Taliban và nguy cơ xung đột nội bộ

Thứ Bảy, 28/08/2021, 11:54

Một lý do mà các nhà quan sát hay đưa ra để giải thích cho chiến thắng của Taliban là khả năng tạo lập liên minh của họ. Tuy nguồn gốc của Taliban là các bộ tộc người Pashtun, nhưng từ nhiều năm nay tổ chức này đã cố gắng tạo dựng mối quan hệ với những bộ tộc khác, kể cả với kẻ thù truyền thống của mình - người Tajik và Uzbek.

Taliban đã ngăn cản thành công việc hình thành mặt trận liên minh bộ tộc chống lại mình. Nhưng câu hỏi mà giới quan sát đang đặt ra hiện nay là: Liệu Taliban có thể hóa giải được những bất đồng trong chính nội bộ?

Dễ vỡ

Những thành viên đầu tiên của Taliban là học sinh trường đạo do mullah (thầy tư tế Hồi giáo) Mohammed Omar lãnh đạo. Sau khi chiếm thành công thủ phủ tỉnh Kandahar vào năm 1994, Taliban bắt đầu mở rộng hoạt động của mình ra toàn Afghanistan. Trong thời gian này họ thu nạp thêm nhiều nhóm phiến quân địa phương nhằm tạo dựng lực lượng đối đầu với kẻ thù chính của mình là Liên minh Phương Bắc do Ahmad Shah Massoud lãnh đạo.

Sự mở rộng của Taliban đồng nghĩa với việc trong nội bộ nhóm này có nhiều đảng phái, luồng tư tưởng khác nhau. Lãnh tụ tối cao hiện nay của Taliban là Hibatullah Akhundzada có quan hệ chặt chẽ với nhóm Quetta Shura gồm những lãnh đạo của nhóm phiến quân đóng tại thành phố Quetta, Pakistan.

Đối đầu với Hibatullah Akhundzada là nhóm của phó thủ lĩnh Mohammad Yaqoob, con trai cả của cố lãnh tụ Mohammed Omar. Ông này từng nhiều lần tỏ thái độ sẵn sàng đàm phán với Mỹ và chính phủ Kabul, đồng thời cự tuyệt những tư tưởng Hồi giáo cực đoan của Al-Qaeda và ISIS. Trong số những người ủng hộ của Mohammad Yaqoob có Qayyum Zakir, người đứng sau mạng lưới sản xuất thuốc phiện triệu USD ở tỉnh Helmand, và Ibrhim Sadar, một nhân vật chính trị rất được tôn trọng.

Mạng lưới Haqqani, từng được coi là “đứa con cưng” của tình báo Mỹ và Pakistan. CIA và ISI đã trực tiếp viện trợ vũ khí, tiền bạc và huấn luyện nhân sự cho Haqqani. Bởi vì gia đình Haqqani lãnh đạo tổ chức là người Pashtun nên họ gia nhập Taliban vào năm 1995. Ngày nay Mỹ coi mạng lưới Haqqani là kẻ thù lớn nhất ở  Afghanistan, nhưng họ vẫn nhận được sự bảo trợ bí mật của Pakistan.

Tổng chỉ huy mạng lưới Haqqani Sirajuddin Haqqani đồng thời cũng là phó thủ lĩnh thứ hai của Taliban. Khi Hibatullah Akhundzada lên nắm quyền, ông ta chia quyền chỉ huy quân sự Taliban làm hai chia cho Mohammad Yaqoob và Sirajuddin Haqqani để họ không tranh chấp nhau. Đến năm 2016, Hibatullah Akhundzada bị ốm nặng, phải lui vào hậu trường chính trị. Tình hình căng thẳng giữa hai phe vì thế tiếp tục dâng cao, và ở một số nơi họ đã xảy ra xung đột.

Sau khi Sirajuddin Haqqani bị nhiễm COVID-19 hồi giữa năm 2020, ông buộc phải giao phó việc lãnh đạo tổ chức cho cấp dưới. Mohammad Yaqoob được thế bèn lấn tới, thành lập một ủy ban nội bộ nhằm kiểm soát các hoạt động kinh tế, tài chính trị giá gần 2 tỷ USD của Taliban. Ngoài ra ông này  còn thúc đẩy quá trình đàm phán với Mỹ. Phái đoàn đàm phán hòa bình của Taliban tại Doha, Qatar được dẫn đầu bởi Abdul Ghani Baradar, bạn thân và em rể của Mohammed Omar. Đồng thời cũng  là một trong bốn nhà sáng lập củaTaliban. Nhờ vào sự ủng hộ của Mohammad Yaqoob mà Baradar đã ký thành công thỏa thuận Doha về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

1a.jpg -0
Các cấp chỉ huy Taliban trong Phủ Tổng thống Afghanistan.

Những “tay chơi” khác

Mullah Dadullah Mahaz - có nghĩa là “Mặt trận Mullah Dadullah” - được thành lập bởi Mullah Dadullah Akhund, một chỉ huy khét tiếng tàn bạo của Taliban. Dadullah tin vào những tư tưởng Hồi giáo cực đoan hơn cả giới lãnh đạo Taliban, từ đó dẫn đến việc hai bên có nhiều bất đồng. Ông ta và những tay súng trung thành dưới quyền bèn tách ra thành lập Mullah Dadullah Mahaz. Sau khi Dadullah bị liên quân NATO tiêu diệt năm 2007, em trai ông ta là Mullah Mansoor Dadullah lên nắm quyền. Mansoor sau đó bị giết trong một trận chiến với Taliban. Cháu trai Mullah Emdadullah Mansoor của ông ta lên nắm quyền và thề sẽ trả thù Taliban cho chú mình.

Hiện nay chưa rõ Taliban sẽ  xử lý Mullah Dadullah Mahaz như thế nào. Qua ba đời lãnh đạo, Mullah Dadullah Mahaz đều từ chối tuyên thệ trung thành với lãnh tụ tối cao của Taliban. Các thành viên của nhóm thường xuyên tổ chức các cuộc đột kích và đánh bom tự sát tại những khu vực do Taliban kiểm soát ở miền Nam Afghanistan tại các tỉnh Kandahar, Helmand và Uruzgan. Quân Taliban đã nhiều lần tấn công Mullah Dadullah Mahaz, nhưng đối thủ của họ chỉ cần rút lên các vùng núi một thời gian rồi sau đó mới trở lại đồng bằng để tiếp tục quấy rối Taliban.

Một kẻ thù khác mà Taliban để mắt đến là Fidai Mahaz - có nghĩa là “Mặt trận Hy sinh” -  do những cựu thành viên Taliban và Mullah Dadullah Mahaz thành lập vì bất bình trước việc cấp chỉ huy phiến quân đàm phán với Mỹ. Fidai Mahaz cự tuyệt bất kỳ hiệp ước hòa bình nào với Mỹ và thề sẽ chiến đấu tới khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Cho dù mục tiêu của họ đã thành hiện thực, nhưng mối bất hòa giữa Fidai Mahaz và Taliban vẫn còn đấy. Fidai Mahaz cho biết một trong những lý do họ ly khai khỏi Taliban là vì lãnh đạo tối cao thứ hai của phiến quân, Akhtar Mohammad Mansour, đã đầu độc người tiền nhiệm Mohammed Omar. Taliban liên tục chối bỏ lời cáo buộc này, và giữa hai bên từng nổ ra xung đột bạo lực.

Mullah Dadullah Mahaz và Fidai Mahaz chỉ là hai trong số nhiều tổ chức có quan hệ đối địch với Taliban. Hai nhóm vũ trang trên đối lập với Taliban về mặt tư tưởng, nhưng cũng có những nhóm khác như Phong trào Hồi giáo Afghanistan mâu thuẫn trên phương diện sắc tộc - Phong trào Hồi giáo Afghanistan gồm chủ yếu là người Uzbek, còn Taliban được lãnh đạo bởi người Pashtun.

Hoàn toàn có khả năng họ sẽ trở thành kẻ thù tiếp theo của Taliban khi tổ chức này tìm cách thống nhất quyền lực về tay mình. Nhưng cũng có thể Taliban sẽ tìm cách điều đình với họ như đã làm với lãnh đạo các bộ tộc. Vấn đề là liệu Taliban có chịu để cho Mullah Dadullah Mahaz, Fidai Mahaz và các tổ chức tương tự được giữ lại lực lượng vũ trang của mình. Quyết định này trong ngắn hạn đem lại sự ổn định, nhưng về dài hạn có thể là mầm mống cho một cuộc nội chiến mới.

Công Hội (Tổng hợp)
.
.