TikTok và tình báo Mỹ - Biến thù thành bạn
Một trong những “di sản” lớn của nguyên Tổng thống Mỹ Donald Trump là việc ông tìm cách “hất cẳng” TikTok khỏi Mỹ. Đã có lúc tưởng như TikTok sẽ bị “cấm cửa” hoàn toàn tại Mỹ. Nhưng giờ đây, dưới thời Tổng thống Joe Biden, TikTok lại giữ vị trí là mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ….
Đối tác chiến lược
Không lâu sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Nhà Trắng tổ chức một buổi họp báo quy tụ 30 chủ tài khoản TikTok có nhiều người theo dõi nhất. Cuộc họp nhằm mục đích truyền bá các thông điệp về Ukraine mà Washington muốn lan rộng trên mạng xã hội này. Ông Rob Flaherty, Giám đốc chiến lược thông tin điện tử của Tổng thống Biden, nói với các influencer (người gây ảnh hưởng trên mạng xã hội): “Tổng thống Biden biết rõ TikTok đang là nguồn tin tức quan trọng đối với nhiều người, nên ông muốn đưa tới các bạn những thông tin chân thực nhất có thể”.
Một mặt Chính phủ Mỹ phát tán thông tin trên TikTok, mặt khác họ ngăn cản đối thủ chính trị của mình làm vậy. Dựa trên đề cử của Ủy ban Thông tin liên bang Mỹ, TikTok đã xóa hơn 320.000 tài khoản của người dùng Nga. Ban quản trị mạng xã hội này cũng đánh dấu “cảnh báo” lên bất kỳ thông tin nào được đăng tải lên TikTok bởi các cơ quan truyền thông Nga.
Những động thái trên khác xa với việc hồi năm 2020, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh buộc công ty chủ quản TikTok là ByteDance phải bán mạng xã hội này cho một doanh nghiệp Mỹ. Các “ông lớn” như Microsoft, Oracle và Walmart đều từng ngỏ lời mua TikTok, nhưng trong khi các bên còn đang thương thảo thì Nhà Trắng bất ngờ tuyên bố vô hiệu hóa sắc lệnh.
“Chìa khóa” cho sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với TikTok nhiều khả năng liên quan đến một loạt vị trí nhân sự mới được ByteDance bổ nhiệm. Không ít nhân vật từng làm cho bộ máy tình báo các nước phương Tây hiện đang giữ những vị trí quản lý quan trọng ở TikTok. Ví dụ ông Alexander Corbeil, Giám đốc nội dung của TikTok ở Canada. Ông Corbeil trước là phó chủ tịch một tổ chức nghiên cứu chiến lược cho NATO dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng Canada. Hay là bà Ayse Kocak, người đang làm quản lý chính sách sản phẩm cho TikTok. Bà Ayse từng là đại diện dân sự cấp cao cho NATO tại Iraq.
Cái tên đang được báo chí Mỹ bàn đến nhiều là Greg Andersen, Giám đốc chính sách mới của TikTok. Ông này vốn là chuyên gia chiến tranh tâm lý của NATO, sau đó làm cố vấn cấp cao cho tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge Group (ASG). ASG vốn được cố Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright lập ra. Tập đoàn này từng bị cáo buộc là “bình phong” để CIA tài trợ các nhóm nổi dậy vũ trang trên khắp thế giới.
Điều đáng nói, công việc tại TikTok của Greg Andersen là: “Lãnh đạo bộ phận kiểm chứng thông tin chuyên chống lại các hoạt động phát tán thông tin độc hại, lừa đảo và tuyên truyền nhà nước”. Một số tờ báo đã phải đặt ra câu hỏi: Liệu một người có quan hệ gần gũi với tình báo Mỹ như vậy có thật sự công bằng trong việc phán xét thông tin thật giả?
Dẫn lời một nhân viên giấu tên làm việc cho TikTok: “Nhiều lãnh đạo ở hai bộ phận chính sách và an toàn thông tin từng làm việc cho Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh nội địa và cả Nhà Trắng nữa. Các phòng ban khác không biết họ thật sự làm gì. Họ làm chuyện gì cũng giữ kín trong nội bộ”.
Theo sử gia, nhà nghiên cứu truyền thông Noam Chomsky thì: “Hãy thử nhìn lại việc Nhà Trắng và Lầu Năm Góc nói dối với công chúng rằng Saddan Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để có cớ đưa quân vào Iraq. Chính phủ Mỹ sẵn sàng nói dối người dân để đạt mục đích của họ. Rất có thể việc chính phủ Mỹ gây sức ép lên TikTok hồi năm 2020 chỉ là một “màn kịch”. Mục đích thật sự của họ là buộc mạng xã hội này trở thành công cụ tuyên truyền và giám sát cho họ”.
Những ý kiến như trên không phải không có cơ sở. Từ 85 triệu người dùng trên toàn thế giới hồi năm 2018, TikTok hiện đang sở hữu 1,2 tỷ người dùng. Người trẻ đang là đối tượng khách hàng chính của TikTok. Theo điều tra của hãng tin Reuters, 9% trong số những người ở độ tuổi 18-24 trên thế giới coi TikTok là nguồn thông tin chính. Trung bình họ dành 68 phút/ngày tiếp nhận thông tin trên TikTok. Bất kỳ chính phủ nào cũng sẽ muốn TikTok đứng về phía mình.
Có thật sự tự do?
Đây không phải lần đầu tiên Washington D.C. tìm cách gây ảnh hưởng với các nền tảng mạng xã hội. Năm 2018, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã phải ra giải trình trước quốc hội Mỹ về các vấn đề bảo mật, quản lý nội dung và chống thông tin giả. Chỉ vài tuần sau đó, Facebook công bố hợp tác với Atlantic Council trong việc phòng chống tin giả. Atlantic Council là viện nghiên cứu chiến lược tầm đặc biệt quan trọng. Hầu hết các chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ và NATO đều có gốc rễ từ Atlantic Council. Hiện ban lãnh đạo của tổ chức này có đến 7 cựu giám đốc CIA là thành viên.
Ngoài Facebook, còn có Reddit, một mạng xã hội khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Năm 2017, bà Jessica Ashooh đang từ Phó giám đốc chiến lược khu vực Trung Đông của Atlantic Council thì bất ngờ được bổ nhiệm vị trí Giám đốc chính sách cho mạng xã hội Reddit. Bà Jessica Ashooh vốn là người soạn thảo chính sách đối ngoại với Libya của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chính những chính sách này đã trực tiếp dẫn đến việc Mỹ can thiệp vào cuộc nội chiến Libya. Hành động đầu tiên của bà Ashooh trên cương vị mới là cấm bất kỳ ai đăng lại bài của các cơ quan truyền thông Nga trên Reddit.
Bộ máy lãnh đạo Twitter cũng đang đặt ra nhiều nghi vấn. Tổng biên tập nội dung khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông của mạng xã hội là Gordon MacMillian. Ông này cũng đang là sỹ quan thuộc Lữ đoàn 77 của quân đội Anh. Lữ đoàn 77 là đơn vị tác chiến tâm lý từng tham chiến tại Afghanistan, Iraq và Sudan.
Còn nhớ vào năm 2020, trang web hẹn hò Grindr đã bị Washington buộc chuyển quyền chủ sở hữu vào tay tập đoàn Vicente Acquisition của Mỹ. Trước đó cổ đông lớn nhất của Grindr là tập đoàn Beijing Kunlun Tech của Trung Quốc. Kunlun Tech đã bán tháo cổ phần của mình sau khi chính phủ Mỹ đưa Grindr vào nhóm “Mối nguy tới an ninh quốc gia”.
Hai vị nguyên giám đốc CIA là Micheal Morell và Leon Panetta gần đây viết chung một bức thư ngỏ gửi tới các thành viên của Atlantic Council. Họ viết: “Tiếp tục kêu gọi chính phủ phá vỡ thế độc quyền của những tập đoàn công nghệ Mỹ chính là làm hại đến lợi ích của Mỹ. Hoa Kỳ sẽ cần dựa vào quyền lực của các tập đoàn công nghệ để đảm bảo những nguồn tin tức nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ thay vì kẻ thù của chúng ta”.
Đa số các nhà quan sát không tỏ ra ngạc nhiên về bức thư trên. Nhà báo Ryan Grim, người đã có nhiều năm viết về tình báo Mỹ, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC: “Đối với Washington, việc khiến thế giới có thế giới quan lấy Mỹ làm trung tâm đã trở thành một công cụ quan trọng để họ tự bảo vệ quyền lực của mình. Khi nào những quốc gia khác vẫn còn tin rằng Mỹ là “rường cột” cho một thế giới công bằng và bình đẳng, Washington vẫn có thể tự do can thiệp vào công chuyện của các nước láng giềng”.
Còn nhớ vào thập niên 1970, CIA thực hiện chiến dịch mang tên “Chim nhại” nhằm đưa điệp viên của mình vào các tòa soạn lớn trong nước. Chiến dịch này sau đó bị Quốc hội Mỹ lật tẩy và buộc phải dừng lại. Những sự kiện diễn ra gần đây không khỏi khiến nhiều người liên tưởng đến chiến dịch “Chim nhại”. Nhưng lần này có vẻ như không có nhiều tiếng nói phản đối từ trong chính phủ Mỹ. Quốc hội Mỹ mới đây đã phê chuẩn nghị quyết tăng ngân sách cho các cơ quan tình báo nhằm tạo thế đối trọng với Nga lẫn những quốc gia thù địch khác.
Điều khiến nhiều nhà phân tích lo ngại là các quốc gia khác sẽ làm theo Mỹ mà tăng cường gây ảnh hưởng lên mạng xã hội. Rất có thể trong tương lai không xa chúng ta sẽ chẳng còn mạng xã hội mang tầm quốc tế như Facebook hay Twitter nữa.