Trò chơi điện tử hay công cụ của Lầu Năm Góc và CIA
Chỉ sau 10 ngày đầu tiên ra mắt công chúng, trò chơi điện tử Call of Duty: Modern Warfare II đã thu được khoản doanh thu lên đến 1 tỷ USD. Đây lại là một thắng lợi nữa của nhà phát triển series Call of Duty (CoD) Activision Blizzard, tập đoàn sở hữu nhiều series game ăn khách khác như Warcraft, Tony Hawk’s Pro Skater, Crash Bandicoot và Candy Crush.
Vậy nhưng sau thành công của CoD và Activision Blizzard, không ít nhà quan sát đang đặt câu hỏi về tính trung lập của những trò chơi điện tử trong bối cảnh cả ngành game Mỹ đang duy trì mối quan hệ gần gũi với CIA và Bộ Quốc phòng nước này.
Toan tính của Lầu Năm Góc
Mối quan hệ giữa ngành sản xuất game và quân đội Mỹ bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1970, đầu 1980. Khi đó Lầu Năm Góc nảy ra ý tưởng sử dụng game như một công cụ trực quan huấn luyện binh sỹ. Vào năm 1980, hãng máy tính – phần mềm Atari cho ra mắt công chúng trò chơi điện tử xèng “Battlezone”. Người chơi hóa thân vào vai một người lính điều khiển chiếc xe tăng trên chiến trường. Một nhóm các sỹ quan quân đội Mỹ bèn tìm đến Atari và yêu cầu họ dựa trên “Battlezone” để làm ra một phần mềm mô phỏng việc lái xe chở bộ binh Bradley. Thay vì ký kết hợp đồng cung cấp phần mềm với một nhà sản xuất vũ khí chuyên nghiệp, quân đội Mỹ chọn Atari nhằm “lách” những quy định yêu cầu phải công khai nội dung các hợp đồng quân sự cho quốc hội.
Sau một thời gian sử dụng sản phẩm của các nhà phát triển game để huấn luyện binh sỹ, Lầu Năm Góc mới nhận ra một lợi ích khác của trò chơi điện tử: hỗ trợ tuyển quân. Chiến tranh Việt Nam và gần đây hơn là chiến tranh Iraq đã giáng những đòn mạnh vào uy tín của quân đội Mỹ.
Theo khảo sát mới nhất của Lầu Năm Góc, chỉ 9% số người trẻ Mỹ được hỏi mong muốn nhập ngũ. Lục quân Mỹ mới chỉ đạt 40% chỉ tiêu, trong khi không quân còn thiếu 4.000 chỉ tiêu. Bộ Quốc phòng Mỹ mong rằng những trò chơi điện tử bắn súng góc nhìn người thứ nhất (gọi tắt là FPS) sẽ giúp cải thiện hình ảnh của họ trong mắt thanh thiếu niên Mỹ, từ đó vực dậy việc tuyển quân.
Ban đầu Lầu Năm Góc trực tiếp tham gia quá trình sản xuất trò chơi. Vào năm 2002, họ phát hành game FPS “America’s Army”, một trò chơi “tái hiện sinh động” quá trình chiến đấu của người lính Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy “America’s Army” đã đạt một số thành công nhất định nhưng vẫn chưa làm vừa lòng Bộ Quốc phòng Mỹ. Họ bèn thay đổi cách tiếp cận bằng việc gây ảnh hưởng lên các công ty game.
Sau thành công của “Call of Duty 4: Modern Warfare” (2007), đại diện của Lầu Năm Góc tìm đến Activision với một lời đề nghị: Quân đội Mỹ sẽ cho Activision quyền tiếp cận bất kỳ loại khí tài quân sự nào họ muốn. Đổi lại, quân đội Mỹ có quyền yêu cầu sửa đổi bất kỳ yếu tố nào trong kịch bản các tựa game CoD sau này. Lầu Năm Góc xây dựng mối quan hệ với Hollywood bằng những “thương vụ” tương tự. Để đổi lấy việc lấy được xe tăng, máy bay chiến đấu, v.v… làm đạo cụ, các bộ phim chiến tranh Mỹ như “Saving Private Ryan” phải được duyệt kịch bản trước bởi Bộ Quốc phòng Mỹ rồi mới đem khởi quay.
Activision Blizzard nhanh chóng chấp nhận đề nghị nói trên. Nhà báo Tom Secker viết trên tờ MintPress News: “Những người chịu trách nhiệm sản xuất CoD có “đường dây nóng” nối thẳng đến văn phòng Bộ tổng chỉ huy… Họ được phép yêu cầu quân đội cho xem xét trực tiếp và trên giấy tờ kể cả những loại khí tài hiện đại như xe tăng M1A Abrams, máy bay vận tải C-130 hay tàu đổ bộ đệm khí LCAC”.
Tom Secker là người đã điều tra ra một cuộc gặp mặt bí mật giữa giám đốc sản xuất CoD Coco Francini và các quan chức không quân Mỹ tại căn cứ Hurlburt Field. Tại đây Coco Francini đã được tham quan những trang thiết bị khí tài tối mật của các đơn vị đặc nhiệm không quân. Một phát ngôn viên của Không quân Mỹ viết trong biên bản ghi nhớ: “Đưa Coco xem buổi huấn luyện đổ bộ sau lưng địch có máy bay AC-130 và trực thăng CV-22 tham gia. Khách mời hoàn toàn bị thuyết phục. Những người như Coco là “đồng minh” tương lai trong việc quảng bá năng lực của không quân trên màn ảnh”.
Lầu Năm Góc không chỉ muốn quảng bá năng lực của quân đội, họ còn làm cái việc của một cơ quan ngoại giao nữa. Theo tờ Washington Post, vào năm 2010, nhà phát triển Danger Close Games tiếp cận Bộ Quốc phòng để nhờ giúp đỡ trong việc sản xuất tựa game “Medal of Honor: Warfighter”.
Nhân vật chính trong trò chơi là những người lính đặc nhiệm SEAL tham gia nhiệm vụ chống khủng bố toàn cầu. Một trong những đối phương trong game mang bộ quân phục của quân đội Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu rút khỏi kịch bản mọi yếu tố có liên quan đến Trung Quốc vì hai nguyên nhân: “không muốn đẩy cao căng thẳng” và “tránh bộc lộ bất kỳ tính toán chiến thuật của quân đội Mỹ”.
Nhiều nhà quan sát không khỏi lo ngại về sự can thiệp của quân đội Mỹ với nội dung của trò chơi điện tử. Nhà báo Tim Holland viết trên tờ The Intercept: “Những tựa game như CoD biến chiến tranh trở thành một điều gì đó dễ dàng và thú vị hơn nhiều so với cuộc sống tẻ nhạt thường ngày…
Các chuyên gia giáo dục hay coi nhẹ trò chơi điện tử. Họ không biết rằng chính sự “thiếu nghiêm túc” của game lại khiến thông điệp mà chúng truyền tải dễ dàng tới với khán giả hơn. Một thanh niên có thể ngồi nghe sỹ quan tuyển quân nói hàng tiếng liền mà vẫn không chịu đi đăng lính. Cũng anh thanh niên đó ngồi chơi điện tử 2, 3 tiếng thôi là đã bị “lóa mắt” mà ký tên ngay vào đơn xin nhập ngũ”.
Đằng sau tấm rèm
Trái với mối quan hệ giữa Lầu Năm Góc và các nhà sản xuất trò chơi điện tử diễn ra gần như công khai, công chúng Mỹ ít biết về những “đường dây” liên kết CIA với ngành công nghiệp game. Theo những tài liệu mật được cựu nhân viên CIA Edward Snowden đưa ra ánh sáng, mọi chuyện bắt đầu sau khi Blizzard phát hành tựa game online “World of Warcraft”. Do có quá nhiều người trẻ Mỹ khi đó chơi “World of Warcraft” nên CIA, NSA, FBI và tình báo quân đội Mỹ mới có “ý tưởng” cho đặc vụ chơi game. Những đặc vụ “nằm vùng” này được giao nhiệm vụ phát hiện những thanh thiếu niên mang tư tưởng cực đoan.
Có thời điểm trong “World of Warcraft” có nhiều gián điệp đến mức hai người theo dõi nhau mà không biết người kia là đặc vụ. Những cơ quan nói trên phải họp nhau lại để thành lập một tổ quản lý chung nhằm tránh việc trùng lặp, “lấn sân” nhiệm vụ của nhau. Đại diện của NSA viết trong biên bản cuộc họp rằng “Game online là “kho báu” thông tin đối với ngành tình báo”.
Từ đó đến nay, thế giới đã chứng kiến việc CIA và các cơ quan tình báo Mỹ khác xây dựng sự hiện diện của mình ngay trong lòng các công ty trò chơi điện tử. Chỉ mới cách đây nửa năm thôi, Activision Blizzard đề bạt Frances Townsend lên chức phó giám đốc nội vụ tập đoàn. Công chúng Mỹ biết nhiều đến Townsend hơn trong vai trò nguyên giám đốc tình báo lực lượng tuần duyên bờ biển Mỹ và phó giám đốc cục chống khủng bố dưới thời nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Condoleezza Rice. Trong những vai trò trên, bà Townsend đã “đóng góp” sức mình trong việc cung cấp thông tin sai sự thật cho công chúng Mỹ để gây sự ủng hộ cho cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Sau khi thông tin về việc tù nhân Iraq giam giữ tại nhà tù Abu Ghraib bị tra tấn được báo chí Mỹ phanh phui, Frances Townsend là một trong những tiếng nói to nhất trong chính trường bào chữa cho những quản giáo đã tra tấn tù nhân. Chưa hết, theo lời khai của nguyên Thiếu tá Steven L. Jordan quản lý nhà tù Abu Ghraib, chính Townsend yêu cầu các quản giáo phải tra tấn nhiều hơn nữa để khai thác thêm thông tin tình báo.
Bà Frances Townsend trở thành lãnh đạo của Activision Blizzard trong khi vẫn giữ trọng trách cố vấn cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức được cho là “dấu gạch ngang” giữa CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ và chính quyền các nước đồng minh NATO. Đạo diễn, nhà thiết kế game Dave Anthony, một trong những người trực tiếp phụ trách CoD, cũng là cố vấn cho Hội đồng Đại Tây Dương. Tờ The Intercept hé lộ Dave Anthony là người đã giới thiệu Frances Townsend cho Ban giám đốc Activision Blizzard.
Bà Frances Townsend chỉ là một trong số nhiều cựu quan chức tình báo Mỹ hiện giữ các chức vụ quan trọng trong những tập đoàn game ở Mỹ. Có thể kể đến Brian Butalao (cựu giám đốc hoạt động của CIA, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao), Brett Wahlin (nguyên đặc vụ phản gián của CIA) và Kevin Chalker (nguyên đặc vụ CIA, giám đốc công ty cố vấn an ninh mạng Global Risk Advisors).
Một luồng ý kiến trong dư luận Mỹ cho rằng các nhà phát triển game chỉ đang làm điều mà nhiều tập đoàn khác đã làm từ lâu: Thuê những cựu quan chức để “kiếm lời” từ mối quan hệ của họ với chính phủ. Chuyên gia nghiên cứu Ben Freeman của Viện nghiên cứu chiến lược Quincy không đồng tình với quan điểm trên: “Không thể phủ nhận tính toán của các công ty game muốn kiếm lợi cho mình, nhưng chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của các vị quan chức này lên nội dung nhiều game ra mắt trong thời gian gần đây”.
Ben Freeman lấy “Call of Duty: Modern Warfare II” làm ví dụ. Nhiệm vụ đầu tiên mà game giao cho người chơi là kích hoạt một cuộc ném bom bằng máy bay không người lái nhắm vào tướng Iran Ghorbrani. Nhân vật Ghorbrani được xây dựng dựa trên hình mẫu của Qassem Soleimani, vị tướng Iran bị chính phủ Mỹ ám sát tại Iraq bằng máy bay không người lái hồi năm 2020.
Lý do được “Call of Duty: Modern Warfare II” đưa ra cho việc ám sát Ghorbrani là nhân vật này đang tài trợ cho khủng bố muốn tấn công nước Mỹ. Đây cũng là lý do Lầu Năm Góc đưa ra cho vụ tấn công trái phép nhắm vào tướng Qassem Soleimani. Trên thực tế ông Soleimani ở thủ đô Baghdad của Iraq khi đó để đàm phán nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ảrập Xê-út. Vị tướng Iran được Thủ tướng Iraq khi đó là Adil Abdul-Mahdi mời đến để hội đàm.
Đây không phải lần đầu tiên CoD đặt người chơi vào nhiệm vụ ám sát các quan chức ngoại quốc. Series này đã từng chịu chỉ trích khi yêu cầu game thủ tìm cách giết hại hai nhân vật dựa trên hình mẫu lãnh tụ Fidel Castro (Cuba) và Hugo Chavez (Venezuela). Ben Freeman nhận xét: “CIA bị cấm hoạt động trên đất Mỹ, nhưng điều đó sẽ không cản họ tìm cách “tẩy trắng” cho những hoạt động của mình. Bằng việc đưa những bối cảnh dựa trên những chiến dịch có thật do họ tổ chức, CIA muốn người chơi tự đặt họ vào vị trí đồng thuận với những gì CIA làm… Điều mà CIA sợ nhất là mất đi sự ủng hộ của công chúng và quốc hội Mỹ như những gì đã xảy ra sau vụ Watergate”.
Vào tháng 7-2020, hạ nghị sỹ Alexandria Ocasio-Cortez đã đệ trình lên quốc hội dự thảo luật cấm quân đội Mỹ và các cơ quan chính phủ sử dụng trò chơi điện tử vào mục đích tuyên truyền. Tuy dự thảo luật không nhận được đủ số phiếu bầu nhưng đã gây ra ấn tượng nhất định đối với công chúng Mỹ. Đây có lẽ là lần đầu tiên báo chí Mỹ đề cập đến vấn đề có nên để lớp thanh niên nước này chịu ảnh hưởng từ Lầu Năm Góc và CIA không. Hoàn toàn có khả năng những cuộc tranh luận này sẽ dẫn đến những sự thay đổi lớn trong ngành game Mỹ sau này.