Tangimoana, căn cứ tình báo tuyệt mật của New Zealand
25 năm sau khi nhà báo điều tra nổi tiếng người New Zealand, Nicky Hager, công bố quyển sách chấn động có tựa đề “Quyền lực tối mật: mục đích mơ hồ của các cơ quan tình báo hải ngoại của chúng ta”, thế giới nói chung và người New Zealand nói riêng mới biết rằng đang tồn tại trong nước họ một căn cứ tình báo vô cùng kín kẽ, nó có tên là Tangimoana. Thực hư nơi này đang giấu những bí mật gì?
Căn cứ gián điệp Tangimoana- GCSB
Cách Wellington độ 2 tiếng lái xe về hướng Bắc là một cộng đồng dân cư nhỏ được bao bọc bởi những đồi cát trải dài hàng cây số, kết thúc là một bãi biển rộng lớn. Trước khi đặt chân đến thị trấn Tangimoana, người ta sẽ thấy một trại nuôi cừu, sau khi rẽ qua trại đó và chạy một đoạn rồi rẽ phải là đã đi thẳng tới căn cứ gián điệp tuyệt mật. Ở đó người ta thấy một tòa nhà bê tông được quây bởi 2 lớp rào có gắn điện kèm kẽm gai sắc như dao cạo, nó được bảo vệ bởi đèn pha vào ban đêm kèm vô số camera giám sát.
Ông Robert Muldoon đã sáng lập nên Cục An ninh truyền thông chính phủ (GCSB) vào năm 1977, đây là sự hợp nhất của các tổ chức tình báo tín hiệu hiện có cùng với việc mở rộng những khả năng tình báo của chính phủ New Zealand. Căn cứ Tangimoana được xây dựng vào năm 1982. Khu phức hợp này được giữ bí mật cho đến năm 1984 khi nhà nghiên cứu Owen Wilkes lần ra nó, và mô tả chi tiết vào tháng 4 cùng năm trên ấn phẩm Peacelink, một tạp chí chuyên đăng tải các nội dung về phản chiến, phong trào bài hạt nhân.
Vài tuần sau, Nicky Hager, 25 tuổi, một người ủng hộ cho phong trào phản chiến, cùng vài người bạn đã lái xe đến Tangimoana. Họ thị sát hiện trường, tháo biển số các ô tô đậu ở đó. Khi tra cứu các biển số xe thì đã biết chúng được đăng ký cho những ai. Ông mang những cái tên đó đến bưu điện và tra cứu. Hóa ra họ thuộc về một hạng nghề nghiệp ít người biết trực thuộc Bộ Quốc phòng. Có nhiều người trong số họ có thâm niên công tác hàng thập kỷ từ trước đó. Rồi bằng cách nào đó, Hager đã có được Danh bạ điện thoại của Bộ Quốc phòng.
Bằng cách tham chiếu với những phát hiện trước đó, Hager đã có được danh sách các tên và chức vụ của tất cả nhân viên GCSB ở New Zealand, cũng như cách mà cơ quan này có liên đới với một tổ chức tình báo quốc tế rộng lớn được gọi là UKUSA (sau đó đổi tên thành Ngũ Nhãn), sự tồn tại là một bí mật được bảo vệ kín kẽ.
Cuốn sách “Quyền lực tối mật…” được phát hành năm 1996, gây tiếng vang rất lớn, chính xác là một vụ bê bối. Điều lạ là khi tìm kiếm các kho lưu trữ truyền thông thì tác giả Danyl Mclauchlan thấy rằng cuốn sách chỉ được lưu hành đúng 1 tuần. Nó bao gồm hầu hết các đánh giá tích cực. Phần lớn được viết bởi cựu Thủ tướng David Lange, người phàn nàn rằng Hager đã để ý tới GCSB nhiều hơn cả ông.
Có một thỏa thuận tình báo quốc tế hết sức bí mật giữa Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, trong đó Mỹ và Anh đóng vai trò đối tác cấp cao. Liên minh này đã xây dựng một mạng toàn cầu được tạo ra để chặn phần lớn lưu lượng thông tin thế giới và tích lũy mạng này trong những cơ sở dữ liệu tra cứu khổng lồ.
Cuốn sách chấn động New Zealand
Ở đây là bối cảnh lịch sử: liên minh Ngũ Nhãn là một dự án hậu chiến có logic chiến lược nhất định trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong thời đó, New Zealand là đồng minh trung thành của Mỹ và Anh vì thế một liên minh tình báo sẽ là rất có ý nghĩa. Nhưng suốt và sau chiến tranh Việt Nam, New Zealand đã chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào hòa bình mà Nicky Hager là một nhân vật nòng cốt, điều đó đã đặt ra câu hỏi về sự xếp đặt này?
Phong trào hòa bình thu hút sự hậu thuẫn công luận quanh vấn đề các chiến hạm trang bị hạt nhân của Mỹ đang viếng thăm New Zealand, cũng như nó gây ra sự phản đối những vụ thử hạt nhân của Pháp ở Nam Thái Bình Dương. Đỉnh điểm của phong trào là chính phủ của đảng Lao động lần thứ 4 ra tuyên bố New Zealand là một khu vực phi hạt nhân. Mỹ trả đũa bằng cách đình chỉ New Zealand tham gia ANZUS (hiệp ước quốc phòng giữa Mỹ, New Zealand và Australia).
Trong sách, Hager đã mô tả cặn kẽ các hoạt động tình báo trong cuộc xung đột Falklands, chiến tranh Việt Nam và Lào. Câu trả lời của ông Hager rất rõ ràng: Trong thời kỳ rạn nứt quan hệ với Mỹ, một nhóm quan chức New Zealand (điệp viên, nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội) đã quyết định điều hành chính sách đối ngoại song song của riêng họ. Và bởi vì GCSB là một hoạt động tuyệt mật nên họ có thể che giấu các hoạt động của mình tránh sự dòm ngó của chính phủ và công luận thời đó.
Trong cuốn sách công bố năm 2011 mang tựa đề “Những cuộc chiến của người khác”, Hager đã tiết lộ về sự tham gia của New Zealand ở Iraq và Afghanistan dựa trên một sự rò rỉ các thông tin liên lạc mật. Nó hé lộ sự tôn sùng Mỹ, Anh của các quan chức quân sự, an ninh và ngoại giao New Zealand. Nhưng kể từ khi xảy ra chiến tranh Việt Nam, người New Zealand đang tự hỏi liệu họ có sai khi tham gia vào những cuộc chiến này.
Trước khi hoàn thành dự án của mình, ông Hager đã viết tóm tắt về cuốn sách “Quyền lực tối mật…” để gửi cho một tạp chí Mỹ có tên là Covert Action Quarterly. Sách được công bố đâu đó trong năm 1997, nó được một nhà nghiên cứu của Nghị viện châu Âu đọc và sau đó được đăng trên một báo cáo của mạng Ngũ Nhãn.
Từ đây đã làm bùng nổ việc đưa tin của hàng loạt hãng thông tấn tên tuổi ở Tây Âu (các nước được xem là đồng minh thân cận với Ngũ Nhãn). Báo cáo buộc Nghị viện châu Âu phải mở cuộc điều tra kéo dài 1 năm, còn ông Hager nhớ lại việc mình đã dành nguyên năm 1998 để tiếp các nhóm phóng viên báo chí các nước đến để phỏng vấn, nhưng sân khấu chính trị New Zealand vẫn điềm nhiên không lúng túng trước các công bố của Hager.
Trong chương cuối cuốn sách, tác giả Hager kết luận New Zealand nên sớm rút khỏi Ngũ Nhãn, và lập luận rằng nó không mang lại chút giá trị nào cho New Zealand.
Vai trò của GCSB trong liên minh ngũ nhãn
GCSB mở rộng sau sự kiện 11-9 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của Cuộc chiến khủng bố mà Mỹ đang phát động, một cuộc chiến mà New Zealand đóng vai trò là người ủng hộ bí mật.
Năm 2005, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Condoleezza Rice khi thăm Wellington đã tuyên bố chắc nịch rằng “New Zealand vừa là bạn, vừa là đồng minh”. Mối quan hệ Ngũ Nhãn cũng là thành phần quan trọng trong việc hàn gắn rạn nứt ngoại giao trong suốt thập niên 2000. Bản thân EAB cũng gây nhiều tranh cãi.
Trước hết là tiết lộ của Kim Dotcom. Dotcom là một doanh nhân công nghệ Đức giàu sụ. Dotcom có đủ điều kiện để định cư ở New Zealand từ năm 2010 theo danh mục “Nhà đầu tư +” trong đó chính phủ New Zealand từ bỏ ý đồ công dân mới phải có “tư cách tốt” để đổi lấy khoản đầu tư 10 triệu USD. Tháng 1-2012, chính phủ Mỹ đệ đơn kiện chống lại Dotcom và các cộng sự của y với tội danh liên quan đến ăn cắp tài liệu có bản quyền và “rửa tiền”.
Cảnh sát New Zealand đã đột kích tư dinh của Dotcom và bắt giữ hắn để trục xuất sang Mỹ. Dotcom thuê luật sư giỏi để chống lại việc dẫn độ, cũng như trong suốt quá trình kiện tụng, GCSB đã để mắt tới gã ta. Nhưng đây là việc phạm luật: ngay từ năm 2003, GCSB bị cấm thu thập tình báo nước ngoài cũng như cấm theo dõi công dân New Zealand. Tiếp đó là việc Dotcom rò rỉ báo cáo của Rebecca Kitteridge.
Kitteridge than phiền rằng GCSB đã không hiểu khuôn khổ pháp lý của họ. Bà Kitteridge lưu ý rằng không giống như các tổ chức tình báo khác trong những nền dân chủ ngang hàng, GCSB không có lợi trong phần còn lại của dịch vụ công. Và khác với ông Hager, bà Kitteridge không muốn loại bỏ GCSB với lập luận rằng: đó là thể chế cần thiết để bảo vệ hạ tầng công nghệ thông tin (IT) quốc gia thoát khỏi tội phạm mạng và gián điệp mạng. GCSB cũng như cơ quan an ninh đồng nghiệp SIS đều luôn báo cáo trực tiếp cho Thủ tướng mà không thông qua bất kỳ cố vấn (hoặc luật sư) nào do tính phân loại của các cuộc thảo luận.
Tháng 5-2013, Edward Snowden, một nhà phân tích tình báo đã nghỉ việc trong vai trò nhà thầu phụ của NSA ở Hawaii và bay tới Hong Kong, tại đó ông ta trao một lượng lớn tài liệu mật cho nhà báo Glenn Greenwald. Những tiết lộ của Snowden đã cùng được đăng tải trên 2 tờ báo là Washington Post và Guardian.
Xem ra sự tiết lộ của Snowden còn sâu sắc hơn cả cuốn sách của Nicky Hager: thông qua sự trỗi dậy mạnh mẽ của Internet, Ngũ Nhãn đã có thể len lỏi tới mọi ngóc ngách trên hành tinh. Tháng 3-2015, Nicky Hager bắt đầu công bố những câu chuyện dựa trên các tài liệu của Snowden và chúng đã phơi bày cách mà GCSB do thám các nước láng giềng ở Nam Thái Bình Dương, rồi chuyển mọi dữ liệu về cho NSA.
Cũng trong tháng 3- 2015, Hager và ông David Fisher (phóng viên của báo New Zealand Herald) đã hé lộ việc Bộ trưởng Thương mại New Zealand là ông Tim Groser đã nộp đơn ứng tuyển chiếc ghế Tổng giám đốc WTO, và GCSB đã giúp ông Groser theo dõi các đối thủ: giám sát email của các nhà ngoại giao Brazil, Costa Rica, Ghana, Jordan, Indonesia, Kenya, Mexico và Hàn Quốc. Cả Groser và John Key đều từ chối bình luận về cáo buộc. Groser không trúng cử.
Điều đáng nói là trong số 500 nhân viên của GCSB chỉ có một nhóm nhỏ là đặc vụ và tham gia vào hoạt động chống khủng bố, và hoạt động mạng của cơ quan này cũng chậm hơn 5 năm so với các đối tác Ngũ Nhãn khác. Có vẻ như New Zealand tham gia vào Ngũ Nhãn là vì lý do ngoại giao chứ không phải an ninh(?).