Sóng gió trong hoàng tộc Jordan
Kể từ khi nối ngôi cha vào năm 1999 của thế kỷ trước, nhà vua Abdullah II của Jordan đã và đang không ngừng nỗ lực tìm cách đưa đất nước mình trở thành cường quốc vùng Tây Á. Một mặt ông Abdullah II thực hiện chính sách ngoại giao hòa hảo với những nước láng giềng, mặt khác lại liên minh với Mỹ và nhiệt tình tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.
Đối với việc nội trị, nhà vua cho mở cửa nền kinh tế cùng với tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả là Jordan từ chỗ kiệt quệ sau Chiến tranh Vùng Vịnh nay đã trở thành một trong số ít đất nước Trung Đông tiếp tục phát triển ổn định.
Vậy nhưng những sự kiện xảy ra gần đây trong nội bộ hoàng gia Jordan đã khiến nội chính đất nước này chịu xáo trộn mạnh. Câu hỏi mà nhiều người Jordan và các nhà quan sát quốc tế đều đặt ra lúc này là: Nhà vua Abdullah II sẽ làm đến đâu nhằm bảo vệ ngai vàng của mình?
Huynh đệ tương tàn
Công chúng chỉ biết đến khủng hoảng trong gia đình hoàng gia Jordan khi vào tháng 4 năm ngoái, vua Abdullah II ra lệnh bắt giữ người em trai cùng cha khác mẹ của mình là hoàng tử Hamzah bin Hussein. Thông tin này khiến không ít người bị sốc vì từng có thời điểm Hamzah được giữ chức hoàng thái tử. Phải 5 năm sau khi vua Abdullah II lên ngôi thì ông mới chuyển ngôi hoàng thái tử từ em trai sang con trai cả của mình. Hoàng tử Hamzah sau đó có giữ một số chức vụ khác nhau trong nhà nước Jordan.
Theo thông cáo báo chí của nhà vua, hoàng tử Hamzah và 20 nhân vật khác có chức vụ cao tại Jordan bị cáo buộc thông đồng với thế lực ngoại quốc để lật đổ vua Abdullah II. Những cá nhân này sẽ phải chịu quản thúc tại gia trong khi chính quyền mở một cuộc điều tra. Không lâu sau đó, hoàng tử Hamzah đăng tải lên Internet một đoạn video quay tại tư gia. Trong đoạn video, vị hoàng tử chỉ trích chính quyền anh trai mình: “Giới lãnh đạo Jordan đang đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên mạng sống và phẩm giá của chục triệu con dân vương quốc”.
Nhà vua và chính phủ Jordan từ nhiều năm gần đây đã bị nhân dân nước này chỉ trích liên tục, nhưng đây là lần đầu tiên có một thành viên hoàng tộc nói ra những lời như thế. Ngoài hoàng tử Hamzah còn có một nhân vật khác trong nhóm 20 người cũng đứng lên chỉ trích nhà vua là cựu Bộ trưởng Tài chính Jordan Bassem Awadallah. Những lời phê phán của Bassem tuy vậy ít được chú ý hơn chức vị cố vấn của hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman mà ông ta đang giữ. Việc bắt giữ Bassem vì vậy đã khơi ra nhiều lời đồn đoán về việc có phải Saudi Arabia là thế lực đứng đằng sau âm mưu đảo chính không?
Theo nhà bình luận chính trị Trung Đông Annelle Sheline tại Viện Chính sách Quincy (Mỹ) thì: “Hamzah bin Hussein sở hữu tài năng xây dựng quan hệ công chúng hiếm có. Từ nhiều năm nay ông ta đã là bộ mặt “đối ngoại” của hoàng tộc Jordan. Hoàng tử còn sở hữu khuôn mặt giống hệt vua cha của mình là cố vương Hussein. Đây là lý do vì sao giữa lúc nhiều người bất bình với vua Abdullah II, một số bộ tộc đã quay sang ủng hộ Hamzah. Còn có thông tin rằng trước khi bị quản thúc, Hamzah đã gặp gỡ lãnh đạo các bộ tộc này”.
“Khủng hoảng” mà bà Annelle nhắc đến là scandal nhà vua che giấu tài sản cá nhân ở nước ngoài. Trong số các giấy tờ được tiết lộ trong vụ hồ sơ Pandora (2021) có những tài liệu cho biết vua Abdullah II đứng sau một số công ty bình phong đặt trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Qua những công ty “ma” này, nhà vua sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lên đến cả triệu USD tại Florida và Washington D.C. (Mỹ) hay Luân Đôn (Anh). Chưa hết, ông còn có 6 tài khoản bí mật tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ), trong đó có một tài khoảng chứa 224 triệu USD. Gia đình hoàng gia sau đó đã phải giải trình số tiền này trước tòa: 224 triệu USD là giá bán chiếc máy bay của của cố vương Hussein.
Vụ việc vỡ lở giữa lúc đất nước Jordan đang rơi vào khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Nền kinh tế nước này hoàn toàn kiệt quệ, trong khi hệ thống y tế của họ xoay xở không kịp. Suýt nữa đã xảy ra một cuộc nổi loạn tại thành phố Salt sau khi hàng trăm nghìn người tổ chức biểu tình quanh một bệnh viện sau cái chết của 8 bệnh nhân vì thiếu bình thở. Cuộc biểu tình chỉ kết thúc sau khi vua Abdullah II tự mình đến bệnh viện để thanh tra. Hình ảnh nhà vua trong bộ áo lính quát tháo các quan chức bệnh viện đã phần nào làm “nguội” cái đầu của người biểu tình, nhưng điều này cũng chỉ là tạm thời.
Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng
Gần ba tháng sau khi vụ bắt giữ xảy ra, hoàng tử Hamzah và 20 người còn lại bị đưa ra tòa. Đến lúc này hoàng tử Hamzah bất ngờ có tuyên bố khẳng định lòng trung thành của mình với nhà vua, đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc mình có liên quan đến âm mưu đảo chính. Phía công tố sau đó đã rút mọi lời buộc tội của họ đối với vị hoàng tử. Trong số 20 bị cáo còn lại, Bassem Awadallah bị kết án nặng nhất với 15 tù giam.
Tòa án Jordan trước đó cũng đã xử một vụ trọng án khác liên quan tới thành viên gia đình hoàng gia. Bị cáo là triệu phú Walid Al-Kurdi, chú rể của đức vua và cựu CEO tập đoàn khoáng sản nhà nước JPMC. Theo cáo trạng, ông Walid đã lợi dụng vị trí của mình để nhận hối lộ giúp một tập đoàn ngoại quốc thắng quyền khai thác khu mỏ phốt phát ở Shidiya, miền nam Jordan. Tòa tuyên án Walid 55 năm tù và phải bồi thường 269 triệu USD. Vị triệu phú hiện đang lẩn trốn tại Anh.
Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử những kẻ nổi loạn, tình hình tại Jordan có phần tạm lắng. Tuy vậy, cả chính phủ và quân đội Jordan vẫn đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra. Hơn 30 công đoàn trên cả nước mới đây đã đồng loạt bãi công đòi hỏi chính phủ sửa đổi luật lao động nhằm tăng quyền lợi cho người lao động. Tại những thành phố lớn, tình trạng vật giá leo thang và thất nghiệp kéo dài đang gây thêm căng thẳng giữa người dân và nhà chức trách.
Giữa lúc đó thì hoàng tử Hamzah lại tuyên bố từ bỏ ngôi vị hoàng tử của mình vì: “lý tưởng của tôi không còn phù hợp với đường lối hay phương thức hoạt động của các cơ quan quyền lực ở Jordan”. Theo nguồn thông tin nội bộ thì tuyên bố này đã gây ra “bão” trong hoàng tộc. Vua Abdullah II tỏ ra vô cùng tức giận trước hành động của em trai vì theo luật pháp, ông là người duy nhất có quyền phế vị chức tước do thành viên gia đình hoàng gia nắm giữ.
Thế rồi vào ngày 19-5 vừa qua, văn phòng nhà vua Jordan ra thông cáo cho biết cảnh sát sẽ nối lại việc quản thúc Hamzah vì lý do: “nghi ngờ hoàng tử hành động bất thường vì mắc bệnh tâm lý”. Thông cáo không nói rõ hoàng tử Hamzah mắc bệnh gì nhưng cho biết vua Abdullah II ra lệnh trên để “tránh em trai tiếp tục lạm dụng quyền lực của mình để gây bất ổn cho Jordan”.
Một số cuộc biểu tình đã nổ ra sau tuyên bố của nhà vua. Hoàng thái hậu Noor, mẹ của hoàng tử Hamzah, đã ra tuyên bố kêu gọi người biểu tình giải tán. Bà cũng lên tiếng khẳng định sự vô tội của con mình và hứa sẽ làm rõ mọi chuyện. Chú ruột của nhà vua là hoàng tử Hassan bin Talal đã đứng ra nhận trách nhiệm hòa giải. Hiện vẫn chưa rõ liệu các bên đã đối thoại được đến đâu.
Jordan rơi vào một cuộc khủng hoảng vì ngai vàng chắc chắn sẽ kéo theo cả khu vực Tây Á. Jordan hiện sử dụng quyền lực và uy tín của mình nhằm làm dịu căng thẳng giữa các thế lực tại Trung Đông mà một bên là Israel, một bên là các nước Vùng Vịnh. Quốc gia này hiện cũng đóng vai trò vùng đệm cho cuộc nội chiến Syria - người tị nạn Syria chạy sang Jordan, trong khi các chuyến hàng viện trợ nhân đạo từ Jordan vượt biên giới sang Syria.
Các căn cứ quân sự ở Jordan còn là một mảnh ghép quan trọng trong mạng lưới phòng thủ của Mỹ tại Trung Đông. Các nước hiểu rõ rằng không thể để Jordan rơi vào khủng hoảng. Chẳng vậy mà ngay sau vụ bắt giữ 20 nhân vật quan trọng ở Jordan, nguyên thủ nhiều nước đã gọi điện để bày tỏ sự ủng hộ của họ với nhà vua Abdullah II.
Theo nhiều nhà phân tích, tình hình Jordan hiện nay chẳng khác gì “một thùng thuốc súng”. Việc lục đục trong nội bộ gia đình hoàng gia Jordan chỉ là một trong nhiều khủng hoảng đất nước này đang phải đối mặt, nhưng hoàn toàn có khả năng nó sẽ châm ngòi cho những bất ổn còn trầm trọng hơn nữa. Về vấn đề này hãng tin Al Jazeera đã đưa ra bình luận như sau: “Điều quan trọng là các bên giữ được bình tĩnh và gạt sang một bên những tính toán chính trị của mình để đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”.