Rem Krasilnikov: Thợ săn gián điệp cừ khôi

Thứ Ba, 15/10/2024, 12:42

Rem Krasilnikov - người được coi là thợ săn gián điệp và nhà tình báo đối ngoại giỏi nhất của Liên Xô cũ. Là người đứng đầu phòng phản gián “Mỹ” vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, ông đã xác định danh tính của khoảng 20 đặc vụ CIA và trục xuất một số điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao. Tình báo Mỹ coi Krasilnikov là kẻ thù số 1. những nỗ lực của ông đã làm tê liệt hoạt động tình báo của Mỹ ở Liên Xô vào cuối những năm 1980.

Nhà lãnh đạo phản gián xuất sắc

Rem Sergeevich Krasilnikov sinh ngày 14/4/1927 tại Moscow. R.Krasilnikov giỏi ngoại ngữ và từng theo học tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow MGIMO. Sau khi tốt nghiệp năm 1949, ông trở thành nhân viên an ninh. Không lâu sau, nhân viên tài năng được chuyển sang bộ phận phản gián và đến năm 1955, ông làm việc trong Ban giám đốc Tình báo đối ngoại của KGB.

Rem Krasilnikov: Thợ săn gián điệp cừ khôi -0
“Thợ săn gián điệp” Rem Krasilnikov.

Hai năm sau, Krasilnikov đến Ottawa và giữ chức phó thường trú Liên Xô, phụ trách phản gián trong 4 năm. Năm 1961 ông trở lại Moscow và năm 1965 đến Beirut làm công tác giám sát các vấn đề phản gián. Công lao của Krasilnikov được đánh giá cao: khi trở lại Moscow 1969, ông trở thành nhân viên KGB thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Hai năm sau đó, Krasilnikov là người đứng đầu bộ phận chỉ đạo Trung Đông và Châu Phi. Đến năm 1973, Krasilnikov làm trưởng phòng “Anh” của KGB.

Trở thành người lão luyện trong việc chống lại những âm mưu đáng gờm của MI-6, Krasilnikov được chuyển sang vị trí lãnh đạo phòng “Mỹ”. Ông đứng đầu cơ quan phản gián Liên Xô đối kháng Mỹ trong thời kỳ rất khó khăn: đó là năm 1979 khi cuộc đối đầu giữa Liên Xô và phương Tây mỗi năm càng gay gắt hơn. Khi đó tình báo Mỹ đang nỗ lực tạo ra một mạng lưới gián điệp rộng lớn trên khắp lãnh thổ Liên Xô.

Để ngăn tình báo Liên Xô nghe lén, người Mỹ đã trang bị một căn phòng cản sóng vô tuyến trên tầng 7 của Đại sự quán Mỹ tại Liên Xô. Vào nửa đầu những năm 80, Burton Lee Herbert, đối thủ chính của phản gián Liên Xô thời đó đã đưa ra một bức ảnh của Rem Krasilnikov và cảnh báo với các nhân viên của mình: “Đây là người đang theo sát các bạn”.

Krasilnikov thực sự là một nhà phản gián và nhà lãnh đạo xuất sắc. Vào cuối năm 1982, bộ phận phản gián kỹ thuật của Krasilnikov đã chặn được một số tín hiệu vô tuyến ngắn đã mã hóa được gửi bởi tình báo nước ngoài. Qua phân tích kỹ lưỡng cho thấy, tín hiệu được gửi vào thời điểm các nhân viên đại sứ quán Mỹ đi vào thành phố. Việc tăng cường giám sát các nhà ngoại giao Mỹ cũng phát hiện ra họ thường đi dạo ở nhiều công viên khác nhau tại Moscow. Krasilnikov đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và phán đoán người Mỹ đang thử nghiệm thiết bị gián điệp mới để truyền và nhận thông tin mà không cần gặp mặt các điệp viên hoặc lập ra địa điểm bí mật. Sau khi nghiên cứu, Ban Phản gián đã phát hiện: các nhân viên Đại sứ quán Mỹ đi đến các công viên theo chiều kim đồng hồ - từ phía tây bắc đến phía nam của thủ đô, tiếp theo là hướng Filevsky, nơi đang được giám sát.

Quả thật, vào ngày 7/3/1983, Bí thư thứ nhất về kinh tế của sứ quán Mỹ là Richard Osborne cùng vợ đã đến công viên. Người phụ nữ cầm một chiếc túi xách. Ngay sau đó, một tín hiệu vô tuyến khác được phát ra từ công viên. Lập tức nhóm của Krasilnikov đã trói nhà ngoại giao và tịch thu chiếc túi của vợ ông ta. Trong túi là một chiếc máy phát vô tuyến nhỏ nặng 2 kg. Bằng chứng này đủ khiến gia đình Osborne bị trục xuất.

Rem Krasilnikov: Thợ săn gián điệp cừ khôi -0
R.Krasilnikov (bên trái) thẩm vấn M.Sellers - nhân viên CIA bị bắt giữ.

Phát hiện những kẻ phản bội

Tháng 8/1985, một số bài báo giật gân của Mỹ cho rằng Liên Xô đang theo dõi các nhà ngoại giao Mỹ nhờ một loại bột đặc biệt bí mật được dùng để đánh dấu xe của các đại diện Đại sứ quán Mỹ. Sau khi phân tích kỹ cách thức rò rỉ dữ liệu mật, phản gián Liên Xô nhận thấy rõ có một “chuột chũi” của tình báo phương Tây đang hoạt động trong hàng ngũ của mình. Đây là cuộc tìm kiếm khó khăn và nguy hiểm nhưng cũng thành công nhất của nhóm Krasilnikov. Họ phát hiện ra kẻ phản bội đã từng đến Ireland. Tuy nhiên, trong danh sách này có hàng trăm cái tên với nhiều bí danh. Phải mất ba tháng để tìm được thông tin chuẩn về hộ chiếu của các nghi phạm.

Krasilnikov vạch ra một nhóm nghi phạm gồm vài trăm người đang làm việc trong bộ phận của mình, nhưng trong số họ không có ai từng đến Ireland. Cuộc điều tra bị đình trệ. Nhưng thật bất ngờ, “chuột chũi” đã tự lộ diện khi tiết lộ cho CIA về một điệp viên Liên Xô mà chỉ hắn biết. Và nhờ những nỗ lực của hắn ta mà hệ thống dữ liệu đã được hoàn thiện nên lần này không khó để tìm ra tên gián điệp. Từ chiếc thẻ của kẻ cung cấp thông tin cho tình báo phương Tây được giải mật, đã phát hiện ra kẻ đó là Sergey Vorontsov, cựu Phó phòng Phản gián của KGB tại khu vực Moscow.

Có một thời, Vorontsov là một nhà tình báo và nhà quản lý đầy triển vọng, đã công tác tại Ireland nhưng cuối cùng đã bị hủy hoại sự nghiệp vì nghiện rượu. Sau khi phát hiện ra Vorontsov đã uống rượu bằng tiền của tổ chức và say xỉn trong một ngôi nhà, hắn đã bị giáng chức xuống ủy viên cấp cao. Hắn cho đây là sự xỉ nhục cá nhân và quyết định trả thù. Vorontsov đã chặn xe của Bí thư chính trị của sứ quán Mỹ John Finney và qua cửa sổ được mở, hắn ném vào một mảnh giấy với lời đề nghị hợp tác kèm một thông tin của KGB mà hắn đã đánh cắp được. Vorontsov tự giới thiệu mình là nhân viên của phòng “Mỹ” thuộc Ban 2 của KGB, là cấp dưới của Krasilnikov nhằm thu hút sự chú ý đặc biệt của CIA.

Tuy nhiên, Vorontsov không để lại địa chỉ liên hệ chính xác, mà chỉ là bản phác thảo sơ đồ thuật toán và đề nghị người Mỹ tìm ra số điện thoại của hắn. Phòng Phản gián đã phát hiện ra, trong giai đoạn 1984 -1986 với tổng số 35.000 ruble được nhận, Vorontsov đã cung cấp cho CIA thông tin quan trọng nhất trong lĩnh vực phản gián: các phương pháp và phương tiện đặc biệt của KGB để giám sát đại diện các Đại sứ quán phương Tây cũng như các hoạt động tình báo chống lại họ. Thông qua kẻ phản bội, các nhân viên đại sứ quán Mỹ nhận ra rằng KGB đã biết về tất cả các phương pháp nhằm tránh bị giám sát của họ, điều này giúp người Mỹ cải thiện hệ thống này.

Rem Krasilnikov: Thợ săn gián điệp cừ khôi -0
Thiết bị vô tuyến trong túi xách của vợ nhà ngoại giao Mỹ Osborne.

Sau khi phát hiện ra Vorontsov, các nhân viên KGB đã bí mật khám xét căn hộ của hắn và tìm thấy mẫu  bột có thành phần mà Vorontsov tiết lộ cho người Mỹ. Hoạt động phát hiện gián điệp thành công: “chuột chũi” đã bị bắt vào đầu năm 1986. Kẻ phản bội đã bị sốc. Tuy nhiên, Krasilnikov tin rằng ngoài việc bắt giữ “chuột chũi”, vẫn cần phải vô hiệu hóa ít nhất là kẻ trực tiếp quản lý hắn từ phía Mỹ. Để làm được điều này cần phải gửi văn bản cho ban lãnh đạo, đề ra rõ nhiệm vụ, mục tiêu công việc và những hậu quả có thể xảy ra với Liên Xô. Văn bản đã được chính Krasilnikov soạn thảo một cách khúc chiết. Nhận được sự chấp thuận của ban lãnh đạo, Krasilnikov lên kế hoạch bắt kẻ đó. Vorontsov tình nguyện hỗ trợ việc này với hy vọng bản thân sẽ tránh được án tử hình.

Michael Sellers là Bí thư thứ hai phòng Chính trị của Đại sứ quán Mỹ đã hóa trang bằng tóc giả, ria giả và đeo kính để đến gặp “chuột chũi” và đã sa lưới. Sau khi bị thẩm vấn, Sellers bị tuyên bố là người không được hoan nghênh. Còn Vorontsov, bất chấp mọi nỗ lực hợp tác, vẫn bị xử bắn.

Một chiến dịch khác cũng đã được thực hiện để bắt giữ Bí thư thứ hai khác của Đại sứ quán Mỹ Paul Stombauch, người trực tiếp quản lý kẻ phản bội Adolf Tolkachev - nhà thiết kế hàng đầu thuộc phòng radar bí mật NIIR của Liên Xô từng được Mỹ tuyển dụng. Stombauch tiếp tục đến gặp tên này mà không ngờ trước mặt là một Tolkachev giả. Paul bị bắt và đưa đến Lubyanka, đích thân Krasilnikov, người đứng đầu phòng Phản gián “Mỹ” trực tiếp thẩm vấn  hắn.

Một “chuột chũi” khá nổi tiếng khác cũng bị Krasilnikov phát giác là Trung tá KGB Leonid Poleshchuk. Tương tự, dưới sự điều hành của Krasilnikov vào những năm 80, bảy chiến dịch khác được thực hiện để bắt giữ các nhân viên CIA và những tên tay sai.

Chiến dịch “Phantom”

Năm 1988, ban lãnh đạo KGB chỉ đạo Krasilnikov tiến hành một chiến dịch đặc biệt có mật danh “Phantom” với mục tiêu chính là khám phá kênh mà người Mỹ đã sử dụng để đưa các điệp viên của mình trốn khỏi Liên Xô. Còn nhớ, vụ tai tiếng về cuộc chạy trốn khỏi KGB tới Mỹ của “chuột chũi” Oleg Gordievsky từng là hoạt động của kênh này.

 Một nhân viên KGB là Alexander Zhomov đã đóng vai kẻ phản bội để liên lạc với người Mỹ Jack Dowing. Đây là lần đầu tiên KGB thực hiện chiêu thức này. Nội dung bức thư được trao cho Downing trên chuyến tàu Moscow-Leningrad được Krasilnikov viết bằng tiếng Anh. Bức thư cũng như một bức ảnh chụp nghiêng Jack và vợ đã gây sự chú ý và được bỏ vào trong vỏ bao thuốc lá. Nhân lúc Jack ra phía ngoài hút thuốc, Zhomov liền đi theo rồi lấy ra bao thuốc và đưa mắt ra hiệu cho hắn là có tin tức ở trong đó.

Phía Mỹ thực hiện việc kết nối hết sức thận trọng. Cuộc trò chuyện đầu tiên với Zhomov (nhận mật danh Prolog) đã được người quản lý của ông tại CIA là Harry Montrol thu vào máy ghi âm. Sau đó, đoạn ghi âm này đã được các nhà tâm lý học giỏi nhất của Mỹ nghiên cứu và nhất trí rằng, người đó thực sự có ý định hợp tác với Mỹ. Zhomov hứa sẽ giao cho người Mỹ danh tính tất cả nhân viên của CIA và của Bộ Ngoại giao mà Liên Xô đã tuyển dụng. Điều này tạo ra sự phấn khích chưa từng thấy đối với Mỹ.

Sau đó, Krasilnikov chỉ đạo tiến tới giai đoạn chính của chiến dịch này. Trong cuộc gặp tiếp theo với người Mỹ, Zhomov đã đặt ra điều kiện chính yếu: ông sẽ công bố toàn bộ danh tính các nhân vật trên chỉ sau khi ông đã có mặt ở Mỹ. Nhận được sự chấp thuận của Tổng thống Mỹ Reagan, CIA bắt đầu chuẩn bị cho hoạt động đưa “đặc vụ” đắt giá này sang Mỹ và đã phổ biến cho Zhomov phương thức để chuyển tới Mỹ qua đường Phần Lan. Vậy là chiến dịch “Phantom” đã kết thúc thành công - kênh “xuất khẩu” các điệp viên rất quan trọng của CIA sang Mỹ đã bị phản gián Liên Xô chặn lại.

Những đóng góp to lớn suốt cuộc đời

Trong hơn 10 năm hoạt động, bộ phận của Krasilnikov đã phát giác khoảng 20 điệp viên của CIA trong số các nhân viên an ninh, các điệp viên và nhân viên của các bộ phận bí mật của mình. Ngoài ra, còn bắt giữ được 10 “kẻ chủ động” là công dân Liên Xô từng cố gắng bắt đầu việc hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây. Chi tiết về hầu hết các chiến dịch thành công do Krasilnikov thực hiện để xác định các điệp viên của Mỹ trên lãnh thổ Liên Xô cho đến nay vẫn được lưu trong kho lưu trữ của FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) được đóng dấu “Mật”.

Krasilnikov nghỉ hưu năm 1992 với cấp bậc Thiếu tướng. Tới thời điểm đó, ông đã được nhận tất cả 14 huân chương và 13 huy chương. Ông tiếp tục truyền kinh nghiệm của mình cho thế hệ cán bộ an ninh trẻ bằng việc giảng dạy tại Học viện FSB. Sĩ quan phản gián Krasilnikov cũng đã viết một số cuốn sách “KGB chống lại MI-6. Thợ săn gián điệp”, “Những bóng ma từ phố Traikovsky”, “Sự kết thúc của chuột chũi”.

Vào ngày 16/3/2003, người sĩ quan phản gián huyền thoại đã qua đời. Rem Krasilnikov đã đi vào lịch sử tình báo với tư cách là “Thợ săn điệp viên giỏi nhất thời Chiến tranh Lạnh”. Trong thời gian Krasilnikov hoạt động với chức vụ Trưởng phòng Phản gián “Mỹ”, mạng lưới điệp viên CIA đã bị giáng những đòn chí mạng.

Hải Yến
.
.