Rủi ro khái niệm “chống khủng bố từ xa” mới của Mỹ
Một trong những lập luận chính mà ông Biden đưa ra khi ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Afghanistan là trong 2 thập niên kể từ khi Mỹ hứng chịu vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, những bước tiến cả về tổ chức lẫn công nghệ đều đã giúp họ cải thiện đáng kể năng lực xử lý mối đe dọa này. Tuy nhiên, để thành công, người Mỹ không chỉ cần tới công nghệ thông minh hơn và cơ sở dữ liệu lớn hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden giờ đây tuyên bố rằng Mỹ đang phát triển năng lực từ xa, mà không còn đòi hỏi phải có sự hiện diện trên thực địa của quân đội Mỹ ở nước ngoài để chống khủng bố. Đó có thể là sử dụng vệ tinh, thiết bị nghe lén và máy bay không người lái để “hành động nhanh chóng và dứt khoát nếu cần thiết”.
Có vẻ như Mỹ đang từ bỏ cách tiếp cận cũ là ngăn chặn sự hình thành của các “không gian không được kiểm soát” nơi các phần tử khủng bố có thể ẩn náu và phát triển, để chuyển sang chiến lược dập tắt mối đe dọa khủng bố khi cần thiết. Tuy nhiên, làm có dễ như nói vậy không?
Người cung cấp tin
Một chiến lược chống khủng bố từ xa phụ thuộc rất nhiều vào việc thu thập tin tình báo chính xác không chỉ về bản chất của mối đe dọa, mà còn về vị trí, dạng thức và vi phạm của nó.
Về mặt này, thất bại ở Afghanistan đã hạn chế năng lực của Mỹ. Trong hai thập niên hiện diện quân sự trên thực địa ở Afghanistan, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát triển một mạng lưới rộng lớn gồm những người cung cấp tin ở địa phương. Có thể khi rút quân, chắc chắn các gián điệp Mỹ sẽ thực hiện các kế hoạch dự phòng để kích hoạt mạng lưới thông tin này. Người Mỹ luôn tạo dựng sự hiện diện tình báo rất lớn ở mỗi vùng đất mà họ đặt chân đến.
Tuy nhiên, cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ và sự sụp đổ nhanh chóng của Chính phủ Afghanistan đồng nghĩa với việc nhiều mạng lưới trong số này tan rã hoặc có thể không bao giờ mang lại thông tin mà Washington mong đợi được nữa. Đó là chưa kể việc làm gián điệp ở một quốc gia với chính quyền như Taliban điều hành, nơi một động thái sai lầm có thể đồng nghĩa với cái chết, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác nữa.
Đó là chưa kể, nếu có một vài người trong mạng lưới cung cấp tin vẫn còn duy trì hoạt động được, các cơ quan tình báo Mỹ sẽ phải tính đến khả năng những người này giờ đây có thể làm việc cho Taliban, còn những người cung cấp tin phải đối mặt với nguy cơ vỏ bọc của họ đã bị lộ và Taliban có thể đã biết ai là điệp viên của Mỹ.
Sự sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn của Tổng cục An ninh quốc gia Afghanistan vốn có mối quan hệ chặt chẽ với CIA, càng làm gia tăng nguy cơ này. Tóm lại, mặc dù Washington muốn công chúng tin rằng việc rút quân ở Afghanistan là vấn đề tách biệt với năng lực chống khủng bố từ xa của Mỹ, nhưng thực tế là hai điều này có mối liên hệ mật thiết.
Trinh sát điện tử
Tuy nhiên, cùng với thời gian, Mỹ có thể bù đắp những tổn thất này bằng cách mở rộng hoạt động trinh sát điện tử. Sự khác biệt lớn giữa các phần tử khủng bố trước đây và các phần tử khủng bố hiện nay - cả ở Afghanistan và những nơi khác - là hai thập kỷ trước, chúng sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử an toàn một cách thành thạo hơn so với các cơ quan chính phủ đang truy bắt chúng, trong khi ngày nay, cán cân đã nghiêng về phía các chính phủ như Mỹ.
Hầu hết các thành viên Taliban ngày nay đều sử dụng điện thoại di động và có vẻ thích sử dụng chúng, và CIA chắc chắn cũng rất hài lòng khi nghe trộm họ. Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng có thể giúp lấp đầy những khoảng trống này bởi mỗi nước đều có mạng lưới cung cấp tin và khả năng trinh sát điện tử riêng, và hầu hết những gì họ thu thập được sẽ được chia sẻ với Mỹ trong trường hợp này.
Chiến lược tình báo từ xa
Tuy nhiên, ý nghĩa cuối cùng của chiến lược tình báo từ xa là các cơ quan tình báo của Mỹ - chủ yếu là CIA - vẫn sẽ phải tập trung vào mối đe dọa khủng bố, và điều này sẽ làm lệch hướng các ưu tiên phân tích và hành động tình báo khác. CIA được thành lập sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 không phải để giúp quân đội Mỹ xác định chính xác và tiêu diệt các mục tiêu, mà là để ngăn chặn một sự bất ngờ chiến lược trên quy mô lớn nhằm vào Mỹ, chẳng hạn như cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng.
Như Tiến sĩ Amy Zegart, một trong những chuyên gia tình báo hàng đầu của Mỹ, đã khéo léo nhận định trong một nghiên cứu gần đây, sự khác biệt này là rất quan trọng. Theo bà, nhiệm vụ của quân đội Mỹ giành được chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, còn CIA có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Binh lính là những người đi săn, còn các sỹ quan tình báo phải là những người thu lượm.
Nhưng cuộc chiến chống khủng bố đã tạo ra một sự nhầm lẫn nguy hiểm giữa vai trò của CIA và của quân đội, với việc cộng đồng tình báo ngày càng được giao nhiệm vụ xác định và truy đuổi những kẻ khủng bố. Kết quả là rất nhiều nguồn lực của CIA bị dồn vào cuộc chiến chống khủng bố và chính sách tình báo từ xa có thể sẽ làm tăng thêm gánh nặng này.
Và cuối cùng, câu hỏi quan trọng không kém là việc Mỹ sẽ làm gì khi có được thông tin mới về hoạt động của tổ chức khủng bố? Việc không có sự hiện diện trên thực địa có nghĩa là Washington sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc bỏ qua một tổ chức khủng bố vì tính toán rằng nó sẽ không đe dọa Mỹ hoặc có thể được một số đồng minh khu vực của Mỹ xử lý, hoặc quyết định đối đầu trực tiếp bằng máy bay có người lái hoặc/ và không người lái.
Và điều này thì lại dẫn tới các hoạt động tác chiến vi phạm không phận và sự vẹn toàn lãnh thổ của các quốc gia khác. Bất kỳ cuộc không kích nào trong tương lai của Mỹ nhằm vào mục tiêu khủng bố bên trong Afghanistan sẽ vi phạm không phận của Pakistan hoặc Iran, và sự cho phép thoải mái là điều khó có thể xảy ra.