Sự biến mất bí ẩn của con trai Phó Tổng thống Mỹ Nelson Rockefeller

Thứ Hai, 06/06/2022, 22:11

Là con trai của Nelson Rockefeller, Thống đốc New York rồi sau đó là Phó tổng thống Mỹ, Michael Rockefeller còn là cháu của ông vua dầu hỏa Mỹ John D. Rockefeller Jr. Trong chuyến thám hiểm diễn ra vào tháng 11-1961 ở vùng Asmat, New Guinea, hiện là một phần của tỉnh Papua, Indonesia, Michael đã biến mất không một dấu vết mặc dù cuộc tìm kiếm anh ta kéo dài suốt 6 tuần…

Khởi đầu cuộc phiêu lưu

Tối ngày 20-2-1957, tại ngôi nhà 4 tầng ở số 15, phố Tây 54, New York, Nelson Rockefeller, người mà năm 1959 sẽ trở thành thống đốc New York rồi sau đó là phó tổng thống Mỹ, tổ chức một buổi dạ tiệc mà khách mời phần lớn là những nhân vật trong giới thượng lưu cùng những chính trị gia bởi lẽ dù sao Nelson cũng là em ruột của ông vua dầu hỏa Mỹ John D. Rockefeller, người sáng lập tập đoàn dầu hỏa Standard Oil với khối tài sản ước tính vào khoảng 900 triệu USD ở thời điểm ấy.

8 giờ 30 tối, buổi dạ tiệc bắt đầu. Những vị khách vừa thưởng thức rượu vang hảo hạng, vừa được Nelson dẫn dắt vào một thế giới kỳ lạ qua những hiện vật trưng bày trong căn phòng lớn mà ông gọi là “bảo tàng nghệ thuật”. Đó là một mái chèo bằng gỗ có những hình khắc bí ẩn đem về từ đảo Phục Sinh, là chiếc mặt nạ thon dài với đôi mắt mở trừng trừng đến từ Nigeria, là các bức tượng chạm trên đá của người Aztec và Maya ở Peru…, được đặt trên những cái bệ bằng cẩm thạch, nổi bật dưới ánh đèn chiếu sáng.

Đêm đó, Michael Rockefeller vừa tròn 18 tuổi. Những gì anh chứng kiến trong buổi tiệc đã để lại một ấn tượng. Nó mạnh mẽ đến nỗi 4 năm sau, lúc đã tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế ở Đại học Harvard với hạng xuất sắc nhưng thay vì bước chân vào thế giới dầu mỏ của người bác với cánh cửa mở rộng hoặc môi trường chính trị như người cha thì Michael lại nổi máu phiêu lưu.

Karl Heider, người cùng học với Michael ở Harvard nhớ lại: “Michael luôn nói với tôi rằng anh ấy muốn làm một điều gì đó, chẳng hạn như đi Asmat rồi mang về New York một bộ sưu tập do chính anh ta tìm được chứ không phải bỏ tiền ra mua như cha anh ta”.

rock1.jpg -0
Michael giữa các thổ dân làng Otsbawang.

Vùng Asmat, thuộc địa Hà Lan là một nơi hoàn hảo cho những người thích phiêu lưu. Mọi thứ cần cho sự sinh tồn đều có ở đây. Dưới nước đầy ắp tôm, cua, cá và trai. Trong rừng rậm là lợn rừng, gà rừng với bộ lông giống như đà điểu. Nơi đây cũng có bạt ngàn cây cọ, phần lõi nếu nghiền ra sẽ thu được loại tinh bột màu trắng rồi nếu trộn với nước và nướng lên, nó ngon chẳng kém bánh mì. Các con sông là những xa lộ cao tốc với những con cự đà nằm phơi nắng trên những gốc cây mục, những đàn vẹt xanh đỏ kêu inh ỏi khi tranh ăn với chim mỏ sừng nhưng vượt hơn tất cả là những phong tục, luật lệ bí mật của thổ dân.

Ở đây không có dấu bánh xe đạp hay xe hơi, thậm chí không có cái mà xã hội văn minh gọi là “giấy”. Hơn 16.000 km vuông của Asmat chỉ có một khu định cư của người Hà Lan và một đường băng, đủ cho những loại máy bay nhỏ hạ cánh. Ngày 2 lần, thủy triều lên cao 5m nên rất khó để biết nơi nào là điểm khởi đầu của nước và nơi nào là chỗ đất liền kết thúc. Khi nước rút, bờ biển là thế giới của bùn lầy và nếu ai đó bước xuống, nó sẽ lún sâu đến ngang hông. Sẽ không thể đi được nếu không biết cách học theo thổ dân, lướt bằng ván trượt.

Chuyến đi định mệnh

Ngày 13-11-1961, Michael và Rene Wassing, một nhà nhân chủng học người Hà Lan lên đường đến Asmat. Sau khi hạ cánh xuống sân bay ở khu định cư Hà Lan, cả hai được một nhà truyền giáo cho mượn chiếc thuyền độc mộc. Sau 2 ngày trên sông, họ ghé vào ngôi làng Otsbawang, nơi sinh sống của một trong những bộ tộc lớn nhất đảo.

Suốt 5 ngày ở đó, bộ tộc này tuy không thân thiện nhưng cũng không ngăn cản khi thấy Michael chụp ảnh họ. Tuy nhiên, họ cương quyết không trao đổi những hiện vật văn hóa, chẳng hạn như một cây cột bằng gỗ mà họ gọi là “bisj”, có chạm khắc những hình tượng, hoa văn tinh xảo, hoặc một chiếc sọ người được trang trí cầu kỳ để lấy dao, bật lửa cùng một số vật dụng bằng kim loại khác mà Micheal mang theo.

Sáng ngày 9-11, Micheal và Wassing rời làng Otsbawang để đến làng Otsjanep, cách đó một eo biển. Sau một lúc thuyết phục bằng cách ra dấu cộng với số vốn thổ ngữ ít ỏi của Wassing, người đứng đầu bộ tộc đảo Otsbawang miễn cưỡng đồng ý cho 2 thanh niên đi theo Micheal để dẫn đường vì thời điểm đó, chiến tranh giữa các bộ tộc thường xuyên diễn ra. Sau mỗi cuộc đụng độ, phe chiến thắng sẽ lấy đầu của kẻ thù về trưng bày rồi ăn thịt họ.

rock2.jpg -0
Tấm ảnh cuối cùng của Michael khi chèo thuyền đến làng Otsjanep.

Khoảng 10 giờ trưa, khi chiếc thuyền độc mộc của Michael còn cách làng Otsjanep khoảng 20km thì bất ngờ gặp phải một dòng nước siết khiến nó lật úp. 2 thanh niên bộ tộc dẫn đường nhanh chóng bỏ thuyền, bơi trở lại hướng xuất phát. Nhà nhân chủng học Wassing kể: “Chỉ còn tôi với Michael. Cả hai bám vào đáy thuyền trong khi dòng nước càng lúc càng đẩy chúng tôi ra xa. Thấy vậy Micheal nói “tôi sẽ bơi vào tìm người giúp, tôi tin rằng tôi có thể làm được”. Và mặc dù tôi đã cố ngăn cản nhưng Micheal vẫn cương quyết thực hiện ý định của mình”.

Từ đó, không ai còn nhìn thấy Michael đâu nữa.

5 giờ chiều, Wassing được thuyền của dân làng Otsbawang vớt lên khi đã gần kiệt sức. Hôm sau, lúc về đến khu định cư Hà Lan, Wassing điện thoại báo tin cho gia đình Michael. Với thế lực chính trị của mình cộng với sự giàu có của đế chế dầu hỏa Rockefeller, ông Nelson cùng vợ lập tức bay đến New Guinea rồi nhanh chóng huy động tàu bè, máy bay, trực thăng, tiến hành tìm kiếm. Một số tàu chiến của Hải quân Mỹ lúc ấy đang có mặt ở Thái Bình Dương cũng cử máy bay tham gia phối hợp.

Cuộc tìm kiếm kéo dài suốt 6 tuần lễ với 12 tàu, 4 máy bay trinh sát biển, 2 trực thăng và gần 100 người, kể cả một đội người nhái của Hải quân Mỹ nhưng không thấy bất cứ một dấu vết nào của Michael. Giả thuyết anh ta bị cá mập ăn thịt nhanh chóng bị bác bỏ vì vùng biển Asmat không có loài cá này, còn nếu anh ta chết đuối thì xác sẽ phải nổi lên, ngay cả khi tử thi đã bị cá rỉa. Những nghiên cứu về dòng chảy trên bản đồ của Hải quân Mỹ cho thấy con nước đã làm lật chiếc thuyền độc mộc của Michael hướng thẳng vào bờ đảo, nơi có ngôi làng Otsjanep nhưng cũng chẳng một dấu hiệu nào cho thấy xác của Michael đã tấp vào đây.

Trên các tờ báo và tạp chí Mỹ xuất bản thời gian đó, tràn ngập những thông tin về sự mất tích của Michael. Một số tờ cho rằng do đã chán ngán với cuộc sống “sơn son thếp vàng” nên Michael đã dàn dựng vụ mất tích để có thể tự do trong rừng rậm New Guinea. Một số tờ khác đặt giả thuyết Michael có thể đã được một bộ tộc nào đó cứu thoát nhưng giữ anh ta như tù binh, hoặc anh ta “bén duyên” với một cô thổ dân rồi xin được ở lại!

Tuy nhiên, Chính quyền Hà Lan ở New Guinea phủ nhận tất cả những thông tin ấy. Trong một tuyên bố chính thức, Thống đốc vùng New Guinea cho biết: “đơn giản là Michael đã biến mất không dấu vết và sau 6 tuần nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi quyết định chấm dứt việc cứu hộ”.

Không lời giải đáp

Từ đó, theo thời gian, vụ mất tích bí ẩn của Michael dần đi vào quên lãng. Mãi đến năm 2014, Carl Hoffman, phóng viên kênh truyền hình National Geographic (Địa lý quốc gia, Anh quốc) sau khi tiếp xúc với 2 nhà truyền giáo người Hà Lan đã sống hơn 50 năm ở vùng Asmat và có mối giao tiếp với nhiều các bộ tộc trong vùng, tiết lộ rằng Michael đã bị bộ tộc làng Otsjanep bắt được khi bơi vào bờ. Sau đó anh ta bị chặt đầu rồi bị ăn thịt!

Thông tin ấy được Hoffman báo cho cảnh sát Indonesia vì từ năm 1962, vùng Asmat đã được Hà Lan trao trả lại cho Indonesia nhưng kết quả điều tra không tìm thấy một chứng cứ gì, kể cả khi cảnh sát thu giữ một hộp sọ được cho là Michael bởi lẽ việc khảo nghiệm cho thấy nó là sọ của người bản xứ.

rock3.jpg -0
Người Otsjanep với những ngọn lao dài trên chiến thuyền của họ.

Với quyết tâm tìm ra sự thật, Hoffman thuê một người phiên dịch là Ara đến làng Otsjanep. Trên đường đi, Ara hỏi về mục đích của Hoffman và khi biết được, Ara nói đã từng nghe về việc dân làng Otsjanep giết một đàn ông da trắng.

Thoạt đầu, khi thấy Michael đang cố bơi vào bờ, người Otsjanep nghĩ rằng đó là một con cá heo trắng nhưng khi Michael bò lên bãi cát, họ mới biết đó là con người. Tiếp theo, họ chặt đầu anh ta để ăn não còn thịt thì nướng chín. Xương đùi của anh ta được họ chế tác thành dao găm còn xương cẳng tay thành lưỡi lao dùng để đâm cá. Ara cũng khuyên Hoffman lúc gặp dân làng Otsjanep thì không nên nhắc lại chuyện này vì sẽ gặp nhiều nguy hiểm!

Thế nhưng khi tiếp xúc với dân làng Otsjanep, kể cả những người đã già, họ đều kể rằng từ lâu lắm rồi, họ thấy nhiều “con chim sắt” bay lượn trên ngôi làng của họ còn dưới biển hàng chục tàu bè thả lưới quét đi quét lại. Trên bờ, người da trắng xem xét từng ngôi nhà, từng vật dụng đồng thời hỏi han nhiều thứ, kể cả cho xem ảnh của một thanh niên da trắng có râu. Sau vài ngày, họ lặng lẽ rút đi với lời dặn nếu thấy người này dù sống hay chết thì nên báo ngay cho họ để nhận phần thưởng.

Hoffman nói: “Vì nghe Ara kể rằng dân làng Otsjanep lấy xương đùi Michael làm dao găm nên tôi đặc biệt chú ý đến vũ khí của họ. Tuy nhiên thời điểm ấy (2014), các vật dụng bằng kim loại đã phổ biến nên tôi không hề tìm thấy bất cứ một con dao hay mũi lao nào làm bằng đá hay xương…”.

Ngày cuối cùng trước khi Hoffman rời làng Otsjanep, ông lang thang ra bờ biển, nơi được cho là Michael đã bơi vào. Lúc ấy thủy triều đã rút nên Hoffman chú ý đến một tảng đá nhô lên khỏi mép nước. Và mặc dù bị rong rêu phủ kín nhưng ông vẫn nhận thấy nó có những hình khắc lờ mờ.

Tò mò, ông bước đến gần rồi nhặt một hòn đá nhỏ cạo hết lớp rêu. Giây lát nó lộ ra hình khắc một người đàn ông đang chuẩn bị đâm một người nằm sấp trên bờ biển còn một người khác bắn một mũi tên. Ngay bên cạnh là hình khắc hai người này chặt đầu người nằm sấp.

Lấy cái máy quay phim cá nhân (handycam) đeo trước ngực, Hoffman ghi lại những hình ảnh ấy nhưng khi ông bước lên, trước mặt Hoffman là một ông già Otsjanep, đứng nhìn Hoffman trừng trừng. Câu nói của ông già Otsjanep lưu trong đoạn phim được dịch lại như sau: “Anh không nên kể câu chuyện này với bất kỳ người nào khác hoặc bất kỳ ngôi làng nào khác vì câu chuyện này chỉ dành cho chúng tôi. Tôi hy vọng anh sẽ nhớ nó. Nếu có ai đó hỏi anh, đừng trả lời vì nếu không, anh sẽ chết. Hãy giữ những gì anh đã nhìn thấy cho chính anh. Mãi mãi và mãi mãi…”.

Tuy nhiên khi kênh truyền hình National Geographic công bố đoạn phim cùng những nghi vấn về sự mất tích của Michael thì câu trả lời họ nhận được là: “Đó là một nghi lễ của người Otsjanep trong các cuộc chiến tranh với kẻ thù. Chúng tôi khắc nó lại để lưu truyền cho con cháu…”. Việc phân tích bằng đồng vị phóng xạ cũng cho thấy hình khắc đã được thực hiện rất lâu trước khi có chuyến thám hiểm đến làng Otsjanep của Michael.

Một lần nữa, sự mất tích của Michael lại rơi vào bí ẩn ngoại trừ một thuyết âm mưu cho rằng người Otsjanep đã thực hiện “nghi lễ” với Michael dựa vào những hình khắc này…

Vũ Cao  (Theo History)
.
.