SBU - Cục an ninh và tình báo mật của Ukraine

Thứ Sáu, 10/02/2023, 10:43

Cục an ninh Ukraine (SSU) là cơ quan tình báo, thực thi pháp luật và an ninh chính của đất nước này. SSU còn được biết đến dưới cái tên gọi phổ biến là SBU. SBU hoàn thành vô số chức năng khác nhau từ đảm bảo an ninh cấp nhà nước cho đến thu thập tình báo. SBU cũng giám sát một đơn vị đặc nhiệm được gọi là Nhóm Alfa.

Lịch sử thành lập

Ngày 25/3/1992, SBU được thành lập sau khi Ukraine tách khỏi Liên Xô. Chức năng tình báo của SBU thường xung khắc với Tình báo quân đội Ukraine mới được thành lập do sự chồng chéo trách nhiệm. Năm 1994, SBU chính thức thiết lập Kho lưu trữ liên ngành và Nhóm Alfa. Tới năm 1998, chính phủ Ukraine thành lập Trung tâm chống khủng bố. Khoảng năm 2004, nhánh tình báo của SBU được tách ra và trở thành một cơ quan tình báo nước ngoài độc lập là SZR. Ngay tại thời điểm đó SBU đã lãnh trách nhiệm bảo vệ quan chức chính phủ Ukraine. Năm 2005, bộ máy của SBU có gần 30.000 người.

SBU- Cục an ninh và tình báo mật của Ukraine -0
Cán bộ điều khiển và quân khuyển của SBU. Ảnh nguồn: ssu.guv.ua

Năm 2010, ông Viktor Yanukovych được bầu làm Tổng thống Ukraine. Năm 2014, chính phủ của ông Yanukovych bị mất tính hợp pháp và bản thân ông phải trốn sang Nga để sống lưu vong. Song trước khi Yanukovych sang Nga, ông đã hạ lệnh cho những người trung thành với mình đánh cắp các bí mật quốc gia. Hơn 22.000 sĩ quan và người cung cấp thông tin cho SBU đã bị đánh cắp dữ liệu thông tin khiến chỉ sau 1 đêm, SBU đã bị tê liệt. Sau đó, toàn bộ giám đốc khu vực của SBU đã bị thay thế cũng như một nửa số phó giám đốc.

Sau này chính phủ Ukraine đã thực hiện một số cải cách mạnh mẽ cho SBU với các chức năng, quyền hạn như FBI (Mỹ) hay MI.5 (Anh). Có 5 mục tiêu chính để SBU thực thi rộng rãi, gồm phản gián, bảo vệ quốc gia, chống khủng bố, an ninh mạng, và bảo vệ các bí mật nhà nước. Đợt cải cách năm 2019 đã tăng cường đáng kể chức năng cho SBU.

SBU- Cục an ninh và tình báo mật của Ukraine -0
Các cán bộ SBU trong một cuộc diễn tập chống khủng bố. Ảnh nguồn: ssu.guv.ua

Cấu trúc tuyệt mật của SBU

Hiện thời SBU có khoảng 27.000 nhân viên. Những cải cách từ năm 2019 nhấn mạnh đến việc giảm dần quy mô của cơ quan này cho đến năm 2027. Ngày hôm nay, SBU gồm 9 thành phần chủ lực, gồm: Văn phòng trung ương, Các văn phòng khu vực, Trung tâm Đơn vị đặc biệt “A”, Trung tâm chống khủng bố, Trung tâm tình huống an ninh mạng, Các thiết lập giáo dục, Kho lưu trữ liên ngành SBU, Viện nghiên cứu về trang bị đặc biệt và khoa học pháp y SBU, Cục Quân y.

Văn phòng trung ương về cơ bản là trụ sở chính của SBU. Văn phòng này giúp thiết lập việc phát triển và ứng dụng các quyết định chính sách chiến lược đối với mọi vấn đề mà SBU đang phụ trách, ngoài ra còn điều phối với mọi đơn vị ngay trong SBU. Đây là nơi làm việc của Chủ tịch an ninh Ukraine (do chính Tổng thống bổ nhiệm). Nhân viên của chủ tịch cùng toàn bộ các bộ phận chức năng của SBU đều làm việc tại đây.

Văn phòng trung ương bao gồm các ban ngành: phản gián, bảo vệ tổ quốc, phản gián bảo vệ các lợi ích của nhà nước trong lĩnh vực an ninh kinh tế, phản gián bảo vệ các lợi ích nhà nước trong lĩnh vực an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước và cấp phép, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức, chống khủng bố, bảo vệ người tham gia tố tụng hình sự và viên chức thực thi pháp luật, các biện pháp kỹ thuật và vận hành, tài liệu vận hành, điều tra, phân tích thông tin, các chức năng nhân sự, pháp luật, tài chính, y học...

Các văn phòng khu vực. Tổng cộng có 26 văn phòng khu vực của SBU trên các lãnh thổ khác nhau của Ukraine, họ hoạt động như các văn phòng thực địa của FBI. Người đứng đầu các văn phòng khu vực do Tổng thống Ukraine bổ nhiệm dựa trên khuyến nghị của Chủ tịch an ninh Ukraine.

SBU- Cục an ninh và tình báo mật của Ukraine -0
Trung tâm an ninh mạng của SBU. Ảnh nguồn: ssu.guv.ua

Nhóm Alfa. Đây là cánh quân sự của SBU. Đơn vị này được thành lập bởi Sắc lệnh tổng thống vào ngày 23/6/1994. Mỗi khu vực có một đội ngũ do Nhóm Alfa triển khai nhằm hỗ trợ trong thời gian các địa phương xảy ra khủng hoảng.

Nhóm Alfa có nhiều chức năng hoạt động, gồm: chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố; giải cứu con tin; chống các nhóm vũ trang bất hợp pháp, các tổ chức khủng bố cùng các tổ chức tình báo và phá hoại của nước ngoài; đảm bảo các hoạt động tìm kiếm, điều tra, phản gián và hành động theo thủ tục của SBU; bảo vệ các cơ quan và quan chức chính phủ; bảo vệ nhân viên SBU, bộ Cảnh vệ nhà nước và thân nhân của họ; bảo vệ thẩm phán và nhân chứng trong các vụ án cấp cao; yểm trợ thiết quân luật hoặc tình trạng khẩn cấp.

Các thành viên Nhóm Alfa được đào tạo đa chiến thuật, gồm các chiến thuật đơn vị nhỏ, đào tạo vũ khí, lái xe tấn công, chọc thủng (phòng tuyến địch), nhảy dù, lặn, trèo thang dây. Các khóa tuyển chọn tân binh của Nhóm Alfa thường kéo dài vài tuần với tỷ lệ chọi 1/15 (7%).

Trung tâm chống khủng bố. Đơn vị này được thành lập vào tháng 12/1998 nhằm đối phó với đà gia tăng khủng bố trên toàn cầu. Kể từ năm 2016, trung tâm này đã xây dựng các mức độ mã màu sắc về các mối đe dọa của hoạt động khủng bố trong biên giới quốc gia. Hệ thống hiển thị mức độ đe dọa bằng 4 màu xám, xanh nước biển, vàng, và đỏ. Các mức độ đe dọa hiển thị màu ở Ukraine hiện nay là Đỏ (đe dọa thực sự): các khu vực Donetsk và Luhansk; Vàng (đe dọa dự kiến): các khu vực Zaporizzhya, Mykolaiv, Odessa, Sumy, Kharkiv, Kherson và  Chernihiv; Xanh nước biển (đe dọa tiềm năng): thành phố Kyiv, Kyiv, Dnipropetrovsk, Zakarpattia, Rivne, Khmelnytskyi, khu vực Cherkasy và Chernivtsi; Xám (đe dọa có thể xảy ra): các khu vực Vinnytsia, Volyn, Zhytomyr, Ivano-Frankivsk, Kirovohrad, Lviv, Poltava và Ternopil. Năm 2020, trung tâm chống khủng bố đã tiến hành hơn 600 cuộc diễn tập huấn luyện.

Trung tâm tình huống an ninh mạng. Các chuyên gia mạng từ SBU đã làm việc 24/7 để bảo vệ Ukraine thoát khỏi nguy cơ tấn công mạng. Trung tâm tình huống an ninh mạng Ukraine đang hợp tác với các cơ quan tình báo nước ngoài đồng minh. Chỉ riêng trong năm 2019, trung tâm này đã ngăn ngừa gần 1.000 cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

SBU- Cục an ninh và tình báo mật của Ukraine -0
Chiến sĩ Nhóm Alfa. Ảnh nguồn: ssu.gov.au

SBU có 2 cơ sở giáo dục chính chuyên trách đào tạo học viên. Thứ nhất là Học viện SBU quốc gia (NASBU) và cơ sở thứ 2 là Viện Đào tạo cán bộ tư pháp.

Kho lưu trữ nhà nước liên ngành SBU đã đi vào hoạt động từ năm 1918, với 224.000 tập tài liệu trong văn phòng Kiev và thêm 735.000 tập tài liệu khác tại các văn phòng khu vực khác nhau. Năm 2015, SBU đã cho phép truy cập miễn phí các loại tài liệu này.

Viện Nghiên cứu về trang bị đặc biệt và khoa học pháp y SBU. Viện này chuyên phát triển các trang thiết bị mới để Nhóm Alfa sử dụng: các công nghệ chống vũ khí, các công nghệ và phương pháp pháp y. Viện cũng chịu trách nhiệm bảo trì những thiết bị được chế tạo nội bộ. Trong tổng số 43 chuyên ngành pháp y của viện thì có thể kể ra một số thứ như sau, gồm: kiểm tra hồ sơ, giảo nghiệm chữ viết, kiểm tra đường đạn và dấu vết cũng như phân tích vụ nổ, chuyên môn ghi âm và ghi hình, pháp y máy tính, nhận dạng viễn thông, xét nghiệm ma túy và chất hướng thần, xét nghiệm sinh học.

Cục Quân y. Bộ phận này hoạt động như một dịch vụ chăm sóc sức khỏe nội bộ của SBU. Cục tuyển dụng nhiều bác sĩ khác nhau để phục vụ cho 26 chuyên khoa. Ngoài ra còn có một số phòng thí nghiệm chẩn đoán cung cấp hơn 140 loại xét nghiệm lâm sàng, huyết học, sinh hóa, tế bào học và miễn dịch huyết thanh học. Ngoài ra Cục Quân y còn có chương trình cai nghiện ma túy cho nhân sự của SBU.

Vũ khí và trang thiết bị của SBU

SBU hiện nay đã hiện đại hóa ngang bằng với các dịch vụ an ninh được đài thọ ngân sách của phương Tây. Các thành viên Nhóm Alfa được trang bị quân phục ngụy trang MultiCam. SBU hiện có các loại vũ khí hiện đại và khá hiệu quả, gồm: Súng trường gồm các loại AK-74, AKS-74, AKS-74U, AK-74M, Sig Sauer 516, Sig Sauer MCX. Rất hiếm khi thấy súng trường AK được trang bị quang học và đèn chiếu sáng; tuy nhiên dường như SBU lại hứng thú với những thiết bị bị triệt tiêu. Phần lớn súng trường do SBU triển khai đều có bộ triệt âm để bảo vệ thính giác khi bắn trong nhà. Các sĩ quan SBU luôn dùng súng lục Glock 17. Glock bắn hộp đạn mạnh hơn đáng kể, và băng đạn có 17 viên, và có sơ đồ điều khiển thân thiện với người dùng hơn. Các thành viên Nhóm Alfa đã sử dụng loại mũ bảo hiểm cắt cao OpsCore với các đường ray vòng cung cho phép họ gắn Peltor Comtacs (chức năng Comtacs là bảo vệ thính giác qua tai, hạn chế tối đa âm thanh có thể lọt vào tai).

SBU- Cục an ninh và tình báo mật của Ukraine -0
Sĩ quan SBU trong khóa huấn luyện chống khủng bố. Ảnh nguồn: ssu.guv.ua

Comtacs cung cấp khả năng bảo vệ thính giác tích cực. Microphone bên ngoài sẽ khuếch đại giọng nói và các dạng tiếng ồn tầm thấp nhưng chúng sẽ tự động cắt khi có những dạng tiếng ồn decibel cao như tiếng súng hoặc âm thanh các vụ nổ. Thêm nữa chúng có thể tích hợp vào một hệ thống thông tin liên lạc. Tai nghe có thể cắm vào bộ đàm đeo trên người và tiếp đó có thể cắm vào một máy phát thanh trên người. Sự phổ biến của việc dùng ống ngắm bắn nhanh (Reddot), thiết bị triệt tiêu, mũ bảo hiểm hiện đại, quân phục hiện đại, cùng các thiết bị khác đã khiến SBU chiếm thế áp đảo hơn so với các đối tác lực lượng Nga. Ngoài ra các điệp viên SBU còn sử dụng máy gây nhiễu tín hiệu nhằm bảo vệ họ khỏi kích nổ máy phát thanh và các dạng máy bay không người lái (drone) cạnh đó. Ngoài ra các cán bộ SBU cũng dùng các thiết bị nhìn đêm, một điều hiếm thấy ở các đối tác Nga của họ.

Phần lớn các lực lượng đặc nhiệm Ukraine đều sử dụng thiết bị nhìn đêm ống kép PVS-31 hoặc ống bốn (4 ống nhòm) GPNV-18. Tuy nhiên, lính SBU lại hay dùng loại thiết bị nhìn đêm ống đơn PVS-14, do thiết kế loại ống đơn này mà chỉ một mắt nhìn thấy hình ảnh được nâng cao, và do đó nó cung cấp ít nhận thức tình huống và chiều sâu hơn, tuy nhiên có còn hơn là không có gì. Mặt khác, các sĩ quan SBU còn dùng hệ thống Dấu hiệu nhận diện bạn hoặc thù (IFF) ở dạng băng tay có khả năng hiển thị cao.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.