Quan hệ quân sự Mỹ - New Zealand: Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”
Quan hệ quân sự giữa Mỹ và New Zealand đã trải qua những biến động đáng kể trong nhiều thập kỷ, liên quan đến những khác biệt về quan điểm đối với vũ khí hạt nhân, cho dù gần đây đôi bên đã có những dấu hiệu muốn cải thiện tình hình.
Vào giữa những năm 1980, do bất đồng về chính sách hạt nhân - xuất phát từ việc New Zealand ban hành luật cấm vũ khí hạt nhân và Mỹ duy trì chính sách "không xác nhận cũng không phủ nhận" sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trên tàu của mình - Mỹ đã đình chỉ các cam kết liên minh với New Zealand theo Hiệp ước ANZUS ký năm 1951.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ này đã được cải thiện và củng cố. Theo hãng tin AP, tháng 8/2022, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, bày tỏ mong muốn mở rộng và tăng cường quan hệ với New Zealand, trong bối cảnh lo ngại về tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tháng 6/2022, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Sau cuộc gặp, hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung, bao gồm cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng.
![Quan hệ quân sự Mỹ - New Zealand: Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/17/Anh_2-1739785067696.jpg)
Từ chuyện cấm cửa tàu chiến Mỹ
40 năm trước, New Zealand từ chối cho khu trục hạm USS Buchanan trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ vào vùng biển nhà dựa trên luật cấm vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Sự việc này khiến Washington tức giận và gây ra mối bất hòa giữa hai đồng minh kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Trong hàng chục năm qua, Mỹ đã triển khai một số loại vũ khí hạt nhân chiến thuật trên tàu chiến, theo một chính sách mang tên “New look” (cách tiếp cận mới) do Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower ban hành năm 1955, là một chiến lược quân sự và quốc phòng thời kỳ Chiến tranh lạnh. Chính sách này nhấn mạnh việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một phương tiện răn đe chính, thay vì duy trì một lực lượng quân đội thông thường lớn và tốn kém.
Mục tiêu chính của New look là cắt giảm chi tiêu quân sự, răn đe bằng vũ khí hạt nhân. Thay vì duy trì một đội quân thường trực lớn, Mỹ tập trung vào việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia sử dụng chúng như công cụ chính để răn đe Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác. Chính sách này còn giúp Mỹ duy trì ưu thế chiến lược, đồng thời tránh lặp lại tình trạng huy động quân sự tốn kém như trong Thế chiến II. Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ, có thể bằng vũ khí hạt nhân, nếu bị tấn công, ngay cả khi đó là một cuộc tấn công quy mô nhỏ.
Trong suốt Chiến tranh lạnh, các tàu chiến và tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hải quân Mỹ thường xuyên đi khắp thế giới. Tàu chiến Mỹ mang theo loại vũ khí đầy uy lực và chết chóc này ngay cả trong các chuyến thăm cảng, các cuộc hải hành biểu dương “quyền tự do hàng hải”, các nhiệm vụ do thám và các cuộc tập trận hải quân.
Một số quốc gia đồng minh với Mỹ phản đối ý tưởng có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ trong thời bình. Mỹ giữ lập trường không thừa nhận hay phủ nhận sự tồn tại của vũ khí hạt nhân ở bất cứ đâu - một lập trường mà sau đó đã sớm trở thành một chính sách. Tuy nhiên, tính chất mơ hồ xung quanh sự hiện diện của vũ khí hạt nhân đã khiến các chuyến thăm cảng thiện chí trở thành những cuộc cãi vã ngoại giao khi các nước chủ nhà phản đối hành vi vi phạm lệnh cấm hạt nhân do họ ban hành.
Một trong những quốc gia như vậy là New Zealand, đồng minh thân cận của Mỹ vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước và là một thành viên Hiệp ước an ninh Úc, New Zealand và Mỹ (Hiệp ước ANZUS) năm 1951, được ký kết để bảo vệ hai quốc gia Thái Bình Dương.
New Zealand có lập trường nhất quán về vũ khí hạt nhân kể từ năm 1945, khi bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản. Cần nói thêm rằng bom nguyên tử là một trong các loại vũ khí hạt nhân, đặc điểm chính là sử dụng phản ứng phân hạch để giải phóng năng lượng, khác với các loại bom hạt nhân khác như bom nhiệt hạch sử dụng phản ứng nhiệt hạch, trong đó các hạt nhân nhẹ như hydrogen hợp nhất thành hạt nhân nặng hơn (helium), tạo ra năng lượng lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử.
Sự phản đối của New Zealand đối với vũ khí hạt nhân được thể hiện qua việc nước này bỏ phiếu ủng hộ loại bỏ vũ khí hạt nhân trong nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1946.
Trong những năm 1960 và 1970, khi các nước phương Tây tiến hành thử hạt nhân ở Thái Bình Dương, sự phản đối của New Zealand đối với vũ khí hạt nhân và các cuộc thử hạt nhân càng mạnh mẽ hơn.
Sau một chiến dịch chống lại vũ khí hạt nhân kéo dài, năm 1984, New Zealand tuyên bố “không có vũ khí hạt nhân”. Vào thời điểm đó, chính phủ New Zealand của Thủ tướng David Lange đã công bố quyết định cấm các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc được trang bị vũ khí hạt nhân, theo trang crsreports.congress.gov thuộc Thư viện Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, việc Wellington cấm hạt nhân không phù hợp với nhu cầu và ý muốn Mỹ dùng vũ khí hạt nhân để răn đe Liên Xô. Mỹ quyết định phái một tàu chiến đến New Zealand để thử nghiệm quyết tâm của chính phủ ở Wellington. Trước đó, một số quốc gia không có vũ khí hạt nhân đã cho phép tàu chiến Mỹ vào lãnh thổ của họ dựa trên lập trường của Mỹ là không xác nhận cũng không phủ nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân. Mặc dù vậy, New Zealand không nhượng bộ.
Theo EA Times, Mỹ đã yêu cầu chính phủ New Zealand cho phép tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Buchanan, được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ năm 1962, ghé thăm. New Zealand nghi ngờ tàu khu trục này mang theo bom hạt nhân (chủ yếu được triển khai cho mục đích tác chiến chống tàu ngầm). Vì vậy, vào ngày 4/2/1985, khi chỉ huy USS Buchanan từ chối xác nhận không có vũ khí hạt nhân trên tàu, New Zealand đã từ chối cho chiến hạm này vào cảng.
“Người Mỹ đánh giá rằng tàu này có thể lọt khỏi tầm ngắm của giới chính trị nước chủ nhà”, cựu Thủ tướng David Lange hồi tưởng, theo cuốn sách Lịch sử New Zealand. “Bất kể có mang vũ khí hạt nhân hay không, việc tàu này (USS Buchanan) cập cảng New Zealand được coi là sự đầu hàng của chính phủ chúng tôi”. Ông Lange nói đã hy vọng người Mỹ phái đến một tàu chiến “trong sạch hơn”, nhưng phía Mỹ nói hoặc là tàu Buchanan hoặc không gì cả.
Chỉ trong vài ngày, Washington “hạ cấp” quan hệ chính trị và ngoại giao với New Zealand, cắt đứt các cuộc trao đổi quân sự và tình báo công khai giữa đôi bên. Trong khi khuôn khổ hiệp ước ANZUS vẫn còn nguyên vẹn, Ngoại trưởng Mỹ George Schultz xác nhận rằng Mỹ sẽ không duy trì bảo đảm an ninh cho New Zealand.
“Với sự ủng hộ của lưỡng đảng tại quốc hội, Mỹ đã ngừng mọi cuộc tập trận hải quân chung và chia sẻ thông tin tình báo với New Zealand, và Tổng thống Reagan tuyên bố rằng ông không còn có thể duy trì mối quan hệ đặc biệt với quốc gia này như các đồng minh khác nữa”, một tài liệu của Trung tâm Wilson, tổ chức nghiên cứu chính sách phi đảng phái tại Washington, viết.
Theo trang Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, mục đích đằng sau cách Mỹ hành xử với New Zealand là để ngăn cản các đồng minh quan trọng khác ban hành các luật chống hạt nhân tương tự. Ví dụ, nếu Úc quyết định thông qua một đạo luật tương tự, Mỹ sẽ mất đi chỗ đứng ở Ấn Độ Dương - một rủi ro mà họ không muốn chấp nhận tại thời điểm đó.
![Quan hệ quân sự Mỹ - New Zealand: Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/17/1-1739785225653.jpg)
Một báo cáo của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ sau đó nêu rằng việc New Zealand từ chối cho tàu USS Buchanan ghé thăm có thể khuyến khích Liên Xô “thúc đẩy sự chia rẽ giữa các đồng minh của chúng ta và chờ đợi những thành công tiếp theo của các nhóm chống hạt nhân khác trên khắp thế giới, thay vì đàm phán cắt giảm vũ khí”.
Không nao núng trước phản ứng của Mỹ, New Zealand đã thông qua Đạo luật Khu vực phi hạt nhân, Giải trừ quân bị và Kiểm soát vũ khí vào năm 1987. Tuy nhiên, chính phủ New Zealand nói rõ rằng đạo luật này chống hạt nhân, không phải chống Mỹ. Trong bối cảnh sự bất mãn ngày càng tăng trên toàn cầu đối với vũ khí hạt nhân và Liên Xô sắp tan rã, Mỹ cuối cùng đã quyết định loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi lực lượng hải quân.
Trong bài phát biểu được truyền hình ngày 27/9/1991, Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố rằng Mỹ sẽ đơn phương loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân phi chiến lược khỏi lực lượng hải quân, đưa tất cả về nước và phá hủy một số lượng lớn trong số này. Tổng thống Bush cũng khẳng định rằng tàu chiến Mỹ sẽ không mang vũ khí hạt nhân khi triển khai ở nước ngoài. Việc dỡ bỏ được cho là đã hoàn tất vào giữa năm 1992.
Hai năm sau, bản đánh giá tình hình năm 1994 của chính quyền Bill Clinton xác định rằng các tàu chiến mặt nước sẽ không được phép phóng tên lửa hạt nhân. Tài liệu này nêu yêu cầu tên lửa hành trình Tomahawk (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) phóng từ biển phải được cất giữ trên đất liền và chỉ được triển khai cho trên một số tàu ngầm cụ thể.
Năm 2010, chính quyền Barack Obama đã ngừng triển khai các tên lửa Tomahawk mang đầu đạn hạt nhân, chấm dứt hàng thập kỷ triển khai vũ khí hạt nhân tại các căn cứ không quân, tàu chiến. Kể từ mùa hè năm 1992, trên biển, Mỹ chỉ trang bị vũ khí hạt nhân (tên lửa đạn đạo tầm xa) trên các tàu ngầm chiến lược, một xu hướng dự kiến tiếp tục ít nhất cho đến những năm 2080. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống George H.W. Bush năm 1991 không khiến mối quan hệ Mỹ-New Zealand sau đó sớm rã băng.
![Quan hệ quân sự Mỹ - New Zealand: Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/17/Anh_4-1739785265096.jpg)
Dấu hiệu tan băng
Mọi việc bắt đầu cải thiện từ đầu những năm 2000, thể hiện qua việc New Zealand triển khai quân đặc nhiệm hỗ trợ cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo ở Afghanistan vào năm 2001 và phái một đội kỹ sư quân sự hỗ trợ chiến dịch của Mỹ ở Iraq vào năm 2003.
Tuy nhiên, động lực chính thúc đẩy hòa giải diễn ra dưới thời Barack Obama và chiến lược xoay trục sang châu Á của ông. Bà Hillary Clinton, khi đó là Ngoại trưởng Mỹ, thăm New Zealand ngay sau khi chính quyền Obama tuyên bố các kế hoạch tái cân bằng và kêu gọi "hợp tác thực tế ở khu vực Thái Bình Dương".
Tuy nhiên, phải mất một thời gian nữa, quan hệ Mỹ-New Zealand mới được khôi phục phần nào. Năm 2010, Mỹ và New Zealand ký Tuyên bố Wellington, tái khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước và vạch ra hợp tác thực tế trong tương lai.
Mối quan hệ Mỹ - New Zealand gần như được bình thường hóa hoàn toàn vào tháng 6/2014 khi tàu chiến New Zealand mang tên HMNZS Canterbury cập cảng hải quân Mỹ ở Hawaii để tham gia cuộc tập trận quân sự đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương.
"Việc tàu HMNZS Canterbury cập cảng Trân Châu Cảng ở Hawaii đánh dấu lần đầu tiên sau 30 năm kể từ khi một tàu của New Zealand cập cảng tại một căn cứ hải quân Mỹ để tham gia tập trận. Đây là dấu hiệu hữu hình cho thấy mối quan hệ nồng ấm của chúng tôi với Mỹ", cựu Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman cho biết trong một tuyên bố. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã không phái tàu chiến đến New Zealand cho đến năm 2016, khi Washington chấp nhận lời mời cử một tàu viếng thăm nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Hải quân Hoàng gia New Zealand.
Khu trục hạm USS Sampson đã trở thành tàu chiến Mỹ đầu tiên ghé thăm New Zealand trong vòng 30 năm.