Tình báo Mỹ đã thu thập về MiG như thế nào?
Những tập hồ sơ sẽ phải dày đến hàng ngàn trang khi mà Mỹ rất muốn biết về chiến đấu cơ MiG của Nga càng nhiều càng tốt. Nó được cho là rất quan trọng để giúp cứu nhiều sinh mạng và có được chiến thắng áp đảo trên chiến trường.
Không lực Mỹ, CIA và các cơ quan khác đã thu thập và phân tích tình báo về nơi chúng được chế tạo ra, có bao nhiêu chiếc MiG đã ra lò, quá trình sản xuất, những đặc điểm kỹ thuật, triển khai, tác chiến, doanh số bán hoặc công tác vận chuyển chúng đến từng quốc gia.
Người Mỹ khao khát nghiên cứu MIG
Năm 1948, Chiến tranh Lạnh đã được hâm nóng khi Liên Xô bắt đầu phong tỏa Tây Berlin. Việc Liên Xô cung cấp các tiêm kích MiG cho các lực lượng Đông Âu càng làm gia tăng mối đe dọa mà chúng gây ra đối với các lực lượng không quân Mỹ và đồng minh.
Sau đó, Chiến tranh Lạnh tăng nhiệt ở Hàn Quốc khi những chiếc tiêm kích MiG-15 do phi công Liên Xô lái đến Trung Quốc để đối đầu với các chiến cơ F-86 Sabre của không lực Mỹ. Tháng 8 năm 1950, máy bay trinh sát RB-29 đã phát hiện 122 tiêm kích MiG trên bầu trời vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Theo một cựu quan chức CIA thì Mỹ có nhiều “tình báo liên lạc” về hoạt động MiG ở Hàn Quốc – mặc dù việc chuyển đổi tần số liên lạc từ HF sang VHF (giai đoạn 1951-1952) đã khiến các viên chức của Nhóm an ninh không quân Mỹ hết sức chật vật nhằm thiết lập khả năng đánh chặn. Thông tin tình báo này có được nhờ các hoạt động đánh chặn vô tuyến trong chiến đấu, trong đó người Nga dùng tiếng mẹ đẻ của họ làm phơi bày quốc tịch của các phi công.
Người Mỹ cũng nuôi tham vọng tự có riêng một chiếc MiG. Đầu năm 1951, chỉ huy các lực lượng không quân đồng minh ở Hàn Quốc muốn có một chiếc MiG-15 hoàn chỉnh, và lực lượng Mỹ đã may mắn có được một chiếc như thế trên chiến trường. Năm 1953, một phi công CHDCND Triều Tiên đã lái một chiếc MiG-15 bay thẳng đến Hàn Quốc.
Việc kiểm tra khí động học của chiếc MiG-15 đã hé lộ sức mạnh thiết kế của nó, tuy nhiên công nghệ động cơ và điện tử của nó lại thua xa so với Hoa Kỳ. Các điệp viên Mỹ cũng theo dõi tiêm kích MiG ở Liên Xô và Đông Âu. Những chiếc camera chất lượng cao được gắn trên mái tòa đại sứ quán Mỹ ở Moscow đã chụp ảnh MiG khi chúng bay trên khu vực gần điện Kremlin trong những cuộc triển lãm hàng không.
Bắt đầu từ tháng 7 năm 1956, Mỹ dùng máy bay trinh sát U-2 để chụp ảnh các sân bay và nhà máy, và các tiêm kích MiG đã đánh chặn U-2 trong vô vọng. Tháng 10 năm 1957, phi công Hervey S. Stockman đã trở về căn cứ với những bức ảnh độ nét cao về các căn cứ MiG trên bán đảo Kola cũng như tiêm kích MiG-19 bay bên dưới máy bay. Những bức ảnh này đã lột tả sự chân thực của tiêm kích MiG trái ngược hoàn toàn với những bức ảnh do Liên Xô công bố.
Các điệp viên Mỹ cũng thu thập tình báo con người. Năm 1952, nguồn tin CIA báo cáo về những đặc điểm kỹ thuật được nhìn thấy ở các tiêm kích MiG-15 tại CHDC Đức (cũ). Tháng 4 năm 1957, CIA cho công bố một báo cáo là sản phẩm phối hợp chung giữa Không lực Mỹ - CIA chuyên tập trung vào những chi tiết kỹ thuật đối với những chiếc tiêm kích MiG-15 và MiG-17 thuộc Không lực Hungary.
Trong số các chi tiết có thông tin về trọng lượng tịnh, thân máy bay, cấu trúc cánh, động cơ đẩy, thiết bị điện tử, radar cảnh báo ở đuôi, cùng vũ khí trang bị cho tiêm kích MiG-17. Một sản phẩm của nhiều công sức nỗ lực thu thập đã dẫn đến một báo cáo của CIA vào tháng 4 năm 1954 liên quan đến quá trình chế tạo MiG-15 tại chuỗi nhà máy ở Kuybyshev và Novosibirsk trong giai đoạn 1950 đến 1952.
Máy bay trinh sát U-2 tiếp tục chụp hình ảnh về tiêm kích MiG trên khắp thế giới trong suốt thập niên 1960, từ loại tiêm kích MiG-21 tại sân bay Santa Clara ở Cuba vào ngày 5 tháng 9 năm 1962, cho đến một cuộc xuất kích vào năm 1964 đã hé lộ ra 34 chiếc tiêm kích MiG-15 và MiG-17 tại một sân bay mới xây dựng khi đó ở Phúc Yên (miền Bắc Việt Nam).
Đến tháng 11 năm 1965, Mỹ đã có được Sách hướng dẫn các kỹ thuật phi công và mục đích sử dụng quân sự của MiG 21F-13 của Liên Xô, sách này bao gồm 265 trang gồm các chương nói về tìm kiếm và đánh chặn, cũng như hoạt động không chiến giữa tiêm kích MiG-21 và chiến cơ đối phương, bao gồm phạm vi (từ 3 đến 6 dặm) cho đến đạt xác suất tầm sát bằng cách dùng tên lửa R-3S của máy bay.
Đến năm 1966, Mỹ có nhiều hơn sách hướng dẫn khi một phi công của Không lực Iraq lái chiếc tiêm kích MiG-21 bay đến Israel. Sau khi được bí mật kiểm tra ở Israel, chiếc máy bay được chuyển đến Groom Lake (Nevada, Mỹ) nơi các chuyên gia Mỹ đã lái nó để xác định một số giới hạn đáng kể về khí động học.
Những năm sau đó, Trung tâm giải mã hình ảnh quốc gia (NPIC) của CIA đã khai thác hình ảnh tiêm kích MiG do các cảm biến trên không cung cấp. Tháng 2 năm 1966, một lần nữa NPIC đã tung báo cáo về tình hình Phúc Yên (Việt Nam) hé lộ rằng vào ngày 23 tháng 12 năm 1965, 7 chiếc tiêm kích MiG-21 và 4 chiếc máy bay phủ bạt được chụp ảnh trên sân bay.
NPIC khi ấy cũng chụp ảnh tiêm kích MiG bay qua lại giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Báo cáo tháng 12 năm 1966 của NPIC cho hay có 2 tiêm kích MiG đang bay, 1 chiếc trang bị tên lửa không đối không Atoll, trong khi chiếc khác mang ít nhất một vỏ tên lửa UB-16-57 - lần đầu tiên người Mỹ hay biết rằng MiG-21 ở miền Bắc Việt Nam có trang bị vỏ bọc tên lửa. Ngoài ra các nguồn mở và nguồn nhân lực cũng hé lộ việc mua và chế tạo MiG ngoài lãnh thổ Liên Xô.
Báo cáo tháng 5 năm 1965 của CIA mang tựa đề “Các nhà máy MiG-21 của Liên Xô ở Ấn Độ: Tiến bộ và triển vọng”, báo cáo này đề cập đến thỏa thuận Xô-Ấn, vị trí và chức năng của các nhà máy, kế hoạch xây dựng, chi phí dự kiến, cùng các kế hoạch của Ấn Độ sản xuất ra những bộ phận căn bản từ vật liệu thô…. Các cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục theo dõi Mig-21 ở Đông Âu và Liên Xô.
Ước tính tình báo quốc gia về Hiệp ước Warsaw năm 1969 khẳng định rằng các mẫu MiG-21 hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết đang chiếm hơn 95% máy bay trong các trung đoàn phòng không của Liên Xô, và loại MiG-21 được chế tạo từ 8 đến 9 phiên bản mà phiên bản mới nhất ở CHDC Đức có các khả năng tải trọng được cải tiến và radar đánh chặn đường không được cải tiến.
Phân tích tình báo từ hình ảnh vũ khí
Trong nhiệm vụ đầu tiên của mình, ngày 15 tháng 6 năm 1971, một tên lửa Titan-3D đã được phóng vào quỹ đạo, nó cũng là mẫu phần cứng do thám tinh vi nhất từng được phát triển. Hệ thống trinh sát ảnh KH-9 (hoặc Hexagon) với độ phân giải từ 30cm đến 60,9cm cuối cùng đã thay thế cho hệ thống vệ tinh Corona khi người Mỹ muốn tìm kiếm những khu vực rộng lớn hơn trên lãnh thổ hải ngoại, mà cụ thể là Liên Xô.
Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 1960, vệ tinh Corona đã giúp Mỹ có được hình ảnh chính xác nhất về tiêm kích MiG kèm thông tin tình báo về sân bay, các khu huấn luyện cùng các hoạt động triển khai. Tuy nhiên KH-9 lại là một cải tiến đáng kể khi nó có khả năng chụp nhiều ảnh trên một lãnh thổ bao la với độ phân giải cao, theo tuyên bố của cựu quan chức cấp cao Dino A. Brugioni (của NPIC).
Sau đó đến năm 1974, tình báo Mỹ đã cung cấp đề xuất đầu tiên rằng loại tiêm kích MiG-23 đã được mua bởi Không lực Syria. Một thông điệp “được làm sạch” đề ngày 4 tháng 4 năm 1974 gửi từ CIA cho Nhà Trắng có đoạn: “Liên Xô đã cung cấp cho người Syria các loại chiến cơ MiG-23 và huấn luyện phi công Syria cách tác chiến”.
Những báo cáo kiểu đó đã được đưa ra với tần suất ngày càng tăng. Năm 1978, một dân tị nạn Cuba báo cáo rằng một toán tiêm kích MiG đã đến Cuba, lời tuyên bố này đã được xác nhận bởi vệ tinh do thám. Để rõ thực hư, Tổng thống Jimmy Carter đã hạ lệnh tái nối lại sứ mệnh SR-71 tại Cuba vốn bị đình lại từ năm 1977. Có những ý kiến phân vân cho rằng những chiếc MiG không chỉ có MiG-23 mà còn cả MiG-27 (phiên bản tấn công mặt đất của MiG-23) mà có thể trang bị vũ khí hạt nhân cũng như khả năng luồn sâu vào lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên việc chụp ảnh trên cao đã không nhận ra được những đặc điểm khác biệt giữa 2 loại máy bay, ngay cả là chụp hình ảnh bằng trinh sát cơ chiến lược SR-71. Các nhà thông dịch hình ảnh Mỹ đã tìm đến một tạp chí Cuba khi có đăng tải hình ảnh chiếc MiG được điều tra, và họ quả quyết rằng nó đích thị là loại tiêm kích MiG-23. Hồi cuối thập niên 1970, Mỹ đánh giá cao về MiG, một sự đánh giá không thể có được từ các bức ảnh.
Năm 1977, chương trình Constant Peg (sự tiếp tục nỗ lực phi đội xâm lược bắt đầu trong một thập kỷ ở Nevada) đã khởi động. Dưới các nỗ lực này, phi công Mỹ đã chiến đấu với các loại tiêm kích MiG-17, MiG-21 và MiG-23 và đạt được một số thành tích khiêm tốn. Các phi công Mỹ đã có những hiểu biết nhất định các hoạt động huấn luyện MiG được tiến hành tại trạm không quân Tempelhof (Tây Berlin). Cựu tham mưu trưởng không quân, Tướng Merrill A. McPeak hé lộ: “Ngay từ ban đầu, MiG đã gây ấn tượng. Nhưng nếu chiến đấu theo phương thẳng đứng thì các phi công MiG rất nhanh kiệt sức”.
Trong lời thuyết trình trước Quốc hội Mỹ vào năm 1984, Tướng Lawrence A. Skantze (Phó tham mưu trưởng không quân Mỹ) đã mô tả về khả năng của tiêm kích MiG-29 Fulcrum: “khả năng tấn công được tối ưu hóa, tăng tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng, khả năng bắn hạ, bán kính chiến đấu được cải thiện”. Tháng 7 năm 1984, Thiếu tướng Không quân Mỹ, Michael V. Hayden (tướng 4 sao, Giám đốc CIA) đã bắt đầu chuyến công du 2 năm trong tư cách tùy viên hàng không tại Đại sứ quán Mỹ ở Sofia (Bulgaria).
Hơn 2 thập niên sau đó, ông Hayden đã nhớ lại công tác thu thập tình báo về tiêm kích MiG khi phát biểu với Ủy ban tình báo lựa chọn hạ viện Mỹ (SSIC): “Tôi cố gắng chụp ảnh những chiếc MiG-23 cất cánh ở các sân bay Bulgaria nhằm hiểu xem chúng thuộc loại tiêm kích nào”. Đầu năm 1982, một bản ghi nhớ của phó giám đốc tình báo của CIA, Robert M. Gates, đã lưu ý “công tác xây dựng vài sân bay ở Nicaragua có tiềm năng trở thành các căn cứ cho chiến cơ MiG”.
Đến tháng 10 năm 1984, các nhà phân tích tình báo Mỹ kết luận rằng MiG-21 có thể đã được chất lên con tàu Liên Xô Bakuriani và trực chỉ đến đâu đó ở Trung hoặc Nam Mỹ. Một chiếc trinh sát cơ SR-71 đã nhìn thấy tàu Bakuriani trên vịnh Mexico và cho thấy rõ ràng Cuba không phải là điểm đến. Ngày 7 tháng 11 năm 1984, con tàu cập cảng Corinto (Nicaragua), liền sau đó trinh sát cơ SR-71 cũng lượn lờ phía trên cảng. Người Mỹ sợ những chiếc MiG lọt vào tay của Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino (viết tắt Sandinistas).
Ngày 26 tháng 2 năm 1990, báo cáo ngắn từ Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ (NIC) cho biết: “Những chiếc MiG-29 đang ở Cuba”, theo đó Cuba đã nhận ít nhất 7 chiếc và có lẽ sẽ thành lập phi đội bay 12 chiếc. Mặt khác, MiG-29 sẽ tham gia thực chiến vào giữa năm 1991, cải thiện năng lực của Cuba đe dọa các chuyến bay do thám của Mỹ”. Thập niên 1990 cũng chứng kiến các thương vụ mua mới MiG-29 trên thế giới.
Cuối thập niên 1990, tình báo Không lực Mỹ đã có được phiên bản hoàn chỉnh của MiG-29. Tháng 10 năm 1997, Mỹ mua 21 chiến cơ của Cộng hòa Moldova, bao gồm tiêm kích MiG-29UB. Gần 2 thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, nhu cầu thu thập tình báo về MiG không hề thuyên giảm, Nga vẫn liên tục sản xuất và bán các phiên bản MiG tinh chỉnh. Năm 2007, Nga trình làng MiG-35. Tháng 3 năm 2010, Ấn Độ nhất trí mua 29 tiêm kích MiG-29 với giá 2 tỷ USD.