Sự suy tàn của gia tộc Do Thái quyền lực nhất châu Á
Sassoon là một trong những gia đình hùng mạnh nhất châu Á một thời, nhưng điều gì đã khiến họ rớt khỏi sự ân sủng đó? Trên khắp châu Á, nói không ngoa là không mấy khó để tìm thấy dấu vết của Sassoon khi mà gia đình thương nhân người Baghdadi gốc Do Thái này từng được mệnh danh là “Rothschilds phương Đông”. Tác giả bài viết: Jordyn Haime, một nhà báo tự do đang sống ở Đài Bắc (Đài Loan – Trung Quốc). Bà đã giành một năm qua để nghiên cứu về đạo Do Thái dưới sự tài trợ của chương trình Fulbright.
Ở Thượng Hải và Hương Cảng, gia đình Sassoon đã xây dựng nên những tòa giáo đường Do Thái xa hoa, lộng lẫy mà phần lớn ngày nay vẫn tiếp tục được sử dụng. Tại Victors Cafe ở Thượng Hải (quán được lấy theo tên của Victor Sassoon và nằm ngay trong khách sạn cũ của ông), du khách thường thích gọi món “cà-ri Sassoon” vừa thưởng thức vừa ngắm nhìn quận lịch sử Bund. Hay tại Mumbai (Ấn Độ) còn có đại bản doanh cũ của David Sassoon & Co. Tòa nhà nằm ngay trên một bến thuyền lịch sử, có các thư viện, trường học và bệnh viện.
Và người Do Thái ghé thăm Mumbai có thể ngụ trong Dinh thự Sassoon gắn liền với giáo đường Magen David (một trong những giáo đường lớn nhất châu Á bên ngoài lãnh thổ Israel) để dễ dàng tiếp cận các hoạt động cầu nguyện và ngày Shabbat (nghỉ vào ngày thứ Bảy của đạo Do Thái). Một thế kỷ trước, gia đình Sassoon là cái tên nổi tiếng trên toàn thế giới: tin tức về mọi hoạt động buôn bán cũng như các sinh hoạt cá nhân của họ đều là “tin sốt dẻo” trên các diễn đàn báo chí quốc tế.
Có thời kỳ gia đình này thống trị 70% khối lượng buôn bán thuốc phiện của Ấn Độ, cũng như làm trùm trong các mặt hàng bông, bạc, vải, ngân hàng, bảo hiểm và cả bất động sản. Họ được chấp nhận là những thành viên của giai tầng quý tộc tại một thời điểm khi người Do Thái chỉ mới chập chững được chấp nhận trong xã hội này. Tuy vậy vào khoảng nửa sau của thế kỷ 20 lại không có doanh nghiệp nào được đả động đến; ngày nay thật khó biết tên tuổi của các thành viên trong gia đình Sassoon là gì. Làm thế nào mà một trong những triều đại thành công nhất thế kỷ 19 đã trỗi dậy và sụp đổ khốc liệt trong khi các triều đại khác như Kadoorie (quý ngài Michael David Kadoorie, tỷ phú Hương Cảng, chiếm 18% vốn của CLP Group tức nhà sản xuất điện lớn nhất Hương Cảng; ông cũng làm chủ 47% vốn của chuỗi các khách sạn Hương Cảng và Thượng Hải) và Rothschild (gia đình người Ashkenazi gốc Do Thái, có nguồn gốc xuất thân từ Frankfurt, họ thành lập đế chế ngân hàng từ thập niên 1760) vẫn còn lại?
Cuốn sách chấn động
Câu chuyện về gia đình Sassoon là một minh họa điển hình về tính 2 mặt của sự đồng hóa và trải nghiệm của những người tị nạn. Các thế hệ sau của gia đình Sassoon đã đánh đổi gốc gác Do Thái của họ nhằm lấy được của cải và hòa nhập vào đời sống quý tộc Anh. Cuối cùng, đó lại là một trong những lầm lẫn tai hại nhất dẫn đến sự sụp đổ của họ, theo lập luận của ông Joseph Sassoon, một hậu duệ của gia đình Sassoon, trong cuốn sách của ông mang tiêu đề “Gia tộc Sassoon: Các thương nhân vĩ đại toàn cầu và việc lập đế chế”. Ông Joseph Sassoon, giáo sư nghiên cứu về Arab của Đại học Georgetown (Washington D.C) đã may mắn tìm thấy một kho tài liệu lưu trữ chưa được khai thác tại Thư viện quốc gia ở Jerusalem, những thứ mà từ đó giờ chưa ai từng được tiếp cận.
Cuốn sách của giáo sư Joseph Sassoon tập trung xoay quanh vào huyết thống của gia đình David Sassoon (một trong những người đã trốn đến Baghdad vào năm 1830 để thiết lập nên công ty David Sassoon & Co. ở Mumbai) trong khi ông Joseph lại là lớp con cháu của một trong những người anh em của David. Gia đình giáo sư Joseph vẫn sống ở Baghdad cho đến thập niên 1970 khi họ chạy trốn chế độ Saddam Hussein. Khi lớn lên, ông Joseph thường hay nghe cha kể về những người họ hàng nổi tiếng của mình, những người cùng chung cái họ Sassoon danh giá. Nhưng ông không mấy để tâm tới việc tìm hiểu về gia đình mình cho đến năm 2012 khi nhận được một lá thư từ một người khác có tên là Joseph Sassoon, một người họ hàng xa đang sống ở Scotland và có mong muốn tìm cách kết nối với các thành viên khác trong gia tộc Sassoon. Trong cuốn sách của mình, giáo sư Joseph viết: “Tôi không mảy may hay biết những chuyến du khảo ban đầu sẽ đi đến đâu”. Thế rồi sự quan tâm càng được thúc đẩy khi giáo sư Joseph tìm thấy được thứ quý giá trong kho lưu trữ ở Thư viện quốc gia tại Jerusalem.
Trong khi phần lớn các tài liệu của gia đình Sassoon như đã dẫn trong cuốn sách “Những hoàng đế cuối cùng của Thượng Hải” xuất bản vào năm 2020, thường chỉ chú trọng vào các hoạt động của gia đình này ở Thượng Hải, thì hàng vạn trang tài liệu do giáo sư Joseph tiếp cận đã có cách nhìn sâu hơn vào gia tộc Sassoon và chúng được dùng làm biên niên sử cho toàn bộ câu chuyện, từ lúc tộc trưởng chạy trốn khỏi Baghdad cho đến khi công ty lụi tàn khỏi cuộc sống đại chúng hơn một thế kỷ sau đó. Hầu hết những tài liệu đó (thư từ, giấy tờ thương mại và thậm chí cả các thực đơn bữa tối) đã được viết bằng tiếng Do Thái – Arab, một phần của lý do chúng không được sử dụng trước đây. Giáo sư Joseph quả quyết: “Không có thứ ngôn ngữ này thì không đủ khả năng để xâu chuỗi các câu chuyện về gia tộc Sassoon”.
Nhờ thông thạo tiếng Arab, Do Thái, Pháp và tiếng Anh, đồng thời có thể đọc được chữ Ba Tư và Ottoman, giáo sư Joseph có thể khám phá các tình tiết và giai thoại chưa từng được kể về gia đình Sassoon. Đó là câu chuyện kể về Farha Sassoon, đối tác thương mại đầu tiên của David Sassoon & Co. và bà cũng là một trong những nữ chủ tịch đầu tiên của tập đoàn toàn cầu này từ năm 1894. Bất chấp việc quản lý kinh doanh mang tính đột phá, nhưng Farha vẫn bị gạt ra ngoài lề hoặc ít chú ý hơn các thành viên nam giới trong gia đình Sassoon bao gồm cả chồng bà. Farha là một nhà lãnh đạo có năng lực và thành công, người đã làm hồi sinh công ty trong suốt hàng thập kỷ sau khi ông David tạ thế, đã ngao ngán chứng kiến con cháu của ông David tranh cãi về các giao dịch của công ty và thậm chí họ tách thành một nhánh công ty riêng trở thành đối thủ cạnh tranh ở Thượng Hải.
Đế chế sụp đổ
Xui xẻo là trường hợp của bà Farha không phải là ngoại lệ. Những người anh em trai lại không thể chấp nhận sự thành công của bà, buộc bà phải rút khỏi công ty sau 7 năm lãnh đạo. Sự cạnh tranh ngay trong gia đình lại là một lỗ hổng chết người đối với bản thân công ty Sassoon. Giáo Joseph phân tích: “Tôi nghĩ đó thực sự là điều ngạc nhiên lớn nhất. Tôi nhớ có lần mình ngồi trong kho lưu trữ và hết sức tức giận chuyện bất hòa trong gia đình họ, ý tôi là đó thuần túy là sự ghen ăn tức ở. Họ cứ nghi hoặc: làm thế nào một bà góa có 3 con lại có thể điều hành một doanh nghiệp toàn cầu? Thực tế thì họ đang ngồi trong các câu lạc bộ ở London, thoải mái hưởng thụ, chớ chả hề làm việc và cũng không nghĩ đến nó”. Ngay lúc đó, gia đình Sassoon đang thật sự chuyển hướng mục tiêu tham gia vào trong hàng ngũ của tầng lớp quý tộc Anh, hậu quả là rời xa luôn nhu cầu của chính bản thân doanh nghiệp.
Đó là sự khởi đầu từ các giá trị mà ông David đã sáng lập công ty, lấy bản sắc Do Thái Baghdadi làm giá trị cốt lõi. Ông David thuê công nhân chủ yếu trong cộng đồng Do Thái, thường đóng cửa vào các ngày Shabbat và những dịp lễ lạt của người Do Thái, đồng thời giành ¼ phần trăm lợi nhuận doanh nghiệp cho tzedakah (làm từ thiện). David xây dựng các giáo đường và trường học để dạy về tôn giáo và thế tục, nuôi 8 đứa con trai được giáo dục tốt nhất bằng cả tiếng Do Thái cũng như làm kinh doanh. Trong suốt nhiều năm để tạo sự tin cậy, các thông tin liên lạc được viết hoàn toàn bằng tiếng Do Thái – Arab, giữ bí mật khiến cho người ngoài không thể đọc được, đồng thời củng cố uy tín của các thành viên trong công ty bất kể họ đang giữ vị trí gì. Con trai và cũng là người kế nghiệp của ông David là Abdullah vẫn tiếp tục duy trì truyền thống này, nhưng các thế hệ sau đó ngày càng rời xa tôn chỉ và để mắt tới việc gia nhập tầng lớp thượng lưu Anh (thay vì thích ứng kinh doanh để thay đổi thế giới).
Chẳng bao lâu họ đã thành lập chi nhánh ở London; Abdullah liền đổi tên mình thành Anglicized Albert và nhận tước Hiệp sĩ vào năm 1872. Giáo sư Joseph lập luận: “Ý thức về danh tính của họ đã bị thay thế bởi nhu cầu tuyệt vọng trong việc muốn trở thành một phần của tầng lớp quý tộc Anh. Nhưng nếu là thành viên của tầng lớp quý tộc đó thì cũng đồng nghĩa sẽ không phải làm việc, và nó trở thành một vấn đề lớn theo thời gian”. Đó chỉ là một trong nhiều lý do khiến đế chế Sassoon sụp đổ. Vào đầu thập niên 1920 khi Victor nắm quyền lãnh đạo chi nhánh Thượng Hải của công ty thì thứ làm nên dấu tích của Nhà Sassoon đã bị mất. Lối sống của Victor là sự pha trộn giữa các cam kết kinh doanh và chính trị. Sử gia Joseph giải thích: “Victor cũng làm việc nhưng lại giành phần lớn thời gian và cả tiền bạc để thiết đãi khách khứa tại các khách sạn và hộp đêm quốc tế của mình ở Thượng Hải, hoặc đi du lịch thế giới”.
Khi phát xít Nhật xâm lược Thượng Hải vào năm 1937, Victor đã mắc một sai lầm tai hại đánh chìm công ty bằng cách chuyển tài sản và sự nghiệp kinh doanh của mình từ Ấn Độ sang Thượng Hải vì cho rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ tấn công. Ngoài ra, không giống với gia tộc Kadoorie (đế chế thương mại vẫn tồn tại đến ngày nay và tiếp tục thành công), Victor đã lỡ cơ hội đầu tư vào Hương Cảng. Khi Trung Quốc giành độc lập năm 1949, các tài sản của công ty đã bị tịch thu, và sang thập niên 1970, David Sassoon & Co. bị giải thể. Khối tài sản hàng triệu đôla của gia đình Sassoon bỗng chốc biến mất khi việc kinh doanh sụp đổ. Khi đế chế Sassoon sụp đổ, các cộng đồng dân cư đã tái thiết ngay trên những tài sản mà họ bỏ lại, mặc dù đó có lẽ là phần lâu dài nhất của di sản Sassoon ở châu Á.
Solomon Sopher, chủ tịch của cộng đồng nhỏ Do Thái Baghdadi đang tồn tại ở Mumbai, đã trở thành chủ tịch của Quỹ tín thác Sir Jacob Sassoon từ năm 1998. Ông Solomon than: “Lúc đảm nhiệm vị trí đó, hầu như quỹ đã cạn tiền”. Cộng đồng đã nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ để phục hồi lại giáo đường Magen David vào năm 2019, nhưng vẫn lệ thuộc vào các khoản tài trợ. Quỹ tiếp tục truyền thống từ thiện như ông David đã làm từ gần 2 thế kỷ trước. Ông Solomon giải thích: “Chúng tôi chăm sóc những người ít may mắn hơn các cá nhân khác trong cộng đồng, chứ không chỉ giúp người Do Thái mà cả người không có gốc Do Thái”. Thành công của gia tộc Sassoon đại diện cho một loại nghịch lý: mặt tối của câu chuyện đồng hóa trong đó cho phép một nhóm ít người giống như gia tộc Sassoon vươn lên làm giàu, và trả giá khi cố gắng “đi theo đường gân của đế chế Anh”, dẫn lời ông Paul French, tác giả kiêm nhà báo từng viết về thời kỳ Thế chiến II ở Trung Quốc.
Nhà báo Paul French nhấn mạnh: “Thực tế là việc họ thành lập chi nhánh công ty ở London và chính cái nhánh đó là gốc rễ gây hư hỏng cho gia đình này. Nó là thực tế không thể tránh khỏi, bởi vì gia tộc Sassoon không thể tồn tại nếu không có đế chế thương mại. Và đế chế đó sụp đổ vì không có người Sassoon tài năng”.