Số phận các tướng lĩnh Liên Xô bị bắt làm tù binh

Thứ Năm, 31/10/2024, 21:06

Theo thống kê, trong Thế chiến hai, cứ 3 tù binh Liên Xô thì 2 người tử vong trong các nhà tù Đức. Tốc độ tàn sát tù binh Liên Xô thậm chí vượt tốc độ tàn sát người Do Thái trong giai đoạn đỉnh điểm của chiến dịch bài Do Thái ở Đức. Bài viết kể về số phận của một số tướng lĩnh Liên Xô bị bắt làm tù binh trong Thế chiến hai.

Trong Thế chiến II, có 5.740.000 tù binh Liên Xô bị bắt ở Đức. Tuy nhiên, đến cuối chiến tranh, chỉ còn khoảng 1 triệu người bị giam trong các trại tập trung. Theo danh sách của Đức, khoảng 2 triệu người đã chết. Trong số còn lại, có 818.000 người hợp tác với Đức, 473.000 người bị giết trong các trại trên lãnh thổ Đức và Ba Lan, 273.000 người chết, và khoảng nửa triệu người bị giết trên đường đi. 67.000 binh lính và sĩ quan đã trốn thoát.

Số phận các tướng lĩnh Liên Xô bị bắt làm tù binh -0
Thiếu tướng Konstantin Dobrozerdov.

Điều đáng ngạc nhiên là kiến trúc sư của nạn diệt chủng này không phải là thành viên của SS, thậm chí không phải là đại diện của đảng Quốc xã, mà là viên tướng già Hermann Reinecke đã phục vụ quân đội từ năm 1905. Y phụ trách bộ phận quản lý tổn thất tù binh trong quân đội Đức.

Có 83 tướng Hồng quân Liên Xô (theo nguồn khác là 72) đã bị Đức bắt làm tù binh, chủ yếu từ năm 1941-1942. Trong số các tù binh có một số tư lệnh tập đoàn quân, hàng chục chỉ huy quân đoàn và sư đoàn. Phần lớn  họ vẫn trung thành với lời thề, chỉ có một số ít đồng ý hợp tác với kẻ thù. Trong số 83 tướng có 26 (hoặc 23) người đã chết vì nhiều lý do khác nhau. Số còn lại sau chiến thắng đã được đưa về Liên Xô. Trong số này có 32 người bị trấn áp (7 người bị treo cổ trong vụ án Vlasov , 17 người bị xử bắn theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu số 270 ngày 16/8/1941) và 8 tướng bị kết án với những mức khác nhau vì hành vi “sai trái” trong tù .

Đến nay vẫn chưa rõ số phận của Thiếu tướng Pavel Bogdanov, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 48 bị tiêu diệt trong những ngày đầu chiến tranh khi quân Đức từ biên giới tiến vào Riga. Khi bị bắt làm tù binh, Bogdanov tham gia  lữ đoàn của Gil-Rodinov, do  Đức thành lập gồm đại diện của các dân tộc Đông Âu, để chống du kích. Tháng 8/1943, các binh sĩ của lữ đoàn này đã giết tất cả các sĩ quan Đức và chuyển sang lực lượng du kích. Gil-Rodinov sau đó đã hy sinh khi chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Liên Xô.

Số phận các tướng lĩnh Liên Xô bị bắt làm tù binh -0
Thiếu tướng Pavel Bogdanov.

Thiếu tướng Konstantin Dobrozerdov chỉ huy Quân đoàn Bộ binh số 7, tháng 8/1941, được giao nhiệm vụ ngăn chặn bước tiến của Tập đoàn Thiết giáp số 1 của Đức vào thành phố Zhytomyr. Cuộc phản công của quân đoàn đã thất bại, khiến cho Phương diện quân Tây Nam ở ngoại ô Kiev bị quân Đức bao vây. Dobrozerdov sống sót và nhanh chóng được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng của Tập đoàn quân 37. Đây là giai đoạn mà Bộ chỉ huy Liên Xô đang tái tổ chức các lực lượng rải rác của Phương diện quân Tây Nam ở tả ngạn sông Dnepr. Trong sự hỗn loạn này, Dobrozerdov bị bắt làm tù binh. Vào cuối tháng 9, Tập đoàn quân 37 bị giải thể, sau đó được tái thành lập để bảo vệ thành phố Rostov. Sau chiến tranh, Dobrozerdov ra tù và trở về Tổ quốc. Không ai biết số phận tiếp theo của ông ra sao.

Trung tướng Philipp Ershakov là một trong những người may mắn sống sót trong cuộc Đại thanh trừng. Mùa hè năm 1938, ông trở thành Tư lệnh Quân khu Ural. Trong những ngày đầu chiến tranh, quân khu này được cải tổ thành Tập đoàn quân 22, một trong ba tập đoàn quân được điều động tới chiến trường khốc liệt nhất - Mặt trận phía Tây. Vào đầu tháng 7, Tập đoàn quân 22 không thể ngăn chặn đà tiến công của Tập đoàn quân Thiết giáp số 3 của Đức về phía Vitebsk và vào tháng 8 đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, Ershakov đã thoát chết. Tháng 9 năm 1941, ông trở thành  tư lệnh Tập đoàn quân 20, sau đó, đơn vị này bị đánh bại trong trận chiến tại Smolensk. Lúc bấy giờ, Ershakov bị bắt làm tù binh. Sau khi ra tù, ông trở về Tổ quốc, nhưng số phận tiếp theo của ông không rõ ràng.

Số phận của Thiếu tướng Pavel Mishutin hết sức phức tạp và bí ẩn. Ông sinh năm 1900, đã tham gia các trận chiến ở sông Khalkhin Gol. Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu, ông chỉ huy một sư đoàn bộ binh ở Belarus. Chính tại đây, ông đã mất tích không dấu vết trong các trận chiến (giống như số phận hàng ngàn hồng quân Liên Xô). Năm 1954, các đồng minh cũ thông báo cho Moscow rằng Mishutin đang giữ  chức vụ cao trong một cơ quan tình báo phương Tây và làm việc tại Frankfurt. Theo một giả thuyết, ban đầu vị tướng này gia nhập quân đội Vlasov, còn trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, ông bị tướng Patch, Tư lệnh Tập đoàn quân  số 7 của Mỹ, chiêu mộ và trở thành điệp viên phương Tây.

Số phận các tướng lĩnh Liên Xô bị bắt làm tù binh -0
Trung tướng Philipp Ershakov.

Câu chuyện của nhà văn Nga Leonid Tamaev kể lại xem ra hợp lý hơn. Theo đó, một sĩ quan Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô điều tra về số phận của Tướng Mishutin đã chứng minh rằng ông bị quân Đức xử bắn vì từ chối hợp tác, và tên ông đã bị một kẻ khác sử dụng để tuyển mộ tù binh vào quân đội Vlasov. Đồng thời, trong các tài liệu về quân đội Vlasov không có bất kỳ thông tin nào về Mishutin. Nếu Mishutin thực sự hy sinh như một anh hùng, thì thật khó hiểu vì sao không có thông tin nào về ông trong các ấn phẩm của Liên Xô về lịch sử chiến dịch Khalkhin Gol. Từ đây có thể  kết luận rằng số phận của con người này cho đến này vẫn còn là một bí mật.

Đầu chiến tranh, Trung tướng Ivan Muzychenko chỉ huy Tập đoàn quân số 6 của Phương diện quân Tây Nam. Trong biên chế của tập đoàn quân này có hai quân đoàn cơ giới khổng lồ, được Bộ chỉ huy Liên Xô đặt nhiều kỳ vọng. Tập đoàn quân số 6 đã kháng cự mạnh mẽ kẻ thù khi phòng thủ Lvov. Sau đó, đơn vị này tiếp tục chiến đấu tại khu vực các thành phố Brody và Berdichev, nhưng đã bị đánh bại do phối hợp hành động kém hiệu quả và thiếu sự yểm trợ của không quân. Ngày 25/7, Tập đoàn quân số 6 được điều động đến Mặt trận phía Nam và bị tiêu diệt tại "lòng chảo Uman". Cũng vào thời điểm đó, tướng Muzychenko bị bắt làm tù binh. Sau khi ra tù, ông không được phục hồi chức vụ.

Thiếu tướng Sergey Ogurtsov chỉ huy Sư đoàn xe tăng số 10, thuộc Quân đoàn cơ giới  số 15 của Phương diện quân Tây Nam. Thất bại của sư đoàn ở phía nam Kiev đã quyết định số phận của thành phố này. Ogurtsov bị bắt làm tù binh, tuy nhiên ông đã kịp trốn thoát khi di chuyển từ thị trấn Zamo của Ba Lan đến Hammelsburg. Sau đó, ông tham gia lực lượng du kích ở Ba Lan do Manzhevidze chỉ huy. Ngày 28/10/1942, Sergey Ogurtsov  hy sinh trong một trận đánh trên lãnh thổ Ba Lan.

Số phận các tướng lĩnh Liên Xô bị bắt làm tù binh -0
Thiếu tướng Ivan Polbin.

Thiếu tướng xe tăng Mikhail Potapov là một trong 5 tư lệnh quân đội bị Đức bắt trong thời gian chiến tranh. Potapov nổi bật trong các trận chiến ở Khalkhin-Gol. Đầu chiến tranh, ông chỉ huy Tập đoàn quân số 5 của Phương diện quân Tây Nam. Đơn vị này chiến đấu rất dũng cảm  trước khi Stalin quyết định chuyển "trọng tâm" sang Kiev. Ngày 20/9/1941, trong các trận chiến ác liệt ở Poltava, Potapov bị bắt làm tù binh. Có thông tin cho rằng chính Hitler đã nói chuyện với Potapov, tìm cách thuyết phục ông theo Đức, nhưng vị tướng Liên Xô kiên quyết từ chối. Sau khi ra tù, Potapov được tặng Huân chương Lenin và được thăng cấp Thượng tướng. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh thứ nhất của các Quân khu Odessa và Karpat.

Một trong hai tướng không quân bị Đức bắt làm tù binh là Thiếu tướng Ivan Polbin, chỉ huy Quân đoàn ném bom Cận vệ số 6. Đơn vị này yểm trợ hoạt động của Tập đoàn quân số 6  bao vây thành phố Breslau (nay là Wrocaw của Ba Lan) vào tháng 2 năm 1945. Ông bị thương, bị bắt làm tù binh và bị giết. Chỉ sau đó người Đức mới xác định được danh tính của con người này. Số phận của ông hết sức điển hình cho tất cả những ai bị bắt làm tù binh trong những tháng cuối cùng của chiến tranh.

Chính ủy sư đoàn Evgeny Rykov là một trong hai chính ủy cao cấp bị Đức bắt làm tù binh. Gia nhập Hồng quân năm 1928, đến đầu chiến tranh, Rykov đã là chính ủy quân khu. Tháng 7/1941, ông trở thành một trong hai chính ủy phụ trách Phương diện quân Tây Nam. Người thứ hai là Mikhail Burmistenko, đại diện của đảng Cộng sản Ukraine. Trong thời gian chọc thủng vòng vây ở lòng chảo Kiev, Burmistenko hy sinh, còn Rykov thì bị thương và rơi vào tay quân Đức. Hitler ra lệnh tiêu diệt ngay lập tức tất cả các chính ủy bị bắt, ngay cả khi điều đó có nghĩa là mất đi "những nguồn thông tin quan trọng". Vì vậy, Rykov đã bị quân Đức tra tấn đến chết.

Số phận các tướng lĩnh Liên Xô bị bắt làm tù binh -0
Chính ủy Evgeny Rykov.

Thiếu tướng Pavel Susoev, Tư lệnh Quân đoàn Bộ binh 36, bị quân Đức bắt làm tù binh trong khi cải trang thành người lính. Ông đã trốn thoát, sau đó gia nhập một nhóm vũ trang của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, rồi chuyển sang phía những người du kích Ukraine thân Liên Xô do tướng Fedorov chỉ huy. Từ chối trở về Moscow, ông quyết định ở lại với những người du kích. Sau khi Ukraine được giải phóng, Susoev trở về Moscow và được phục hồi danh dự.

Thiếu tướng Không quân Grigory Tkhor, Tư lệnh Sư đoàn Không quân 62 thuộc quân khu Kiev, là một phi công quân sự xuất sắc. Sư đoàn này tham gia các trận đánh ở biên giới với quân Đức và chiến dịch phòng thủ Kiev. Vào giữa tháng 9/1941, trong một trận chiến, khi cố gắng thoát khỏi vòng vây, Tkhor đã bị bắt làm tù binh. Trong tù, ông tích cực tham gia phong trào phản kháng của các tù binh Liên Xô ở Hammelburg. Tháng 12/1942, Tkhor  chuyển đến Flossenbrg và  tháng 1/1943, ông bị xử bắn.

Sau 46 tháng rưỡi chiến tranh, có 416 tướng và đô đốc Liên Xô đã hy sinh hoặc thiệt mạng. So sánh quy mô tổn thất của đội ngũ tướng lĩnh Liên Xô và Đức, chúng ta thấy diễn biến tử vong của các tướng lĩnh quân đội Đức Quốc xã như sau. Trong các năm 1941-1942, chỉ có vài người tử nạn. Từ năm 1943-1945, có 553 tướng và đô đốc Đức bị bắt làm tù binh, trong đó hơn 70% bị bắt tại mặt trận Xô-Đức. Tổng số tổn thất của tướng lĩnh Đức gấp đôi số sĩ quan cấp cao Liên Xô thiệt mạng: 963/416. Hơn nữa, ở một số hạng mục, con số này cao hơn rất nhiều.

Ví dụ, số tướng Đức thiệt mạng do tai nạn nhiều gấp 2,5 lần, mất tích nhiều gấp 3,2 lần, và chết trong tù nhiều gấp 8 lần so với tướng lĩnh Liên Xô. Đặc biệt, 110 tướng Đức đã tự sát, con số này cao hơn nhiều so với các trường hợp tương tự trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô. Điều này nói lên sự suy sụp tinh thần chiến đấu nghiêm trọng của các tướng lĩnh Đức Quốc xã vào cuối chiến tranh.

Trần Đình
.
.