“Quốc gia crypto” - Có là giấc mơ viển vông?

Thứ Sáu, 22/04/2022, 20:53

Bây giờ thì, tiền ảo, hay còn gọi là crypto, không còn là câu chuyện “nóng” như mấy năm trước đây nữa. Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đang dốc vốn mạnh vào thị trường. Điều mà giới quan sát đang chú ý theo dõi là phản ứng của chính phủ một số quốc gia đối với crypto. Họ không thể ngờ tới chuyện có những cá nhân thay vì mong chờ nhà nước hợp pháp hóa crypto, sẽ tự thành lập “nhà nước crypto” của riêng họ.

Có phải là thiên đường?

Với nhiều tỷ phú, việc mua được một hòn đảo nhiệt đới ở Thái Bình Dương là cách tốt nhất để chứng tỏ sự giàu có của họ. Nhưng thương vụ mới đây mua bán một hòn đảo thuộc đất nước Vanuatu lại thu hút nhiều sự chú ý không phải vì giá trị của hòn đảo. Bên mua lại đảo là công ty đầu tư Satoshi Island (SI). Điều đầu tiên họ làm sau khi hoàn thành thương vụ là đổi tên hòn đảo thành đảo Satoshi theo tên nhà phát minh ra Bitcoin, ông Satoshi Nakamoto.

thong.jpg -0
Thống đốc Ngân hàng Anh, ông Rishi Sunak đang chịu nhiều chỉ trích

Điều thứ hai SI làm là phân lô chia nền hòn đảo. Nhưng họ không bán đất theo kiểu thông thường. Người ta sử dụng các lô đất làm tài sản để “NFT hoá” - về cơ bản nghĩa là biến quyền sử dụng đất thành một thứ tiền ảo. 21.000 lô đất trên tổng diện tích 323,75 ha được SI rao bán với giá khởi điểm 60.000 USD. Người mua sẽ chi trả hoàn toàn bằng BitCoin, Ethereum hoặc một loại tiền ảo khác.

Tại sao SI lại lựa chọn giao dịch bằng tiền ảo ít ổn định hơn các đồng ngoại tệ khác? Thông cáo báo chí của SI ghi: “Đảo Satoshi là cộng đồng dành riêng cho các nhà đầu tư tiền ảo. Từ quốc tịch đến hệ thống luật pháp sẽ đều được xây dựng dựa trên nền tảng blockchain… Đảo Satoshi là sự lựa chọn tối ưu đối với các nhà đầu tư muốn biến crypto thành tài sản thực”. Nói ngắn gọn hơn, SI đang dự định thành lập một quốc đảo mới cho những người muốn crypto và NFT không những được công nhận mà còn trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hằng ngày.

Một trong những điểm ưu việt của crypto là không bị kiểm soát bởi ngân hàng trung ương như những đồng tiền truyền thống. Liệu sẽ có ai muốn đến sống ở đảo Satoshi để rồi chính đồng tiền ảo của mình bị kiểm soát. Theo chuyên gia phân tích tài chính  Callas (Pháp) thì: “Nhiều nhà đầu tư crypto đang cảm thấy rất bất an. Gần 5 năm đã trôi qua kể từ khi BitCoin lên đến “đỉnh” mà số chính phủ công nhận đồng tiền này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều họ cần nhất là có thêm một thực thể chính trị công nhận đồng tiền ảo này để nó được “danh chính ngôn thuận” trong mắt công chúng. Họ muốn lôi kéo thêm nhà đầu tư crypto để bảo toàn giá trị cho chính những đồng tiền ảo họ đang nắm giữ”.

nhieu.jpg -0
Nhiều nhà đầu tư tiền ảo đang đôn đáo tìm cách bảo đảm cho tài khoản của mình

SI tuyên bố họ đang cộng tác với công ty thiết kế kiến trúc James Law Cybertecture (Hong Kong) để quy hoạch xây dựng hòn đảo. Kế hoạch của SI là biến đảo Satoshi trở thành một khu đô thị, sau đó sẽ là “thủ đô tài chính” của thị trường crypto thế giới. Tuy nhiên, đại đa số nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ trước khả năng thành công của SI. Tờ Financial Times nhận xét: “Xây dựng một khu đô thị mới chẳng phải là chuyện dễ, nhất là khi địa phương không có bất kỳ hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có như mạng điện, đường cung cấp nước, v.v… SI là một công ty đầu tư, hoàn toàn không có kinh nghiệm gì trong việc xây dựng hay điều hành đô thị. Thật khó để tin rằng họ sẽ thành công”.

Một số khác lại đặt nghi vấn về tính hợp pháp của đảo quốc mới. Theo những thông tin do chính SI cung cấp, họ sẽ cấp quốc tịch cho những người đến sống tại đảo Satoshi. Quốc tịch này tuy vậy không đồng nghĩa với việc người được nhận trở thành công dân của Vanuatu. Liệu Vanuatu sẽ chấp nhận việc này? Họ sẵn sàng bán những đảo không có ai ở cho người nước ngoài, nhưng quyền lực cuối cùng đối với hòn đảo vẫn thuộc về họ. Còn SI hứa sẽ cấp quốc tịch riêng chẳng khác nào ly khai đảo Satoshi khỏi Vanuatu cả.

Không thể loại trừ khả năng toàn bộ dự án xây dựng đảo Satoshi thực chất là một vụ lừa đảo. Một dụ án tương tự như đảo Satoshi tên là “Cryptoland” đặt ở quần đảo Fiji chỉ vừa mới vỡ lở hồi cuối năm ngoái khi một loạt lãnh đạo dự án bị cảnh sát Anh bắt. Công ty chủ quản Cryptoland hoàn toàn không có ý định xây dựng dự án, nhưng cảnh sát may mắn tóm được những kẻ lừa đảo trước khi chúng kịp ôm tiền trốn. Ngay từ việc SI chỉ chấp nhận tiền BitCoin để đặt cọc đã khiến các nhà quan sát thấy nghi ngại về khả năng xảy ra lừa đảo.

Về phần mình, chính phủ Vanuatu không trả lời bất kỳ câu hỏi gì của báo chí có liên quan đến đảo Satoshi. Họ cũng từ chối cung cấp thông tin về SI trong khi doanh nghiệp này được đăng ký thành lập tại Vanuatu. Bộ Công thương Vanuatu từng đăng một dòng tweet ca ngợi dự án đảo Satoshi, nhưng không biết vì lý do nào mà họ lại xóa thông điệp này sau đó. Tờ Straits Times nhận xét: “Câu hỏi hiện nay là chính phủ Vanuatu biết đến đâu. Và tại sao họ lại không nói cho mọi người biết?”.

Canh bạc quốc gia

Nhà báo Owens Jones viết trên tờ The Guardians: “Vanuatu hiện đang rất “khát” vốn đầu tư. Câu hỏi về tính trung thực và khả thi của dự án đảo Satoshi rất có thể không hề quan trọng với Vanuatu. Điều họ cần ngay là có dòng vốn nước ngoài để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ… Vanuatu chỉ là dấu hiệu cho xu hướng thị trường tiền ảo chạy sang những quốc gia đang phát triển để tìm kiếm cơ hội mới và tránh sự kiểm soát của chính quyền”.

hon.jpg -0
Hòn đảo được Vanuatu bán cho người chơi tiền ảo

Hiện có một số quốc gia có tốc độ tăng khối lượng giao dịch crypto hằng năm cao như: Brazil (Trung My), ở Trung Á là Azerbaijan, ở Châu Phi là Nigeria. Bà Kim Grauer, Giám đốc công ty phân tích thị trường Chainanalysis, nhận xét: “Nhiều người phạm sai lầm là chú ý quá nhiều đến các thị trường lớn như Mỹ và Anh. Chính thị trường tiền ảo ở những quốc gia đang phát triển mới có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Nhu cầu sử dụng tiền ảo ở những nước này tăng cao vì hai lý do: người dân sử dụng crypto để mua bán hàng hóa nhập khẩu mà không phải chịu các khoản phí hải quan; các công ty tài chính đang tìm mọi cách để huy động thêm vốn trong dân”.

Liệu có phải sự mở rộng thị trường là lý do duy nhất để một số nước đang phát triển tiến tới công nhận crypto không? Không. Nhà báo Owens Jones viết, nhiều nước đang rất cần có thêm vốn vào nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 và những biến động kinh tế -  chính trị khác đã khiến các quốc gia trong khối G7 giảm khoản đầu tư ra nước ngoài của họ. Ảnh hưởng tiêu cực của động thái này đối với các nền kinh tế mới nổi khó mà kể hết.

Giữa năm ngoái, chính phủ El Salvador đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi công nhận BitCoin là loại tiền được lưu hành hợp pháp tại nước này. Tổng thống El Salvador Nayib Bukele ăn mặc như một nghệ sỹ đã đứng lên diễn đàn mà tuyên bố: “BitCoin sẽ đưa nền kinh tế El Salvador lên tầm thế kỷ 23”. Sau tám tháng kể từ ngày đưa ra quyết định, El Salvador cho biết đã có 4 triệu người dân có ví điện tử BitCoin.

Nhưng thực tế không quá khả quan. Anh José Bonilla, chủ một tiệm sửa giày, phàn nàn về BitCoin với phóng viên tờ Rest of World: “Cây ATM BitCoin duy nhất cách nhà tôi hơn ba cây số… Mỗi lần giao dịch bằng BitCoin, tôi lại lo sợ giao dịch gặp vấn đề. Tôi từng bị mất 200 USD chỉ vì máy tính của ngân hàng không xử lý được chuỗi blockchain”. Cũng như anh Bonilla, nhiều người El Salvador khác cũng đang quay lưng với crypto để trở lại với tiền giấy. Đồng đô la El Salvador biến động nhiều hơn crypto, nhưng ít ra người dùng không bao giờ mất tiền vì máy tính hỏng.

Điều đáng ngạc nhiên là Tổng thống Nayib Bukele vẫn chưa hề có động thái nào để cải thiện tình hình. Một quan chức giấu tên trong nội các El Salvador nói với báo giới: “Ông Bukele không hề mong chờ BitCoin sẽ giúp giải quyết những vấn đề kinh tế quốc gia. Điều tổng thống cần là dòng vốn nước ngoài đổ vào El Salvador ngay lập tức nhằm vừa kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, vừa giúp tăng danh tiếng cho ông ta. Chỉ chờ đến khi Bukele tái đắc cử vào năm 2024 thì BitCoin thành bại ở El Salvador, ông cũng mặc kệ”.

Tương lai biến động

Nhưng Tổng thống Nayib Bukele không phải chính trị gia duy nhất gạt sang một bên sự ổn định của nền kinh tế vì những toan tính chính trị của mình. Vào ngày 3-4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tuyên bố Ngân hàng Anh sẽ sớm phát hành đồng tiền ảo của riêng họ. Đồng thời đến cuối năm nay, Chính phủ Anh sẽ ban hành luật kiểm soát giao dịch crypto, mở đường cho tiền ảo được pháp giao dịch trong tiêu dùng ở nước này.

Quyết định này đã ngay lập tức gặp phải sự chỉ trích từ Nghị viện Anh. Hạ nghị sỹ Barllow Kingston phát biểu: “Khả năng sinh lời của crypto vẫn đang giảm, trong khi những vụ hack server ăn trộm tiền ảo ngày càng nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Không có lý do gì để nước Anh lao đầu vào crypto cả. Bộ trưởng Rishi Sunak đang đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích quốc gia”.

“Lợi ích bản thân” mà ông Barllow Kingston nhắc đến có liên quan tới các scandal mà Bộ trưởng Sunak đang phải đối mặt. Trước hết là việc lạm phát tại Anh tăng vọt do chịu ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận Nga. Đã gần hai tháng kể từ khi cấm vận được đưa ra mà Bộ Tài chính và Ngân hàng Anh vẫn chưa có động thái đáng kể nào để kiềm chế lạm phát. Scandal thứ hai là việc vợ ông, bà Akshata Murthy, giữ cổ phần đa số trong một công ty thời trang Nga.

Trong khi các nhà đầu tư khác của nước Anh bị buộc phải rút vốn của mình từ Nga về nước, bà Murthy vẫn tiếp tục được bí mật hưởng lợi cổ đông. Ngoài ra trên mạng xuất hiện một loạt những bức ảnh chụp chung bà Murthy với con của giới lãnh đạo Nga, cùng với đó là câu hỏi đặt ra về sự công bằng của chồng bà đối với các vấn đề Nga.

Nhận xét chung của báo giới Anh là ông Rishi Sunak đang dùng crypto làm thứ phương tiện đánh lạc hướng công luận khỏi những scandal của mình. Nếu điều này là sự thật, chắc chắn dự án crypto của Bộ Tài chính Anh sẽ sớm sụp đổ, từ đó đặt tương lai của thị trường tiền ảo thế giới vào thế bất định, có khả năng đi đến chỗ tự huỷ diệt.

Lê Công Vũ  (Tổng hợp)
.
.