Trừ tà - vấn nạn mê tín của phương Tây
Nước Mỹ mới đây đã có phen chấn động vì cái chết của bé gái Arely Hernandez mới ba tuổi. Sau khi Arely có những biểu hiện quấy khóc bất thường, mẹ của bé, cô Claudia Hernandez, đã cùng cha và em trai mình làm nghi lễ “trừ tà” cho cháu.
Ông ngoại Rene Trigueros Hernandez của bé cũng dùng nhiều “thủ thuật” để bắt cháu nôn ra “hồn ma ám”. Khi cảnh sát tìm được xác của Arely, trên mắt, cổ và ngực của cháu có nhiều vết bầm tím. Cô bé tử vong vì bị dịch tràn ngược lên cổ và chặn đường hô hấp.
Điều kinh khủng hơn là trước tòa án, mẹ và ông ngoại của Arely đều không tỏ ra ăn năn hối cải. Họ coi cái chết của bé chỉ là sự tình cờ. Bị cáo Rene Hernandez tuyên bố: “Nếu mấy người đọc Kinh Thánh thì sẽ biết Chúa Giê-su từng ra tay trừ tà và làm người ốm khỏe lại… Tôi không trừ tà bởi vì tôi muốn thế mà là do ý Chúa, là khi Chúa muốn chữa lành bệnh cho người nào đó. Các thầy tu là công cụ trong tay Chúa. Chúng tôi làm điều gì cũng là được Chúa ra lệnh”.
Thái độ cuồng tín của cha con nhà Hernandez không hiếm thấy trong xã hội các nước phương Tây. Trong những năm gần đây, không hiếm các trường hợp là cá nhân, gia đình tìm đến hủ tục “trừ tà” nhằm chữa lành bệnh tật. Khỏi bệnh thì chưa thấy, nhưng nhiều nạn nhân đã phải chịu các vết thương đe dọa đến sức khỏe, tâm lý và thậm chí là cả mạng sống.
“Bóng ma” quá khứ
Hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều có những nghi lễ “trừ tà”, “đuổi vong”, nhiều tín đồ tôn giáo khác nhau thì cũng có những quy tắc, nghi lễ trừ tà khác nhau của riêng họ. Và điều này vẫn tồn tại song song đâu đó quanh đây, giữa cuộc sống hiện đại ngày nay.
Việc trục vong từ lâu nay đã là chủ đề được tranh luận nhiều trong giới chức sắc tôn giáo. Tâm lý học phát triển đặt ra câu hỏi: “Liệu bệnh nhân có thật sựå bị quỷ ám hay chỉ đang mắc vấn đề về tâm lý?”. Không ít giáo sỹ đã tỏ ra thận trọng hơn hay thậm chí là không tổ chức nghi lễ trừ tà. Vào năm 1999, cố Giáo Hoàng John Paul II cho chỉnh sửa nghi thức làm lễ trừ tà. Linh mục muốn đuổi quỷ cho ai thì phải có bác sỹ xác nhận rằng người đó không mắc bệnh tật hay hội chứng tâm lý nào.
Vậy thì một người bị quỷ ám trông như thế nào? Đức ông Stephen Rossetti là một vị tu sĩ người Mỹ. Theo cuốn “Nhật ký của một người trừ tà” do Rossetti viết, đối tượng bị quỷ ám sở hữu những năng lực siêu nhiên như dùng tay đốt cháy da thịt, khiến cho đồ điện tử bị hỏng, và nhắn tin mà tay không hề chạm vào điện thoại.
Để trừ tà, Rossetti sẽ vẩy nước thánh lên người nạn nhân, sau đó vừa đọc kinh vừa ấn cây thánh giá vào da họ. Nhiều người sẽ có biểu hiện như bị lên cơn động kinh, buộc các phụ tá của Rossetti phải trói họ lại. Theo lời vị đức ông thì: “Những con quỷ nghe lời của Chúa thì còn chịu đau hơn là bị thiêu trong lửa địa ngục”.
Phóng viên báo New York Post đã thử tìm cách tham gia một buổi trừ tà do Stephen Rossetti thực hiện nhưng không được ông ta cho phép. Trong số những nạn nhân bị quỷ ám được Rossetti “giải cứu”, không ít người nói với phóng viên rằng sau đó họ còn dành nhiều tháng sống tại trụ sở của St. Michael Center For Spiritual Renewal do Rossetti lập ra.
St. Michael Center tự nhận mình là tổ chức từ thiện, nhưng thực chất trung tâm này giống một thứ tu viện hơn. Người từng bị quỷ ám sẽ chịu sống cách ly với xã hội để tập trung tu hành tại St. Michael Center. Cuộc sống tại đây khắc khổ đến mức một số người tham gia đã phải vào viện trong trạng thái kiệt sức.
Càng ngày có nhiều người ở Mỹ, châu Mỹ Latinh và châu Âu tin vào việc trừ tà. Theo thống kê của Gallup, tỷ lệ này hiện nay ở Bắc Mỹ là 72% và tại Nam Mỹ là 76%. Một vị linh mục giấu tên sống tại Los Angeles (Mỹ) cho biết, trung bình ông đảm nhận 20 lễ trừ tà mỗi tuần. Những người tìm đến ông nhiều nhất là các bậc cha mẹ gốc Nam Mỹ muốn trục vong cho con cái họ. Do có quá nhiều lời thỉnh cầu mà linh mục đã phải “phá rào” nhiều lần bằng cách thực hiện nghi lễ mà không có sự cố vấn của bác sỹ.
Đôi khi ông nhận được cả những lời yêu cầu trừ tà cho một mảnh đất nào đó. Vị linh mục từng tham gia đám rước gồm 300 người tại thành phố Portland, bang Oregon. Đoàn rước được tổng giám mục Alexander Sample dẫn đầu. Chỉ mới cách đó vài tháng, thành phố Portland là “điểm nóng” biểu tình tại Mỹ. Hơn 10.000 người biểu tình đổ ra đường sau khi cảnh sát Portland vô cớ hạ sát một nạn nhân da đen.
Tổng giám mục dẫn đoàn rước đi khắp thành phố vừa tụng kinh, vừa rải nước thánh ra đường nhằm trừ tà. Những hành động này đã gặp phải sự phản đối trong và ngoài cộng đồng. Không ít vị chức sắc tôn giáo cho rằng làm vậy thật chẳng khác nào xúc phạm những người biểu tình và đòi hỏi của họ.
Hồn ma chưa đi, hồn người đã lìa
Đối với nhiều nạn nhân, “vết sẹo” để lại bởi việc trừ tà ăn sâu vào con người họ. Cô Louisa sống tại Tacoma, bang Washington là một người như thế. Sau khi ly dị, Louisa rơi vào trầm cảm và mắc chứng nghiện rượu. Cô bất ngờ rơi vào trạng thái loạn thần, ăn nói lảm nhảm trong khi đang gặp bác sỹ. Người nhà Louisa đưa cô gặp cha sứ để làm lễ trừ tà.
Louisa kể lại: “Ông ta (vị cha sứ) nhỏ sáp ong nóng lên trán tôi, sau đó đổ nước thánh vào miệng tôi. Tôi suýt nữa chết sặc, nhưng may là chỉ ngất vì độc. Lúc tôi tỉnh lại thì thấy mình đang ở trong bệnh viện”. Các bác sĩ sau đó đã phát hiện ra vi khuẩn E.Coli trong ruột của Louisa. Chất độc do vi khuẩn tiết ra, cộng với thể trạng yếu ớt vì rượu và chứng trầm cảm đã khiến Louisa mất kiểm soát hành vi chứ chẳng phải do ma quỷ gì cả.
Louisa còn nằm trong số trường hợp gặp may. Trước đó, bà Joanna Lee người Úc gốc Hàn bị tử vong sau một buổi lễ trừ tà kéo dài sáu tiếng. Kẻ giết người là mục sư Luke Lee. Ông này ngồi lên ngực của Joanna, nhảy lên nhảy xuống trên bụng bà, và rồi cuối cùng bóp cổ nạn nhân. Sau khi bà Joanna tử vong, Luke Lee bỏ xác của nạn nhân trong nhà mà chạy trốn. Phải hơn một tuần sau cảnh sát mới tìm ra thi thể của người phụ nữ xấu số. Xương sườn và nội tạng của bà đều đã dập nát. Luke Lee bị kết án sáu năm tù và chịu trục xuất khỏi Úc.
Trường hợp thảm thương nhất có lẽ là cái chết của 7 người tại Panama xảy ra cách đây hơn hai năm. Cảnh sát phát hiện một nấm mồ tập thể chôn sáu mẹ con và một người hàng xóm ở cạnh gia đình họ. Sau khi đột kích nhà thờ địa phương, công an tịch thu được những con dao dính máu và đầu con dê được đem ra hiến tế. Theo lời các thủ phạm thì họ mơ thấy Chúa ra lệnh trục vong 7 nạn nhân nên đã bắt cóc họ đem đến nhà thờ để làm nghi lễ. Kinh khủng hơn là trong số những kẻ giết người còn có bố ruột của nạn nhân nữ.
Tại sao cảnh sát luôn là người đi sau trong những trường hợp thương tâm này? Theo phân tích của hãng tin AP sau khi phỏng vấn lực lượng cảnh một số quốc gia thì: “Nhiều sỹ quan coi trừ tà là việc riêng của mỗi gia đình, lại thường diễn ra sau khi được cha mẹ hay người giám hộ đồng ý”.
Còn nhớ vào năm 2005 đã xảy ra vụ đụng độ giữa cảnh sát Anh và cộng đồng người nhập cư Angola cũng vì trừ tà. Một bé trai năm tuổi bị bắt cóc và đánh đập vì người lớn cho rằng em bị quỷ ám. Cha mẹ em đã đồng ý nhốt em lại tại nhà của cô ruột để bị đánh trong khi được mục sư đọc kinh đuổi quỷ. Khi cảnh sát Anh tìm cách giải cứu em bé thì xuất hiện nhiều đối tượng gây sự ngăn cản họ. Sau đó cảnh sát chống bạo động tham gia, cuối cùng bé trai cũng được đưa đến bệnh viện an toàn.
Bà Jose Lebila, một chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em trả lời tờ The Guardian: “Ngoài tầm hiểu biết về y khoa của nhiều bậc phụ huynh còn hạn chế, mấu chốt của vấn đề nằm ở quyền lực của các vị chức sắc tôn giáo. Có thể các bậc cha mẹ không thực sự tin con mình bị quỷ ám, nhưng chỉ cần có vị mục sư nói vậy thì cả cộng đồng sẽ gây áp lực lên gia đình để buộc họ phải đem trẻ đi trừ tà.
Mặt khác, khi thảm kịch xảy ra thì cộng đồng cũng gây áp lực buộc gia đình phải giữ im lặng. Cơ quan hành pháp khó có thể can thiệp vào những trường hợp này trừ khi bản thân nạn nhân lên tiếng. Vấn đề là đến khi đó cơ thể và tâm lý nạn nhân đã chịu chấn thương quá nặng, không còn đủ sức để đem vụ việc của mình ra trước tòa”.
Bà Jose hiện đang tham gia giúp đỡ ba nạn nhân nữ hồi phục sau các dư chấn vì bạo hành trong khi trừ tà. Một người là trẻ vị thành niên, một là phụ nữ 40 tuổi, và nạn nhân thứ ba là bà cụ 67 tuổi. Cả ba đều bị giam lỏng và chịu những hình thức tra tấn như buộc quỳ dưới đất nhiều tiếng đồng hồ, không được ngủ mà phải nghe tụng kinh, ngạt thở do bị dúi đầu xuống chậu nước thánh, v.v…
Riêng nạn nhân 40 tuổi bị hành hạ do gia đình muốn chữa cho cô khỏi bệnh “đồng tính”. Ba nạn nhân chịu chấn thương tâm lý kéo dài và sau đó đã khởi kiện các đối tượng bạo hành họ. Rất có thể kết quả vụ kiện của họ sẽ là tiền đề để Anh và các nước phương Tây khác tiến đến bài trừ hoàn toàn tệ nạn trừ tà.