Thông tin tình báo trong cuộc chiến Ukraine

Thứ Sáu, 13/05/2022, 12:28

Thông tin tình báo đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Ukraine. Từ thông tin nguồn mở được Mỹ và phương Tây tận dụng để tuyên truyền một phía về cuộc chiến cho đến thông tin tình báo mật mà Mỹ và đồng minh cung cấp cho chính quyền Ukraine để phòng thủ hoặc tấn công các mục tiêu của Nga. Các thông tin tình báo đó đã góp phần làm cho cuộc chiến trở nên phức tạp hơn và nguy cơ leo thang chiến tranh ngày càng cao.

Thông tin nguồn mở từ chiến trường

Thông tin tình báo nguồn mở là thông tin thu thập được thông qua việc can thiệp nghe lén thông tin liên lạc của người khác để sử dụng theo những mục đích khác nhau. Trang báo điện tử WBUR (Mỹ) đã mời các chuyên gia về thông tin để trao đổi về hoạt động thu thập thông tin nguồn mở từ việc can thiệp, nghe lén các cuộc gọi điện thoại của các binh sĩ Nga và tung lên mạng xã hội hoặc các kênh thông tin báo chí khác nhằm mục đích tuyên truyền một phía, rêu rao, làm xấu hình ảnh quân đội Nga đang tác chiến trên đất Ukraine.

Trang WBUR cho biết, vào ngày 8-4, Ukraine đã cho công bố công khai nội dung một cuộc gọi điện thoại của một binh sĩ Nga với vợ anh ta ở quê nhà. Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn cuộc gọi điện thoại, nhắn tin hay chat qua mạng giữa binh sĩ Nga đang chiến đấu ngoài chiến trường với người thân gia đình hoặc giữa binh sĩ với chỉ huy và binh sĩ với nhau khi chiến đấu xa đơn vị. Những thông tin thu thập từ các cuộc gọi, nhắn tin, chat đó đã được Ukraine tận dụng triệt để phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền về cuộc chiến.

Thông tin tình báo trong cuộc chiến Ukraine -0
Hình ảnh soái hạm Moscow bị cháy trên Biển Đen.

Không chỉ Ukraine, các quốc gia thành viên NATO đều rất quan tâm đến cuộc chiến tại Ukraine và họ có đầy đủ phương tiện và công nghệ để can thiệp, thu thập thông tin từ các cuộc gọi như thế và lan truyền chúng trên mạng xã hội theo một ý đồ riêng. Đó chính là cách nhanh nhất thế giới tiếp cận thông tin về cuộc chiến Ukraine.

Chuyên gia John Scott-Railton, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức Citizen Lab (Mỹ), cho rằng những binh sĩ Nga đã sử dụng điện thoại di động nhặt được của người Ukraine khi họ đánh chiếm các thành phố, làng mạc Ukraine. Những chiếc điện thoại đó hòa mạng thông tin do người Ukraine cung cấp, đương nhiên là người Ukraine kiểm soát, có thể can thiệp, thu thập thông tin bất cứ khi nào họ muốn. Việc can thiệp thu thập thông tin cuộc gọi của binh sĩ Nga quá dễ dàng như thế đã thu hút đông đảo không chỉ các nhà tình báo mà cả các chuyên gia công nghệ, các nhà điều tra chiến tranh đến từ phương Tây để “đào mỏ” nguồn thông tin mở này.

Còn chuyên gia Andrei Soldatov tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu thì cho rằng, việc tung thông tin thu thập được ra trước công chúng nhằm mục tiêu chính là phác họa bức tranh về cuộc chiến đang diễn ra, để mọi người nhìn thấy và hiểu về cuộc chiến theo các thông tin họ nghe, nhìn, đọc được.

Đương nhiên những thông tin này được Ukraine chọn lọc kỹ lưỡng, chọn lọc có ý đồ tuyên truyền một phía trước khi tung ra công chúng. Đây là một kiểu chiến tranh thông tin, một cuộc chiến tuyên truyền. Trên mạng xã hội Twitter, các video và hình ảnh về các khí tài, thiết bị quân sự của Nga bị phá hủy được đăng tải càng nhiều càng tốt nhằm mục đích tuyên truyền tiêu cực. Những hình ảnh về khí tài, thiết bị của Ukraine bị phá hủy xuất hiện ít hơn.

Thông tin tình báo trong cuộc chiến Ukraine -0
Hình ảnh xe tăng Nga bị phá hủy được đăng tải càng nhiều càng tốt để tạo hình ảnh một chiều về cuộc chiến.

Khi thông tin tình báo mật được công bố công khai

Từ khi Nga khởi sự chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2-2022, các cơ quan tình báo ở Mỹ và Anh đã sẵn sàng công khai hóa những thông tin tình báo bí mật mà thông thường họ luôn giữ kín. Vào đầu tháng 4-2022, Mỹ tung thông tin tình báo cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được thông tin thiếu trung thực về thực tế chiến trường ở Ukraine vì các cố vấn không dám nói thật với ông những sai lầm chiến thuật trong chỉ huy tác chiến. Jeremy Fleming, người đứng đầu cơ quan tình báo tín hiệu GCHQ của Anh, đã nhận xét công khai trên báo chí rằng thông tin tình báo bí mật đang được công bố công khai với nhịp độ và quy mô “chưa từng có”.

Loạt thông tin tình báo được Mỹ và phương Tây cố tình tung ra trước công chúng thông qua các cuộc họp báo và đăng lên mạng xã hội Twitter được cho là nhằm mục đích gửi đến Tổng thống Putin thông điệp rằng ông đang bị “theo dõi chặt chẽ”, rằng “chúng tôi đang theo dõi sát mọi hành động của ông”. Đồng thời, việc công bố công khai các thông tin tình báo bí mật cũng nhằm mục đích ngăn chặn Nga có hành động leo thang, đưa quân đội tấn công Ukraine hoặc sử dụng các loại vũ khí hủy diệt.

Hành động tung thông tin tình báo bí mật đó đã được phương Tây bàn bạc, chuẩn bị từ nhiều tháng trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Giới chức Mỹ đã bắt đầu gia tăng hoạt động chia sẻ thông tin tình báo, trao đổi thông tin với các đồng minh chiến lược, gồm cả Anh, khi Mỹ quan ngại việc Nga có các động thái chuyển quân vào mùa thu năm 2021 khiến tình báo Mỹ đặt trong tình trạng báo động.

Đầu tháng 11-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử Giám đốc CIA William Burns đến Moscow để cảnh báo rằng “Mỹ biết rõ các hoạt động chuyển quân của Nga”. Khi đó, Nhà Trắng giữ im lặng về chuyến đi bí mật của ông Burns, nhưng chính quyền Biden tính toán rằng trong tình hình này cần phải quảng bá sâu rộng về chuyến đi. Vậy là ngay sau khi chuyến đi kết thúc, Đại sứ quán Mỹ ở Moscow thông báo rằng ông Burns đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Điện Kremlin. Không lâu sau chuyến đi, giới chức Mỹ quyết định rằng họ cần phải tăng cường chia sẻ thông tin tình báo.

Thông tin tình báo trong cuộc chiến Ukraine -0
Binh sĩ Ukraine di chuyển cạnh xác xe tăng ở Bucha. Ảnh: Reuters.

Thông tin tình báo đã được chia sẻ trước tiên với các đồng minh trong mạng lưới Ngũ Nhãn, gồm Anh, Canada, Austyralia và New Zealand, và kể cả với Ukraine. Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Avril Haines được cử đến Brussels để thông tin với các thành viên NATO về các thông tin tình báo đằng sau việc Mỹ quan ngại Nga đang có ý định đưa quân vào Ukraine.

Một số đồng minh và các nhà phân tích khi đó nghi ngờ về thông tin này, bởi người ta vẫn chưa quên những lần thất bại của tình báo Mỹ trong quá khứ. Cuối năm ngoái, Pháp và Đức cùng một nhóm quốc gia châu Âu có vẻ như đã có được thông tình báo tương tự như Mỹ và Anh, nhưng họ lại không tin Nga sẽ đưa quân sang Ukraine.

Tại diễn đàn NATO, Đức ban đầu ngăn cản việc sử dụng một hệ thống nhằm giúp Ukraine có được trang bị quân sự nào đó. Đức và Pháp cũng ngăn cản NATO khởi động hệ thống hoạch định sớm khủng hoảng (ECPS) nhằm phản ứng với sự gia tăng quân số của Nga, nhưng sau đó vào tháng 12-2021 đã phải chấp thuận.

Tháng 1-2022, khi Nga dồn quân đến gần biên giới Ukraine, Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố cáo buộc rằng Tổng thống Putin “muốn dựng lên một chế độ thân Moscow ở Ukraine”. Nước Anh nói rằng việc công khai hóa thông tin tình báo trong tình huống này là do “tình huống cấp bách”.

Khi Nga đưa quân vào Ukraine mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24-2, tất cả những người nghi ngờ thông tin tình báo của Mỹ, Anh đều im bặt. Thông tin tình báo của Mỹ, Anh đã trở thành chất xúc tác khiến cho các thành viên khối NATO trở nên “đoàn kết” nhau hơn trong bối cảnh khối đang đối mặt nguy cơ đối đầu trực diện với nước Nga xung quanh vấn đề Ukraine.

Thông tin tình báo trong cuộc chiến Ukraine -0
Hình ảnh thiệt hại của quân đội Nga tại Ukraine phổ biến trên báo chí phương Tây. Ảnh: AP.

Mỹ chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine

Ngày 6-5, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa thông tin “Mỹ chia sẻ thông tin tình báo giúp Ukraine đánh chìm soái hạm Moscow”. Thông tin được quan chức Mỹ công bố công khai cho báo chí biết hôm 5-5 cũng với dụng ý “cảnh báo”, “răn đe” đối với Nga. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin lan truyền rộng rãi, một loạt cựu quan chức tình báo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo giới chức CIA và các cơ quan tình báo Mỹ đừng quá kiêu ngạo mà gây ra họa lớn. Trong cuộc chiến Ukraine hiện nay, cung cấp vũ khí cho Ukraine là một chuyện, còn chia sẻ thông tin tình báo là một hành động leo thang nghiêm trọng. Điều này có thể gây ra phản ứng đáp trả từ phía Moscow.

Vụ soái hạm Moscow cháy và bị chìm trên đường lai dắt về cảng xảy ra vào ngày 14-4. Trước đó, soái hạm này được cho là đã trúng tên lửa của Ukraine. Ukraine tuyên bố đã bắn 2 quả tên lửa hành trình Neptune đánh trúng mục tiêu. Việc soái hạm Moscow bị đánh chìm trên Biển Đen đã gây chấn động giới quân sự toàn cầu, bởi đây là chiến hạm lớn nhất bị đánh chìm kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Không chỉ chia sẻ thông tin tình báo trong vụ soái hạm Moscow, Mỹ còn chia sẻ rất nhiều thông tin tình báo với Ukraine trong chiến sự hàng ngày chống lại nước Nga. Khi cuộc chiến đang diễn biến kéo dài, Mỹ cũng ngày càng không còn e ngại công khai hóa vai trò, sự tham gia của mình trong cuộc chiến.

Thông tin tình báo đã được Mỹ chia sẻ với Ukraine từ rất sớm, ngay cả trước khi Nga đưa quân sang. Vào giữa tháng 1-2022, Giám đốc CIA William Burns đã báo với Tổng thống Ukraine rằng Nga có kế hoạch đánh chiếm sân bay Hostomel gần Kiev để đổ bộ vào Ukraine bằng đường không. Từ thông tin đó, các lực lượng Ukraine đã có sự chuẩn bị sẵn kế hoạch phòng vệ chặt chẽ vị trí chiến lược này, khiến cho lực lượng Nga không thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn sân bay Hostomel.

Tiếp đến, khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào ngày 24-2, Mỹ lại cung cấp thông tin tình báo thực tế về vị trí và thời gian các đợt phóng tên lửa của Nga, giúp cho Kiev kịp thời di chuyển và cất giấu bớt các máy bay và hệ thống phòng không trọng yếu, từ đó ngăn chặn Nga chiếm ưu thế hoàn toàn…

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.