Sudan: Khi nạn đói là vũ khí chiến tranh

Thứ Năm, 04/07/2024, 06:53

Một nhóm chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc cho biết hôm 26/6 rằng cả hai lực lượng trong cuộc chiến tranh diễn ra ở Sudan đều đang sử dụng nạn đói làm vũ khí.

25 triệu dân thường đói khát và cần viện trợ khẩn cấp

Cuộc chiến giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF), do Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy và lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), do Mohamed Hamdan Dagalo (Hemeti) chỉ huy, bắt đầu vào ngày 15/4/2023 và đã khiến hơn 25 triệu dân thường đói khát và cần viện trợ khẩn cấp.

Các chuyên gia, bao gồm cả báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền thực phẩm, cho biết rằng: “Cả SAF và RSF đều đang sử dụng thực phẩm làm vũ khí chiến tranh và khiến dân thường chết đói”. Các chuyên gia này được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bổ nhiệm (nhưng không thay mặt Liên hợp quốc) cho biết thêm: “Mức độ nạn đói và sự di dời mà chúng ta thấy ở Sudan ngày nay là chưa từng có”.

Sudan: Khi nạn đói là vũ khí chiến tranh -0
Thực phẩm được phân phát ở Omdurman, Sudan, vào ngày 3/9/2023.

Nhóm chuyên gia nhấn mạnh cuộc bao vây đang diễn ra ở el-Fasher, thủ phủ của bang Bắc Darfur và là thành phố cuối cùng ở khu vực phía tây Darfur rộng lớn không bị RSF kiểm soát. Cuộc bao vây của RSF đã khiến hàng trăm nghìn thường dân bị mắc kẹt và chịu cảnh đói khát do thiếu lương thực và nước uống trầm trọng. Tờ MEE đã từng báo cáo trước đây về những lo ngại rằng thủ phủ el-Fasher có thể trở thành “một Srebrenica khác”, với việc người dân địa phương Darfur bị giam giữ có nguy cơ bị RSF giết hàng loạt, tổ chức mà các nhóm quốc tế đã phát hiện ra là đã “thực hiện hành vi diệt chủng chống lại các nhóm không phải Ả Rập” ở Darfur. Srebrenica (thảm sát Srebrenica hay cuộc diệt chủng Srebrenica) là cuộc diệt chủng xảy ra trong tháng 7/1995 đã giết chết 8.000 người đàn ông và trẻ em trai Hồi giáo Bosniak trong và xung quanh thị trấn Srebrenica, trong Chiến tranh Bosnia và Hercegovina đã diễn ra trong khoảng thời gian giữa tháng 4/1992 và tháng 12/1995.

Hàng chục người đã thiệt mạng và các tòa nhà ở phía đông và đông nam thành phố el-Fasher bị thiệt hại đáng kể trong vài ngày trung tuần tháng 5, trong đó RSF đã đốt cháy hơn 20 ngôi làng ở vùng nông thôn lân cận khi lực lượng này tìm cách giành quyền kiểm soát những ngôi làng cuối cùng còn sót lại của quân đội trong vùng Darfur. Với việc thành phố el-Fasher bị RSF bao vây, các đoàn xe viện trợ không thể vào được el-Fasher, và sư đoàn bộ binh số 6 của SAF đã phải thả tiếp tế xuống bằng dù.

El-Fasher có ba trại lớn dành cho những người di tản trong nước gần đó, một trong số đó là Zamzam, cách 12km về phía nam, hiện có 450.000 người. Theo Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF), 30% trẻ em trong trại bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, và các nguồn tin tại chỗ đã báo cáo về những trường hợp tử vong ở các trại khác. Tổ chức y tế đã cảnh báo rằng không nơi nào ở el-Fasher là an toàn.

Trong thông cáo báo chí, các chuyên gia yêu cầu cả hai bên “ngưng ngăn chặn, cướp bóc và khai thác viện trợ nhân đạo”. Các chuyên gia cho biết, những nỗ lực của địa phương nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị cản trở không chỉ bởi bạo lực chưa từng có mà còn bởi các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào những người ứng phó: “Việc cố tình nhắm mục tiêu vào các nhân viên nhân đạo và tình nguyện viên địa phương đã làm suy yếu các hoạt động viện trợ, khiến hàng triệu người có nguy cơ chết đói cao hơn”.

Sudan: Khi nạn đói là vũ khí chiến tranh -0
Một đám tang tập thể đã được tiến hành tại Wad al-Nura ở Gezira của Sudan vào ngày 6/6.

Các chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc cũng khẳng định “các chính phủ nước ngoài hỗ trợ tài chính và quân sự cho cả hai bên trong cuộc xung đột đều đồng lõa với nạn đói, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh”. Các chuyên gia không nêu tên các quốc gia nhưng kêu gọi các bên xung đột đồng ý ngừng bắn ngay lập tức và tham gia vào các cuộc đàm phán chính trị toàn diện. Theo báo cáo của MEE trước đây, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là nhà bảo trợ chính của RSF, cung cấp cho RSF thông qua các đại diện ở Libya, Chad, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.

2,5 triệu người Sudan có thể chết vì đói vào tháng 9/2024

Khoảng 2,5 triệu người ở Sudan có thể chết vì đói vào tháng 9/2024, Viện Clingendael của Hà Lan cảnh báo trong một báo cáo mới. Báo cáo dựa trên dữ liệu được công bố về thu hoạch và dự trữ, dự trữ hộ gia đình, nhập khẩu lúa mì và viện trợ nhân đạo, dự đoán rằng nếu tình hình hiện tại tiếp tục, ước tính tỷ lệ tử vong sẽ vượt quá 2,5 triệu người. Theo báo cáo này, 90% tỷ lệ tử vong vượt mức sẽ tập trung ở 10% tổng dân số, với 15% dân số Darfur và Kordofan là những nơi có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dự kiến sẽ chết vì đói và bệnh tật vào tháng 9 năm 2024.

Kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự vào tháng 4/2023, tình hình an ninh lương thực đã nhanh chóng xấu đi do gián đoạn hậu cần bởi xung đột, mùa màng cạn kiệt, nhập khẩu giảm và giá cả lương thực tăng vọt. Sau khi chiến tranh nổ ra, các sáng kiến cấp cộng đồng nhằm chia sẻ thực phẩm đã xuất hiện trên khắp đất nước Sudan, trong đó nhiều người đói nhất chỉ mong đợi vào những bếp ăn bình thường này. Dự đoán tỷ lệ tử vong vượt mức của báo cáo dựa trên kịch bản trong đó các cơ chế chia sẻ lương thực này tiếp tục mà không có sự hỗ trợ, đồng thời cảnh báo rằng hoạt động này sẽ cần được bổ sung bằng cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và tăng viện trợ lương thực lớn cho đất nước.

Sudan: Khi nạn đói là vũ khí chiến tranh -0
Tình nguyện viên phân phát thực phẩm cho người dân và những người phải di dời ở Omdurman, Sudan, vào ngày 8/3/2024.

Báo cáo còn cho biết thêm tỷ lệ tử vong vượt mức không chỉ liên quan đến mức độ nghiêm trọng của nạn đói mà còn liên quan đến thời gian tồn tại của nó, điều này có nghĩa người dân không thể tồn tại lâu trong tình trạng tiêu thụ thực phẩm khẩn cấp. Báo cáo cho biết nhiều vùng của đất nước Sudan có thể đã đạt đến điểm bùng phát mà tại đó nạn đói trên quy mô lớn chuyển sang cái chết trên diện rộng.

Báo cáo được xây dựng dựa trên một bản tóm tắt chính sách được công bố vào tháng 2/2024, cho thấy tác động to lớn mà cuộc xung đột đã gây ra đối với hệ thống lương thực của đất nước, bao gồm cả nạn đói tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong mùa thu hoạch, từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024. Báo cáo cũng dự đoán một kịch bản xấu nhất về mức độ nạn đói thảm khốc sẽ xảy ra vào khoảng giữa năm 2024.

Vào tháng 4 vừa rồi, cơ quan trẻ em của Liên hợp quốc, Unicef, cho biết ước tính có khoảng 8,9 triệu trẻ em hiện đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó 4,9 triệu trẻ em đã đạt đến mức khẩn cấp. Dự kiến có dưới 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay. Ngoài ra, theo Dự án Dữ liệu sự kiện & Vị trí xung đột Vũ trang (ACLED), đã có hơn 15.550 trường hợp tử vong được báo cáo ở Sudan trong một năm chiến tranh. Tuy nhiên, con số đó được cho là thấp hơn nhiều so với số người chết thực sự.

Tình trạng khẩn cấp

Ngày 27/6, một báo cáo riêng từ Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC, thang đo IPC, là một công cụ để cải thiện việc phân tích và ra quyết định về an ninh lương thực, thang đo này tiêu chuẩn hóa tích hợp thông tin về an ninh lương thực, dinh dưỡng và sinh kế người dân vào một tuyên bố về tính chất và mức độ nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng cũng như những tác động đối với phản ứng chiến lược), được Liên hợp quốc trích dẫn, cho thấy hơn một nửa dân số Sudan phải đối mặt với tình trạng “mất an ninh lương thực cấp tính” ở mức độ cao. Báo cáo này cho biết: “Mười bốn tháng sau cuộc xung đột, Sudan đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức độ tồi tệ nhất”.

Sudan: Khi nạn đói là vũ khí chiến tranh -0
Những người chiến đấu cho Lực lượng RSF trong một video của nhóm, ở el-Fasher, Bắc Darfur, tháng 5/2024.

Cuộc khủng hoảng được cho là đã ảnh hưởng đến khoảng 25,6 triệu người Sudan, bao gồm 755.000 người trong tình trạng đói kém và thêm 8,5 triệu người đang phải đối mặt với các tình huống “khẩn cấp”. Báo cáo cũng nhấn mạnh “tình hình an ninh lương thực đang xấu đi nhanh chóng và nghiêm trọng” so với số liệu được công bố vào tháng 12/2023, với số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức độ cao tăng 45%.

IPC cho biết: “Cuộc xung đột không chỉ gây ra sự di dời hàng loạt và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế... mà còn hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận hỗ trợ nhân đạo thiết yếu, làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã nghiêm trọng trước đây. Không chỉ vậy, cuộc xung đột còn khiến các dịch vụ y tế hoạt động kém hiệu quả, ô nhiễm nước và các điều kiện vệ sinh, ăn ở rất kém”.

Trong khi đó, bệnh viện lớn cuối cùng còn hoạt động ở thủ phủ el-Fasher của bang Bắc Darfur đã buộc phải đóng cửa sau khi bị Lực lượng RSF tấn công và cướp phá. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết tổ chức này và Bộ Y tế Sudan đã đình chỉ mọi hoạt động tại bệnh viện Nam el-Fasher sau khi các thành viên vũ trang của RSF bán quân sự chiếm giữ cơ sở này. “Các binh sĩ RSF đã xông vào cơ sở, nổ súng và cướp phá, bao gồm cả việc đánh cắp một xe cứu thương”. Họ nói thêm rằng vào thời điểm xảy ra vụ đột nhập, bệnh viện chỉ có 10 bệnh nhân và cắt giảm nhân viên sau khi MSF và các nhóm của bộ y tế bắt đầu chuyển bệnh nhân đến các cơ sở khác vào đầu tuần do giao tranh dữ dội.

“Hầu hết bệnh nhân và các đội y tế còn lại, bao gồm tất cả nhân viên MSF, đã có thể chạy trốn khỏi vụ xả súng của RSF”, đồng thời cho biết thêm rằng MSF không thể xác minh xem có ai thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công hay không. Và nguy cơ thủ phủ el-Fasher có thể trở thành một cuộc diệt chủng Srebrenica đang cận kề.

Huyền Thanh Thanh (Tổng hợp)
.
.