Tình báo Anh trong cuộc thảm sát ở Indonesia
Truyền thông Anh vừa công bố các tài liệu mật tiết lộ một chiến dịch tuyên truyền do Anh tổ chức được xem là nguồn kích động lớn cho một trong những vụ thảm sát tàn bạo nhất của thế kỷ 20. Mục tiêu của chiến dịch tuyên truyền là kêu gọi, kích động người dân và quân đội Indonesia tham gia vào phong trào “loại bỏ cộng sản”.
Đầu năm 1965, Ed Wynne, một quan chức của Bộ Ngoại giao Anh ở London đến trước cửa một ngôi biệt thự hai tầng nằm trong một khu nhà ở sang trọng, yên tĩnh, kín đáo của thuộc địa Singapore. Nhưng Wynne không phải là quan chức bình thường. Là một chuyên gia của Phòng Nghiên cứu Thông tin (IRD), bộ phận tuyên truyền chiến tranh lạnh của Bộ Ngoại giao Anh.
Ông ta được chỉ định lãnh đạo một nhóm nhỏ gồm quan chức cấp dưới, bốn người địa phương và hai “quý bà IRD” được biệt phái đến từ London. Sự xuất hiện của Wynne và các đồng nghiệp của ông ta ở đường Winchester đánh dấu sự khởi đầu của một trong những hoạt động tuyên truyền thành công nhất trong lịch sử nước Anh thời hậu chiến.
Một hoạt động tuyệt mật đã giúp lật đổ nhà lãnh đạo của đất nước đông dân thứ tư trên thế giới và góp phần vào vụ sát hại hơn nửa triệu công dân của quốc gia này. Kết quả của chiến dịch hỗn loạn đó là sự ra đời của chế độ độc tài quân phiệt tàn bạo và tham nhũng kéo dài 32 năm ở Indonesia.
Hai năm trước đó, để đối phó với kế hoạch của Anh nhằm tạo ra quốc gia độc lập Malaysia, Tổng thống thiên tả Sukarno của Indonesia đã phát động một phong trào “Konfrontasi” (Đối đầu), một cuộc chiến không khai báo bao gồm các cuộc triển khai quân đội qua biên giới vào miền Đông Malaysia. Tổng thống Sukarno, giống như nhiều người Indonesia, bao gồm cả đảng Cộng sản Indonesia (PKI), tin rằng việc thành lập một liên bang Malaysia là sự can thiệp không chính đáng của người Anh vào khu vực nhằm duy trì sự thống trị thuộc địa của họ.
Người Anh buộc phải cung cấp nguồn lực quân sự và tình báo khổng lồ để giúp Malaysia chống lại các cuộc xâm nhập của Konfrontasi. Chính sách của Anh là chấm dứt “xung đột”, nhưng mục tiêu của họ thì không dừng lại ở đó. Giống như các đồng minh Mỹ và Australia, Anh sợ một Indonesia cộng sản. PKI có ba triệu thành viên và ở gần Trung Quốc.
Ở Washington, “quân cờ domino” Indonesia rơi vào phe cộng sản được coi là một mối đe dọa lớn hơn sự đánh mất miền Nam Việt Nam. Mối đe dọa đó sẽ giảm bớt đi nếu Tổng thống Sukarno và Bộ trưởng Ngoại giao Subandrio của ông bị “bứng” khỏi vị trí đó và ảnh hưởng của PKI ở Indonesia giảm bớt đi. Một trong những cách hợp lý nhất là kích động quân đội Indonesia chống cộng sản.
Và cơ hội đã đến vào giữa năm 1965. Một nhóm cánh tả bí mật, sau này có tên gọi là “phong trào 30 tháng 9”, tập hợp lại ở Indonesia, tin rằng quân đội đang lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Sukarno và đàn áp PKI. Vào đêm 30-9-1965, các sĩ quan cánh tả dưới sự chỉ huy của Trung tá Untung của đội cận vệ tổng thống, với sự hỗ trợ của một số tiểu đoàn, đã tấn công phủ đầu bộ chỉ huy cấp cao của quân đội.
Họ đã bắt giữ 7 tướng lĩnh cao cấp nhất của quân đội Indonesia. Ba người, bao gồm cả chỉ huy bộ binh, đã thiệt mạng trong lúc giao tranh. Ba người khác bị sát hại tại căn cứ không quân Indonesia, nơi họ bị giam giữ. Thi thể của các vị tướng bị ném xuống giếng. Chỉ duy nhất Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Nasution trốn thoát.
Nhưng đến tối ngày 1-10, tướng Suharto, chỉ huy đơn vị chiến đấu chính của quân đội lên nắm quyền chỉ huy quân đội và tiến hành một cuộc phản công trong vòng ba ngày đã vô hiệu hóa hoàn toàn cuộc nổi dậy. Mặc dù hiện nay người ta tin rằng chủ tịch của PKI và người của ông đã tham gia vào âm mưu đảo chính, nhưng không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy Tổng thống Sukarno biết trước hoặc PKI phải chịu trách nhiệm về âm mưu đảo chính đó.
Nhưng cuộc đổ máu không kết thúc ở đó. Tướng Suharto được bổ nhiệm làm chỉ huy quân đội tối cao vào ngày 14-10. Ngay sau đó, ông ta đã sử dụng cuộc nổi dậy làm cái cớ để lật đổ Tổng thống Sukarno và “cái cớ để giết người hàng loạt”, theo cách gọi của giới nghiên cứu lịch sử. Bộ Ngoại giao Anh luôn bác bỏ việc Anh có dính líu tới cuộc thảm sát những người cộng sản Indonesia. Nhưng hồ sơ vừa giải mật ở Cục Lưu trữ Quốc gia Anh (National Archives) tiết lộ rằng các cơ quan tình báo Anh và các chuyên gia tuyên truyền đã đồng lõa, thực hiện các hoạt động bí mật nhằm phá hoại chế độ của Tổng thống Sukarno và loại bỏ PKI bằng cách lợi dụng cuộc đảo chính Untung để quy kết trách nhiệm cho họ.
Bài bản tuyên truyền của chính phủ Anh được chuyên gia Ed Wynne của IRD sử dụng một cách nhuần nhuyễn. IRD được chính phủ Anh thành lập vào năm 1945 để chống lại hoạt động tuyên truyền của Liên Xô và xuất bản các tài liệu chống cộng. Cơ quan này liên kết chặt chẽ với MI-6 và chủ yếu thực hiện các hoạt động tuyên truyền chiến tranh lạnh tương tự như CIA cách đã làm. Một cơ quan có cái tên nhạt nhẽo là Đơn vị Giám sát Đông Nam Á (SEAMU) được thành lập theo đề nghị của Đại sứ Anh tại Indonesia Andrew Gilchrist. Ngài Đại sứ Gilchrist ôm “mối hận” đối với PKI do đại sứ quán của ông ở Jakarta đã bị những người biểu tình PKI đốt trụi vào năm 1963.
Mặc dù các biện pháp “chiến tranh tâm lý” chiến thuật hạn chế chống lại quân đội Indonesia đã được đưa ra, vào năm 1964 các ý tưởng đã được triển khai nhằm làm suy yếu “chế độ Sukarno/Subandrio” và vì vậy chấm dứt đối đầu. Điều mà Gilchrist muốn và nhiệm vụ của đơn vị là sản xuất các tài liệu “tuyên truyền đen”, do những người Indonesia ở nước ngoài trực tiếp thực hiện, để kích động những người chống cộng trong nước.
Các mục tiêu quan trọng của một bản tin “tuyên truyền đen” sẽ bao gồm “càng nhiều càng tốt những quan chức trong hệ thống chính phủ, quân đội và các cơ quan dân sự”. Để che giấu nguồn gốc Anh của bản tin, bản tin đã được gửi đến Indonesia qua các thành phố thuộc châu Á như Hong Kong, Tokyo và Manila. Trong vòng một năm, 28.000 bản tin, viết bằng tiếng Indonesia với tên gọi là Kenjataan 2 (Sự thật 2), đã được gửi đi và đã đến tay Bộ trưởng Quốc phòng, các tướng lĩnh, báo chí phe hữu và thậm chí cả Tổng thống Sukarno.
Đến cuối tháng 9-1965, chiến dịch tuyên truyền của Wynne đã hoạt động “hết công suất” và sẵn sàng lợi dụng triệt để cuộc đảo chính Untung. Đó là khoảnh khắc mà người Anh đã chờ đợi. Như một quan chức Bộ Ngoại giao Anh nhận xét: “Một cuộc đảo chính non của PKI có thể là giải pháp hữu ích nhất cho phương Tây - với điều kiện cuộc đảo chính đó không thành công”.
Và bản tin kích động bạo lực của IRD đã được gửi vào thời điểm quan trọng đối với việc ông Suharto tranh giành quyền lực và các hoạt động chống PKI của quân đội. Trong khoảng thời gian đó, trên các phương tiện truyền thông Indonesia xuất hiện đầy rẫy thông tin “tuyên truyền đen” chống PKI, khơi gợi sự tức giận của dân chúng Indonesia đối với những người cộng sản và hợp pháp hóa các động thái đã được lên kế hoạch chống lại PKI và Tổng thống Sukarno.
“Bản tin đặc biệt” và các bản tin nảy lửa khác trong loạt bản tin “tuyên truyền đen” đã được gửi đến khoảng 1.500 người nhận. Một báo cáo của SEAMU ghi nhận thông tin tình báo rằng độc giả “bị ảnh hưởng theo hướng cần thiết”. Các bản tin đã được IRD ở London chấp thuận trước khi gửi đi.
Khi cuộc thảm sát tiếp diễn vào mùa thu năm 1965, đơn vị IRD ở Singapore trấn an độc giả của họ về sự cần thiết của cuộc tàn sát. Trong Bản tin 21, họ viết: “Trừ phi chúng ta duy trì một chiến dịch mạnh mẽ để tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản… “mối đe dọa đỏ” sẽ bao trùm chúng ta một lần nữa.” Trong Bản tin 23, các nhà tuyên truyền Anh đã ca ngợi quân đội và cảnh sát đã “làm việc rất xuất sắc” và một lần nữa kêu gọi “tiêu diệt cộng sản Indonesia”.
Cuộc đảo chính hụt và hậu quả của nó trùng hợp với việc một trong những nhà tuyên truyền hàng đầu của Bộ Ngoại giao Anh đến Singapore. Đại sứ Gilchrist cho rằng nỗ lực tuyên truyền mở rộng của Anh là không đủ. Ông yêu cầu phái Norman Reddaway làm “điều phối viên chiến tranh chính trị” chống lại Indonesia với sự hỗ trợ của Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng, Lord Louis Mountbatten. Reddaway đã từng phục vụ trong quân đội trong Chiến tranh thế giới thứ hai trước khi gia nhập Bộ Ngoại giao và đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập IRD.
Sau cuộc đảo chính Untung thất bại, ông đến để điều phối các hoạt động bí mật của người Anh. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí vào năm 1996, Reddaway nói rằng ông đã được Bộ Ngoại giao cấp ngân sách 100.000 bảng Anh và được yêu cầu “làm bất cứ điều gì tôi có thể làm để tống khứ ông Sukarno”. Chỉ bây giờ chúng ta mới biết “bất cứ điều gì” có nghĩa là gì.
Một bản đánh giá bí mật về các hoạt động của IRD của Reddaway, được viết cho người đứng đầu IRD vào tháng 7-1966, sau khi Tổng thống Sukarno bị phế truất. Trong đó, Reddaway tuyên bố rằng các cuộc họp giao ban của ông với báo chí đã có hiệu quả trong việc lay chuyển dư luận toàn cầu và hoạt động tuyên truyền đã thành công tốt đẹp. Ông nói: “Cỗ máy tin tức là con mồi của chúng tôi: bản tin và các hoạt động phi chính thống là kim chỉ nam của chúng tôi. Trong một tài liệu khác, ông báo cáo rằng IRD và các tướng lĩnh đã “hòa giọng” rất tốt.
Reddaway đã xác định những người nhận bản tin hữu ích nhất của ông là các hãng thông tấn, vì họ “ít kén chọn hơn và ít để lại dấu vết hơn”. Đương nhiên, một trong những nguồn tin chính của Reddaway là Đại sứ Anh tại Jakarta Gilchrist. Ngoài ra, Reddaway cũng tìm nguồn thông tin cho hoạt động dựa vào tình báo tín hiệu (SIGINT). Điều này hoàn toàn thuận tiện cho Reddaway bởi Singapore thời điểm đó là một địa điểm giám sát của GCHQ.
Địa điểm giám sát tại Singapore của GCHQ có tên gọi là RAF Chia Keng, nằm ẩn khuất trong một trạm liên lạc RAF trên đường Yio Chu Kang ở phía đông Singapore, hiện nay là một khu nhà ở. Các “bungalow” nghe lén được bảo vệ rất nghiêm ngặt của GCHQ có cửa sổ bằng kính mờ bên trong có khoảng 50 nhân viên mỗi ca làm việc. Căn cứ được xây dựng hoàn thiện một cách nhanh chóng để tiếp nhận thông tin báo cáo đầy đủ về các diễn biến ở Indonesia. GCHQ có thể dễ dàng đọc các mật mã của Indonesia là do Chính phủ Indonesia sử dụng thiết bị do công ty Crypto AG có trụ sở tại Thụy Sĩ cung cấp.
Trong hơn 50 năm, Crypto AG đã cung cấp các máy mật mã đã bị bí mật bẻ khóa sẵn, với các cửa sau cài sẵn mà CIA và GCHQ có chìa khóa để đột nhập. Trong một bức điện ngày 30-10-1965, Reddaway gửi cho Brian Tovey, sau này là giám đốc của GCHQ, Reddaway đã nói rằng các dữ liệu của GCHQ đã “giúp các tướng lĩnh Indonesia bắt bớ người của PKI hiệu quả hơn”.
Các bản tin vẫn là công việc cốt lõi của Ed Wynne và các đồng nghiệp của ông ở IRD. Chủ đề chính là khuyến khích những độc giả có ảnh hưởng ủng hộ chiến dịch của quân đội chống lại những người cộng sản. Để làm được điều đó, IRD đã bịa ra những câu chuyện giả dối giật gân.
Chẳng hạn, tờ Jakarta Daily Mail (ủng hộ quân đội) trong số ra ngày 5-11 đã tung tin: “Vào ngày diễn ra cuộc đảo chính Untung, 100 phụ nữ thuộc tổ chức phụ nữ Gerwani của PKI đã tra tấn một trong các tướng lĩnh bằng cách sử dụng dao lam và dao để rạch bộ phận sinh dục của ông trước khi bắn chết ông”. Và câu chuyện về sự tra tấn các tướng lĩnh bởi những người phụ nữ Gerwani đã được sử dụng để biện minh cho cuộc hủy diệt PKI và từ đó ra đời chế độ độc tài Suharto.
IRD đã cố tình im lặng trước các vụ thảm sát. Một bản tin của IRD vào tháng 12-1965 đã cẩn thận trình bày các tài liệu mô tả “sự tàn bạo” của PKI nhưng không đề cập rõ ràng về các vụ giết người của quân đội. Trong báo cáo của SEAMU năm 1965, Wynne viết rằng quân đội Indonesia đã sử dụng bản tin để làm căn cứ tiếp tục tấn công PKI. Vào đầu năm 1966, các vụ giết người hàng loạt ở Indonesia đã được lan truyền đi khắp nơi trên thế giới, bị nhiều nước lên án.
Đến tháng 3-1966, chiến dịch thảm sát PKI khiến hơn nửa triệu người chết gần như đã kết thúc. Vào ngày 11-3, Tổng thống Sukarno buộc phải giao lại quyền lực cho tướng Suharto, và phong trào Đối đầu gần như đã chấm dứt. Vào ngày 14-3, Reddaway viết báo cáo cho Đại sứ Gilchrist: “Mọi thứ đã thành công mỹ mãn”.