Sự sống sót kỳ diệu của cậu bé Do Thái

Thứ Sáu, 05/05/2023, 20:40

Trong Danh sách Schindler nổi tiếng, Harry Balsam từng sống trong một biệt thự khang trang, từng có thời gian lau giày cho Joseph Mueller (chỉ huy trại tập trung Plaszow (Ba Lan) và đã sống sót ngoạn mục sau khi bị đày đến hàng loạt trại tập trung của Đức Quốc Xã (ĐQX).

Tác giả bài viết, bà Tash Mosheim, Tổng biên tập trang tin tức Palatinate. Bài viết này được công bố vào ngày 17/4/2023.

Những ngày tháng địa ngục trong “khu ổ chuột” 

Hôm nay (17/4/2023) đánh dấu cho ngày Yom Hashoah – ngày Israel tưởng niệm cho 6 triệu người Do Thái bị sát hại trong sự kiện Đại tàn sát người Do Thái (Holocaust). Giữa tất cả lịch sử, sự hủy diệt và bi kịch, đã nổi lên câu chuyện của một cá nhân như một minh chứng về khả năng sinh tồn phi thường.

4.jpg -0
Harry với binh lính Hồng quân Liên Xô sau khi trại tập trung được giải phóng
 

Đó là chuyện kể về ông Harry Balsam, một cậu bé gốc Do Thái đi từ nghề đánh giày và rồi là một nhân chứng sống sót của trại tập trung Buchenwald (gần Weimar, Đức). Bà Natalie Meltzer (cháu gái của ông Harry đến từ London) giờ đây đang viết một cuốn sách dựa trên những giờ làm chứng của ông nội tại Qũy Shoah của đạo diễn Steven Spielberg. Bà Meltzer xúc động nói: “Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm cống hiến một phần đời cho việc giáo dục Holocaust. Chúng tôi cần chắc chắn rằng mãi không quên nó – với hy vọng một ngày nào đó chúng ta có thể học từ quá khứ để hành động”.

Cậu bé Harry Balsam chào đời tại Gorlice (Ba Lan) vào ngày 15/8/1929, cha là ông Moses, mẹ là bà Adela. 9 năm đầu đời của cậu đã diễn ra hết sức hạnh phúc, luôn tíu tít nô đùa cùng với 4 người anh em của mình. Harry mô tả bản thân là kiểu người tinh nghịch, đầy táo bạo. Khi ĐQX xâm lược Ba Lan vào tháng 9/1939, cha mẹ Harry quyết định rời đất nước. Họ mang theo nhiều tư trang và để chúng trên cỗ xe ngựa. Cha và người anh cả của Harry lên tàu khi những người còn lại ném đồ đạc của họ. Rồi thì, không một lời cảnh báo, con tàu đột ngột chạy, nó đi quá nhanh khiến người cha và anh trai của Harry không thể nhảy xuống. Harry và những người còn lại trong gia đình mình vội vã đến nhà ga tiếp theo với hy vọng sẽ tìm thấy cha và anh, song rốt cuộc không thấy họ đâu cả. Thực tế thì con tàu đã chở người cha và anh trai của Harry đến thẳng nước Nga, nơi họ làm công nhân mỏ trong suốt chiến tranh.

Bà Adela không biết mình nên đi đâu, vì thế bà lại trở về nhà, nhưng khi họ quay lại xưởng bánh mì, bọn ĐQX đã ở đó. Chúng lấy rất nhiều bột mì và hạ lệnh không được quay lại. Vào dịp lễ Rosh Hashanah (tết năm mới của người Do Thái) trong năm 1940 tức xấp xỉ 1 năm sau khi ĐQX xâm lược, Harry và gia đình đang ở nhà người anh họ và cố gắng bắt nhịp đời sống thường nhật trong bữa ăn gia đình. Bữa hôm đó có sự hiện diện của giáo sĩ Noah Schribber. Trong lúc vừa nhập tiệc thì mật vụ Đức xộc thẳng vào nhà và bắt ông Schribber cùng người con trai lôi ra ngoài và họ bị bắn chết ngay tại chỗ. Bọn chúng bảo những người khác biến mất, sau đó thì thủ tiêu cả nhà giáo sĩ Do Thái. Liền sau đó, Harry và gia đình buộc phải rời nhà anh họ để chuyển đến sống ở “khu ổ chuột” được thiết lập ở Gorlice, họ sống trong ngôi nhà có 2 phòng chung với 5 gia đình khác. Quanh “khu ổ chuột” không có rào dây kẽm gai, và 3 con đường nơi toàn bộ người Do Thái buộc phải sống.

5.jpg -0
Harry đoàn tụ với người cha và anh cả

Một chiều nọ trong lúc Harry và người anh lớn đang đi dạo qua quảng trường thành phố thì một tên mật vụ Đức đi tới và đặt tay lên vai người anh trai. Gã gằn giọng: “Mày là một thằng Do Thái!”. Nói xong gã rút súng lục và bắn chết người anh trai. Tay sĩ quan ĐQX thét vào mặt  Harry: “Cút đi!”. Harry chạy để sống, đành bỏ xác anh trai nằm bất động trên đường. Cậu ta nhìn thấy một người bạn học Ba Lan của mình, cậu bé mà Harry coi là bạn. Sau đó, Harry biết được rằng thằng nhóc Ba Lan là người đã nói với tay Gestapo rằng “2 thằng nhóc Do Thái đang đi bộ không có ngôi sao vàng”. Harry trốn dưới gầm cầu thang hàng giờ liền. Cuối cùng khi cậu có thể quay về nhà, cậu nói với mẹ rằng anh đã bị giết, đó là thời khắc đau thương nhất trong đời ông. Lúc còn ở “khu ổ chuột”, người Do Thái bị vây bắt hàng ngày, họ phải đi dọn tuyết trên đường liên tục 12 tiếng mỗi ngày.

Sống trong lằn ranh sinh tử

Dù chả kiếm được xu nào lúc đi dọn tuyết nhưng bù lại Harry cảm thấy vui sướng vì chí ít là được ra khỏi “khu ổ chuột” và có thể đem theo bánh mì, bơ hoặc bất kỳ thứ gì có thể cầm trong tay. Năm 1941, giữa khuya khoắt, bọn Đức bắt đầu la hét trên loa phóng thanh và bắn súng chỉ thiên. Chúng hạ lệnh từng người ra đường. Harry và gia đình chạy xuống tầng trệt và trốn trong hầm. Lúc bình minh, tiếng súng đã ngừng nhưng bọn Đức vẫn tiếp tục la hét bởi biết rằng nhiều người đang trốn. Chúng thét lên yêu cầu mọi người có 2 tiếng để rời nơi ẩn náu, nếu để chúng bắt được sẽ bị giết ngay tức khắc. Lệnh trục xuất khỏi “khu ổ chuột” đã bắt đầu. Mọi người được tập hợp lại và chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 100 người. Bầu không khí tràn ngập cuồng loạn, khiếp đảm, vì không ai hay biết chuyện gì đang xảy ra. Harry đang đứng cùng gia đình khi cậu bị kéo ra khỏi nhóm. Cậu cố gắng níu kéo người thân nhưng đã bị bọn lính Đức lôi đi.

1.jpg -0
Harry Balsam trong bức ảnh chụp năm 1945-1946

Họ la hét gọi tên nhau, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển cùng đám đông. Harry không còn gặp lại mẹ và các em lần nào nữa. Trong cái đêm đó, 40 toa xe chở gia súc đã lèn chặt hơn 3.000 người Do Thái. Họ được đưa tới Belzec và được đưa thẳng tới các phòng hơi ngạt lúc vừa đến nơi. Harry nằm trong nhóm có độ 30 hoặc 40 cậu bé bị giữ lại phía sau. Những cậu nhóc được đưa lại “khu ổ chuột”. Đó là năm Harry 11 tuổi và hoàn toàn cô độc. Giết chóc và bắn nhau đã trở thành cảnh thường thấy hàng ngày. Đến năm 1942, tên Harry được gọi ra để trục xuất. Sau một hành trình qua đêm trên một chiếc xe chở gia súc, Harry đã đến Plaszow. Bọn lính Đức đã chờ sẵn và nói với đoàn người hãy quẳng trang sức hoặc tiền bạc xuống một cái hố. Khi các nạn nhân đang ném tư trang của họ thì bọn Đức kéo một người ra khỏi hàng và khi thấy anh ta vẫn còn tiền, chúng liền bắn anh ta ngay tại chỗ.

Họ xếp hàng chờ chỉ huy trại, Joseph Müeller, suốt 4 tiếng. Müeller đi dọc theo đám đông, nhìn họ từ trên xuống dưới. Ông ta hết sức tức giận khi nhìn thấy có nhiều gã trai trẻ trong đám người và la lên phải để những người như vậy vào làm việc. Joseph Müeller tách tất cả các cậu bé ra. Harry là một trong những đứa bé nhỏ nhất và bị đẩy lên phía trước nơi Müeller đang đứng. Harry đã hét lên buộc những đứa khác dừng lại, nhưng khi cậu làm vậy thì Müeller đi ngang qua và tóm cậu đưa lên phía trước. Harry bắt đầu bấm bụng cầu khẩn rằng mình không làm gì sai, nhưng Müeller nói rằng nên đi theo ông ta. Harry nghĩ rằng mình sẽ bị bắn. Có 2 tù nhân trẻ Do Thái đang làm việc trong văn phòng của Joseph Müeller. Một chàng trai đang đọc chính tả thứ gì đó cho cô gái đánh máy. Joseph Müeller bắt đầu nói bằng tiếng Đức, nhưng Harry là người Ba Lan nên chả hiểu gì cả. Cô gái và chàng trai giải thích với Harry rằng cậu sẽ trở thành người đánh giày.

Harry nghe được liền chạy tới chỗ Müeller, đề nghị ông ta ngồi xuống để cậu tháo ủng ra và bắt đầu lau chúng. Nhận thấy mình chẳng có gì để làm sạch giày, Harry liền chạy ra ngoài trại tìm một thợ sửa giày Do Thái đã già để giúp mình và khi quay trở lại, Mueller nói với Harry rằng “mình đã chọn đúng người”. Trong vài tháng khi làm việc lau giày cho Müeller, Harry đã tận mắt chứng kiến những hành vi dã man diễn ra trong trại. Có những bữa tiệc và những chuyến ghé thăm thường xuyên bởi Oscar Schindler, Amon Goeth và những nhân vật khét tiếng của ĐQX như Heinrich Himmler - người đứng đầu lực lượng SS. Harry nhìn thấy rất nhiều va ly mà Müeller giấu dưới giường ngủ của ông ta, chúng chứa rất nhiều trang sức của người Do Thái, của hồi môn và tiền bạc của họ. Harry thường xuyên lấy thức ăn và thuốc trong trại cho các tù nhân Do Thái. Sau đó Joseph Mueller được miễn nhiệm vụ chỉ huy và SS đưa ra quyết định di chuyển các tù nhân.

Ý chí sinh tồn mạnh mẽ

Từ trại tập trung Plascow, Harry được đưa tới Starzysko để đào các giao thông hào phòng không trong điều kiện giá lạnh băng giá và hầu như không có thức ăn. Tiếp đó Harry được chuyển tới Czestochowa và làm việc cho một xưởng sản xuất đạn dược trong vài tháng. Tới tháng 12/1944, lại một lần nữa Harry được chuyển quay lại trại tập trung Buchenwald trong 5 tuần, nơi cậu được phát một bộ đồng phục tù nhân sọc để mặc. Đó là một mùa đông đặc biệt lạnh giá và họ phải đứng trong tuyết suốt 7 tiếng mỗi ngày. Đến tháng Giêng năm 1945, Harry được chuyển bằng xe tải đến trại tập trung Rehmsdorf, lần này là làm việc trong một nhà máy lọc dầu đã bị quần Đồng Minh bỏ bom. Nhưng vào đầu tháng 4 năm 1945, bọn lính canh bắt đầu vây các tù nhân lại và bắt họ đi bộ mà không có thức ăn hay nước uống. Những tù nhân không đi đủ nhanh hoặc sức khỏe yếu và ngừng lại để nghỉ ngơi chốc lát đều bị bắn chết.

2.jpg -0
Sanek Balsam - anh trai của Harry đã bị giết hại trong “khu ổ chuột” Gorlice (Ba Lan) 

Họ đi bộ từ Đức sang Czechoslovakia suốt 3 tuần trong sự kiện mà ngày nay gọi là “Cuộc trường chinh tử thần”. Lúc còn ở trại tập trung Rehmsdorf, tù nhân Do Thái có xấp xỉ 3.000 người, nhưng khi họ đến trại tập trung Theresienstadt, số tù nhân thực tế chỉ còn 600 người. Harry ở Theresienstadt vài ngày thì bệnh thương hàn trở nặng, cái chết cận kề. May sao vào ngày 8/5/1945, Hồng quân Liên Xô đã thần tốc tấn công trại Theresienstadt, giải phóng mọi tù nhân và cứu rỗi cuộc đời của Harry. Chiến tranh đã chấm dứt, Harry được tự do, nhưng cậu không có gia đình và không thể về lại quê hương của mình được. Phải mất vài tháng chính phủ Anh mới đồng ý tiếp nhận 1.000 trẻ em Do Thái, tuy nhiên lần này chỉ có 732 đứa trẻ được tìm thấy. Họ được gọi là “Các cậu trai” dù rằng một số là con gái, họ đã già dặn so với tuổi vì những mất mát, đau thương và thống khổ đã phải chịu đựng.

Khi “Các cậu bé” đến Carlisle (Anh), những chiếc xe buýt chờ sẵn đã đưa họ đi phục hồi chức năng ở Windermere, nơi họ được đón tiếp nồng hậu. Ở Windermere khoảng 4 tháng, nơi họ mô tả là “thiên đường”. Khi Harry rời Windermere vào đầu năm 1946, cậu và một số bạn bè khác được đưa tới lữ quán thanh niên ở Loughton (Essex). Năm 1947, Harry nhận được liên lạc của Hội Chữ thập đỏ quốc tế và vui sướng khi biết được rằng cả cha và anh cả còn sống. Họ trùng phùng trong một trại tị nạn ở Đức, từ đó người cha và anh trai rời đi tới Israel. Họ muốn Harry đi cùng.

Tuy nhiên, “Các cậu trai” vốn đã trở thành gia đình của Harry và cậu không muốn rời bỏ họ hoặc bắt đầu cuộc sống mới. Harry Balsam đến Anh trước tuổi sinh nhật 16 của mình và xây dựng cuộc đời mới. Cậu học thêm thứ ngôn ngữ và văn hóa mới và trở thành một thương gia thành công. Tháng giêng năm 1958, Harry cưới bà Pauline và có 2 con trai là Stephen và Colin. Ngày 2/10/2003, ông Harry Balsam qua đời, hưởng thọ 74 tuổi.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.