, “Nhưng nếu tôi kết hôn với Andrew, công việc mà tôi hằng theo đuổi có thể sẽ không còn bởi những quy định từ hoàng gia. Thậm chí, sự tự do của tôi cũng không còn được thoải mái như trước kia. Đương nhiên, đó là điều tôi không bao giờ mong muốn. Có thể nhiều người sẽ cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời như vậy để trở thành một thành viên của hoàng gia Anh. Song tôi luôn tin vào sự lựa chọn của mình”.

Quyết định từ chối hôn lễ với hoàng tử Andrew đã khiến cha mẹ cô vô cùng thất vọng. Phải mất tới ba năm sau đó, cha mẹ cô mới vượt qua điều này. 8 năm sau, cô dâu hụt của hoàng gia Anh đã kết hôn với Mehrdad Ghodoussi, một doanh nhân người Iran. Hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi cả hai chào đón cậu con trai có tên Alexander.

“Nữ hoàng môi giới” của bóng đá Anh

Sự nghiệp của Amanda bước sang một trang mới khi cô thành lập công ty PCP Capital Partners có trụ sở chính tại Dubai, UAE (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất) vào năm 2015. Hoạt động chủ yếu của PCP Capital Partners là tìm kiếm hợp đồng làm ăn với những đối tác giàu tiềm lực tại khu vực Trung Đông cũng như đảm bảo các giao dịch quốc tế cho khách hàng VIP ở đây.

Với bộ óc tài chính được mài dũa tinh vi và khả năng nắm bắt nhạy bén các khoản đầu tư phức tạp, Amanda được đánh giá là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất ở Anh và Trung Đông cùng khối tài sản kếch xù trị giá không dưới 120 triệu bảng.

Sở dĩ Amanda được các ông hoàng cũng như giới tài phiệt tại Trung Đông “chọn mặt gửi hợp đồng” một cách thường xuyên là bởi người đẹp tóc vàng tạo dựng được các mối quan hệ rất tốt ở khu vực này. “Phải mất một thời gian dài để có được sự tin tưởng của những gia đình thuộc giới siêu giàu ở Trung Đông nhưng một khi bạn đã có nó, đó sẽ là chìa khóa giúp bạn đi tới thành công. Tôi nghĩ rằng hầu hết nhân vật giàu có ở Trung Đông đều biết cô ấy”, tờ Daily Mail trích dẫn lời nhận xét từ nguồn tin thân cận của Amanda.

Amanda dần nâng lên một tầm cao mới vào cuối năm 2008 với việc giúp môi giới đầu tư của các quỹ Trung Đông vào Barclays khi ngân hàng này tìm cách tái cấp vốn bằng cách huy động tiền tư nhân thay vì chấp nhận khoản cứu trợ từ chính phủ Anh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm đó. Công sức bỏ ra trong việc môi giới khoản đầu tư trị giá 7,3 tỷ bảng vào Barclays của Amanda đã được bù đắp xứng đáng khi kiếm được khoản thù lao không dưới 30 triệu bảng cho vai trò của mình trong vụ áp phe này.

Nữ doanh nhân quyền lực đứng sau màn đổi chủ của Newcastle -0
Newcastle đổi chủ phần nào nhờ Amanda.

Cũng trong năm 2008, Amanda còn để lại dấu ấn lớn khi góp sức đáng kể giúp tỷ phú Sheikh Mansour mua lại câu lạc bộ Man City vào năm 2008, với giá 210 triệu bảng Anh từ tay cựu Thủ tướng Thái Lan,Thaksin Shinawatra. Tỷ phú Sheikh Mansour sinh năm 1970, là thành viên Hoàng gia Al Nahyan của tiểu vương quốc Abu Dhabi, con trai thứ 5 trong 19 người con của cha đẻ sáng lập ra Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) - cố Tổng thống Zayed bin Sultan Al Nahyan. 

Sheikh Mansour đã biến đội bóng thành phố Manchester từ đội bóng dạng trung bình trở thành thế lực mới của giải Ngoại hạng Anh. Hơn 1 tỷ bảng mà Sheikh Mansour đổ ra thông qua tập đoàn Abu Dhabi United đã giúp Man City gặt hái một loạt danh hiệu cao quý, nổi bật hơn cả là 4 danh hiệu vô địch Premier League.

Với việc “mát tay” giúp Sheikh Mansour thâu tóm Man City, Amanda đã nhận khoản hoa hồng không dưới 10 triệu bảng.  Đồng thời, Amanda đã tham gia vào các cuộc đàm phán của một ông hoàng khác đến từ UAE là Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum trong việc mua 49% cổ phần của Câu lạc bộ Liverpool.

Chính bởi những thương vụ đình đám nêu trên mà người phụ nữ 48 tuổi với vóc dáng mảnh khảnh đã được số đông người hâm mộ tôn vinh là “nữ hoàng môi giới” của bóng đá Anh. “Mọi chuyện không chỉ đơn thuần là tiền bạc cũng như quy mô đầu tư của mỗi thương vụ, dù chỉ là vài triệu bảng hay giả dụ lên tới hàng trăm triệu bảng. Tất cả những gì tôi mong muốn là làm hết nhiệm vụ của mình mỗi ngày trước khi đi ngủ”, đó là kim chỉ nam cho  Amanda để trở thành trùm môi giới đứng sau nhiều thương vụ lớn.

Không cam chịu đơn thuần là một người môi giới kiếm tiền hoa hồng, Amanda còn ôm mộng trở thành bóng hồng quyền lực của làng bóng đá xứ sương mù. Trên thực tế, Amanda đã gửi một đề nghị trị giá 300 triệu bảng Anh để mua Newcastle vào ngày 20 tháng 11 năm 2017, nhưng không thành công.

Giờ đây với việc chiếm 10% cổ phần tại Newcastle, Amanda càng có thêm cơ hội tham gia điều hành hoạt động tại đội bóng vùng Đông Bắc nước Anh cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại Premier League. Tham vọng của Amanda rõ ràng không dừng lại ở vai trò của một môi giới tài chính như nhiều người lầm tưởng. Biết đâu Amanda Staveley sẽ trở thành “bà đầm thép” của bóng đá Anh chưa biết chừng.

Amanda Staveley mắc bệnh hiếm gặp

Amanda Staveley được chẩn đoán mắc bệnh Huntington vào năm 2013, một bệnh thoái hóa não không có thuốc chữa. Staveley mắc bệnh Huntington do thừa hưởng gen di truyền căn bệnh này từ mẹ cô, bà Lyne. Bệnh Huntington gây ra bởi một gen bị lỗi dẫn đến các bộ phận của não bị tổn thương dần theo thời gian. Các triệu chứng của bệnh Huntington có thể bao gồm: khó tập trung và mất trí nhớ, phiền muộn, không tự chủ cử động của chân tay và cơ thể, thay đổi tâm trạng, khó di chuyển... Nó thường gây tử vong khoảng 15 đến 20 năm sau khi các triệu chứng bắt đầu nếu bệnh nhân không được chăm sóc tốt.

Bảo Quyên
.
.