Tiết lộ vai trò cáp biển Hồng Hải đối với tình báo Anh, Mỹ

Thứ Bảy, 14/08/2021, 11:58

Mạng lưới mở rộng các tuyến cáp quang biển từ Địa Trung Hải trải dài đến khu vực Vùng Vịnh đã tạo thuận lợi cho việc giám sát thông tin khu vực trở nên dễ dàng hơn lúc nào hết. Mạng lưới cáp quang Trung Đông đã cho phép nhiều cơ quan tình báo tín hiệu phương Tây một cơ hội truy cập chưa từng có vào lưu lượng thông tin liên lạc và dữ liệu của vùng.

Ngũ Nhãn, một liên minh tình báo tín hiệu (SIGINT) của 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, đã đặc biệt quan tâm tới Trung Đông kể từ khi mạng lưới  được hình thành trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những “tay chơi máu mặt” của Ngũ Nhãn là Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), và Trụ sở truyền thông chính phủ Anh (GCHQ) đang sử dụng các cơ sở mật hoặc đã biết trong khu vực nhằm thu thập dữ liệu tình báo.

Địa bàn chiến lược

Trung Đông là một điểm nóng được giám sát gắt gao vì những lý do khá rõ ràng: tầm quan trọng kinh tế - chính trị chiến lược, xung đột Arab-Israel, và sự chia rẽ chính trị giữa các đồng minh của Ngũ Nhãn cùng đối thủ của họ, từ các nhóm phiến quân ở các nước như Iran và Syria. Trong khi tất cả các hình thức giám sát thông thường đang được tiến hành như từ giám sát không phận đến nghe lén điện thoại, thì Trung Đông cũng là tài sản chiến lược cho giám sát đại chúng do sự hiện hữu của các tuyến cáp quang.

“Người bình thường chưa thể nào hiểu được tầm quan trọng của cáp viễn thông, họ cứ nghĩ rằng điện thoại thông minh (ĐTTM) là không dây, và nó truyền đi trong không khí chứ họ không nhận thức được rằng chúng truyền qua cáp”, ông Alan Mauldin, giám đốc nghiên cứu của hãng nghiên cứu liên lạc viễn thông TeleGeography tại Washington, giải thích.

Các cơ quan tình báo đã khai thác vào những tuyến cáp quang để ngăn chặn dữ liệu khổng lồ từ các cuộc gọi thoại đến nội dung các thư điện tử, và lịch sử duyệt web cùng siêu dữ liệu. Các loại dữ liệu chính phủ, quân sự và tài chính cũng truyền qua cáp, chẳng hạn như dữ liệu đánh chặn được sàng lọc bởi các nhà phân tích, trong khi các bộ lọc trích xuất tài liệu đã dựa trên 40.000 thuật ngữ tìm kiếm của NSA và GCHQ (các đối tượng, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử) nhằm tìm kiếm kỹ hơn.

Bà Athina Karatzogianni, một học giả nghiên cứu về tầm quan trọng của cáp biển, phân tích: “Hệ thống các cáp quang vật lý này đã kết nối với nhiều quốc gia lớn trên thế giới và thực hiện hơn 95% các nội dung gọi thoại quốc tế và lưu lượng dữ liệu. Nhưng do tầm quan trọng của cáp ngầm dưới biển mà chúng không được pháp luật quốc tế bảo vệ đúng mức. Chúng thể hiện cho tham vọng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quan trọng của các cường quốc, nhưng lại thất bại trong việc mở rộng cơ chế bảo vệ”.

Tiết lộ vai trò cáp biển Hồng Hải đối với tình báo Anh, Mỹ -0
Eo biển Tiran nhìn từ Sharm el-Sheikh (Ai Cập) năm 2014. Hồng Hải là tuyến đường quan trọng cho cáp biển. Ảnh nguồn: AFP. 

Cáp địa chiến lược

Giữa Hồng Hải và Iran không có cáp quang trên bộ băng qua bán đảo Arab. Tất cả lưu lượng mạng từ Châu Âu đến Châu Á đều phải băng qua Caucuses và Iran, bằng cách sử dụng cái gọi là Cổng tốc hành Ba Tư Châu  Âu (EPEG), hoặc thông qua các tuyến đường Ai Cập và Hồng Hải vốn dễ bị tắc nghẽn hơn. Ai Cập là một điểm tắc nghẽn chính, nó xử lý lưu lượng từ Châu Âu đến Trung Đông, Châu Á, Châu Phi và ngược lại. 15 tuyến cáp vượt qua Ai Cập và ở khoảng giữa Địa Trung Hải và Hồng Hải xử lý từ 17% đến 30% lưu lượng mạng của dân số thế giới, hoặc dữ liệu của từ 1,3 đến 2,3 tỷ dân. Chính các yếu tố địa lý và chính trị đã dẫn đến cách thiết lập đặc thù này. Ông Guy Zibi, nhà sáng lập hãng nghiên cứu thị trường Xalam Analytics (Nam Phi) phát biểu: “Quý vị không thể xây dựng một liên kết xuyên qua Syria hoặc Iran do xung đột và tình hình chính trị, cũng như cuộc chiến ở Yemen, vì thế cáp quang buộc phải đi một ngả khác. Chỉ có vài khu vực trên địa cầu mang tính chiến lược cao, Hồng Hải là một trong số đó, và bối cảnh trên lục địa Phi đó là Djibouti”.

Phần lớn các tuyến cáp đều chạy dưới biển, khiến cho việc băng qua đất liền Ai Cập trở thành một ngoại lệ hơn là quy luật. Cáp ngầm biển được ưu tiên vì chúng được cho là an toàn hơn nhưng chúng dễ bị tổn thương hơn khi chạm đất và chạy trên mặt đất. Ông Guy Zibi thừa nhận: “Rất khó đi dây dưới biển và làm hại cáp”.

Những tuyến cáp chạy qua Ai Cập và kênh đào Suez thường vướng rủi ro cao về hậu cần, chẳng hạn như đứt gãy do neo ở vùng nước nông của Suez hoặc do sự can thiệp của con người. Học giả Athina Karatzogianni lấy ví dụ: “Hồi năm 2013 có 3 thợ lặn đã cắt tuyến cáp chính nối Ai Cập với Châu Âu làm giảm băng thông mạng của Ai Cập xuống 60%”. Tuy vậy, các tuyến cáp chạy qua ngả Ai Cập đã không cho phép nước này có quyền tự do can thiệp dữ liệu thay mặt cho Ngũ Nhãn bất chấp tầm quan trọng mà Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi (từng là cựu Giám đốc Tình báo quân đội) và con trai ông là Mahmoud (Phó giám đốc Tổng cục Tình báo (GID)) đang đặt cơ chế giám sát đại trà công dân Ai Cập.

Nhà báo điều tra Duncan Campbell giải thích: “Người Ai Cập được cho là có cơ hội tuyệt vời để truy cập dữ liệu trên cáp, nhưng họ lại không được cộng đồng tình báo Ngũ Nhãn cho là một đối tác đáng tin cậy hoặc đối tác bền vững. Đó không phải là nơi họ (Ngũ Nhãn) có nhã ý đặt thiết bị giám sát cao cấp”.

 Bất chấp tầm quan trọng chiến lược, Ai Cập lại không thuộc bất kỳ phần nào của mạng SIGINT. Liên minh tình báo Ngũ Nhãn có các thỏa thuận chia sẻ thông tin tại Ai Cập với một số quốc gia Châu  Âu cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm can thiệp dữ liệu từ Nga và Trung Quốc. NSA cũng có mối quan hệ với Thụy Điển vì đây là một điểm hạ cánh cho tất cả lưu lượng cáp đến từ vùng Baltic của Nga. Ngược lại, Mỹ có rất ít các mối quan hệ chia sẻ thông tin với một số quốc gia tại khu vực Trung Đông bao gồm Ai Cập, Israel, Jordan, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). “Người Ai Cập có thỏa thuận chia sẻ tình báo với Mỹ, nhưng họ có lẽ khá tự tin trong mối quan hệ này, vì họ quan trọng nguồn tiền (từ các nhà khai thác cáp) và một số chia sẻ thông tin mà phần lớn đến từ phía Mỹ, đó là tất cả những gì nên biết”, ông Hugh Miles, sáng lập viên Câu lạc bộ Arab Digest ở Cairo, phân tích.

Tiết lộ vai trò cáp biển Hồng Hải đối với tình báo Anh, Mỹ -0
  Vị trí tình nghi có đặt một trạm nghe lén của GCHQ (đánh dấu X) ở Seeb (Oman). Ảnh nguồn: Google Maps.

Khai thác bí mật

Tuy nhiên, Ngũ Nhãn có thể đang khai thác các tuyến cáp ở Ai Cập hoặc các vùng lãnh hải của nước này. Những tài liệu rò rỉ của Edward Snowden từ năm 2013 đã đề cập đến một căn cứ bí mật của NSA ở Trung Đông với tên gọi là DancingOasis (còn được biết đến dưới tên viết tắt là DGO).

Nhà báo điều tra Duncan Campbell nhấn mạnh: “DancingOasis cực kỳ bí mật, nó được xây dựng mà ngay cả chủ nhà cũng không hề hay biết, và nó là một rủi ro khổng lồ đối với người Mỹ. Nhưng cái căn cứ đó chính xác nằm ở đâu đã khơi dậy không ít sự suy đoán. Có một ứng viên ở Jordan, kế đó là Saudi Arabia và 3 cơ sở khác ở Ai Cập. Về mặt địa lý chỉ có 1 địa điểm duy nhất là Oman, nơi người Anh bao quát toàn bộ Vùng Vịnh”.

Các tuyến cáp kết nối Châu Âu, Châu Phi và Châu Á chạy xuyên qua Ai Cập và đổ xuống Hồng Hải đến eo biển Bab el Mandeb nằm giữa 2 nước Yemen và Djibouti. Còn các tuyến cáp rẽ về hướng Đông tiến đến Oman. Về phía Tây thủ đô Muscat (Oman) là căn cứ giám sát của GCHQ đặt ở Seeb với tên mã là Circuit.

Ông Duncan Campbell nhìn nhận: “Seeb nằm rất gần với nơi mà tuyến cáp ngầm đi vào. Hầu như mọi tuyến cáp đều hạ cánh giữa Seeb và Muscat. Làm thế nào lại có sự tiện lợi quá thể này? Ngoài ra, đối với lưu lượng mạng được khai thác từ Oman đến Europe, giải pháp tốt nhất sẽ là những cách khai thác siêu tuyệt mật dưới biển. Hồ sơ của Snowden hé lộ rằng khai thác cáp ngầm đã được thực hiện bởi một tàu ngầm được cải tiến đặc biệt, USS Jimmy Carter. Tôi ngờ rằng các tàu ngầm Mỹ hoặc những nước khác đã sử dụng những sàn dưới đáy biển để khai thác cáp bí mật”.

Tiết lộ vai trò cáp biển Hồng Hải đối với tình báo Anh, Mỹ -0
Tất cả lưu lượng mạng từ Châu Âu đến Châu Á đều phải băng qua Caucuses và Iran, bằng cách sử dụng cái gọi là Cổng tốc hành Ba Tư Châu Âu (EPEG) Ảnh nguồn: Trend.Az. 

Một tuyến cáp mới trong vùng?

Theo nhà báo điều tra Duncan Campbell: “Israel là một quốc gia có công nghệ khai thác cáp ngầm rất hiệu quả ở Trung Đông, mặc dù hiện tại nước này không có kết nối nào với những mạng trong khu vực. Không có tuyến cáp nào vượt ra khỏi 2 điểm hạ cánh Tel Aviv và Haifa, vốn kết nối với lục địa Châu Âu và Cộng hòa Cyprus. Điều này có thể thay đổi khi Google hé lộ về một tuyến cáp “Xanh-Raman” khởi đầu từ Châu  Âu đến Ấn Độ thông qua Israel, Jordan, Saudi Arabia và Oman và đang trở thành hiện thực. Tuyến cáp mới sẽ tách làm đôi, phần Xanh là cáp chạy từ Italy đến Aqaba thông qua duyên hải Hồng Hải của Jordan; cáp Raman chạy từ phía Nam cảng Jordan đến Mumbai.

Nhà báo điều tra Duncan Campbell lý giải: “Vì là cáp của Google nên họ biết  cách đảm bảo mọi thứ an toàn từ A đến Z. họ sẽ xây dựng nó vào kết hoạch kinh doanh của mình khi đổ bộ ở gần Tel Aviv, và có nguy cơ là người Israel sẽ sao chép mọi dữ liệu từ điểm đổ bộ và mã hóa chống lại chúng. Điều đó không có nghĩa là người Do Thái sẽ ngừng tham gia lưu thông và rung đùi xem thành quả của mình”.

Không rõ tuyến cáp Xanh-Raman có đi tiếp hay không khi mà nó phụ thuộc vào thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel. Nữ học giả Athina Karatzogianni kết luận: “Nếu Saudi Arabia ký thỏa thuận với người Israel, nó sẽ là một thời khắc trọng đại trong địa chính trị, nơi mà cơ sở hạ tầng công nghệ (tuyến cáp quang) sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ cho hợp tác chiến lược giữa các đối thủ lịch sử trong khu vực”.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.