Phát súng định mệnh của nữ điệp viên Sylvia Raphael
Trong giới tình báo Israel, Sylvia Raphael được gọi một cách không chính thức là “huyền thoại của Mossad”. Đã có nhiều cuốn sách và bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của bà. Nhờ có nhan sắc nổi bật và những khả năng thiên phú, chỉ sau một khóa đào tạo điệp viên cấp tốc tại trường tình báo của Mossad, Sylvia Raphael đã trở thành điệp viên xuất sắc, có khả năng tham gia tất cả các hoạt động tình báo ở nước ngoài. Tuy nhiên, tên tuổi bà cũng gắn với một trong những thất bại lớn nhất của tình báo Israel.
Trong hồi ký của mình, nhà báo Anh John Swain, chuyên gia về Trung Đông, kể lại rằng khi mới bắt đầu sự nghiệp, ở Paris, ông đã rơi vào cái gọi là “bẫy mật ong” của các cơ quan tình báo Israel: “Cô ta tên là Patricia Roxborough. Chúng tôi quen nhau qua bạn bè, cô ta tự giới thiệu là nhiếp ảnh gia tự do đến từ Canada. Một cô gái cao ráo, xinh đẹp và thông minh. Cặp mắt sáng của cô mê hoặc ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ít lâu sau, tôi đã trải qua những giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời trong căn hộ của cô bên hữu ngạn của thành phố”.
Theo Swain, Patricia Roxborough nói nhiều về Trung Đông và rất ngưỡng mộ đại tá Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo Libya vừa mới lên cầm quyền ở nước này. “Roxborough muốn cùng tôi đến thủ đô Tripoli với tư cách là nhiếp ảnh gia của tôi. Tôi sẽ phỏng vấn đại tá, còn cô chụp ảnh. Tôi rất thích cô, và nghĩ bụng: chúng tôi sẽ thành một cặp rất đẹp. Tuy nhiên, chuyến đi bị hủy bỏ. Tôi không được cấp thị thực, còn ngay sau đó Roxborough cũng biến mất. Mấy năm sau, tôi biết Roxborough có động cơ chính trị, hình như cô ta đang chuẩn bị ám sát Gaddafi, tên thật của Roxborough là Sylvia Raphael và cô ta không phải là phóng viên ảnh” - Swain nhớ lại.
Sylvia Raphael sinh năm 1937 tại Cape Town, thủ đô Nam Phi. Bố bà xuất thân từ một gia đình Do Thái chính thống, nhưng sau đó trở thành người vô thần, ông kết hôn với một phụ nữ cơ đốc giáo. Vì vậy, giống như anh trai của mình, Sylvia được giáo dục theo truyền thống cơ đốc giáo, nhưng đồng thời không giấu gốc gác Do Thái của mình. Theo hồi ức của những người thân, ngay từ khi còn nhỏ, Sylvia đã bất ngờ tuyên bố rằng bà muốn giống người bà Do Thái của mình, sau đó bà khăng khăng tự nhận là người Do Thái. Điều này xảy ra sau khi Sylvia chứng kiến một cảnh tượng ghê tởm. Ở trường phổ thông, một số cậu học sinh trung học đã đẩy một cô bé Do Thái vào một chiếc xe cút kít và hô lớn: "Chúng tao sẽ đưa tất cả bọn mày đến gặp Hitler". Rõ ràng, một bộ phận người châu Phi mà ở Cộng hòa Nam Phi được gọi là hậu duệ của những kẻ thực dân châu Âu, có cảm tình với Đức Quốc xã. Sau năm 1948, phân biệt chủng tộc trở thành một phần trong chính sách của đất nước này - nó kéo dài cho đến khi Nelson Mandela lên cầm quyền vào năm 1994. Bị sốc trước những gì tai nghe mắt thấy, Sylvia dứt khoát bỏ học tại ngôi trường này, vì thế gia đình gửi bà đến một trường tư thục dành cho nữ sinh.
Là chủ nhân của một doanh nghiệp nhỏ, ông bố của Sylvia có ý định cho con gái tham gia công việc kinh doanh của gia đình. Nhưng năm 1963, Sylvia quyết định đến Israel. Thời gian đầu, bà sống tại kibbutz (công xã), sau đó chuyển đến Tel Aviv, nhanh chóng nắm vững tiếng Do Thái và làm giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Pháp ở một trường phổ thông. Sylvia cũng thành thạo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức và tiếng Arập, và khi cần thiết biết “vận dụng” sắc đẹp phụ nữ hoặc ngược lại, thể hiện tính cách của mình.
Chẳng bao lâu, Sylvia Raphael gặp Moti Kfir, điệp viên của Mossad, ông ta cho rằng Sylvia có thể hữu ích đối với tổ chức của mình. “Tôi không bao giờ đưa ra kết luận chắc chắn về một người chỉ qua lần gặp đầu tiên. Nhưng khi gặp Sylvia, tôi hiểu rằng cô ấy có nhiều tiềm năng cho hoạt động tình báo” - Kfir thừa nhận trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo “The Times of Israel”.
Sau khi hoàn thành một khóa huấn luyện điệp viên cấp tốc, Sylvia được công nhận là điệp viên xuất sắc, có khả năng làm việc ở các quốc gia thù địch với Israel. Vì rất giỏi chụp ảnh, dưới vỏ bọc phóng viên ảnh Patricia Roxborurgh, năm 1964, bà đến Canada và sau đó là Pháp để bắt đầu hoạt động tình báo. Một năm sau, cái tên Patricia Roxborough xuất hiện trên các tờ báo của Paris chống Israel. Ít lâu sau, hầu như tất cả các tờ này đều thuê một "cô gái Canada" xinh đẹp làm phóng viên ảnh tự do. Sau đó, bắt đầu những chuyến công tác đến các doanh nghiệp có thiện cảm với tòa soạn - họ thường là các nhà tài trợ chính cho các tờ báo "thân Arập" ở châu Âu. Chỉ qua các nguồn mở, người ta biết rằng với tư cách phóng viên, Sylvia đã có mặt ở Cairo - trong thời gian cuộc Chiến tranh Tháng Mười, ở Beirut - nơi ít lâu sau đã xảy ra vụ ám sát Yasser Arafat, và ở Amman, nơi bà thực hiện các phóng sự điều tra về cuộc sống bí mật của người Palestine, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nhóm Fatah (Phong trào giải phóng Palesstine) và đến thăm cung điện của Saddam Hussein. Nhiều hoạt động của Sylvia Raphael cho đến nay vẫn chưa được giải mật, còn hồi ức của các đồng nghiệp cũ khá mơ hồ và ít ỏi.
Sau khi xảy ra vụ khủng bố tại Thế vận hội Munich năm 1972, Sylvia Raphael tham gia chiến dịch “Cơn thịnh nộ của Chúa” nhằm tiêu diệt những kẻ khủng bố Palestine trong nhóm “Tháng Chín Đen” đã gây ra thảm kịch này. Trước mùa xuân năm 1973, chiến dịch “Cơn thịnh nộ của Chúa” diễn ra theo đúng kế hoạch: lực lượng Mossad đã truy tìm những kẻ khủng bố ở khắp châu Âu và tiêu diệt chúng. Sai lầm xảy ra trong quá trình chuẩn bị tiêu diệt một trong những tên chịu trách nhiệm chính trong vụ khủng bố ở Munich, thủ lĩnh của nhóm “Tháng Chín Đen” Ali Hassan Salameh. Những kẻ khủng bố Palestine đã tạo dấu vết giả để đánh lạc hướng điều tra sang Na Uy, nơi Ahmed Buchiki, người Marocco có ngoại hình giống Ali Hassan Salameh, sống và làm việc. Các điệp viên của Mossad nhận được thông tin giả về việc anh ta chính là mục tiêu của họ. Một nhóm 15 điệp viên Israel lên đường tới Na Uy.
Ahmed Buchiki làm bồi bàn tại một trong những khu nghỉ mát ở Lillehammer, Na Uy, từ năm 1965. Ngày 21 tháng 6 năm 1973, trên đường từ rạp chiếu phim trở về nhà với người vợ đang mang thai, Ahmed Buchiki bất ngờ bị hai phụ nữ áp sát và bắn chết. Một người tên là Ethel Marianna Gladnikoff, người kia chính là Sylvia Raphael.
Vài ngày sau vụ sát hại Ahmed Buchiki, cảnh sát Na Uy đã bắt giữ hai nhân viên tình báo Israel. Một người trong họ, Dan Arbel, trưởng nhóm, vào ngày thẩm vấn thứ ba, đã khai hết tất cả những gì ông ta biết, kể cả địa chỉ các đồng đội của mình đang chuẩn bị rời khỏi Na Uy. Hóa ra, điệp viên giàu kinh nghiệm này mắc chứng sợ chỗ kín - ít ra Dan Arbel tự biện minh cho mình như vậy - đối với ông ta việc bị biệt giam là một cực hình khủng khiếp. 9 điệp viên tham gia vụ ám sát đã rời Na Uy, còn 6 người chưa kịp trốn đã bị bắt giữ tại các địa chỉ do Arbel khai báo.
Khi biết những người bị bắt là nhân viên tình báo của Israel, một vụ bê bối lớn đã xảy ra. Na Uy coi hành động của tình báo Israel là vi phạm chủ quyền của mình. Mối quan hệ giữa hai nước xấu đi rõ rệt, còn danh tiếng của “Mossad” cũng bị ảnh hưởng.
Trong bộ phim tài liệu "Sylvia: Lần theo vết máu" về cuộc đời nữ điệp viên, đạo diễn Saxon Logan khẳng định trùm khủng bố Ali Hassan Salameh đã cố tình đánh lạc hướng các nhân viên tình báo Mossad, dẫn họ tới một nạn nhân giả. Logan cũng chứng minh rằng Sylvia Raphael hiểu họ đã phát hiện nhầm người. Bà đề nghị chỉ huy nhóm hủy bỏ nhiệm vụ để kiểm tra kỹ lưỡng hơn, nhưng không ai lắng nghe bà. Kết quả là Sylvia cũng bị tù cùng với các thành viên khác.
Vụ ám sát Ahmed Buchiki là đề tài được tranh luận sôi nổi ở Israel trong nhiều thập kỷ. Năm 1996, Thủ tướng Shimon Peres tuyên bố rằng Israel không nhận trách nhiệm về vụ giết người, nhưng sẽ xem xét vấn đề bồi thường cho vợ và con gái của Buchiki, cũng như đứa con trai từ cuộc hôn nhân đầu tiên của ông. Còn tên khủng bố Ali Hassan Salameh đã bị trừng phạt ở Beirut vào tháng 1/1979 - một chiếc ô tô chứa đầy chất nổ đã nổ tung bên cạnh hắn.
Nhưng ta hãy trở lại với Sylvia Raphael, sau 7 tháng điều tra, bà bị buộc tội đồng phạm trong vụ giết người, hoạt động gián điệp và sử dụng hộ chiếu giả. Các nhân viên điều tra Na Uy không thể khai thác gì thêm, ngoài những điều Dan Arbel đã khai. Hơn nữa, Israel đã mời những luật sư giỏi nhất để hỗ trợ các nhân viên tình báo của mình. Một trong số họ, luật sư người Na Uy Anneus Skjedt, đã trực tiếp bào chữa cho Sylvia - vài tháng sau khi ra tù, bà trở thành vợ của ông ta. Sylvia Raphael bị kết án 5,5 năm tù giam. Tuy nhiên, tháng 5/1975, bà được trả tự do trước thời hạn và bị trục xuất khỏi Na Uy.
Là vợ hợp pháp của Skjedt, Sylvia Raphael có thể trở lại Na Uy. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thường xuyên tìm kiếm lý do để từ chối. Trước khi chồng bà nghỉ hưu, Sylvia liên tục di chuyển giữa Oslo và Nam Phi như con thoi. Đến đầu những năm 90, họ định cư hẳn ở Pretoria, Nam Phi.
Silvia Raphael qua đời ngày 9/2/2005 tại Pretoria ở tuổi 68 vì bệnh ung thư. Yêu cầu của chính phủ Israel về việc chôn cất bà tại vùng đất mà bà đã phục vụ phù hợp với nguyện vọng của chính Sylvia. Tang lễ của bà được tổ chức hết sức trang trọng và chu đáo.
Trong một bài trả lời phỏng vấn, Annues Skjedt cho biết rằng vợ ông chưa bao giờ nói với ông về công việc của mình, mặc dù ông thường hay hỏi bà về điều đó. Sylvia Raphael luôn trả lời rằng đó là bí mật mà bà “sống để bụng chết mang theo”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác, Eitan Haber, cựu cố vấn của Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, nói: "Khi mọi người biết được những gì Sylvia Raphael đã làm cho họ và các thế hệ tương lai, họ sẽ đến viếng mộ bà và đặt lên đó những vòng hoa cao tít tận trời xanh".