Tình báo Israel đã tham gia chống lại dịch COVID-19 như thế nào?
Với sự bùng phát đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách của Israel đã quyết định huy động các cơ quan an ninh quốc gia tham gia trực tiếp vào "cuộc chiến" chống lại đại dịch và đây là nước duy nhất trên thế giới đã hành động theo cách này.
Ba cơ quan tình báo quốc gia đã được huy động trong tình huống khẩn cấp này là: Cục tình báo quân sự (MID), còn được gọi là AMAN (viết tắt của Agaf modi'in trong tiếng Do Thái); Cơ quan An ninh Israel (ISA), còn được gọi là SHABAT (viết tắt của Sherut bitahon klali trong tiếng Do Thái) và Mossad - Cơ quan tình báo đối ngoại.
Thu thập thông tin và cảnh báo sớm
Ngày 19-3-2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép thực hiện các biện pháp khác thường, trong đó bao gồm cả việc khai thác năng lực của cộng đồng tình báo (CI) trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Nhiệm vụ thường xuyên của tình báo quốc gia là đối phó với các quốc gia thù địch và những kẻ khủng bố bằng cách thu thập thông tin, phân tích và đưa ra cảnh báo, nhưng từ khi COVID-19 được coi là một cuộc khủng hoảng quốc gia, ba tổ chức tình báo của Israel đã được giao thêm nhiệm vụ thu thập thông tin về đại dịch và phân tích dữ liệu để đưa ra những cảnh báo sớm nhất.
Với các nhà lãnh đạo Israel, những cảnh báo sớm nhất về COVID-19 đến từ phía Mỹ. Đầu tháng 11-2019, NCMI (Trung tâm Quốc gia về Tình báo Y tế Mỹ) đã viết một báo cáo bí mật để cảnh báo Chính phủ Mỹ về một loại vi rút đang lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chia sẻ thông tin này với hai đồng minh: NATO và Israel. Thông tin này đã đến với các nhà hoạch định chính sách ở Israel, bao gồm cả Bộ Y tế Israel, nhưng đã không có những phản hồi ngay lập tức.
Một cảnh báo khác đến từ Giáo sư Gili Regev-Yochay, Giám đốc bộ phận Dịch tễ và Bệnh Truyền nhiễm tại Viện Gertner, Bệnh viện Tel Hashomer ở Tel Aviv. Vào giữa tháng 1-2020, Regev-Yochay đã tham dự một hội thảo y tế ở Đức, với 30 bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó có một bác sĩ Trung Quốc với các triệu chứng giống như cúm. Khi trở về Israel, Regev-Yochay cũng gặp phải các triệu chứng tương tự, tiếp sau đó là những người khác đã tham gia cuộc hội thảo. Regev-Yochay kết luận rằng tất cả họ đều đã bị nhiễm COVID-19, tại thời điểm này chủ yếu là ở Trung Quốc; Regev-Yochay đã cảnh báo Giám đốc Dịch vụ Y tế Công cộng Israel, Giáo sư Sigal Sadetsky, về khả năng bùng phát của COVID-19 ở Israel.
Để chuẩn bị đối phó, sẽ cần phải thu thập thêm thông tin về ảnh hưởng của COVID-19 và cách nó lan truyền. Sadetsky nhận ra rằng cơ quan thích hợp để thu thập thông tin này là Đơn vị-8200. Đơn vị-8200 có khả năng thu thập nhiều thông tin ngắn hạn bằng cách sử dụng trí thông minh điện tử và có khả năng phân tích nhanh chóng những dữ liệu lớn. Đơn vị-8200 và cả bộ phận nghiên cứu tình báo quân sự của MID trước đây chưa bao giờ tham gia vào việc thu thập và phân tích dữ liệu y tế dân sự. Nhưng với sự bùng phát COVID-19 ở Israel, Bộ Y tế Israel đã yêu cầu các cơ quan tình báo Israel tham gia đối phó với đại dịch, cụ thể là thu thập và nghiên cứu dữ liệu cho các nhu cầu y tế dân sự ở Israel.
Để đạt được mục tiêu này, MID đã thành lập một trụ sở chính tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Hashomer, bao gồm các nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ từ tất cả các đơn vị tình báo quân đội. Cũng theo yêu cầu của Bộ Y tế, Chính phủ Israel đã huy động đơn vị biệt kích Sayeret Matkal (Đơn vị-269) của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tham gia các vụ thử COVID-19 và hỗ trợ hậu cần y tế trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Sayeret Matkal và đơn vị 8200 đã giúp thực hiện hàng chục nghìn vụ thử vaccine mỗi tuần. Các đơn vị này cũng đã phát triển một mẫu máy thở đáp ứng các thông số và yêu cầu y tế. Bộ phận công nghệ quân sự, Đơn vị-81, còn thiết kế các dụng cụ phức tạp, chẳng hạn như màn hình phục vụ cho các hoạt động điều khiển từ xa (bao gồm cả máy thở), thiết bị bảo vệ cá nhân và xe cứu thương chuyên dụng.
Những biện pháp phi truyền thống để đối phó với đại dịch
Chính phủ Israel coi COVID-19 là một "thảm họa quốc gia". Do tỷ lệ lây nhiễm cao, Chính phủ Israel quyết định sử dụng ISA và năng lực theo dõi bằng kỹ thuật số của cơ quan này để tìm kiếm những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và những người đã tiếp xúc với người bị lây nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề này ban đầu đã gặp phải sự chỉ trích của công chúng và bị Hiệp hội các quyền dân sự ở Israel kiện lên Tòa án Tối cao.
Các biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, tất cả đều có tỷ lệ thành công đáng kinh ngạc trong việc làm giảm sự lây lan của COVID-19. Những các quốc gia này đã ra lệnh cho cán bộ y tế của họ sử dụng ứng dụng di động TraceTogether để chống lại sự lây lan của COVID-19 thông qua việc truy tìm các mối liên hệ trong cộng đồng. TraceTogether sẽ nhanh chóng thông báo cho những người chịu trách nhiệm nếu bất kỳ ai đã tiếp xúc người nhiễm COVID-19 khác. Tuy nhiên, chỉ có Israel là quốc gia duy nhất đã sử dụng cùng lúc ba cơ quan tình báo chủ lực của mình chống lại đại dịch.
Biện pháp theo dõi bằng kỹ thuật số cuối cùng cũng đã được thông qua ở Israel như một giải pháp khẩn cấp, “phi truyền thống”. Đây cũng là lần đầu tiên việc theo dõi kỹ thuật số đã được áp dụng cho dân thường Israel, nó cho phép ISA theo dõi điện thoại của các cá nhân để xác định vị trí của một bệnh nhân COVID-19, hoặc người bị nghi ngờ mang mầm bệnh cùng những người đã tiếp xúc với họ.
Tuy nhiên, ISA không được phép lưu trữ dữ liệu hoặc thu thập các cuộc trò chuyện hoặc tin nhắn từ điện thoại di động của bệnh nhân cũng như không tham gia vào việc giám sát bệnh nhân hoặc thực thi các hạn chế đi lại hay cách ly. Thay vào đó, ISA sẽ chuyển dữ liệu đến Bộ Y tế để xử lý. Xét trên thực tế, biện pháp quyết liệt này trong cuộc khủng hoảng đã cứu được mạng sống của nhiều thường dân.
Ngoài các công nghệ theo dõi ISA, các nhà khoa học Israel đã phát triển một ứng dụng điện thoại di động khác có tên là "The Shield” (lá khiên) để định vị vị trí từ các dữ liệu của điện thoại di động, so sánh nó với thông tin từ máy chủ của Bộ Y tế, những thông tin liên quan đến các trường hợp bệnh nhân có hồ sơ được xác nhận trước đó thông qua các xét nghiệm.
Vai trò của Mossad trong chống dịch
Ý tưởng sử dụng Mossad trong cuộc chiến chống lại COVID-19 bắt nguồn từ cuộc họp đầu tiên giữa Yitshak Kreiss, Tổng giám đốc Bệnh viện Y tế Sheba ở Tel Hashomer và Yossi Cohen, Giám đốc Mossad. Vào đầu tháng 2-2020, Bệnh viện Sheba nhận thấy tình trạng thiếu trầm trọng máy thở và các thiết bị y tế khác cần thiết để điều trị COVID-19. Bộ Y tế đã yêu cầu Mossad hỗ trợ ngành Y tế trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Ngay lập tức, Mossad đã giúp Bệnh viện Sheba có được những nguồn cung cấp y tế quan trọng. Thông qua hệ thống liên lạc trên khắp thế giới, Mossad đã dẫn dắt Israel nỗ lực tìm kiếm và mua các thiết bị y tế cần thiết, chủ yếu là vật liệu thử nghiệm và máy thở. Để đạt được mục tiêu này, Mossad đã thành lập một trung tâm chỉ huy và kiểm soát tại Bệnh viện Sheba và từ đó phân phối thiết bị y tế cho các bệnh viện khác của Israel.
Các đặc vụ của Mossad hiểu được tính cấp thiết trong nhiệm vụ của họ và sự khó khăn trong việc có được các thiết bị cần thiết từ các quốc gia khi mà chính họ cũng đang cần đến chúng. Bằng những cách thức rất bí mật, các đặc nhiệm Mossad đã thu thập được 1,5 triệu mặt nạ phẫu thuật, hàng chục nghìn khẩu trang N-95, bộ dụng cụ thử nghiệm, đồ bảo hộ cho lực lượng cứu hộ và nhiều loại thuốc.
Tevel, bộ phận liên lạc chính trị và hoạt động nước ngoài của Mossad đã tận dụng tối đa các mối quan hệ mà họ có ở những các quốc gia mà Israel không có quan hệ ngoại giao chính thức (ví dụ như Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) để thu mua các thiết bị y tế cần thiết. Ngoài ra, các đặc vụ của Mossad cũng tham gia vào việc đánh cắp hoặc bí mật mua lại công nghệ từ nước ngoài để sản xuất máy thở ở Israel.
Vai trò của cơ quan tình báo trong chống dịch
Việc sử dụng các cơ quan an ninh, tình báo vào thu thập dữ liệu và nghiên cứu công nghệ (vốn chỉ để đối phó với các quốc gia thù địch và các tổ chức khủng bố đe dọa công dân Israel) cho các mục đích y tế, bao gồm cả việc giám sát công cộng cũng có thể gây bất lợi. Có vẻ như sự tham gia của các cơ quan an ninh, tình báo vào lĩnh vực dân sự ở Israel lớn hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác. Nó cũng đặt ra những câu hỏi liệu có sự xung đột giữa hoạt động đó và các nguyên tắc dân chủ?
Các nhân viên tình báo quân sự có được trao quyền để tham gia vào các vấn đề dân sự? Vai trò này của các tổ chức tình báo có nên được quy định lại và thậm chí mở rộng để có thể bao gồm cả việc cung cấp thông tin tình báo cho các cơ quan dân sự của chính phủ? Và cuối cùng, có nên giới hạn hoạt động này chỉ trong các trường hợp khẩn cấp, hay nó cũng có thể được thực hiện thường xuyên hơn?
Với những thành tựu đã đạt được trong việc đối phó với đại dịch, có thể kết luận rằng việc khai thác khả năng của các cơ quan an ninh, tình báo Israel để cải thiện và bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa qua là đúng đắn. Các biện pháp quyết liệt cần được áp dụng kiên quyết trong một khoảng thời gian nhất định, tuy nhiên phải có sự kiểm soát và minh bạch trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng.