Số phận một điệp viên trại Auschwitz

Thứ Ba, 28/09/2021, 21:18

Warsaw, năm 1940. Một người đàn ông bị bố ráp trên đường phố bởi các lực lượng Đức Quốc xã (ĐQX) chiếm đóng. Anh ta bị đánh đập rồi tống vào tù, sau đó bị đày tới trại Auschwitz, một nơi khi ấy đồng nghĩa với cái chết và ám ảnh.

Đối với phần lớn thế giới, người ta phải tránh đến đó bằng mọi giá. Nhưng người tù nhân này thì lại khác, việc có được chân trong trại tử thần đều nằm… trong kế hoạch của anh. Đó là Witold Pilecki: người duy nhất trên thế giới “tình nguyện ở tù” tại Auschwitz.

Thân phận đặc biệt

Witold Pilecki chào đời năm 1901 trong một gia đình Ba Lan ở Nga sau cuộc Khởi nghĩa tháng Giêng năm 1864. Thời trẻ, Pilecki sống trong các giai đoạn chiến tranh liên miên. Năm 1914, vì còn quá nhỏ để tham chiến trong Đại chiến tranh thế giới thứ nhất (ĐCTGI) nên Pelecki đã gia nhập các đơn vị trinh sát nhằm hỗ trợ cho quân đội Ba Lan. T

rong suốt cuộc Chiến tranh Nga – Ba Lan, Pilecki đã đủ tuổi để tòng quân và chiến đấu trong tư cách là một thành viên của một đơn vị kỵ binh bảo vệ Grodno (một thành phố nhỏ nằm ở Tây Belarus); liền đó ông đã tham chiến Trận Warsaw cũng như giải phóng Vilnius (thủ đô của Litva). Trong lần chiến thắng này, Pilecki đã 2 lần được nhận Huân chương dũng cảm vì lòng quả cảm của mình.

Trong những năm giữa các cuộc chiến, gia đình Pilecki đã tìm cách khẩn hoang Sukurcze với biệt thự và điền trang bao quanh. Chứng kiến 2 cuộc chiến và tải sản ngày một tiêu điều, Pilecki liền chuyển sang lực lượng dự bị của quân đội Ba Lan và đặt tất cả nỗ lực của mình vào việc sửa chữa cũng như hiện đại hóa khu dân cư cùng giáo dục xã hội ở địa phương. Rồi Pilecki lấy vợ và xây dựng gia đình mới. Tuy nhiên, tâm huyết này không kéo dài lâu. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, ĐQX xâm lược Ba Lan. Đất nước bé nhỏ rơi vào hiểm nguy tột cùng. Pilecki lại được gọi nhập ngũ. Lần thứ 3 trong đời ông bỏ lại tất cả để bảo vệ quê hương.

Số phận một điệp viên trại Auschwitz -0
Cổng chính vào trại tử thần Auschwitz. Ảnh nguồn: Public domain.

Hoạt động tình báo trong “trại tử thần”

Trong vai trò chỉ huy một đơn vị kỵ binh, Witold Pilecki đã chiến đấu ác liệt với quân ĐQX, nhưng mặc dù đơn vị của ông đã có những chiến công đáng kể thì cuộc chiến đã đại bại ngay từ đầu. Hiệp ước Xô – Đức đã quyết định số phận của Ba Lan trước khi chiến cuộc bắt đầu. Mọi chuyện đã kết thúc vào ngày 6 tháng 10 năm 1939, tất cả binh lính của quân đội Ba Lan đều chính thức giải ngũ. Tuy nhiên phần lớn trong số họ đã chiến đấu cùng với các lực lượng Đồng Minh, hoặc bắt đầu nhóm thành những đơn vị quân sự mật. Và Pilecki chọn cách thứ hai.

Trong lúc đó vào năm 1940, ngay đỉnh cao của thời kỳ tang tóc ĐCTGII – trại tập trung  Auschwitz – đã được thiết lập bởi quân đội ĐQX. Buổi ban đầu Auschwitz được lập ra để giam giữ và hành quyết các tù chính trị và người Ba Lan gốc Do Thái.  Rõ ràng mục đích của Auschwitz cũng như việc xây dựng các phòng hơi ngạt là tối mật, nhưng các đoạn thông tin mật không biết bằng cách nào đó đã lọt ra bên ngoài và khiến người ta ớn lạnh. Đó là lý do tại sao các lực lượng kháng chiến Ba Lan quyết định bắt đầu một trong những hoạt động tình báo rủi ro nhất chưa từng thấy: biệt phái một trong những người lính tinh nhuệ nhất nằm vùng ở trại Auschwitz trong vai trò một tù nhân...

Số phận một điệp viên trại Auschwitz -0
Chân dung Witold Pilecki năm 1923. Ảnh nguồn: IPN/ www.pilecki.ipn.gov.pl.

Witold Pilecki được chọn từ một nhóm các tình nguyện viên và được trao nhiệm vụ đột nhập vào trại Auschwitz để thu thập tin tình báo, tổ chức các hoạt động kháng chiến cũng như tìm ra các khả năng giải phóng trại. Về mục đích này mà Pilecki buộc phải thay đổi danh tính cũng như được trao các tài liệu giấy tờ của những người lính Ba Lan mà ĐQX đang truy nã.

Điều này làm tăng đáng kể “cơ hội” để Pilecki được đưa thẳng đến trại Auschwitz. Với cái tên mới, Pilecki cố tình để quân Đức bắt mình trong các đợt vây ráp thường diễn ra ngay trên đường phố Warsaw. Đúng như kế hoạch của cấp trên vạch ra, cuối cùng Pilecki được chuyển thẳng đến Auschwitz và chỉ 2 ngày sau đó là đã có mặt ở trại này.

Nhiệm vụ này cực kỳ nguy hiểm bởi người Đức khi ấy thực hiện quy tắc trách nhiệm tập thể trong tất cả các trại và nhà tù. Đối với mỗi lần xảy ra các vụ vượt ngục, lính Đức sẽ giết một lượng tù nhân nhiều hơn số người đào tẩu nhằm dằn mặt các tù nhân khác, khiến cho ai đó có ý định đào tẩu sẽ phải đắn đo hết sức khó khăn từ góc độ đạo đức của những người có ý định đó. Pilecki đã quyết định cực nhanh.

Ngay tại thời điểm đặt chân đến sân ga, một màn “trình diễn” bắt đầu. Một lính Đức đã hạ lệnh cho một trong các tù nhân khác chạy về phía cổng trại tập trung. Người tù bị khống chế nên đã làm theo lệnh và anh ta bị bắn hạ ngay tại chỗ với cáo buộc đã có ý đồ trốn trại. Theo cách đó, thêm 10 tù nhân khác đã được chọn ngẫu nhiên và bị hành quyết ngay trên sân ga. May thay, Pilecki không nằm trong số họ. Bắt đầu từ thời điểm Pilecki đến Auschwitz, không có ai được phóng thích từ trại này.

Số phận một điệp viên trại Auschwitz -0
Pilecki cùng vợ và con gái. Ảnh nguồn: Schop Logt.

Khả năng Pilecki sẽ phải vĩnh viễn ở lại Auschwitz cho đến khi nó được giải phóng hoặc ông sẽ phải nằm trong số các nạn nhân bị hành quyết. Nhưng bất chấp, ngay khi vừa đến Auschwitz, Pilecki đã cần mẫn làm việc. Ông bắt đầu thành lập cái gọi là Liên minh các tổ chức quân sự (ZOW, Zwiqzek Organizacji Wojskowej) với nhiệm vụ đầu tiên là thu thập các phong trào kháng chiến quy mô nhỏ và thống nhất họ theo lệnh chỉ huy.

Rất nhanh chóng tổ chức đã có thể đủ cung cấp cho tù nhân thêm lương thực, quần áo, và cả báo chí từ bên ngoài tuồn vào. Rồi họ báo tin cho người ngoài trại hay biết, cũng như gian lận trên sổ đăng ký của lính canh ĐQX nhằm hạn chế tối đa số lượng các tù nhân vượt ngục tránh bị phát hiện. Vài tuần sau khi bị giam ở Auschwitz, Pilecki đã gửi báo cáo đầu tiên của mình cho các cấp trên về mục đích thực sự của các cơ sở ở Auschwitz. Đây là dữ liệu tình báo sơ khai về nạn tàn sát người Do Thái của ĐQX đã được thu thập và xác minh.

Vào tháng 3 năm 1941, thông tin tình báo đã được chính phủ Ba Lan lưu vong chuyển cho các đồng minh Ba Lan, và từ đó nó là nguồn tình báo chính về nạn diệt chủng đối với các lực lượng Đồng Minh. Ngoài các hoạt động thường nhật, Pilecki và những thành viên khác của bộ chỉ huy đã làm việc chăm chỉ nhằm phác thảo một kế hoạch giải phóng trại Auschwitz với sự hậu thuẫn từ các lực lượng đồng minh bên ngoài.

Năm 1943, ĐQX đã bắt giữ và xử tử một số cộng tác viên thân tín của Pilecki, và điều này rõ ràng rất nhanh thôi ông cũng sẽ bị tóm. Phía giới chức Auschwitz cũng nghe phong phanh về các phong trào kháng chiến mạnh mẽ trong trại, và đã quyết định xử tử hoặc chuyển các tù nhân có thâm niên 2 năm trong trại đến các trại tập trung khác. Pilecki liên tục bị đưa vào các danh sách hành quyết hoặc chuyển đi, song nhờ các khả năng tuyệt vời của ZOW mà ông luôn bị gỡ tên hoặc đình lại.

Số phận một điệp viên trại Auschwitz -0
Witold Pilecki tập bắn súng năm 1931. Ảnh nguồn: IPN.

Hiểu rằng tình thế thập phần nguy hiểm cho Pilecki ở Auschwitz nên lực lượng bên ngoài đã hạ lệnh cho ông vượt trại. ZOW đã giúp Pikecli đào thoát bằng cách chuyển ông cùng với 2 người bạn thân khác vào đội biệt kích nướng bánh (những nhóm làm việc ở Auschwitz đều được gọi là biệt kích) làm việc ngoài trại.

Mặt khác, ngay từ đầu năm 1943, ĐQX buộc phải ký với Hội chữ thập đỏ sẽ không áp dụng quy tắc trách nhiệm tập thể nữa, vì thế tính mạng của các tù nhân đã được cứu khi Pilecki vượt trại. Witold Pilecki đã đào tẩu thành công khỏi trại Aschwitz vào khuya ngày 26 và rạng sáng ngày 27 tháng 4 năm 1943, và vài ngày sau đã có mặt tại Trụ sở Quân đội Ba Lan ở Warsaw.

Những tháng sau đó, Pilecki đã viết nhiều báo cáo về Auschwitz, trong đó liệt kê chi tiết về các phòng hơi ngạt và số lượng tử vong hàng ngày, cũng như nghiên cứu y học trên tù nhân bởi các bác sĩ ĐQX. Báo cáo của Pilecki mà giới sử gia gọi là “Báo cáo Witold” cùng với 2 tài liệu khác được viết ra bởi các cựu tù chính trị đã hình thành nên cái gọi là “Các giao thức Auschwitz”: dữ liệu đáng tin cậy cuối cùng về trại “tử thần” Auschwitz lớn nhất trong lịch sử.

Số phận một điệp viên trại Auschwitz -0
Witold Pilecki trong bức ảnh phiên tòa năm 1947. Ảnh nguồn: IPN.

Cái kết của một điệp viên 

Tuy nhiên bi kịch lớn nhất trong đời của Pilecki vẫn chưa đến. Năm 1944, Khởi nghĩa Warsaw bùng nổ và Pilecki tham gia ngay tức khắc. Là một sĩ quan, Pikecli không được phép chiến đấu như một người lính bình thường, nhưng ông đã làm tình nguyện cho một trong những đơn vị giấu danh tính thực sự của mình. Những diễn biến của cuộc khởi nghĩa đã làm nên vai trò chỉ huy của Pikecli trong một khu vực được gọi là Đại đồn lũy Warsaw – một địa điểm trọng yếu đã chứng kiến những trận đánh khốc liệt với lực lượng áp đảo của quân đội ĐQX.

Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại (kéo dài 63 ngày) tiếp đó là mệnh lệnh của cấp trên, Pilecki bị giam cầm và rồi chuyển đến các trại tù ở Lambinowice (Ba Lan) và sau đó là ở Murnau (Đức). Sau khi Đức đầu hàng và giải phóng nơi giam giữ của mình, Pikecli đã quay lại Warsaw để tiếp tục làm việc cho chính phủ lưu vong Ba Lan.

Năm 1947, Pilecki bị bắt giữ ở Warsaw. Phiên tòa xử Pilecki kéo dài 2 tháng, kết quả là ông và 3 người khác bị kết án tử hình. Chỉ 15 ngày sau khi kết thúc phiên tòa, Pilecki đã bị tử hình, và tên ông bị quên lãng. Bất kỳ bài báo nào liên quan đến Pilecki và gia đình ông đều bị kiểm duyệt gắt gao, và tác giả của những bài viết đó đều vướng rắc rối pháp luật. Cho đến ngày hôm nay, nơi chôn cất Pilecki vẫn chưa được biết.

Năm 1990, chính quyền Ba Lan dân chủ đã phục hồi lại danh dự và nhân phẩm cho Pilecki và một số người khác. Năm 2006, Witold Pilecki được nhà nước Ba Lan trao Huy chương Đại bàng trắng, huy chương cao quý nhất tôn vinh công lao ông.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.