Tái khởi động cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích ở Alaska
Ngày 26/1/2024, đúng 74 năm sau ngày chiếc máy bay C-54 với 44 hành khách và phi hành đoàn mất tích ở Alaska (26/1/1950), gia đình cố trung úy phi công Mike Tisik với sự trợ giúp của các chuyên gia cùng các thiết bị tối tân đã tái khởi động cuộc tìm kiếm với hy vọng tìm thấy di vật của những người quá cố…
Chuyến bay định mệnh
Là một phần của Phi đội hỗ trợ chiến lược số 1 trực thuộc Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ, căn cứ đặt tại sân bay Biggs, bang Texas. C-54 Skymaster là loại máy bay vận tải 4 động cơ cánh quạt, chở được 50 lính vũ trang đầy đủ. Nó có thể bay với vận tốc 440km/giờ ở độ cao 6.700m, tầm hoạt động lên đến 6.400km, một con số ấn tượng vào thời ấy.
Ngày 26/1/1950, chiếc C-54 số đuôi 42-72469 cất cánh từ Anchorage, bang Alaska đến Great Falls, bang Montana với phi hành đoàn 6 người và 38 hành khách gồm 36 quân nhân đã kết thúc thời gian đồn trú ở Alaska cùng 1 phụ nữ với đứa con sơ sinh. Theo quy định vận tải hàng không quân sự lúc ấy, ngoại trừ trẻ sơ sinh còn thì tất cả mọi người trên máy bay đều phải mang dù.
9 giờ sáng 26/1, trung úy cơ trưởng Mike Tisik khởi động máy bay để chuẩn bị cất cánh nhưng động cơ số 3 không nổ. Mãi đến 11 giờ nó mới được sửa xong.
11 giờ 20, chiếc C-54 rời khỏi đường băng sân bay Anchorage. 13 giờ 20, cơ trưởng Mike Tisik gọi về đài kiểm soát không lưu Whitehorse, cho biết máy bay đang bay qua Snag, Yukon và tất cả đều ổn. Thế nhưng từ đó chẳng ai còn nhận được tin tức gì về nó mặc dù theo quy định, cơ trưởng Mike Tisik phải gọi về đài kiểm soát không lưu Alta khi đến vùng trời Aishihik, Yukon.
Thoạt đầu ở Anchorage, người ta cho rằng chiếc C-54 có thể bị hỏng hệ thống truyền tin vô tuyến nhưng đến 21 giờ, sân bay Great Falls, bang Montana thông báo rằng vẫn không thấy chiếc C-54 hạ cánh mặc dù theo lịch trình, nó phải có mặt ở Great Fall lúc 17 giờ 20.
1 giờ sáng ngày 27, Vệ binh quốc gia quận Vimy, Alta gửi báo cáo đến bộ chỉ huy bang Alaska, nội dung một số học sinh ở quận này cho biết lúc 21 giờ ngày 26, chúng đã thấy một chiếc máy bay lớn, bay rất thấp hướng về xa lộ Alaska. Đến sáng, cảnh sát tuần tra đường cao tốc M 635 gần hồ Watson, Alaska, báo cáo một số dân địa phương nhìn thấy vài quả pháo sáng bắn lên từ phía Tây xa lộ.
Trong những năm cuối Thế chiến II, xa lộ Alaska được mệnh danh là “nghĩa địa máy bay” bởi nhiều chiếc đã bị rơi ở khu vực này khi chở hàng viện trợ cho Liên Xô, hầu hết vì thời tiết xấu. Do đó bộ chỉ huy Phi đội hỗ trợ chiến lược số 1 tin rằng chiếc C-54 có thể đã gặp nạn khi bay qua “nghĩa địa”.
9 giờ sáng 27/1, cuộc tìm kiếm cứu hộ chiếc C-54 được Không quân Mỹ triển khai dưới tên gọi “Chiến dịch Mike” gồm 85 máy bay của Mỹ và Canada cùng hơn 7.000 người, phạm vi tìm kiếm mở rộng đến 65.000 km2. Bên cạnh đó, “Chiến dịch Mike” còn được hỗ trợ bởi 2 sư đoàn Mỹ và Canada cùng các thiết bị quân sự đã được chuyển đến Alaska từ trước để chuẩn bị cho cuộc tập trận Sweetbriar, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 1.
Tuy nhiên ngày 27/1 - là ngày bắt đầu triển khai chiến dịch cứu hộ lại là ngày tuyết rơi rất dày nên chỉ có 1/6 trong tổng số 85 máy bay cất cánh. Theo các phi công thì “tầm nhìn gần như bằng không”. Nhiều máy bay C-47 sau nửa giờ bay đã phải quay về do băng tuyết bám đầy trên cánh vì lúc ấy chưa có thiết bị tự làm tan băng, dẫn đến lực nâng giảm, không thể bay tiếp.
Chiến dịch Mike và những tổn thất
Trong suốt 3 ngày tiếp theo, việc tìm kiếm vẫn không mang lại kết quả vì thời tiết quá xấu. Đến sáng 30/1 một chiếc C-47 số đuôi 45-1015 thuộc Phi đoàn chiến đấu 57 trong quá trình lượn vòng để quan sát đã bị rơi ở vùng núi McClintoc, gần Whitehorse. 5 trong số 8 người trên máy bay bị thương, phi công phải đi bộ 13 km đến xa lộ Alaska rồi nhờ một xe tải thông báo cho các đơn vị gần nhất. Đến 21 giờ cùng ngày, họ được cứu thoát.
Ngày 2/2, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Chiến dịch Mike nhận được tin báo từ 2 máy bay dân sự và 2 đài phát thanh ở khu vực Yukon, rằng họ đã nghe được những tín hiệu vô tuyến khó hiểu, phát đi từ một sườn núi gần thị trấn Aishihik. Tương tự như vậy, một người dân sống đơn độc cạnh hồ Beaver, vùng British Columbia, Canada, cách xa lộ Alaska 320km về phía Tây cho biết ông ta đã nhìn thấy một chiếc máy bay lớn “bay một cách khó nhọc qua nhà tôi lúc 18 giờ ngày 26/1 ở độ cao rất thấp. Nó lướt qua hồ Beaver rồi khuất sau những đám mây…”.
Ngay lập tức, 5 máy bay của Không quân Hoàng gia Canada được gửi đến. Sau khi bay qua Vancouver, 4 chiếc Cansos và 1 chiếc Lancaster liên tục quần đảo trên vùng trời hồ Beaver suốt 3 tiếng nhưng không phát hiện được gì. Những báo cáo trái ngược đã khiến Không quân Mỹ, Canada phải mở rộng vùng tìm kiếm, gần như toàn bộ bang Alaska và thậm chí đến cả vùng biển Tây Bắc Thái Bình dương. Trung tá Willtake, một trong những sĩ quan chỉ huy cứu hộ cho biết: “Chúng tôi nhận được rất nhiều tin tức. Một nhân viên kiểm lâm ở Yukon cho biết anh ta nhìn thấy một máy bay vào chiều 26/1 bay ở độ cao khoảng 2.000m gần Minot rồi tiếp theo là một tiếng gầm như thể máy bay rơi xuống, kèm theo tiếng nổ lớn. Một thợ săn nai sừng tấm nói rằng anh ta nhìn thấy môt đám mây khói bốc ở Teslin, cách Whitehorse 230 km về phía Đông Nam. Tuy nhiên các phi công quan sát khẳng định đó chỉ là bụi tuyết bốc lên từ một vết nứt trên sông băng. Ngoài ra không có bất kỳ một dấu hiệu nào của chiếc C-54 gặp nạn”.
Ngày 7/2, chiếc C-47D số đuôi 45-1037 cất cánh từ căn cứ không quân Eielson tham gia tìm kiếm đã bị rơi trên sườn núi phía nam hồ Aishihik. Trên máy bay có 10 thành viên phi hành đoàn nhưng không ai chết hoặc bị thương. Đến ngày 16/2, một chiếc C-47 của Không quân Hoàng gia Canada số đuôi KJ-936 lại bị rơi gần Snag. May mắn đến thêm một lần nữa, 4 thành viên phi hành đoàn chỉ bị thương nhẹ.
Ngày 14/2, hoạt động cứu hộ bị đình chỉ vì một máy bay ném bom B-26 mất tích cùng với 1 quả bom hạt nhân Mark-4. Và mặc dù quả bom này không mang theo lõi phóng xạ nhưng sợ nó lọt vào tay người Nga nên tất cả máy bay đang tham gia tìm kiếm chiếc C-54 được lệnh chuyển hướng đến vịnh Alaska, nơi chiếc B-26 được cho là đã rơi xuống. Việc tìm thấy chiếc B-26 chẳng gặp khó khăn gì nhiều.
Ngày 20/2/1950, sau gần 1 tháng tổ chức cứu hộ nhưng không kết quả, chỉ huy Chiến dịch Mike tuyên bố kết thúc. Một thông báo được gửi đến thân nhân của 44 người trên chiếc C-54 và chỉ vắn tắt rằng tất cả những người trên máy bay được xem là đã chết khi thi hành nhiệm vụ, kèm theo đó là lời chia buồn. Theo thống kê, tổng chi phí cho chiến dịch Mike từ 27/1 đến 20/2/1950 là 1 triệu USD (tương đương 12.800.000 USD hiện nay).
Những nỗ lực có thể là vô vọng
62 năm sau, tháng 1/2012, thân nhân những người mất tích trên chiếc C-54 gửi bản kiến nghị với hơn 50.000 chữ ký lên Chính phủ Mỹ, đề nghị khôi phục việc tìm kiếm. Bản kiến nghị được Quốc hội chuyển cho Bộ Quốc phòng rồi nơi này lai chuyển cho Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược. Phải mất gần 3 tháng, Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược mới trả lời cho những người kiến nghị, rằng “đối chiếu những hình ảnh do vệ tinh chụp gần đây và những không ảnh chụp năm 1950, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều thay đổi về địa hình do sự tan chảy của các núi băng, sông băng nên không có cơ sở để tái khởi động việc tìm kiếm”.
Giữa năm 2020, đạo diễn Andrew Gregg tiến hành thực hiện bộ phim tài liệu về chiếc C-54 mất tích rồi được kênh truyền hình CBS phát sóng ngày 16/1/2022. Bộ phim ngoài việc tái dựng sự biến mất bí ẩn của máy bay cùng những phát biểu của một số nhân chứng, nó còn có ý kiến của các nhà địa chất, nhà sử học, các chuyên gia về băng hà cùng các kỹ sư hàng không. Bộ phim là tiền đề cho cuộc tìm kiếm chiếc C-54 do thân nhân của cố trung úy phi công Mike Tisik khởi xướng đúng vào ngày máy bay biến mất 26/1/1950 - 26/1/2024.
Theo những người tổ chức tìm kiếm, họ sẽ sử dụng 60 máy bay không người lái, ghi lại hình ảnh của một khu vực rộng hơn 90.000 km2 và nếu phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ, trực thăng hoặc xe trượt tuyết sẽ đưa các chuyên gia đến tận nơi tùy vào địa hình. Craig Anderson, tổng chỉ huy nhóm điều khiển máy bay không người lái nói: “Sau 74 năm, những gì còn lại của máy bay có thể sẽ không còn nguyên vẹn nhưng với nhiệt độ trung bình ở vùng này là âm 20 độ, chúng tôi tin rằng cơ thể hoặc một phần cơ thể của 44 hành khách vẫn được bảo quản tốt bởi lẽ chẳng phải các nhà khảo cổ đã từng tìm thấy thi thể của thổ dân Yakurt bị chôn vùi trong băng tuyết ở Alaska từ hàng trăm năm trước hay sao?”. John Kevin, kỹ sư hàng không thuộc Hãng Boeing nói thêm: “Ngay cả khi bị nổ tung giữa trời, một số cơ phận của máy bay cũng rất khó tan ra từng mảnh, đặc biệt là động cơ hoặc bộ càng đáp vì nó được chế tạo bằng loại hợp kim siêu cứng, chịu được nhiệt độ cao”. Stella Vilga, người sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 1/7 tới đây và cũng là em gái ruột của cố trung úy phi công Tisik nói: “Tôi không muốn gì hơn là được nghe người ta nói với tôi rằng họ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm anh trai tôi. Tôi sẽ cố sống đến ngày có được kết quả, dù là sẽ chẳng có gì hết”.
Theo Brent McHale, thành viên tham gia chương trình tái tìm kiếm chiếc C-54, hiện tại họ đã xác định được 3 điểm có khả năng là nơi máy bay rơi: “Hy vọng chúng tôi sẽ tìm được bằng chứng. Đây không phải chỉ để lấy thành tích mà là câu trả lời về một bí ẩn đã kéo dài suốt 74 năm, đồng thời cũng để thân nhân của 44 người trên chiếc C-54 hiểu được điều gì đã xảy ra trong cái ngày định mệnh ấy”.
Thế nhưng, một số chuyên gia cứu nạn hàng không lại tỏ ra bi quan về việc tái tìm kiếm chiếc C-54. Theo họ, có hàng chục lý do để không bao giờ có thể nhìn thấy chiếc máy bay xấu số. Kỹ sư Jack Dalle thuộc hãng Douglass, nơi đã chế tạo ra chiếc C-54 nói: “Giả dụ phi hành đoàn của C-54 mất phương hướng do thời tiết hoặc do động cơ lại gặp sự cố nên phải hạ cánh khẩn cấp xuống một hồ nước đóng băng, vốn có rất nhiều ở vùng Yukon, nằm trên đường bay của nó từ Anchorage đến Great Falls rồi khi hạ cánh, mặt hồ vỡ ra, chiếc máy bay chìm xuống đáy hồ cùng 44 người thì như vậy, việc tìm thấy nó là điều vô vọng…”.