Phải chăng Algeria không còn cần vũ khí của Nga?
Mối quan hệ quốc phòng giữa Liên bang Nga và Algeria tồn tại từ thời Liên Xô. Hiện nay, Liên bang Nga là quốc gia hàng đầu trong số các đối tác quân sự của Algeria. Theo thông tin của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Moscow, quốc gia ARập này nhập khẩu khoảng 80% vũ khí của Nga và là khách hàng lớn thứ ba sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Miếng bánh cực kỳ béo bở
Trong tuyên bố được ký bởi Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune nhân chuyến thăm Moscow của ông vào tháng 3/2023 ghi rõ: “Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quân sự và công nghệ, kể cả mở rộng quan hệ đối tác trong chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất (sản xuất chung), tiến hành các cuộc tập trận và diễn tập chung” được coi là một trong những phương hướng ưu tiên để phát triển hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Hai bên dự định tích cực sử dụng cơ chế ủy ban liên chính phủ hỗn hợp Nga-Algeria về hợp tác kỹ thuật quân sự nhằm tăng cường hợp tác lâu dài trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Liên bang Nga và Algeria cũng sẽ khuyến khích nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự và tăng cường hợp tác huấn luyện quân sự, cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược và khoa học quân sự.
Mặc dù vậy, gần đây, dường như Algeria đang có ý định “đa dạng hóa” kho vũ khí của mình. Bằng chứng là trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2023, Tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria, Tướng Said Chengriha, tuyên bố sẵn sàng mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc.
Hơn nữa, ý định “đa dạng hóa” vũ khí của Algeria không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Các nước phương Tây, trong đó có Pháp, cũng đang cố gắng “giành lấy” miếng bánh của Nga ở Algeria. Mà chiếc bánh này cực kỳ béo bở. Đã năm thứ hai liên tiếp, ngân sách quốc phòng của Algeria vượt quá 20 tỷ USD. Phần lớn số tiền này được sử dụng để mua vũ khí và được tham gia vào đó là ước mơ của tất cả các tay lái súng trên thế giới.
Được biết, để tăng cường sức mạnh hải quân của mình ở Địa Trung Hải, mới đây Algeria vừa tiến hành các cuộc đàm phán với Paris về việc mua tàu sân bay trực thăng hiện đại nhất trị giá hơn 1,4 tỷ euro. Tuy nhiên, người Pháp không muốn bán giấy phép sản xuất.
Italia, đối tác quốc phòng quan trọng thứ ba của Algeria, cũng có cơ hội lớn nhận được một phần đáng kể ngân sách kỹ thuật quân sự của Algeria. Không phải ngẫu nhiên mà các quan chức quân sự cấp cao của Italia gần đây trở thành những vị khách thường xuyên của Algeria: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Guido Crosetto, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Lực lượng Liên quân Đồng minh Naples, Trung tướng Luciano Portolano, Tham mưu trưởng Quốc phòng , Đô đốc Giuseppe Cavo Dragone.
Gặp gỡ với các đối tác Italia, Chengriha công khai tuyên bố mong muốn của Algeria là đa dạng hóa hợp tác quốc phòng với Roma và phấn đấu “đạt tới mức quan hệ chính trị tuyệt vời đã gắn bó hai nước chúng ta, kể cả trong cuộc cách mạng giải phóng của chúng tôi hay trong những năm chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố man rợ (những năm 1990)”.
Nhân tiện cũng xin nói, có thể hiểu thâm ý bài phát biểu của nhà lãnh đạo quân sự Algeria như sau: “Chúng tôi có quá nhiều vũ khí của Nga và hiện nay chúng tôi sẽ bổ sung thêm vũ khí của các bạn. Sự bất ổn ở khu vực Bắc Phi bắt buộc chúng tôi làm điều đó” - Chengriha nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là Algeria và Ý cùng ủng hộ chính phủ Tripoli ở Libya, còn nước Nga lại dựa vào đối thủ cạnh tranh của Tripoli, Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy lực lượng LNA đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya. Điều này càng thôi thúc Chengriha mua vũ khí của Italia.
Hơn nữa, Italia đã bắt đầu tấn công thực sự vào các vị trí của Nga: tại Algeria, công ty Leonardo của Italia đang xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay trực thăng chiến đấu Augusta West, vừa thực hiện cả nhiệm vụ vận chuyển, sơ tán vừa thực hiện nhiệm vụ trinh sát - Algeria đã đặt mua 53 chiếc trực thăng AW139.
Alegria muốn gì?
Ngoài ra, còn có cả những lý do không kém phần quan trọng khác khiến Algeria mong muốn mở rộng hợp tác quân sự với các nước khác.
Thứ nhất, báo chí Algeria viết rằng Chengriha đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ "phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp vũ khí", và hiện nay khi Moscow đang bận rộn với cuộc chiến tranh ở Ukraine, các nhà lãnh đạo Algeria nghi ngờ rằng nước này sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của họ. Đặc biệt là khi Algeria có nguy cơ cận kề chiến tranh với Maroc, nên họ có thể cần gấp và nhiều vũ khí mới.
Thứ hai, mặc dù có những cam kết của Algeria về “tình hữu nghị lịch sử với Moscow”, hành động của các nhà lãnh đạo Algeria vẫn bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh của nước này trên thị trường khí đốt châu Âu. Chẳng hạn, hơn một năm nay, Algeria đã tước đi vị thế dẫn đầu của Nga trong việc cung cấp nhiên liệu xanh cho Italia và đang phát huy thành công này ở Đông Âu. Như vậy, trong tương lai, sự đối đầu về kinh tế cũng có thể ảnh hưởng tới chính trị, và lúc bấy giờ sự phụ thuộc vào vấn đề vũ khí chiến lược có thể trở nên rất “bất lợi” cho Algeria.
Thứ ba, mỗi năm chi nhiều tỷ đôla cho quốc phòng, Algeria không còn muốn chỉ đơn thuần mua vũ khí nữa. Họ muốn tự mình kiếm tiền từ việc sản xuất vũ khí để cuối cùng khẳng định mình là một siêu cường ở Bắc Phi. Và đó là lý do tại sao Algeria đang tìm cách bố trí các cơ sở sản xuất của nước ngoài trên lãnh thổ của mình.
Kinh nghiệm làm việc thành công với người Đức vào năm 2014 đã truyền cảm hứng cho những ý nghĩ như vậy của giới lãnh đạo Algeria. Lúc bấy giờ, Algeria đã tổ chức sản xuất trong nước 980 xe bọc thép chở quân Fuchs-2 với giá 2,7 tỷ USD.
Algeria đã đưa ra những đề xuất tương tự với Moscow. Hơn nữa, năm 2018, họ đã tuyên bố “có thể sắp triển khai sản xuất vũ khi chung với Nga, kéo dài thời hạn phục vụ sử dụng chúng”. Tuy nhiên, cuối cùng, một nhà máy tương tự đã được một tập đoàn nước ngoài xây dựng ở Algeria vào năm 2019. Điều này khiến giới lãnh đạo Algeria có lý do để tuyên bố rằng đất nước họ sẽ sớm trở thành nước sản xuất vũ khí hiện đại.
Còn vào tháng 6 năm 2023, Algeria thông báo rằng họ đã đạt được tiến bộ quan trọng “trong khả năng tự cung cấp các vũ khí phức tạp”. Algeria cũng có kế hoạch sản xuất hệ thống tên lửa mặt đất SY-400 mua được của nước ngoài năm 2022 để tấn công các mục tiêu trong bán kính 400 km.
Nhưng trước hết, Algeria hy vọng có thể sản xuất được máy bay không người lái tầm xa, đặc biệt béo bở là loại máy bay không người lái tấn công lớn nhất thế giới CH-5, có khả năng hoạt động liên tục trong 60 giờ ở cách xa căn cứ của mình hàng ngàn km và mang một tấn bom hoặc tên lửa. Ngoài ra, Algeria cũng mơ ước sản xuất các tàu chiến hiện đại.
Lợi ích đáng ngờ?
Việc Algeria ký kết các hợp đồng quốc phòng lớn với các nước khác buộc Liên bang Nga phải chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh thực sự với các đối thủ của mình. Dù sao chăng nữa, nước Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì vị trí hàng đầu trong số các đối tác quân sự của Algeria, và, rất có thể, thị phần của Nga trên thị trường vũ khí Algeria sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, vẫn còn sớm để nói về việc chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự - sự phụ thuộc quân sự của Algeria vào Moscow vẫn còn quá lớn và sẽ không thể thoát khỏi nó chỉ trong một sớm một chiều. Thế nhưng quốc phòng Nga-Algeria phụ thuộc rất nhiều vào thành công của Moscow trên mặt trận Ukraine. Thành công càng lớn thì vũ khí Nga càng bán được nhiều. Và không chỉ ở Algeria.
Hơn nữa, bằng cách đưa ra những tuyên bố về việc sắp sửa “đa dạng hóa dòng vũ khí”, các nhà lãnh đạo Algeria đang cố tình khiêu khích Nga. Mục đích là để đạt được sự nhượng bộ của Nga. Thực chất, bằng việc đề nghị chuyển sản xuất sang lãnh thổ của mình, giới lãnh đạo Algeria muốn ám chỉ rằng: hãy thành lập các cơ sở sản xuất vũ khí ở Algeria, hãy tạo việc làm và đầu tư cho chúng tôi - rồi lúc bấy giờ chúng ta sẽ bàn về việc duy trì các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD.
Trên thực tế, khi đồng ý với những đề nghị như vậy, nước Nga có nguy cơ không những tước đi công ăn việc làm của người lao động mà còn đánh mất bí mật quân sự. Bởi các cơ quan tình báo của các quốc gia cạnh tranh, kể cả NATO, không mơ ngủ, họ đang hoạt động khá tích cực ở Algeria, lợi dụng mối quan hệ nồng ấm giữa nước này và phương Tây.
Vì vậy, Nga không tuân theo “mong muốn” của Algeria, chẳng hạn như về việc cấp giấy phép sản xuất các hệ thống phòng không S-400 hiện đại. Loại vũ khí độc đáo này đã chứng minh hiệu quả trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay, không nên cấp phép sản xuất ở các nước khác. Đã có nhiều quốc gia xếp hàng đặt mua nó.
Tuy nhiên, hiện tại các đối tác nước ngoài cũng chưa cho phép Algeria sản xuất các vũ khí thực sự quan trọng mang tính chiến lược. Đơn giản là các dự án chung hiện có của Algeria với họ gây ảo tưởng rằng các nước ngoài có công nghệ tiên tiến sẽ xây dựng cho họ một nền công nghiệp quốc phòng có khả năng cạnh tranh sẵn có từ số không.
Hơn nữa, trên thực tế, tầm quan trọng của Algeria với tư cách là đối tác không quá lớn. Họ thường đòi hỏi những ưu đãi khác nhau, nhưng trên thực tế, điều đó thường dẫn đến các khoản nợ mà về sau họ xin được “xóa”. Cách đây không lâu, Moscow đã xóa khoản nợ 4,7 tỷ USD cho nước này, đổi lại Algeria cam kết mua sản phẩm của Nga. Còn bây giờ, họ đang nghĩ ra những “mưu kế” mới để không những có được vũ khí hiện đại mà còn tự sản xuất chúng, tước mất thu nhập của người Nga.
Vì vậy, lợi ích của sự tiếp tục hợp tác với Algeria theo cách đó, cùng với việc tích nợ và xóa nợ về sau, xem ra thật đáng ngờ.