Tình báo Canada đã dẹp loạn Gestapo như thế nào?

Thứ Năm, 14/07/2022, 09:59

Khoảng 34.000 tù binh Đức Quốc xã (ĐQX) bị giam giữ trong hơn hai chục trại cải tạo trên khắp đất nước Canada trong suốt Thế chiến II. Đa phần là những người hòa nhã. Sau chiến tranh, hàng ngàn người trong số đó đã định cư lại Canada. Và trong số đó có cả những thành phần nhiệt thành và cuồng tín quyết tâm duy trì triết lý phát xít.

Một số kẻ thiết lập chế độ riêng của họ ngay sau hàng rào dây thép gai. Theo các điều khoản của Công ước Geneva thì tù chiến tranh được phép chọn người lãnh đạo nội bộ của mình, và ĐQX nhanh chóng giữ vị trí chỉ huy.

“Quy luật tử thần” của Gestapo trong trại giam

Trên tờ Lịch sử quân đội Canada, tác giả Martin Auger viết: “Vì những người này (thành phần phát xít) đinh ninh tin rằng một ngày nào đó các lực lượng vũ trang Đức sẽ xâm lược Canada và biến nước này thành một thuộc địa ĐQX nên nhiều cựu sĩ quan Đức nuôi dã tâm đó trong chốn lao tù”. Họ tự gọi cộng đồng mình là “Câu lạc bộ Harikari”, lấy từ cụm từ “Hara-kiri”, nghĩa là mổ bụng tự sát theo nghi thức của các kiếm sĩ đạo Nhật Bản.

Cộng đồng phát xít đã tự thành lập các nhóm tình báo để theo dõi bạn tù và kiểm soát tin tức chiến tranh trong trại; các bộ phận tuyên truyền nhằm giữ cho các bạn tù không quên chí hướng ĐQX; các ủy ban vượt ngục và những đơn vị Gestapo để áp nhục hình cho những người bị cho là “phản bội chính nghĩa”. Năm 1941, một phiên tòa của tù binh Đức được tổ chức tại một trại tù ĐQX đã kết án một thuyền trưởng tàu ngầm Đức vắng mặt vì tội hèn nhát.

Tình báo Canada đã dẹp loạn Gestapo như thế nào? -0
Tù binh Đức tạo dáng với thú cưng tại trại lao động Whitewater, cách Winniped khoảng 300 km về hướng Tây Bắc.  Ảnh nguồn: CWM/19840579-058.

Năm 2018, ông Franz-Karl Stanzel viết trên tờ Lịch sử quân đội Canada về quá khứ tù binh của mình: “Mặc dù bản án đã được tuyên trong một trại tù ở Anh, song nó đã được thực thi trong Trại 44 ở Canada”. (Trại 44 nằm ở Grande-Ligne, Quebec, cách Montreal khoảng 50 km về hướng Đông Nam, mở cửa vào năm 1943.)

Cựu thuyền trưởng J. A. Milne bị biệt giam bởi các bạn tù, và không cho dùng các tiện nghi cá nhân và bị tẩy chay. Các tổ chức ĐQX khác trong các trại luôn trù dập bất kỳ ai bất đồng chính kiến hoặc hoài nghi về vai trò lãnh đạo của ĐQX. Các thành viên Gestapo đe dọa sẽ trừng phạt ngay tức thì các cựu tù binh nếu dám cung cấp thông tin cho nhân viên trại, nếu vi phạm sẽ phải ra tòa án binh và nhận án tử hình ở Đức sau chiến tranh.

Hình phạt ngay tức khắc mà Gestapo áp dụng với các phần tử chống đối là đánh đập thân xác và dằn vặt tâm lý. Tác giả Martin Auger viết trong cuốn sách “Tù binh ở hậu phương”: “Các tù binh bị ĐQX đe dọa đều hãi sợ cho tính mạng của họ; việc tìm thấy một chiếc thòng lọng trên giường ngủ là một nỗi ám ảnh khôn cùng”. Gestapo theo dõi thư tín của tù binh nhằm ngăn không cho tin tức xấu của ĐQX lọt vào trong trại, nhận dạng những ai chống ĐQX. 

Tình báo Canada đã dẹp loạn Gestapo như thế nào? -0
Tù binh Đức sử dụng thư viện tại Trại 42 ở Sherbrooke (Quebec) vào ngày 18 tháng 6 năm 1944.  Ảnh nguồn: E.Ehrenreich /CWM/20090083-003.

Gestapo cũng chịu trách nhiệm cho vụ bạo động xảy ra vào tháng 7 năm 1942 tại trại tạm thời chứa 1 vạn tù binh ở Ozada (Alberta), cách Calgary chỉ 70km về hướng Tây. Khoảng tháng 7 năm 1943, 7 sĩ quan tù binh được chuyển tới Medicine Hat theo mệnh lệnh của Tướng Artur Schmitt (tù binh Đức cấp cao nhất ở Canada) nhằm tìm cho ra những kẻ nào phản bội để giết đi.

Một cựu tù viết: “Đặc vụ của Gestapo đã đi dạo qua trại vào ban đêm để làm công việc bẩn thỉu của họ. Một số tù nhân đã chán ngấy các thành phần bận đồng phục này và bàn nhau lật đổ chúng”. Song họ đã bị phản bội. Ngày 22 tháng 7 năm 1943, một vài tù binh bị Gestapo gọi thẩm vấn. Thậm chí ngay cả trước khi bắt đầu thẩm vấn, tù binh August Plaszek đã bị bắt, bị đập chảy máu và bị xử giảo. Tháng 9 năm 1943 lại xảy ra một vụ giết người thứ hai ở trại Medicine Hat. Trong lúc vô tình buột miệng nói to về khả năng Đức sẽ bị đánh bại, thầy giáo Karl Lehmann cũng bị đánh bầm dập và bị treo cổ.  

Các tù binh chỉ được trở về nhà khi đại chiến kết thúc và sự chiếm đóng của ĐQX cũng chấm dứt. Sau các vụ giết người, đặc vụ ngầm của Cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP) George Krause được chỉ định điều tra về vụ sát hại giáo viên Karl Lehmann. Trong cuốn sách “Đằng sau dây kẽm gai Canada”, tác giả David J. Carter viết: “Thời điểm đó, ĐQX mất quyền kiểm soát tù nhân và quy tắc chết chóc. Bản thân các cựu tù không còn sợ sệt mà đã mạnh dạn tố cáo”.

Năm 1946, 4 cựu tù có tham gia vào việc sát hại thầy giáo Karl Lehmann đã bị xử tử. Trong số các tử tội có Werner Schwalb, một cựu xạ thủ của ĐQX và là người đã được trao Huân chương chữ thập sắt vào năm 1940, Schwalb đề nghị ra làm chứng trong phiên tòa Lehmann để đổi lấy sự khoan hồng nhưng bị từ chối. Hắn ta bị xử giảo vào ngày 26 tháng 6 năm 1946 ở Lethbridge (Alberta). Lời cuối mà Schwalb để lại là, “Quốc trưởng ơi, tôi đi theo ngài”.

Tình báo Canada đã dẹp loạn Gestapo như thế nào? -0
 Một trạm canh gác tại trại Kananaskis (Alberta). Ảnh nguồn: W.J. Oliver/Lac/PA-188743.

Chiến công của tình báo quân sự Canada

Tháng 8 năm 1944, Ủy ban chiến tranh tâm lý Canada đã bắt đầu xác định ĐQX, những người bài ĐQX và những người không có tiền án chính trị, và tách họ ra trong những trại giam khác nhau. Những tên phát xít trung thành nhất bị giam ở Trại 44, nơi diễn ra những kế hoạch bất chính. Chán nản với cuộc đổ bộ D-Day vào tháng 6 năm 1944, các sĩ quan ĐQX chóp bu trong trại Grande-Ligne đã tham gia Câu lạc bộ Harikari, với dự định đơn vị này lên kế hoạch sẽ tiến hành cuộc chiến ở Canada nếu một khi quân Đức đầu hàng, lập mưu thủ tiêu các tù binh chống Đức, và nhiều nhân viên trại sẽ xông vào các tháp canh khống chế lính tráng ở đó rồi thoát ra ngoài càng nhiều càng tốt; cũng như tiến thẳng vào các khu công nghiệp, sân bay, phá hoại thật nhiều cơ sở hạ tầng và nhân mạng trước khi có thể bị đánh bại. Cố gắng tránh bị bắt giữ.

Đại tá W.W. Murray, giám đốc tình báo quân sự Canada báo cáo với cấp trên: “Bọn chúng nghĩ rằng phải chết trong ánh sáng vinh quang, giết địch càng nhiều càng tốt, cũng như ra sức phá hủy cơ sở hạ tầng”. Linh mục công giáo La Mã, Georg Felber, đã gửi các hạt đậu có chứa mật tin cho các sĩ quan tình báo của trại tù vào ngày 3 tháng 10 năm 1944, với nội dung tiết lộ về âm mưu động trời, xác định những kẻ cầm đầu và danh sách 100 phần tử ủng hộ. Thông tin này dược xác thực 9 ngày sau đó trong cuộc thẩm vấn tù binh kháng Đức, Alois Frank, người đến Montreal để trị bệnh. Frank đã xác định một số mục tiêu bao gồm các hố chôn đạn gần sân bay.  Danh sách tên mà Frank khai khá giống với những gì mà linh mục Felber đã mật báo. Tình báo Canada và các quan chức trại giam Grande-Ligne hết sức lo lắng cho điều tồi tệ nhất khi họ đã nghe về tổn thất trong vụ vượt ngục quy mô lớn ở Cowra (Australia) chỉ vài tuần trước đó.

Hơn 900 tù binh Nhật đã đốt cháy khu nhà tù, tấn công và khống chế toán lính canh trong 6 tháp canh và 2 đội súng máy, rồi tranh nhau leo qua hàng rào. Gần 400 tù binh đã mở đường máu thoát ra ngoài và lan đi khắp vùng nông thôn. Trong suốt 9 ngày bạo loạn đó đã có 4 lính gác và hơn 200 tù binh khác bị thiệt mạng, một số tự vẫn, hơn 100 người khác bị thương. Trại giam Grande-Ligne nằm không xa Montreal và các nhà máy công nghiệp, cảng đóng tàu, các cơ sở quân sự, sân bay. Một vụ vượt ngục quy mô lớn có thể khiến toàn bộ những thứ này ra tro. Trước hết, an ninh đã được thắt chặt tại Grande-Ligne với việc bổ sung một thiết giáp chiến đấu, súng máy hạng nhẹ, 6 súng máy hạng nặng Vicker, các bộ vô tuyến cầm tay (đề phòng đường dây liên lạc bị cắt đứt), máy phát hơi cay, lựu đạn và pháo sáng dù. Các tháp canh đã được gia cố và 6 súng máy được lắp đặt, thêm hàng rào dây kẽm gai, cũng như điều động thêm lính gác.

Tình báo Canada đã dẹp loạn Gestapo như thế nào? -0
Thú tiêu khiển giết thời gian của nhiều tù binh Đức: sửa quần áo ở trại Grande-Ligne, và đánh cờ ở trại Farnham (Sherbrooke). Ảnh nguồn: DND/LAC/PA-163785

Các trung đội dự bị thuộc Lực lượng bảo vệ cựu binh đóng quân gần đó đã trong tình trạng sẵn sàng. Các chuyến tàu chở hàng và chở khách được đặt trong tình trạng giám sát kỹ. Máy bay quân sự của Kế hoạch huấn luyện không quân khối thịnh vượng chung Anh (BCATP) đặt tại Saint-Jean có thể dùng vào mục đích do thám không phận. Ngay cả FBI cũng được mời vào cuộc. Tới tháng 12 năm 1944, Canada từ chối đề nghị của Anh nhận thêm 500.000 tù binh Đức từ các trại ở Châu Âu vốn đã quá chật chội. Trong nhật ký của mình, Thủ tướng Mackenzie King viết: “Nội các quyết không đón thêm người, bởi chúng ta đang có sẵn mối đe dọa thực sự. Có lý do để tin rằng họ (tù binh Đức) đang thành lập những đội cảm tử có thể gây rắc rối lớn sau này”.

Việc chuyển giao tù nhân đã được thảo luận. “Nguy cơ các sĩ quan ĐQX ở lại trại Grande-Ligne ngày càng trở nên rõ ràng hơn”, dẫn lo ngại của ông Eric Acland, giám đốc tình báo quân sự Canada. Cũng có ý kiến sợ rằng việc chuyển các thủ lĩnh ĐQX đến những nơi mới càng làm phát tán ý định đào tẩu hàng loạt trên khắp Canada. Sau cùng Canada đã quyết định chuyển những tên ĐQX hung hăng, xảo quyệt nhất đến Trại 130 nằm trong rặng núi Rocky gần Seebe (Alberta). Được xây dựng vào năm 1930 và mang tên trại Kananaskis, nằm cách Calgary độ 80km về hướng Tây, trại 130 có 7 tháp canh chính và 2 tháp canh phụ, xung quanh trại được bao bọc hàng rào dây điện. Sau khi phát hiện ra đường hầm đào tẩu do phạm nhân đào thì tháp canh thứ 8 được thêm vào.

Ngay nửa đêm ngày 6 tháng 2 năm 1945, hơn 100 tên cuồng phát xít ĐQX tại trại Grande-Ligne đã bị bắt. Trại đã tịch thu các phương tiện máy vô tuyến và những thứ khác nhằm thực hiện cho việc đào tẩu. Các tù nhân được chuyển tới Trại 130. Các sĩ quan trẻ muốn thực hiện các kế hoạch của Câu lạc bộ Harikari nhưng bất thành vì thiếu sự hỗ trợ. Tại trại Grande-Ligne, dưới chương trình chống phát xít hóa, lý tưởng ĐQX dần phai nhạt. Vào thời điểm Đức đầu hàng vào tháng 5 năm 1945, chủ nghĩa Quốc xã không còn là mối đe dọa cho các tù binh trong các trại giam ở Canada nữa, chủ yếu là sợ hành vi xấu sẽ làm chậm quá trình hồi hương.    

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.