Trung Đông nóng bỏng
Israel và các lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen đã có màn trả đũa qua lại trong gần 2 tuần qua, khiến nhiều người chết và bị thương ở cả hai phía. Như vậy, cuộc chiến Gaza giờ đây đã lan rộng, với 2 mặt trận mới ở phía Bắc và đông Nam Israel.
Houthi khoan thủng “Vòm sắt”
Lần đầu tiên Tel Aviv bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) vào sáng sớm ngày 19/7 vừa qua. Và, thêm một lần nữa mạng lưới phòng không nhiều tầng của Israel, mệnh danh là “Vòm sắt”, đã bị khoan thủng bởi những chiếc drone từ cách xa hàng trăm km. Một người chết và khoảng 10 người bị thương, nhưng nỗi khiếp hãi của người dân đã khiến Israel rung chuyển bởi cuộc tấn công. Người Israel đã quá tin tưởng vào “Vòm sắt”, cho nên khi “Vòm sắt” bị khoan thủng thì họ sợ hãi.
Đến tối ngày 20/7, quân đội Israel đã nhanh chóng trả đũa lực lượng Houthi bằng đòn tấn công nhắm vào thành phố cảng Hodeidah ở miền Nam Yemen. Loạt không kích của Israel nhằm vào các cơ sở dầu mỏ, cần cẩu và một nhà máy điện gần Hodeidah, làm chết 3 người, bị thương 87 người và để lại những cột khói lửa cao ngất trên các cơ sở của cảng này.
Sáng sớm 21/7, lực lượng Houthi đã tấn công thành phố cảng Eilat của Israel bên bờ Biển Đỏ. Người phát ngôn quân đội Houthi, tướng Yahya Saree cho biết các chiến binh đã bắn nhiều tên lửa đạn đạo về phía Eilat vào sáng sớm 21/7 và nhắm vào một tàu Mỹ ở Biển Đỏ bằng tên lửa và máy bay không người lái. Mặc dù bị hệ thống phòng không Arrow 3 đánh chặn, nhưng cuộc tấn công này đã cho thấy lực lượng Houthi đang ăn miếng trả miếng với Israel.
Abdulmalik al-Houthi, thủ lĩnh lực lượng Houthi cho biết “các cuộc tấn công vào cơ sở dân sự không có tác dụng răn đe đối với chúng tôi”.
Người này nói thêm rằng mục đích của cuộc tấn công Israel bằng drone là “gây áp lực để ngăn chặn hành động quân sự của Israel ở Gaza”. Trong nhiều tháng qua, việc Houthi nhắm mục tiêu vào các tàu vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động thương mại toàn cầu, buộc các tàu phải đi theo các tuyến đường thay thế tránh xa Eilat và làm sụp đổ hoạt động kinh doanh tại cảng này.
Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn đang chịu áp lực ngày càng tăng trong nước, bao gồm cả từ công chúng và giới chức quân sự cấp cao, để đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn sẽ thả một số trong 116 con tin ước tính vẫn bị Hamas giam giữ để đổi lấy các tù nhân Palestine trong các nhà tù của Israel và dừng giao tranh.
Trong khi đó, việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở cảng Hodeidah đã làm dấy lên nỗi lo ngại về việc cung cấp viện trợ quốc tế cho Yemen, nơi hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói. Theo EU, ước tính có khoảng 18,2 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo. Còn Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) trước đây đã mô tả cảng Hodeidah là “rất quan trọng đối với việc cung cấp thực phẩm và hỗ trợ nhân đạo”.
Không khí chiến tranh sôi sục ở cao nguyên Golan
Sau các đợt tấn công trả đũa với lực lượng Houthi ở Yemen, Israel lại quay sang một “mặt trận” mới cũng khốc liệt không kém: tấn công Hezbollah ở Lebanon. Từ vài tháng trước, Israel và Hezbollah cũng đã bắt đầu giao đấu sơ bộ dọc theo biên giới trên Cao nguyên Golan. Hezbollah và các lực lượng dân quân khác trú đóng tại Lebanon đã nhiều lần tấn công lãnh thổ Israel để trả đũa cuộc tấn công của Israel vào Gaza, trong khi các cuộc không kích của Israel nhắm vào các thị trấn và thành phố sâu bên trong Lebanon. Gần 200.000 người đã phải di dời ở cả hai bên đường ranh giới xanh phân chia hai quốc gia, gây ra sự phẫn nộ ngày càng tăng ở cả Israel và trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa xuống vùng Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, các đợt tấn công trả đũa giữa hai bên mới bắt đầu mạnh lên, tạo ra nguy cơ chiến tranh toàn diện ở miền Nam Lebanon và Bắc Israel. Trước nguy cơ đó, một nỗ lực ngoại giao ráo riết nhằm ngăn chặn Israel tấn công Beirut để đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa chết người vào Cao nguyên Golan đã diễn ra hôm 29/7. Đồng thời, chính phủ nhiều nước phương Tây cũng đã ban hành cảnh báo du lịch cho công dân của mình, kêu gọi họ rời khỏi hoặc tránh đi đến Lebanon.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy cho biết các sự kiện đang “diễn biến nhanh” và công dân Anh được khuyến cáo “rời khỏi Lebanon và không đến quốc gia này”. Rena Bitter, trợ lý bộ trưởng phụ trách các vấn đề lãnh sự tại Đại sứ quán Mỹ tại Beirut đã sử dụng một video trên X để thông tin tới người Mỹ ở Lebanon rằng họ hãy “lập kế hoạch hành động trong khủng hoảng và rời đi trước khi khủng hoảng bắt đầu”. Một số chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Beirut đã bị hủy trong tuần này. Hãng hàng không Royal Jordanian của Jordan là hãng mới nhất tạm dừng các chuyến bay cho đến ít nhất là đầu tháng 8/2024.
Washington có vẻ như cũng đang chạy đua để ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và nhóm Hezbollah của Lebanon sau cuộc tấn công vào Cao nguyên Golan cuối tuần trước. Israel và Mỹ đổ lỗi cho Hezbollah về vụ tấn công bằng tên lửa, mặc dù nhóm này đã phủ nhận trách nhiệm. Mỹ được cho là đã tập trung cao độ hoạt động ngoại giao vào việc hạn chế phản ứng của Israel bằng cách thúc giục nước này không nhắm vào khu vực Beirut đông dân, vùng ngoại ô phía Nam của thành phố hoặc các cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay và cầu đường.
Tuy nhiên, bất chấp lời khuyên ngăn của Mỹ, Israel vẫn tiến hành cuộc tấn công vào khu vực phía Nam Beirut. Israel tuyên bố đã giết chết tướng Fuad Shukur, chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah. Cuộc tấn công được cho là để trả đũa cho một cuộc tấn công bằng tên lửa ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng khiến 12 người Israel thiệt mạng vào cuối tuần trước.
Người phát ngôn quân đội Israel, Đô đốc Daniel Hagari cho biết tướng Shukur, còn được gọi là Hajj Mohsin, là cánh tay phải của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Ông ta là cố vấn lập kế hoạch và chỉ đạo các hoạt động thời chiến, chịu trách nhiệm về hầu hết các loại vũ khí tiên tiến của Hezbollah, bao gồm tên lửa dẫn đường chính xác, tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, tên lửa tầm xa và UAV.