Số phận bi thảm của nhà tình báo Stanislav Glinsky

Thứ Tư, 09/08/2023, 15:53

Stanislav Glinsky, nhà tình báo chuyên nghiệp Liên Xô đã tham gia các chiến dịch huyền thoại “Sindikat-2” và “Trest”. Trong những thời gian khác nhau, ông đã lãnh đạo có hiệu quả cơ quan tình báo đối ngoại của Tổng cục Chính trị Liên bang và Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô ở Phần Lan, Latvia, Tiệp Khắc và Pháp, nhưng sau đó đã trở thành nạn nhân của một lời tố giác.

Nhà cách mạng chuyên nghiệp

Stanislav Glinsky sinh năm 1894 trong gia đình một công nhân đường sắt người Ba Lan. Bố ông, Martyn Glinsky, là đảng viên cốt cán đảng Dân chủ Xã hội Ba Lan. Năm 1908, vì hoạt động cách mạng, ông bị kết án 4 năm tù khổ sai và bị đưa đi đày tại một làng ở tỉnh Irkutsk, Siberia.

Số phận bi thảm của nhà tình báo Stanislav Glinsky -0
Nhà tình báo Stanislav Glinsky.

Sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, năm 1910, Stanislav Glinsky làm thợ tạo mẫu tại một nhà máy đúc. Năm 1911, ông gia nhập đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, trở thành đảng viên tích cực: phổ biến tài liệu, in truyền đơn và ít lâu sau được bầu làm Bí thư Quận ủy Mokotow, thành phố Warsaw. Hai năm sau, Stanislav Glinsky cùng mẹ và các anh chị em của mình đến thăm bố ở Siberia. Tại đây, ông tham gia công tác bí mật của đảng Bolshevik: vận chuyển tài liệu, phát truyền đơn và lời kêu gọi của đảng. Hai lần ông bị cảnh sát mật của Nga hoàng bắt giữ. Lần thứ hai, ông trốn khỏi nhà tù và chuyển sang hoạt động bí mật.

Đến tháng 5/1917, Stanislav Glinsky tình nguyện tham gia trung đoàn Siberia 12 và được điều đến mặt trận phía Bắc ở ngoại ô Riga. Ông được đảng giao nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng trong binh lính. Ít lâu sau, Stanislav Glinsky chuyển đến trung đoàn Siberia 17, nơi ông được bầu làm Chính ủy trung đoàn. Hoạt động cách mạng của Stanislav Glinsky trong các đơn vị quân đội đã thu hút sự chú ý của ban lãnh đạo đảng Bolshevik. Trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến Nga, ông được đảng Công nhân xã hội dân chủ (Bolshevik) giới thiệu ra tranh cử và được bầu làm đại biểu cùng với Lenin, Antonov-Ovseenko, Snechkus và những người Bolshevik khác.

Số phận bi thảm của nhà tình báo Stanislav Glinsky -0
Ủy viên nhân dân Bộ Dân ủy Nội vụ Nikolay Yezhov.

Chiến dịch “Sindikat-2”

Cuối tháng Giêng năm 1918, Stanislav Glinsky cùng với trung đoàn Siberia 17 chuyển đến Ural để thành lập chính quyền Xô Viết dọc theo tuyến đường sắt Siberia. Khi đến tỉnh Chelyabinsk, trung đoàn đã giao tranh dữ dội với quân Cô-dắc của thủ lĩnh Dutov. Tháng 11 cùng năm, Stanislav Glinsky bắt đầu làm việc tại Ủy ban Đặc biệt (Cheka) tỉnh Yekaterinburg, lúc đầu là Quyền trưởng phòng, sau đó là Trưởng phòng Đặc biệt. Hai năm sau, với tư cách là đảng viên Cộng sản Ba Lan, ông được điều động lên Trung tâm. Thời kỳ này, cuộc chiến tranh Liên Xô -  Ba Lan vừa kết thúc, nhiều điệp viên Ba Lan vẫn ở lại hậu phương của Hồng quân và khu vực gần biên giới Liên Xô - Ba Lan. Stanislav Glinsky được bổ nhiệm chức vụ mới, ông trở thành trợ lý của Trưởng phòng Đặc biệt thuộc Quân đoàn 16 về công tác tình báo.

Bắt đầu từ tháng 5/1921, Stanislav Glinsky tham gia tích cực vào chiến dịch "Sindikat-2" do Artur Artuzov, Trưởng phòng Phản gián của Ủy ban Đặc biệt toàn Nga phụ trách. Mục đích của chiến dịch này là phá hoại tổ chức phản cách mạng "Liên minh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và tự do" do Boris Savinkov, một kẻ bài Xô điên cuồng, đứng đầu. Kết quả là Savinkov bị bắt.

Trong các kho lưu trữ của tình báo đối ngoại Nga còn lưu giữ những thông tin về việc Stanislav Glinsky đích thân bảo đảm cho Boris Savinkov và các cộng sự của y chuyển sang lãnh thổ của Liên Xô tại khu vực biên giới Liên Xô - Ba Lan. Stanislav Glinsky đến thăm các biệt đội của Savinkov trên lãnh thổ Belarus và Ba Lan,  trực tiếp tham gia tiêu diệt một biệt đội trốn trong khu trại hẻo lánh thuộc quận Goretsky, tỉnh Mogilyov với hơn 500 tên khủng bố. Nhờ tham gia tích cực vào các hoạt động tác chiến trên lãnh thổ Belarus, Stanislav Glinsky được trao tặng Huân chương “Cờ đỏ”.

Số phận bi thảm của nhà tình báo Stanislav Glinsky -0
Giấy chứng nhận Huân chương “Cờ Đỏ” của Stanislav Glinsky.

Chiến dịch "Trest"

Đến cuối năm 1924, Stanislav Glinsky được bổ nhiệm Phó trưởng phòng Đặc biệt của Tổng cục Chính trị  Liên bang ở Minsk. Tháng 8/1924, nhóm vũ trang bí mật của ông  đã đột kích tòa nhà của Cục An ninh Ba Lan ở Stowbsby và trả tự do cho hai đại biểu của Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản bị cơ quan này bắt giữ. Cuối năm 1925, Stanislav Glinsky được chuyển đến Moscow và làm việc vài tháng tại Phòng Phản gián của Tổng cục Chính trị Liên bang. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ban lãnh đạo Tổng cục quyết định chuyển Glinsky sang Phòng Đối ngoại, vì chàng cán bộ mật vụ 30 tuổi giỏi nhiều ngoại ngữ và có kinh nghiệm tác chiến.

Đầu năm 1926, ban lãnh đạo Phòng Đối ngoại của  Tổng cục Chính trị Liên bang cử Glinsky đến Danzig với tư cách trợ lý cơ quan tình báo đối ngoại. Tại đây, ông chỉ làm việc vài tháng, sau đó được chuyển đến Warsaw làm đại diện của cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô ở Ba Lan. Stanislav tiếp tục đấu tranh tích cực chống lại các tổ chức lưu vong bài Xô. Ví dụ, ông đã tham gia trực tiếp vào chiến dịch "Trest" do Trung tâm tổ chức. Trong chiến dịch này, ông đã lôi kéo sang Liên Xô và bắt giữ nhân viên tình báo Anh Sydney Reilly, người từng tham gia hoạt động gián điệp ở Mãn Châu vì lợi ích của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật. Năm 1918, Sydney Reilly là một trong những người tổ chức âm mưu phản cách mạng của đại sứ một số quốc gia ở Nga do Robert Lockhart, Trưởng phái đoàn đại diện Anh, cầm đầu. Chiến dịch "Trest" đã kết thúc thắng lợi vào tháng 2/1927. Nhờ tham gia tích cực vào việc thực hiện chiến dịch, Stanislav Glinsky đã được trao tặng Bằng khen danh dự của Tổng cục Chính trị Liên bang, và trở về Moscow.

Phần Lan, Latvia, Tiệp Khắc…

Ít lâu sau, ban lãnh đạo Phòng Đối ngoại của Tổng cục Chính trị Liên bang giao ông nhiệm vụ mới, lần này ở Phần Lan. Dưới sự lãnh đạo của Stanislav Glinsky, cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô ở Helsinki đã tiếp cận được các nguồn thông tin mật đáng tin cậy trong chính phủ Phần Lan và ban lãnh đạo các đảng phái chính trị của đất nước. Các nhân viên tình báo Liên Xô đã thâm nhập vào "Hội những người yêu sự thật Nga" của bọn Bạch vệ, các tổ chức khủng bố thanh niên ở thành phố Helsinki và Viipuri, điều này giúp ngăn chặn hàng loạt vụ khủng bố chống lại các cơ quan đại diện của Liên Xô ở nước ngoài và trên lãnh thổ Liên Xô .

Bắt đầu từ năm 1930, Stanislav Glinsky phụ trách cơ quan tình báo đối ngoại của Tổng cục Chính trị Liên bang ở Latvia, nơi vào thời điểm đó, tình báo Anh đang tích cực hoạt động chống Liên Xô. Một năm sau, ông phụ trách cơ quan tình báo đối ngoại ở Praha. Tại đây, ông hợp tác tích cực với nhà cách mạng nổi tiếng Vladimir Antonov-Ovseenko, đại diện Toàn quyền Liên Xô tại Tiệp Khắc. Kinh nghiệm hoạt động phong phú cho phép Stanislav Glinsky thâm nhập vào các tổ chức Bạch vệ của tướng Kutepov. Những thông tin do Stanislav Glinsky gửi về luôn được Trung tâm đánh giá cao. Các nhân viên tình báo đối ngoại của ông cũng đã thâm nhập vào hàng ngũ của Tổ chức những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, điều này cho phép thường xuyên nắm được các kế hoạch khủng bố của chúng. Sau khi công tác ở Praha được ba năm, Stanislav Glinsky trở lại Moscow, nơi ông được trao tặng Huân chương “Cờ Đỏ” lần thứ hai cho những cống hiến to lớn mình.

Số phận bi thảm của nhà tình báo Stanislav Glinsky -0
Nhà tù Lubyanka ở Moscow.

Kết thúc bi thảm

Mùa hè năm 1934, Stanislav Glinsky phụ trách cơ quan tình báo đối ngoại của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô ở Paris. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là thu thập tin tức về các hoạt động của giới lưu vong Đức, các tổ chức của đảng Quốc xã và các điệp viên của chúng, cũng như hoạt động của đại sứ quán Đức và các cơ quan đại diện chính thức khác của nước này ở Pháp. Cuộc đấu tranh chống lại “Liên minh quân sự toàn Nga” có trụ sở đặt tại Paris chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động của cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô ở Pháp. Ví dụ, dưới sự lãnh đạo của Stanislav Glinsky, cơ quan này đã triển khai việc lắp đặt các thiết bị nghe lén tại trụ sở của “Liên minh quân sự toàn Nga”.

Cơ quan tình báo đối ngoại Paris thường xuyên nhận được thông tin từ văn phòng của Tổng thống và Thủ tướng Pháp về các vấn đề chính trị mà Trung tâm quan tâm, cụ thể là về mối quan hệ giữa Pháp và Đức Quốc xã. Hoạt động chống lại giới lưu vong thân Trotsky cũng được thực hiện thành công - đây là vấn đề mang tính cấp thiết, vì con trai của Trotsky, Lev Sedov, định cư ở Paris. Thủ đô Pháp  là nơi lưu trữ tài liệu của Quốc tế thứ IV do Trotsky thành lập. Cơ quan tình báo đối ngoại cũng thường xuyên thông báo cho Trung tâm và Stalin về các hành động và ý đồ của Trotsky và Sedov. Hoạt động của Stanislav Glinsky ở thủ đô nước Pháp được Trung tâm đánh giá cao, và ông được phong quân hàm thiếu tá an ninh quốc gia, theo bảng cấp bậc của Liên Xô lúc bấy giờ, cấp bậc này tương ứng với thiếu tướng quân đội.

Tuy nhiên, năm 1937, bộ phận tình báo đối ngoại trong các cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô đã phải hứng chịu những cuộc đàn áp phần lớn là vô căn cứ, nạn nhân của chúng là hàng trăm chiến sĩ an ninh trung thực. Vốn là một người thẳng thắn, có lần, trong một nhóm bạn thân, Stanislav Glinsky đã công khai phát biểu rằng ông không tin vào sự phản bội của các đồng đội đã bị bắt.

Một “bạn thân” nào đó đã thể hiện sự cảnh giác bằng cách viết đơn tố cáo gửi về Moscow. Vào tháng 8 của cái năm định mệnh đối với hàng nghìn người dân Liên Xô, Stanislav Glinsky bất ngờ bị triệu tập về nước - dường như là để nhận huân chương tiếp theo. Tuy nhiên, thay vì huân chương là những nỗi kinh hoàng của nhà tù Bộ Dân ủy Nội vụ ở Lubyanka đang chờ đợi ông. Theo lệnh riêng của Ủy viên nhân dân Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô Nikolay Yezhov, Stanislav Glinsky bị buộc tội hợp tác với tình báo Ba Lan (với lý do ông là người Ba Lan). Bà Anna, vợ ông, người trợ thủ đáng tin cậy của ông trong hoạt động tình báo, cũng bị bắt.

Ngày 9/12/1937, Stanislav Glinsky bị xử bắn theo quyết định của một tòa án đặc biệt. Sau gần 20 năm, ngày 22/9/1956, Hội đồng Quân sự của Tòa án Tối cao Liên Xô đã hủy bỏ bản án và vụ án Stanislav Glinsky bị chấm dứt do thiếu chứng cứ buộc tội.

Anh Duy (Tổng hợp)
.
.