Số phận bi thảm của người đồng tính ở Uganda
Tháng 5/2023, ông Yoweri Museveni, Tồng thống Uganda đã ký một đạo luật, theo đó hình phạt tử hình hoặc tù chung thân sẽ được áp dụng đối với “tội đồng tính”. Chưa hết, luật còn kêu gọi tất cả người dân Uganda phải thông báo với cảnh sát nếu họ “nghi ngờ ai đó là người đồng tính”.
1 tháng sau khi luật có hiệu lực, chỉ riêng tại thủ đô Kampala các nhà hoạt động nhân quyền Uganda đã ghi nhận 140 vụ tấn công và bắt giữ người đồng tính …
1. Sáng ngày 9/8/2023, Arianna lúc đang đi chợ thì một người hàng xóm cho cô xem một video trên trang TikTok. Cô nói: “Trong video này, ai đó đã cho rằng tôi là người chuyển giới và tôi đang dụ dỗ nhiều nam thanh nhiên khác uống hormone để có thể trở thành phụ nữ như tôi”.
Hơn nửa tiếng sau, lúc đã mua xong những thứ cần thiết, Arianna quay về nhưng gần đến nhà, cô thấy một đám đông đang tụ họp ngay trước cửa với thái độ rất giận dữ. Arianna nói tiếp: “Họ túm lấy tôi, hét lên rằng tôi phải chết. Tôi không nhớ bao nhiêu người đã đánh tôi và đánh như thế nào. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Bác sĩ nói tôi đã hôn mê suốt 2 tuần vì vỡ gan, gãy xương cẳng tay, gãy 4 xương sườn, tụ máu trong hộp sọ”.
Sau khi xuất viện, Arianna được một bác sĩ tốt bụng đưa đến một ngôi nhà ở ngoại ô thủ đô Kampala, là nơi tạm trú của những nạn nhân bị bạo hành vì đồng tính. Hơn 40 người sống trong một không gian chật chội với những tấm nệm kê sát nhau. Họ chỉ ra ngoài để vận động thân thể khi trời đã tối và được dặn không trò chuyện lớn tiếng nhằm tránh sự chú ý của hàng xóm. Arianna cho biết bữa ăn hàng ngày của cô và của những người khác “chỉ vừa đủ để khỏi chết đói”. Cô nói: “Chẳng ai dám đi chợ. Mọi thứ cần thiết đều phải nhờ các tình nguyện viên mua giùm vì nếu ra ngoài, có thể chúng tôi sẽ lại trở thành mục tiêu của việc chống đồng tính”.
Kể từ khi Tổng thống Yoweri Museveni ký ban hành luật chống đồng tính hồi tháng 5/2023, đất nước Uganda với dân số 42,5 triệu người như sôi lên qua những vụ bạo lực nhắm vào người đồng tính. Là quốc gia mà tín đồ Công giáo chiếm đa số, Hồi giáo chỉ khoảng 14,4%, người đồng tính từ lâu đã bị kỳ thị nhưng nó chưa đến nỗi khốc liệt như bây giờ.
Moto Amin, thanh niên đồng tính nói với trang tin Africa Today: “Trước khi luật chống đồng tính ban hành, chúng tôi chẳng bị khó dễ khi mặc áo, đeo vòng tay cầu vồng 7 màu (là biểu tượng của người đồng tính) ngoại trừ những cái nhìn thù địch của người Hồi giáo. Nhưng từ khi luật có liệu lực, người đồng tính bị tấn công bạo lực một cách công khai trước sự thờ ơ của cảnh sát. Bây giờ, nếu ai đó đeo vòng tay cầu vồng, họ sẽ bị bắt”. Ruthra, một người chuyển giới cho biết, luật không chỉ khuyến khích sự kỳ thị mà còn cho phép mọi người đánh đập người đồng tính mà không bị trừng phạt. Ngay cả một số bệnh viện cũng từ chối cứu chữa người đồng tính vì các bác sĩ sợ mình sẽ bị vạ lây!
Cũng cùng số phận như những người đồng tính khác, ngày 3/1/2024, Steven Kabuye, nhà hoạt động bảo vệ quyền tự do của người đồng tính bị những kẻ lạ mặt tấn công bằng dao khi anh đang đi bộ trên một vỉa hè ở thủ đô Kampala. Vụ tấn công được một người đi đường quay lại bằng điện thoại với hình ảnh Kabuye nằm ngửa trên nền bê tông, cánh tay phải bị chém một đường dài gần 15cm và một con dao còn cắm sâu trong bụng. Được đưa vào bệnh viện, Kabuye cho biết anh không hề có thù oán với những người đã đâm chém anh và anh cũng không biết họ là ai: “Họ ra tay với tôi chỉ vì tôi đã lên tiếng vì nhân phẩm của người đồng tính”.
Theo những nhà điều hành Diễn đàn xúc tiến nhận thức về nhân quyền ở Uganda (HRAPF), hàng nghìn người đồng tính đã bị các chủ nhà cho thuê trục xuất khỏi chỗ ở còn những ai vẫn chứa chấp họ sẽ lĩnh án tù ít nhất là 7 năm, chưa kể hàng nghìn người khác mất việc làm từ khi luật chống đồng tính có hiệu lực. Saida Nakilima, luật sư của HRAPF cho biết: “Từ lâu, những người đồng tính chưa bao giờ được bình yên ở Uganda nhưng họ chỉ bị kỳ thị và bị xa lánh. Đến khi Tổng thống Yoweri Museveni cụ thể hóa thành luật, nó được xem như một cú “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công”.
Và mặc dù luật chống đồng tính đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, cụ thể là Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt các hạn chế về thị thực nhập cảnh đối với một số quan chức Uganda, Ngân hàng Thế giới cũng đã ngừng mọi hoạt động tài trợ cho nước này đồng thời Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án luật chống đồng tính nhưng nó lại nhận được sự ủng hộ của một số các quốc gia khác ở châu Phi. Hồi tháng 12/2023, Tổng thống Burundi là ông Evariste Ndayishimiye nói rằng những người đồng tính nên bị bắt và bị ném đá tại những nơi công cộng để “làm gương cho kẻ khác”.
Ở Ghana, quốc hội nước này đang tranh luận về dự luật 10 năm tù đối với các nhà hoạt động vì quyền tự do đồng tính. Ở Kenya, Tổng thống William Ruto tranh cãi gay gắt với tòa án tối cao khi tòa dự thảo một phán quyết, cho phép các nhóm đồng tính được đăng ký hợp pháp. Ở Zambia, cảnh sát bắt giữ những nhà hoạt động ủng hộ quyền của người đồng tính trong khi ở Ethiopia, người đồng tính liên tục đối mặt với bạo lực trong bối cảnh mạng TikTok tràn ngập những video kêu gọi “lột trần, ném đá và thiêu sống những kẻ cả gan đi ngược với tập tục xã hội”.
2. Về phía Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, tổ chức này cho biết hiện có hơn 30 quốc gia châu Phi cấm quan hệ đồng giới. Động thái này bắt nguồn từ việc nhiều nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo ở châu Phi xem việc đồng tính là “cặn bã du nhập từ phương Tây, không phù hợp với các giá trị truyền thống của lục địa Đen”. Ngay trước khi luật chống đồng tính có hiệu lực, chính phủ Uganda đã tổ chức một hội nghị với tiêu đề "Bảo vệ giá trị văn hóa và gia đình châu Phi". Trong hội nghị, trước các thành viên quốc hội, Tổng thống Yoweri Museveni khẳng định: “Sẽ không có sự cổ vũ cho đồng tính luyến ái ở Uganda”.
Tuyên bố ấy được những người chống đồng tính hiểu rằng sẽ không có sự trừng phạt nào đối với họ khi họ ra tay tấn công người đồng tính. Vinka, phụ nữ chuyển giới mô tả với trang tin Africa Today về việc cô bị hàng xóm đánh đập vào tháng 7 sau khi họ biết cô đồng tính mặc dù cô đã bỏ trốn: “Một đám đông khoảng 20 người đã phát hiện nhà an toàn nơi tôi cùng 42 chị em khác ẩn náu. Họ mang theo dây thừng và mấy can xăng. Sau khi đốt nhà, họ trói chúng tôi rồi đưa đến đồn cảnh sát. Tôi bị giam suốt 5 tháng và chỉ được thả trước Tết dương lịch 1 ngày với cam kết không được sử dụng hormone để hoàn thành quá trình chuyển giới. Nếu vi phạm, tôi sẽ đi tù không có ngày về…”.
Cũng tại thủ đô Kampala, một bác sĩ chuyên khoa Nội tiết là Henry (tên đã thay đổi vì lý do an toàn) vẫn liều mạng bảo vệ người đồng tính. Ông nói: “Đồng tính chỉ là một dạng đột biến tâm sinh lý, có thể xảy đến với bất kỳ ai dù họ muốn hay không. Nó không phải do bẩm sinh hay di truyền mà nó bắt nguồn từ môi trường sống cộng với sự thay đổi chất nội tiết trong cơ thể ở cả đàn ông lẫn đàn bà. Đồng tính không phải là bệnh và cũng không đi ngược với luân lý, đạo đức theo như tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 17/5/1990. Chính vì những lý do ấy, tôi quyết tâm bảo vệ họ dù tôi có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng”.
Trả lời James Longman, phóng viên kênh truyền hình Australia ABC News, bác sĩ Henry cho biết mỗi khi nhận được tin cầu cứu của người đồng tính, ông tìm mọi cách đưa họ đến những nhà an toàn do ông thiết lập với sự trợ giúp của những thành viên khác. Emmanuel, người đồng tính hiện sống trong một nhà an toàn nói: “Chủ nhà đuổi tôi sau khi một bạn trai của tôi đến thăm. Tôi biết họ sẽ báo cảnh sát nên tôi bỏ trốn. Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi bây giờ là bị bắt. Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để chúng tôi có thể tồn tại ở một đất nước, nơi những người cầm quyền quyết tâm trừng phạt chỉ vì sự khác biệt giới tính?”.
Mona, một thanh niên chuyển giới 29 tuổi bị cảnh sát Uganda ập vào nhà rồi bị giam 3 tháng với lý do “tuyên truyền đồng tính luyến ái”. Cô chỉ được tạm tha sau khi ký cam kết “không giao du với người đồng tính, không mặc quần áo phụ nữ, không sử dụng hormone sinh dục, không đánh phấn thoa son, mỗi tuần phải đến trình diện 1 lần”. Mona nói: “Bây giờ mỗi lúc ra đường, tôi phải chứng tỏ mình là đàn ông bằng cách để râu nhưng người ta vẫn nhận ra tôi qua giọng nói và dáng đi ẻo lả. Mặc dù tôi đã ký cam kết nhưng điều đó chẳng có gì bảo đảm rằng tôi sẽ không bị đám đông bạo hành”.
3. Cho đến nay, mặc dù gặp phải sự phản đối của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng Uganda cũng như một số nước châu Phi khác vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ thay đổi quan điểm của mình về việc chấp nhận đồng tính là một phần của đa dạng tâm, sinh học. Theo Đại sứ quán Mỹ tại Uganda, khi được hỏi chính quyền Tổng thống Biden sẽ phản ứng thế nào trước luật chống đồng tính, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời rằng “Đạo luật chống đồng tính của Uganda rõ ràng vi phạm quyền con người của công dân Uganda. Tổng thống Biden đã chỉ đạo chính phủ đánh giá mọi khía cạnh liên quan đến sự hợp tác giữa Mỹ và Uganda xoay quanh vấn đề này. Nước Mỹ không thể trừng phạt một quốc gia khác chỉ vì họ chống đồng tính nhưng sẽ xem xét kỹ lưỡng cách hành xử của quốc gia ấy với người đồng tính…”.
Với những người theo đạo Hồi, mặc dù chỉ chiếm 14,4% dân số cả nước nhưng tiếng nói của họ rất có trọng lượng trong việc chống đồng tính. Kéo dài từ tháng 6 cho đến tận hôm nay, những cuộc biểu tình chồng đồng tính của người Hồi giáo liên tục diễn ra ở thủ đô Kampala và nhiều thành phố khác, trong đó có sự tham gia của cả trẻ em ở các trường tiểu học. Trên những băng-rôn, biểu ngữ, họ viết: “Đồng tính không phải là văn hóa châu Phi”, “Uganda không có chỗ cho bọn đồng tính”. Mohammad Akhim, một trong những thủ lĩnh của cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite ở Kampala tuyên bố: “Đồng tính là nguồn cội của HIV/AIDS, là mầm mống của trụy lạc và những bất ổn xã hội. Vì thế chúng ta phải tiêu diệt vì nó đi ngược với truyền thống Uganda”.
Tại nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Jinia, ông Shafie Songolo, Chủ tịch Liên minh các học giả Hồi giáo phương Đông giải thích: “Cấu tạo của các cơ quan trong cơ thể con người giống nhau nhưng chức năng thì khác nhau. Những kẻ đồng tính đã không tuân theo quy luật này. Chúng muốn đi ngược lại những gì mà đức tin Hồi giáo đã rao giảng”. Cũng trong buổi biểu tình, ông Haruna Mulopa, giám đốc Sở Giáo dục thành phố Jinia kêu gọi “hiệu trưởng các trường học phải kiểm soát chặt chẽ tất cả mọi học sinh của mình để tránh cho chúng nghe theo sự tuyên truyền của bọn đồng tính”.
Giáo sư Muhammad Lubega Kisambira, Chủ tịch Hội đồng tối cao Hồi giáo Uganda đổ thêm dầu vào lửa bằng cách đánh tráo khái niệm: “Con người và động vật đều do thượng đế sinh ra nhưng động vật có đồng tính không? Câu trả lời chắc chắn là không! Vậy thì tại sao chúng ta lại chấp nhận đồng tính, chấp nhận cho con cái mình, anh chị em mình là người đồng tính?”
Theo bác sĩ Henry, người đồng tính ở Uganda hiện đang “đối mặt với cái chết ngay chấm phạt đền”. Fox Odoi-Oywelowo, một trong hai nghị sĩ Uganda duy nhất đã bỏ phiếu phản đối Đạo luật chống đồng tính nói: “Ugada đã bùng nổ làn sóng di dân vì lý do đói nghèo thì bây giờ, sớm muộn gì cũng sẽ có những làn sóng di dân mới chỉ vì họ là người đồng tính…”.