Thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố ở Niger
Cuộc chiến giữa quân đội Niger và các lực lượng Hồi Giáo cực đoan tại nước này đã bước sang năm thứ bảy. Sau hai cuộc nội chiến tại các nước láng giềng Mali và Nigeria, những kẻ khủng bố chọn Niger làm chiến trường tiếp theo. Chúng đã gây ra không ít vụ thảm sát đẫm máu ở miền nam Niger và gieo rắc nỗi sợ thường trực lên dân chúng. Ngược lại chính phủ Niamey và đồng minh Mỹ của họ tiếp tục bế tắc trong việc triệt tiêu những tổ chức cực đoan.
Sống trong sợ hãi
Thảm cảnh xảy ra với gia đình của cô Miriam sống ở làng Bakorat chỉ gói gọn trong vòng năm phút. Cô Miriam kể lại: “Lúc đó mặt trời đã gần lặn rồi. Tôi đang ngồi ở quán nước hóng gió thì nghe thấy tiếng súng nổ, rồi tiếng xe máy hai thì. Trước khi tôi kịp phản ứng thì bọn khủng bố đã chạy xe đến nơi. Chúng phóng xe khắp các ngóc ngách trong làng, gặp ai thì bắn. Tôi tận mắt chứng kiến chúng bắn vào ngực chú tôi. Em họ tôi mới 20 tuổi chạy ra để cứu bố cũng bị chúng giết”.
Cô Miriam là một trong số ít ỏi những người sống sót sau cuộc thảm sát Bakorat xảy ra vào ngày 21-3-2021. Ngôi làng của họ bị tấn công bởi một nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Chúng giết hại đàn ông và đốt trụi những căn nhà trong làng. Cô Miriam chỉ sống sót được do bị ngất xỉu vì sợ. Sau khi thực hiện vụ thảm sát, các tay súng cực đoan nhanh chóng rút đi bằng xe máy. Tổ chức Nhân quyền thế giới thống kê rằng đã có tổng cộng 170 người bị giết hại tại Bakora và ngôi làng Intazayne lân cận vào ngày hôm đó. Theo những nhân chứng sống sót, con số nạn nhân lên đến 245 người.
Người dân khu vực biên giới ba nước Niger-Mali-Burkina Faso đang phải hằng ngày sống trong sự sợ hãi. Gần như tháng nào bọn khủng bố cũng phóng xe máy đi tấn công các ngôi làng hẻo lánh. Chỉ trong năm 2022, những kẻ khủng bố tại ba quốc gia kể trên đã giết hại khoảng 7.900 người. Lầu Năm Góc thừa nhận: “Khu vực Sahel (ở Trung Phi) là nơi xảy ra đến 40% hoạt động của những nhóm khủng bố, nhiều nhất trong các vùng miền ở châu Phi”. Cộng với hạn hán và nạn đói, hiện ở Niger có khoảng 3,7 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp, trong đó có 2 triệu trẻ em.
Chính phủ Niger đến nay chỉ nhận được các kết quả đáng thất vọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Điều này thật vô lý khi xét đến những nguồn viện trợ khổng lồ mà họ nhận được từ Mỹ. Kể từ năm 2012 đến nay, Washington D.C đã chi tổng cộng 500 triệu USD cho cuộc chiến chống khủng bố ở Niger, cao hơn mức chi cho tất cả các quốc gia hạ Sahara khác. Căn cứ máy bay không người lái lớn nhất của Mỹ (tên là “Căn cứ không quân 201”) đặt tại thành phố Agadez phía bắc Niger. Căn cứ 201 là “chốt chặn” của Mỹ cho toàn bộ khu vực Tây Phi. Họ chi 110 triệu USD để xây căn cứ 201, còn chi phí hoạt động hằng năm rơi vào khoảng 20-30 triệu USD. Đấy là chưa kể lương thưởng cho 1001 binh sỹ quân đội Mỹ đang đồn trú tại Niger lẫn các nhà thầu quân sự được Washington thuê.
Chính phủ Niger đang áp dụng không ít biện pháp “nặng tay” nhằm ngăn chặn khủng bố. Không ít khu chợ truyền thống đã bị đóng cửa nhằm ngăn không cho khủng bố mua sắm nhu yếu phẩm. Việc mua sắm phân bón, thuốc nhuộm và các loại hóa chất khác trở nên khó khăn vì chính quyền sợ khủng bố tự sản xuất thuốc nổ. Các chủ tàu đánh cá mà muốn rời cảng vào lúc này phải rất vất vả mới xin được giấy phép. Hay là chính phủ ra quy định áp đặt lệnh giới nghiêm từ sáu giờ tối đến sáu giờ sáng hôm sau.
Một người đàn ông giấu tên trả lời phỏng vấn tờ The Intercept (Mỹ): “Các lệnh cấm chẳng có tác dụng gì cả. Bọn jihad vẫn lái xe đi lại, vẫn mua sắm ăn uống giữa ban ngàynhưng những người bình thường mất hết mọi thứ... Từ làng tôi đến bệnh viện phải mất hai ngày chạy xe máy, mà bây giờ lại có lệnh giới nghiêm thì làm sao đi được. Đã có nhiều người chết ở nhà do không thể đến được bệnh viện... Trước đây một bao kê có giá khoảng 10.000 CFA. Bây giờ giá kê ít nhất cũng phải 50.000 CFA. Nhà nào ở trong làng cũng đói”.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là các cộng đồng người dân tộc Peul. Đa số người Peul là dân bán du mục dịch chuyển theo đàn bò, đàn dê của họ. Hạn hán, khủng bố và các lệnh cấm đi lại của chính phủ đã khiến người Peul gần như không còn đường sống. Chưa hết, người Peul còn phải chịu sự kỳ thị của các dân tộc khác ở Niger. Một già làng người Peul nói với phóng viên AP: “Chính phủ nói rằng người Peul là khủng bố. Nhưng mà bọn khủng bố gặp người Peul là chỉ có giết rồi lấy trộm trâu bò của chúng tôi. Nhiều thanh niên Peul muốn nhập ngũ hay lập tổ dân quân đến trả thù khủng bố, nhưng chúng gửi đơn nào lên chính phủ là chính phủ bác đơn đó đi”.
Báo cáo do Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc công bố gần đây chỉ ra rằng trong số 2.200 tay súng cực đoan tại các quốc gia vùng hạ Sahara được các nhà điều tra phỏng vấn, 25% cho biết họ tham gia những nhóm khủng bố do thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm tràn lan. Chỉ có 17% số người được hỏi cho biết động cơ chính của mình là tôn giáo. Chưa hết, khả năng thanh thiếu niên trở thành khủng bố tăng lên nếu như họ đến từ các cộng đồng phải chịu sự kỳ thị của xã hội như dân tộc Peul.
Đại tá Hassane Boubacar, chuyên gia về khủng bố của quân đội Niger và cố vấn cho thủ tướng nước này, thừa nhận kết quả điều tra nói trên: “Các nhóm Hồi giáo cực đoan đang làm được việc mà chính phủ không làm được. Người dân sống trong khu vực chịu sự kiểm soát của khủng bố vốn rất nghèo. Những kẻ jihad bèn sử dụng lợi nhuận từ các hoạt động bất chính như buôn bán ma túy để cứu trợ người nghèo để biến họ thành “hậu phương” vững chắc”.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự thất bại trước khủng bố của quân đội Niger chính là sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp và lạm quyền. Nhiều dân thường Niger đã bị quân đội bắt giữ vì nghi ngờ hỗ trợ khủng bố. Đáng lẽ ra theo luật những người này phải được đưa ra tòa xét xử trong vòng một tháng, nếu không thì họ phải được cho tại ngoại. Nhưng mặc cho sự cầu khẩn của gia đình người bị bắt và những lời chỉ trích của báo chí, quân đội Niger cứ giam cầm không có thời hạn các tù nhân.
Chưa hết, vào tháng 9 năm ngoái không quân Niger ném bom một mỏ vàng khiến 16 thợ mỏ tử vong. Ban đầu chính phủ tuyên bố đã triệt tiêu được sào huyệt của khủng bố, nhưng sau đó lại âm thầm rút lại tuyên bố và cho biết đây là một vụ ném bom “nhầm”. Gia đình các nạn nhân đã khởi kiện đòi chính phủ Niger bồi thường. Phiên xét xử đang bị đình lại do quân đội đã bắt bỏ tù luật sư đại diện cho phía nguyên đơn vì tội “làm giả bằng chứng”.
Lời hứa của Mỹ
Hành khách đến với sân bay quốc tế Diori ở Niamey chắc chắn sẽ thấy nhiều người đàn ông da trắng mang bộ râu và xăm trổ đầy mình. Họ không phải là ai khác ngoài binh lính và nhà thầu quân sự Mỹ. Mà những người này chẳng phải vừa mới bước xuống máy bay. Họ đồn trú tại sân bay Diori vì quân đội Mỹ đang sử dụng những đường băng quân sự ở đây để triển khai lực lượng máy bay không người lái.
Quân đội Mỹ đang hiện diện ở khắp mọi nơi trên đất Niger. Nhiệm vụ chính của họ trên giấy tờ là “cố vấn và hỗ trợ quân đội Niger”. Vậy nhưng theo một cuộc điều tra của nguyên thiếu tướng Roger Cloutier thì các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ đang hoạt động với tần suất “dày đặc” ở Niger. Các chiến dịch tìm, bắt và giết đối tượng khủng bố được lên kế hoạch và thực hiện 100% bởi tình báo Mỹ. Phía Niger hoàn toàn không có bất kỳ quyền hành gì đối với các chiến dịch trên.
Một sỹ quan đặc nhiệm Mỹ giấu tên đang đóng quân tại căn cứ Agadez nói với phóng viên tờ The Intercept: “Đã 3 lần tôi đột kích vào sào huyệt của những kẻ khủng bố. Các đối tượng chúng tôi bắt giữ đều được giam tại căn cứ 201 và bị tra hỏi bởi tình báo Mỹ... Tôi còn được lệnh tìm cách gây dựng mối quan hệ với các tộc trưởng và già làng bằng cách tặng quà cho họ. Nhiều người họ thích nhất là được tặng viên Viagra vì thứ thuốc này ở Niger hiếm lắm, bán đi bao giờ cũng được tiền”.
Một trong số các đồng minh địa phương của Mỹ tại Niger là già làng Anastafidan el Souleymane Mohamed. Ông Anastafidan là thành viên quan trọng trong Hiệp hội Các tộc trưởng Niger đại diện cho hơn 400 ngôi làng người Tuareg. Mới chỉ cách đây mấy năm ông Anastafidan còn chỉ trích sự hiện diện của Mỹ ở Niger, nhưng nay ông đã trở thành người nhiệt tình ủng hộ Mỹ. Vị già làng trả lời phỏng vấn tờ Washington Post (Mỹ): “Bây giờ cứ hai tuần là người Mỹ lại đến thăm tôi để trao đổi về các vấn đề an ninh. Tôi rất hài lòng về sự hợp tác này... Trước đây tôi bị phong thấp nặng. Tôi chỉ cần nói với những người bạn Mỹ là họ đưa tôi ngay đến căn cứ 201 để được bác sỹ quân y khám và cho thuốc”.
Dân thường Niger có ấn tượng về quân đội Mỹ khác với các lãnh đạo địa phương. Cô Maria Laminou Garba sống tại Agadez lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận chuyên trả lương cho trẻ em nhặt rác và hỗ trợ các em đi học. Cô Maria cho biết: “Khi mà chỉ có quân Niger đóng tại Agadez, họ cho phép chúng tôi đi vào các căn cứ để nhặt rác bán đi lấy tiền. Nhưng lính Mỹ mỗi khi thấy chúng tôi thì lại vẫy súng đuổi đi... Họ còn hứa sẽ xây một trường tiểu học mới cho lũ trẻ nghèo. Đã 5 năm rồi nhưng chẳng có ngôi trường nào được xây cả”.
Già làng Abdullah Bil Rhite Chareyet ở Tadress phàn nàn: “Họ đào một cái hồ ở rìa căn cứ để làm nơi chứa nước sinh hoạt. Cứ đến hè là lại có trẻ con chết đuối vì đi tắm ở hồ. Người chết năm ngoái là một bé gái 17 tuổi. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với sỹ quan Mỹ, thậm chí còn đưa họ ra tận hồ để bảo họ dựng hàng rào xung quanh để chặn lũ trẻ. Họ hứa lên hứa xuống là về chuyện dựng hàng rào, thậm chí là còn hứa là sẽ đặt cả trạm gác nữa. Nhưng sỹ quan Mỹ cứ hứa rồi hết hạn phục vụ là họ về nước chứ chẳng có ai làm theo lời mình đã hứa cả”.
Khi được hỏi tại sao ngay tại một nơi có nhiều quân Mỹ đóng như Agadez mà khủng bố vẫn có thể hoạt động, già làng Abdullah trả lời: “Người Mỹ chỉ cho chúng tôi những niềm hy vọng hão huyền. Tiền và súng của bọn jihad thật hơn bất kỳ lời hứa nào của quân đội Mỹ”.