Siêu nhà tù của El Salvador

Thứ Bảy, 04/03/2023, 12:04

Một siêu nhà tù mới xây ở Tecoluca, San Vicente, cách thủ đô San Salvador 74km, có tên chính thức là "Trung tâm Giam giữ Khủng bố" (CECOT) vừa được chính quyền El Salvador đưa vào sử dụng. Được cho là nhà tù lớn nhất ở Mỹ Latinh, CECOT có sức chứa tới 40.000 tù nhân, là nơi giam giữ các thành viên băng đảng bị bắt giữ trong chiến dịch trấn áp tội phạm quy mô lớn ở quốc gia này.

Siêu nhà tù

Ngày 24/2, cảnh sát El Salvador đã chuyển khoảng 2.000 tù nhân, những kẻ bị tình nghi là thành viên của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đến CECOT.

“Lúc bình minh, chúng tôi đã chuyển một lúc 2.000 tù nhân tới CECOT. Đây sẽ là ngôi nhà mới của những kẻ phạm tội, nơi họ sẽ không thể tiếp tục làm tổn hại xã hội", Tổng thống El Savador Nayib Bukele tuyên bố. Trong video được ông Bukele đăng tải lên mạng xã hội, các phạm nhân - bị buộc cởi hết quần áo và cạo trọc đầu - đang di chuyển về phòng giam của mình. Nhiều người trong số này có hình xăm của các băng đảng tội phạm.

2.jpg -0
Tù nhân bị còng tay chân bằng xích sắt di chuyển từ xe bus vào CECOT.

Bộ trưởng An ninh El Salvador, Gustavo Villatoto cũng gửi lời cảnh báo đáng sợ với các tù nhân khi CECOT tiếp nhận những người đầu tiên. “Chúng tôi đang loại bỏ những mầm mống này khỏi xã hội. Họ sẽ không bao giờ có thể rời khỏi nhà tù. Họ sẽ trả giá vì những gì đã gây ra”, ông Villatoto nói, mô tả các tù nhân là “những kẻ khủng bố hèn nhát”.

CECOT được gọi là "siêu nhà tù" vì có sức chứa tới 40.000 tù nhân, được xây dựng trên khu vực rộng hơn 166 ha từ giữa năm 2022 và khánh thành hồi đầu tháng 2. CECOT gồm 8 tòa nhà bê tông cốt thép, mỗi tòa nhà có 32 phòng giam, mỗi phòng giam rộng khoảng 100m2, với 80 chiếc giường kim loại cho 100 tù nhân. Ngoài ra, mỗi phòng giam được trang bị 2 bồn rửa và 2 nhà vệ sinh. Các tù nhân sẽ chỉ được rời khỏi phòng giam để tham gia các phiên điều trần hợp pháp hoặc bị trừng phạt trong một phòng giam cách ly không có cửa sổ và không có ánh sáng.

Nhà tù này có quy mô lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, được trang bị 37 tháp canh để đảm bảo an ninh cho 8 khu nhà giam, với 600 binh sĩ, 250 cảnh sát làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh 24/7, và thiết bị gây nhiễu điện tử sẽ ngăn chặn mọi liên lạc của tù nhân với thế giới bên ngoài.

Gian nan cuộc chiến chống băng đảng

Với gần 2% dân số trưởng thành đang thi hành án, El Salvador hiện có tỷ lệ tù nhân cao nhất thế giới. Số tù nhân gia tăng là kết quả của những biện pháp chống bạo lực băng nhóm, từ đó gây sức ép nặng nề cho hệ thống nhà tù của nước này. Trước khi CECOT được xây dựng, nhà tù La Esperanza là nhà tù lớn nhất El Salvador khi giam giữ 33.000 người, dù ban đầu chỉ được thiết kế để giam giữ 10.000 người.

Tại El Salvador, tình hình băng nhóm tội phạm đang diễn ra phức tạp, với sự cạnh tranh địa bàn của băng MS-13 và băng nhóm đối thủ Barrio 18. Cả hai đều là những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, bắt nguồn từ Mỹ. Những kẻ đứng đầu là dân tị nạn tháo chạy khỏi El Salvador trong giai đoạn nội chiến bùng nổ ở nước này và đến tị nạn ở Los Angeles (bang California) vào thập niên 1980.

Sau khi lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton ký thông qua một loạt các luật mới nhằm mở rộng những hành vi phạm tội có thể bị trục xuất, hàng chục ngàn người El Salvador bị Mỹ trục xuất và quay về nước thành lập các băng nhóm tội phạm.

Trong thập niên 2000, chính phủ El Salvador triển khai nhiều biện pháp trấn áp làn sóng tội phạm và bỏ tù các thành viên băng nhóm.

Tình trạng được cải thiện dưới thời Tổng thống Mauricio Funes sau khi ông đạt được thỏa thuận đình chiến giữa các băng nhóm. Tuy nhiên, thỏa thuận này bị phá vỡ năm 2014, và đến năm 2015, El Salvador trở thành quốc gia chết chóc của khu vực Tây Bán Cầu, với 105 vụ giết người/100.000 dân.

Năm 2019, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Bukele quyết định áp dụng chiến thuật như thời người tiền nhiệm Funes là tìm cách đàm phán với thủ lĩnh các băng nhóm. Thế nhưng, làn sóng chết chóc bất ngờ gia tăng vào tháng 3/2022. Tình hình diễn biến phức tạp buộc Tổng thống Bukele thuyết phục thông qua các điều khoản miễn trừ một số quyền công dân với mục tiêu truy quét tội phạm.

Kể từ khi tình trạng ngoại lệ được áp dụng, khoảng hơn 64.000 người đã bị bắt giữ trong các chiến dịch truy quét tội phạm. Các vụ bắt giữ có thể được tiến hành mà không cần có lệnh của tòa. Chính phủ El Salvador được quyền truy cập dữ liệu liên lạc cá nhân của người dân. Các nghi phạm, sau khi bị bắt giữ cũng không có quyền có luật sư.

Dù các tổ chức nhân quyền cáo buộc cuộc chiến chống tội phạm của Tổng thống Bukele đã khiến hàng chục người vô tội thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắt giữ, các chính sách của ông vẫn nhận được sự ủng hộ lớn của người dân El Salvador. Theo Bloomberg, kết quả một khảo sát do Cid Gallup thực hiện năm ngoái cho thấy 91% người dân ủng hộ chính phủ El Salvador mạnh tay trấn áp tội phạm hơn nữa. Sau “cuộc chiến” kéo dài 1 năm gây nhiều tranh cãi chống lại các băng đảng khét tiếng do ông Bukele phát động, cảnh yên bình đang diễn ra trên khắp đất nước từng được coi là một trong những nơi bạo lực nhất thế giới.

Bộ trưởng An ninh El Salvador cho biết, nước này sẽ tiếp tục chiến dịch truy quét tội phạm cho tới khi tất cả thành viên băng đảng tại nước này bị bắt giữ.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.