TRT - Đội phản ứng chiến thuật của Australia

Thứ Ba, 17/10/2023, 08:57

Đội phản ứng chiến thuật (TRT) là đơn vị tinh nhuệ hàng đầu của cơ quan thực thi pháp luật Australia. Thường xuyên tuyển dụng nhân lực từ các lực lượng đặc nhiệm trước đây, các thành viên TRT được đào tạo bài bản về những dạng môi trường chiến đấu ở thành thị, nông thôn và biển cả.

TRT hoạt động dưới sự điều động của Cảnh sát liên bang Australia (AFP), trao cho họ nhiều khả năng bảo vệ lợi ích của Australia cả trong nước và quốc tế. TRT thực hiện những hoạt động bắt giữ có mức độ rủi ro cao, thực hiện lệnh khám xét, hỗ trợ chiến thuật cho các hoạt động điều tra cũng như đào tạo những lực lượng khu vực. 

Bối cảnh ra đời

Kể từ khi kết thúc Thế chiến II, Mỹ đã thống trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Australia từ lâu đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ thông qua những thỏa thuận như ANZUS, Quad, Ngũ Nhãn và gần đây nhất là AUKUS. Ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực cũng như vị thế địa lý của Australia đồng nghĩa Australia hưởng mức độ an toàn cao: không phải đối phó với những mối đe dọa nghiêm trọng từ quân đội nước ngoài. Australia đã dẫn đầu các nhiệm vụ giữ gìn hòa bình hoặc tình nguyện tham gia các cuộc xung đột theo phe đồng minh phương Tây kể từ thời Chiến tranh lạnh. Trong Đánh giá quốc phòng chiến lược 2023 (DSR 2023), Australia phải bảo vệ lợi ích kinh tế và mối quan hệ của mình với các láng giềng trong khu vực. Ưu tiên của Australia là không cho phép bất ổn trong nước hoặc nước ngoài tạo cơ hội cho đối thủ.

TRT - Đội phản ứng chiến thuật của Australia -0
Các sĩ quan của Đội phản ứng chiến thuật (TRT) đang canh giữ nghi phạm bị bắt trong chiến dịch đặc biệt Ironside năm 2021.

Lãnh thổ Australia bao gồm nhiều quần đảo ở Tây Bắc và phía Đông của lục địa Australia, lớn nhất trong số đó là 2 quần đảo Christmas và Norfolk cũng như lãnh thổ Nam Cực. Nam Cực đang ngày càng trở thành khu vực lợi ích chiến lược cho các siêu cường. Mặt khác, vấn đề chủ nghĩa khủng bố cũng được Australia hết sức quan tâm. Theo đó đất nước này hiện đứng ở vị trí thứ 69 về chỉ số khủng bố toàn cầu. Từ năm 2014, Australia đã hứng chịu 29 vụ tấn công có động cơ tôn giáo. Phần lớn những cuộc tấn công này được thực hiện bằng vũ khí gây cháy và cận chiến. Rất hiếm những vụ tấn công liên quan đến súng. Năm 2023, AFP đã vạch rõ rằng những tổ chức nhỏ và những phần tử hành động đơn độc đang ngày càng trở nên cực đoan hóa.

Hiện thời AFP đang đặt tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TSOC) thành trọng tâm hành động chính trong báo cáo bức tranh mối họa tội phạm năm 2023. Ít nhất 70% các mối đe dọa TSOC của Australia đến từ nước ngoài hoặc có những mối liên kết với hải ngoại. TSOC là thủ phạm tuyên truyền bạo lực chính ở Australia với nhiều băng đảng tranh giành quyền lực. Tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng ước tính đã gây thiệt hại 38,9 tỷ USD cho nền kinh tế Australia giai đoạn 2020-2021. Buôn lậu ma túy là thị trường béo bở cho tội phạm có tổ chức. Cần sa là thứ được dùng phổ biến ở Australia, phần lớn được canh tác nội địa. Chỉ trong năm qua đã thấy đà gia tăng nhu cầu dùng ma túy đá ở Australia. Đông Nam Á đang chứng kiến sự gia tăng sản xuất và buôn lậu ma túy trong những năm gần đây. Các tổ chức tội phạm có tổ chức Australia đều nhúng tay vào. Hầu hết ma túy tổng hợp trên thị trường Australia đến từ Tam Giác Vàng.

Australia có tỷ lệ người sử dụng cocaine cao nhất trên toàn cầu, đạt đỉnh năm 2020. Mức sử dụng nó đã tăng 68% giai đoạn 2016 - 2019. Giá cocaine ở Australia cao thứ 3 thế giới ở mức 263 USD/gram, có thể là do những trở ngại khi tuồn nó vào trong nước. Nghiệp đoàn tội phạm Ndrangheta là những tay chơi chính trong cảnh quan tội phạm có tổ chức ở Australia. Có 14 nhánh Ndrangheta đang hùng cứ trên khắp nước Australia quy tụ hàng ngàn tên. Cũng có nhiều băng xã hội đen khác hiện hoạt động ở nước này, chúng bao gồm các băng từ Trung Đông, Các câu lạc bộ quái xế phi pháp (OMC) và các nghiệp đoàn Mỹ Latinh.

Một lịch sử biến động

Suốt 60 năm, Australia đã duy trì các đơn vị TRT tinh nhuệ liên bang dưới nhiều hình thức khác nhau. Ban đầu dưới sự chỉ đạo của Cảnh sát khối thịnh vượng chung, vào năm 1964 họ đã thành lập nên biệt đội có vũ trang làm đơn vị chủ chốt trong những tình huống rủi ro cao. Năm 1978, sau vụ đánh bom khách sạn Sydney Hilton, họ đã thành lập nên Phân đội tác chiến chống khủng bố bằng cách dùng các thành viên từ Trung đoàn không quân đặc biệt của quân đội Australia (SASR). Sau khi thành lập Cảnh sát liên bang Australia (AFP) họ đã thành lập nên Đội tác chiến đặc biệt (SOT) năm 1983. Đơn vị này đã trải qua sự hợp tác đào tạo chặt chẽ với SASR. Sau loạt sự kiện 11/9, SOT ngày càng thích ứng đáng kể với mối họa khủng bố đang gia tăng. Năm 2002, AFP sáng lập nên Đội an ninh và phản ứng chuyên biệt (SRS).

Năm 2005, đặt dưới quyền của Nhóm triển khai quốc tế, Nhóm phản ứng hành động (ORG) đã ra đời và hoàn thành các yêu cầu nước ngoài của AFP. Đến năm 2012 là năm đánh dấu sự hợp nhất của SRS và ORG thành Nhóm phản ứng chuyên biệt (SRG). Khoảng năm 2015, Chương trình sĩ quan an ninh hàng không đã trở thành một phần của SRG. SRG được thành lập như một giải pháp hỗ trợ lẫn nhau về trật tự trị an. Sự tồn tại của TRT đã được AFP chính thức thừa nhận vào 7/3/2023. Nếu không có phù hiệu rõ ràng, đơn vị này dễ bị nhầm lẫn với Nhóm chiến thuật cảnh sát (PTG). Lần xuất hiện đầu tiên trên báo chí của TRT là một ấn bản đăng trên tạp chí Flashbang năm 2019, trong bài báo đó, nền tảng, thiết bị và danh tính của TRT đã được nêu rõ. Những hình ảnh đầu tiên về lính tráng TRT đã được ghi lại từ đầu năm 2017. TRT đóng tại Canberra, thủ đô Australia, không rõ quân số đơn vị này có bao nhiêu người.

TRT - Đội phản ứng chiến thuật của Australia -0
TRT hoạt động trong tập trận hàng hải.

Vai trò an ninh quốc gia

TRT hoạt động với tư cách là một trong những nhóm chiến thuật (PTG) của AFP, mỗi lực lượng trong cảnh sát quốc gia thường duy trì PTG để đối phó với tội phạm có có vũ trang, các tình huống bắt giữ con tin và khủng bố. Quá trình tiêu chuẩn hóa các PTG được bắt đầu sau vụ đánh bom khách sạn Sydney Hilton năm 1978. Mỗi lực lượng cảnh sát có các đơn gọi PTG khác nhau, đáng chú ý là Đơn vị tác chiến chiến thuật New South Wales (TOU) và Nhóm tác chiến đặc biệt Victoria (SOG). TRT là PTG của AFP, hoạt động dưới quyền của Tư lệnh bảo vệ đặc biệt. Do vậy, TRT là đơn vị tinh nhuệ nhất mà cơ quan thừa hành pháp luật Australia cung cấp. “Không gì sánh được TRT”, dẫn phát biểu của giám đốc AFP, Phillippa Connell. TRT là PTG duy nhất có thẩm quyền trong nước và quốc tế.

Quân đội Australia cũng duy trì một đơn vị chống khủng bố và giải cứu con tin có tên gọi là Nhóm tấn công chiến thuật (TAG). TAG được chia thành các đơn vị Tây và Đông. Đơn vị Tây thu hút các thành viên từ Trung đoàn không quân đặc biệt; trong khi  Đơn vị Đông lại có nhân sự đến từ Trung đoàn biệt kích số 2 cùng các đội lặn thông quan của Hải quân hoàng gia Australia. TAG cũng hoạt động trong nước lẫn quốc tế. Nhiệm vụ của TAG có vẻ giống TRT, tuy nhiên TRT hành động xoay quanh những hoạt động liên quan đến thực thi pháp luật, chẳng hạn như bảo đảm an ninh cho những sự kiện lớn và VBSS (Đột kích, lên tàu, khám xét và bắt giữ chủ yếu thực hiện trên đại dương). Các nhân tố cảnh sát và quốc phòng Australia thường làm việc cùng nhau trong các hoạt động nước ngoài.

Tuyển chọn và đào tạo khắc nghiệt

Để trở thành thành viên TRT, ứng viên phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc trong vai trò sĩ quan cảnh sát AFP hoặc viên chức bảo vệ. Với dạng viên chức bảo vệ thì họ phải hoàn thành khóa chuyển tiếp AFP trước khi trở thành sĩ quan cảnh sát để được đứng vào hàng ngũ TRT. Sĩ quan cảnh sát từ các lực lượng khác có thể gia nhập TRT sau 3 năm phục vụ hoặc không rời vị trí quá 5 năm. Những sĩ quan này phải từng phục vụ trong nhóm chiến thuật cảnh sát tiểu bang hoặc có chứng chỉ an toàn công cộng. 

Các ứng viên sẽ trải qua hàng loạt bài đánh giá và thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp với một nhà tâm lý học, người sẽ xác định mức độ sẵn sàng của các tân binh. Chương trình Nhóm chiến thuật cảnh sát AFP chính là giai đoạn cuối cùng của khâu tuyển chọn. Những cán bộ TRT cũng được rèn giũa về lái xe nâng cao; phản ứng những mối đe dọa từ hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân (CBRN); các chiến thuật đánh giáp lá cà; những hoạt động hàng hải; súng và vũ khí chuyên dụng; y học chiến thuật; học các hệ thống chỉ huy và điều khiển tinh vi cùng những công nghệ khác; những ứng phó khi ổn định chính trị hoặc an ninh bị đe dọa. Các ứng viên sẽ được chọn sau khi kết thúc 14 tháng tuyển và huấn luyện. Và ngay cả khi được tuyển vào TRT thì những cán bộ này vẫn không ngừng được đào tạo nâng cao nhằm đảm bảo họ sẽ được triển khai bất kỳ lúc nào.

Mọi cán bộ TRT phải không ngừng duy trì những kỹ năng chống khủng bố của họ, bất kể vai trò của họ là gì. TRT tiến hành các bài tập chống khủng bố hàng tuần nhằm đảm bảo không bị động trong các tình huống bất ngờ. Trong chiến đấu, cán bộ TRT sử dụng đa dạng các loại vũ khí khác nhau, như súng trường tấn công gồm các loại Knights Armament Company SR-16 E3, LaRue OBR PredatAR 5.56 và Heckler & Koch G36; súng trường bắn tỉa là Barrett M107 A1; súng ngắn gồm Remington 870; vũ khí phụ là súng Glock 17 v.v... Họ mặc đồng phục tiêu chuẩn của cảnh sát liên bang Australia, sử dụng các loại khiên chiến thuật; đội mũ bảo hiểm Gentex (FAST); đeo thiết bị bảo vệ tai 3M Peltor COMTAC XPI hoặc Gentex Ops-Core AMP; đeo mặt nạ phòng độc MSA Safety Millennium, Avon Protection M50 và FM12; đeo găng tay chiến thuật Mechanix; đi ủng Salomon XA Forces MID.

Họ dùng các loại đạn ít gây chết người gồm lựu đạn gây choáng, lưu đạn khói, hơi cay, và vũ khí năng lượng Axon Taser 7. Các cán bộ TRT còn sử dụng những loại máy bay trinh sát không người lái như DJI Mavic Air Quadcopter và Roboteam Throwable IRIS; camera chiến thuật; thiết bị thở CBRN như hệ thống tấn công Wilcox; các thiết bị lặn và máy thở mạch kín; kính dạ quang; thiết bị leo trèo; bộ đồ ngụy trang Ghillie. Ngoài ra, người lính TRT đang sử dụng xe bọc thép Lenco Bearcat G3; xe thể thao đa dụng Toyota LC200 với những cải tiến địa hình ưu việt; xe công vụ tiện ích Polaris MRZR; xe địa hình Polaris MV850; xe gắn máy KTM 1290 Super Adventure R; nhiều loại phương tiện dân sự ngụy trang bí mật; xuồng bơm hơi cứng 11M RIB; thuyền cao su chiến đấu trinh sát; môtô nước.

Những hoạt động nổi tiếng

Chỉ riêng năm 2022, TRT đã được triển khai 135 lần cả ở trong nước và nước ngoài; 70% trong số này là việc bắt giữ có mức độ rủi ro cao và hỗ trợ các cơ quan thực hiện lệnh khám xét. Chiến dịch đặc biệt Ironside năm 2021 có bàn tay tham gia của TRT. Ironside là một hoạt động chung được dẫn đầu bởi Cảnh sát liên bang Australia (AFP) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Hai cơ quan đã lấp đầy khoảng trống mà EncroChat để lại trong không gian tội phạm bằng dịch vụ “hũ mật ong” có tên gọi là ANOM. Tất cả thông tin liên lạc giữa những người dùng đều được theo dõi để phát hiện hành vi tội phạm. Chỉ riêng tại Australia, chiến dịch Ironside đã dẫn đến việc bắt giữ 224 người; 526 cáo trạng; tịch thu 3,7 tấn ma túy; thu giữ 104 loại vũ khí; tịch thu 44.934.457 USD tiền mặt và các tài sản ước tính giá trị hàng triệu USD; phá vỡ 20 mối đe dọa giết người.

Thêm nữa, Chiến dịch Skyray năm 2021 cũng là một hoạt động mật nổi tiếng của TRT. Tháng 11/2021 đã nổ ra những cuộc biểu tình ở quần đảo Solomon kêu gọi Thủ tướng Manasseh Sogavare từ chức vì những bất bình trong nước. Những người biểu tình chống chính phủ đã cướp phá khắp nơi, đốt trụi một đồn cảnh sát và làm chết 4 người. Chính phủ Solomon đề nghị hỗ trợ chính thức chiếu theo Hiệp ước an ninh song phương Australia - Quần đảo Solomon. Lực lượng phòng vệ Australia và AFP đã được triển khai nhằm hỗ trợ cho Lực lượng cảnh sát hoàng gia quốc đảo Solomon (RSIPF). Nhiệm vụ của TRT là hỗ trợ RSIPF trong suốt 8 tháng nhằm đảm bảo trật tự trị an, bảo vệ những cơ sở hạ tầng trọng yếu trên đảo. TRT cũng tham gia các cuộc tập trận chung nhằm hỗ trợ RSIPF trong việc chuẩn bị đăng cai Đại hội thể thao Thái Bình Dương ở Honiara trong năm 2023.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.