Thủy thủ Mỹ trở thành thiếu tá KGB
Vào cuối tháng 6/1989 đã diễn ra một cảnh tượng khác thường: một số lượng lớn xe của chính phủ đậu gần nghĩa trang Kuntsevo. Tưởng như các cấp lãnh đạo cao nhất của Liên Xô và KGB đến tiễn đưa một vị tướng hoặc một vị quan chức lớn nào đó của đảng. Nhưng không, họ đến dự lễ mai táng có đầy đủ nghi thức quân đội đối với Thiếu tá Mikhail Evgenievich Orlov (tên thật là Glenn Michael Souter), người trước đây từng phục vụ trong Hải quân Mỹ. Vì sao nhân vật này lại được tôn vinh như vậy?
Muốn trở thành người Cộng sản và công dân Liên Xô
Glenn Michael Souter sinh ngày 30/1/1957 tại bang Indiana trong một gia đình bình thường. Khi lên 4 tuổi, cha mẹ cậu ly hôn, cậu bé được người mẹ nuôi dưỡng và truyền cho tình yêu văn học cổ điển Nga. Thời trẻ, cậu còn học cả tiếng Nga để hiểu đầy đủ tác phẩm của các nhà văn Nga. Glenn bị thu hút bởi các tác phẩm của Marx, Engels, Lenin, Stalin và yêu thích thơ của Maiakovsky. Cậu là một người chân thành, biết đồng cảm, ưa sự công bằng và hơi ngây thơ. Glenn từng học đại học một năm nhưng bỏ học và phục vụ Hải quân chỉ để được đi du lịch khắp nơi trên thế giới.
Glenn Souter còn theo học trường nhiếp ảnh Hải quân, sau đó phục vụ tại Hạm đội 6, đóng quân ở Biển Địa Trung Hải. Souter là một nhiếp ảnh gia quân sự cho cơ quan tình báo. Từng lần lượt phục vụ trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Nimitz, USS Puget Sound và USS Albany, Souter đã chứng tỏ là một chuyên gia giỏi và sau đó được Đô đốc William Crow- chỉ huy Hải quân Mỹ ở Trung Đông nhận làm nhiếp ảnh gia cho mình.
Khi phục vụ trong Hải quân, Souter bắt đầu nhận thấy chính sách đối ngoại của Mỹ không giống như được tuyên truyền. Ví dụ, tàu sân bay Nimitz và các con tàu khác đều mang theo đầu đạn hạt nhân. Người thủy thủ trẻ thấy phẫn nộ vì hoạt động gián điệp của Mỹ chống lại các cường quốc thân thiện - Israel, Ai Cập, Italy... Anh quan sát và phân tích tình hình ở Hạm đội 6 và một kế hoạch mạo hiểm dần bắt đầu hình thành.
Vào mùa thu năm 1980 có một vị khách bất ngờ đến Đại sứ quán Liên Xô tại Rome và nói bằng tiếng Nga rằng anh muốn trở thành công dân Liên Xô. Điều này đã làm cho các nhà ngoại giao Liên Xô kinh ngạc. Người Mỹ này liền được đưa đến văn phòng của Boris Solomatin, một nhân viên KGB có nhiều kinh nghiệm làm việc ở Mỹ và hiểu rõ tâm lý người Mỹ. Vị khách tự giới thiệu tên và nói rằng mình thích chính sách yêu chuộng hòa bình của Liên Xô và thấy xấu hổ về đất nước mình vì sự can thiệp vào công việc của các nước khác và theo đuổi chính sách hiếu chiến. Souter muốn trở thành người cộng sản và công dân Liên Xô. Solomatin không quá tin tưởng vào lời nói nhiệt tình của chàng trai, nhưng ông đặc biệt chú ý đến việc Souter từng phục vụ tại Hải quân dưới quyền trực tiếp của Tổng tư lệnh các Lực lượng Đồng minh NATO ở Nam Âu (Đô đốc Crowe đã được thăng chức ở thời điểm đó).
Sự việc được báo cáo lên cấp trên. Moscow khá dè dặt với thông tin này nhưng vẫn quyết định mạo hiểm và rất cẩn trọng khi sử dụng Souter. Solomatin đã đề nghị Souter làm việc cho tình báo Liên Xô và lập tức nhận được sự đồng ý, Gleen Souter mang biệt danh “Hugo”. Ngoài ra, Souter dứt khoát từ chối các khoản thù lao và nói rõ rằng anh sẽ làm nhiệm vụ hoàn toàn vì lý do ý thức hệ.
Hoạt động tình báo hiệu quả
Vào thời điểm đó, quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ sau khi đã tan băng một chút lại trở nên căng thẳng bởi quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan. Vì vậy, việc có một đặc vụ trong hạm đội Mỹ là điều rất hữu ích. Không lâu sau đó, Souter bắt đầu truyền thông tin về vũ khí của Hạm đội 6, về nhiệm vụ của lực lượng này và lộ trình di chuyển của các tàu nổi, tàu ngầm và máy bay chiến đấu được trang bị vũ khí hạt nhân. Souter chụp ảnh các tài liệu bằng chiếc máy ảnh nhỏ được phòng thí nghiệm của KGB chế tạo riêng cho mình.
Trong thời gian làm việc cho tình báo Liên Xô, Souter dần trở thành một điệp viên rất tài năng và khôn khéo. Ông phục vụ tại căn cứ Hải quân Gaeta, cách Rome 120 km. Tại Rome và ngoại ô, mỗi tháng Souter đều đến gặp các các nhà tình báo Liên Xô. Các cuộc gặp đôi khi kéo dài và ông được dạy những kiến thức cơ bản về công việc đặc thù, mã hóa, bảo mật, khoa học vô tuyến... có thể hữu ích cho một đặc vụ và giảm thiểu nguy cơ bị bại lộ.
Công việc của một điệp viên và phục vụ trong Hải quân chiếm nhiều thời gian nhưng Souter vẫn tìm cách đi dọc bờ biển Địa Trung Hải. Trong một chuyến đi, Souter làm quen với một cô gái người Italy là Patricia de Palma và sau đó không lâu họ đã kết hôn. Cuộc hôn nhân này cuối cùng đã dẫn đến một kết cục tồi tệ khiến hoạt động tình báo của ông phải chấm dứt.
Người vợ trẻ Italy nhanh chóng nhận ra rằng chồng mình cư xử khá kỳ lạ, anh ta có vài chiếc máy ảnh tuyệt hảo, ban đêm hay ở lại một mình bên chiếc radio, thường xuyên đi đâu đó và kiếm cớ không đưa cô đi cùng. Patricia thường xuyên ghen tuông, kết tội chồng ngoại tình và liên tục giày vò anh bằng những câu hỏi. Souter không thể chịu đựng và đã phạm một sai lầm lớn - ông đưa Patricia đến Rome ở trong một căn hộ bí mật và thú nhận rằng mình là điệp viên của Liên Xô. Khi đó, người vợ đã im lặng.
Đến năm 1982, Souter được đề nghị đào tạo thành sĩ quan, ông đồng ý và trở về Mỹ nhưng để Patricia ở lại Italy. Một ngày nọ, cô ta bị say xỉn trong buổi tiệc mừng năm mới và đã nói chuyện với khách khứa rằng chồng mình là một điệp viên. Điều này đến tai tình báo Mỹ; họ đã kiểm tra Souter cũng như danh tiếng hoàn hảo của ông và không tin vào sự than thở của “người vợ đang say rượu và bị bỏ rơi” nên Souter vẫn được an toàn. Trong ba năm tiếp theo Glenn Souter được đào tạo tại khoa Quân sự của Đại học Old Dominion ở Norfolk, Virginia để trở thành sĩ quan, đồng thời phục vụ cho Hải quân Mỹ ngay tại Norfolk với trách nhiệm chính là xử lý các tài liệu tình báo vũ trụ.
Khi có được quyền tiếp cận với các tài liệu mật, Souter trở thành nguồn tin vô giá đối với Moscow. Ông đã truyền đi những thông tin cực kỳ quan trọng và bí mật. Năm 1983, Souter đã có trong tay bản kế hoạch thống nhất về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và danh sách các mục tiêu trên lãnh thổ Liên Xô có thể bị phá hủy bởi hạt nhân trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Danh sách này gồm khoảng 150.000 mục tiêu khác nhau.
“Hạ cánh an toàn”
Không lâu sau, tại Mỹ xảy ra một vụ scandal liên quan đến việc làm rõ danh tính của một nhóm thủy thủ quân sự đã làm việc cho Liên Xô. Điều này gây ra một làn sóng mới trong giới đặc vụ, các điệp viên Liên Xô bị truy tìm khắp nơi. Đến lúc này, lời buột miệng của cô vợ Souter trong buổi tiệc giao thừa từ ngày 31/12/1982 về việc chồng mình làm gián điệp cho Liên Xô mới được khơi lại và làm dấy lên sự nghi ngờ…
Souter bị theo dõi suốt ngày đêm trong khoảng một năm. Sau khi phát hiện mình đang bị giám sát, Souter đã cẩn thận kiểm tra căn hộ của mình và tìm thấy một số thiết bị nghe lén, có một chiếc còn được cài vào điện thoại. Souter bắt đầu được gọi đến các buổi trò chuyện tại FBI, được hỏi về quan điểm của ông đối với tình hình thế giới, thái độ đối với Liên Xô, về chính trị Liên Xô... Sau đó, những buổi nói chuyện chuyển thành các cuộc thẩm vấn, nhưng cả việc theo dõi lẫn thẩm vấn đều không mang lại kết quả. Souter là một nhân vật kiên định. Sau nữa, ông được yêu cầu kiểm tra với máy phát hiện nói dối nhưng theo tiêu chuẩn của FBI chứ không phải của Hải quân.
Vì nguy cơ bị lộ và bị bắt là rất lớn nên vào ngày 9/6/1986, trên chiếc máy bay của hãng Alitalia, Italy với tấm vé khứ hồi về Mỹ, Glenn Souter đã bay đến Rome và ông được cơ quan tình báo Xôviết đưa tới Moscow. Từ đây, hoạt động tình báo của Souter đã kết thúc. Và đến ngày 2/10/1986, ước mơ của Souter đã thành hiện thực - ông trở thành công dân Xôviết và nhận được hộ chiếu Liên Xô với họ tên Mikhail Evgevievich Orlov do ông tự chọn. Orlov - Souter trở thành đặc vụ nước ngoài duy nhất được nhận cấp bậc sĩ quan KGB khi được phong quân hàm Thiếu tá.
Thiếu tá Orlov được cấp một căn hộ rộng rãi ở trung tâm Moscow và một nhà nghỉ ở ngoại ô Moscow. Ông còn được tặng một chiếc ô tô VAZ-2106. Ông ít khi dùng ô tô, chủ yếu chỉ dùng để đến nhà nghỉ, ông thích đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi khắp Moscow. Orlov tích cực tham gia vào các hoạt động khoa học, phát triển chương trình giảng dạy tiếng Anh của riêng mình, nghiên cứu Moscow và đi du lịch khắp các thành phố của Liên Xô. Ông cũng gặp gỡ với các sĩ quan tình báo khác của Liên Xô là Kim Philby, George Blake và trở thành bạn của họ.
Một năm sau khi đến Moscow, Orlov kết hôn với Elena, một giáo viên tiếng Anh tại Học viện KGB của Liên Xô và không lâu sau đó, cô con gái Alexandra của họ chào đời. Ông thích nhiều điều được áp dụng ở Liên Xô - giáo dục và y tế miễn phí, giao thông công cộng phát triển, thích hệ thống an sinh xã hội và chính những con người ở nơi đây. Tưởng rằng cuộc sống của ông sẽ hạnh phúc mãi mãi.
Lựa chọn cực đoan
Tuy nhiên cũng có nhiều điều không đáp ứng được hy vọng của Orlov. Không may là ông đến Liên Xô vào thời điểm đất nước đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Khi quan sát sự cải tổ triệt để vào tháng 8/1988, một mặt ông vui mừng vì sự cởi mở, dân chủ nhưng mặt khác, ông cũng thừa nhận cuộc sống mới khiến mình sợ hãi. Orlov viết trong nhật ký của mình: “Mọi thứ xung quanh ngày càng trở nên đáng báo động. Bạn bắt đầu đối mặt với sự thiếu trung thực ở khắp nơi. Điều này thật khó tin! Tôi cho rằng sự cải tổ thực sự của chúng ta sẽ không phải như vậy”.
Từ thời trẻ Orlov-Souter đã biết cách phân tích thông tin và khi quan sát tình hình trong nước, ông nhận ra Liên Xô đang trên bờ vực sụp đổ. Bản thân Orlov vẫn là một con người lý tưởng-lãng mạn và ông không thể quen được với thực tế trên. Orlov trải qua những cơn trầm cảm mà không tìm được lối thoát khỏi tình cảnh phức tạp này và ngày càng nghĩ đến việc rời bỏ cuộc sống.
Vào ngày 22/6/1989, khi ở lại một mình trong nhà nghỉ, Orlov đã viết một số lá thư từ biệt (gửi mẹ, vợ, con gái, George Black và các đồng nghiệp ở KGB). Ông đi xuống gara, đóng kín cửa ra vào và các cửa sổ rồi nổ máy chiếc xe của mình… Orlov đặc biệt lưu ý đến yêu cầu về việc mình sẽ được mai táng trong bộ quân phục sĩ quan KGB.
“Tôi không hề hối tiếc những mối quan hệ của chúng ta đã được kéo dài và giúp tôi trưởng thành như một cá thể. Mọi người đều khoan dung và tử tế với tôi. Tôi hy vọng các bạn, vẫn luôn như mọi khi, sẽ tha thứ cho tôi vì tôi đã không muốn đi tới trận chiến cuối cùng”. (Trích thư của Orlov gửi các đồng nghiệp ở KGB).