Truyền thông Mỹ sẽ đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia tranh cử vào năm 2024 hay không. Tuy nhiên tình trạng nền kinh tế Mỹ và đặc biệt là cách đưa tin của giới truyền thông - vốn chỉ xoay quanh chủ đề lạm phát – có thể sẽ khiến ông sớm đưa ra quyết định và có thể sẽ giúp ông trở lại Nhà Trắng.
Các cố vấn của cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang băn khoăn về việc có nên quay trở lại chính trường - với tư cách là một ứng cử viên. Tuy nhiên, các cố vấn của ông đang chia rẽ về việc liệu ông có nên khởi động nỗ lực tranh cử lần thứ ba ngay vào mùa hè này hay không?
Trong khi nhiều người thân tín của ông Trump tin rằng ông nên đợi cho đến sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới, một số người lại cho rằng ông có thể nhanh chóng hành động để tận dụng những người ủng hộ và ngăn chặn các ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa chiếm được ưu thế.
Không trả lời cụ thể câu hỏi khi nào ông Trump sẽ đưa ra quyết định, người phát ngôn của cựu lãnh đạo Mỹ, Taylor Budowich, khi trao đổi với NBC News nói rằng ông nhận thấy công chúng ngày càng muốn ông Donald Trump trở lại. Budowich nói: “Nước Mỹ hùng mạnh, thịnh vượng và được kính trọng rất nhiều dưới thời Tổng thống Trump, và đó là lý do tại sao ông ấy tiếp tục có ảnh hưởng chưa từng có thông qua hồ sơ đã được chứng thực của mình và nhu cầu về sự lãnh đạo của ông ấy chưa bao giờ cao như hiện nay”.
Trong những tháng gần đây, ông Trump đã trêu đùa khán giả tại một buổi meeting của đảng Cộng hòa rằng trên thực tế, ông sẽ tranh cử vào năm 2024. Tại một hội nghị của đảng Cộng hòa ở bang Georgia, ông nói: "Sự thật là: Tôi đã tranh cử hai lần, tôi đã giành chiến thắng cả hai lần và tôi đã làm tốt hơn nhiều trong lần thứ hai. Và bây giờ chúng ta có thể làm điều đó một lần nữa”.
Trong khi chưa rõ ông Trump có quyết định tham gia tranh cử cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 hay không, một “vận may” đã đến với ông và có thể tác động tới quyết định của vị cựu tổng thống này.
Lạm phát chóng mặt
Khi các cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, một câu chuyện của phe bảo thủ đang ngày càng thu hút nhiều sự chú ý: Tổng thống Joe Biden và Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát đã làm cho nền kinh tế Mỹ trở nên không ổn. Đảng Cộng hòa nhìn thấy “cơ hội vàng chính trị” khi thị trường chứng khoán Mỹ chuyển động chậm chạp trong năm nay và dường như đang có dấu hiệu lao dốc vào một thời điểm hoàn hảo – trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Những người bảo thủ đã nhấn mạnh đến một đoạn video từ năm 2020, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump cảnh báo về nhiệm kỳ của ông Joe Biden: "Nếu ông ấy đắc cử, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ". Blog của chuyên gia cánh hữu Sean Hannity đã đăng đoạn clip này với tiêu đề “Trump đã đúng”.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cũng từng cảnh báo hồi năm ngoái rằng việc chính phủ không thể giải quyết được tình trạng lạm phát có thể sẽ giúp ông Donald Trump tái đắc cử. Ông nói: “Lạm phát quá mức và cảm nhận rằng chính phủ không thể kiểm soát được vấn đề này đã từng giúp Richard Nixon và Ronald Reagan đắc cử và nguy cơ lần này lại tái diễn”. Rất có khả năng dự báo này đang trở thành hiện thực.
Lạm phát tại Mỹ đã cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng áp lực lạm phát trong tháng 5 có thể thấy rõ trên diện rộng, nhất là do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, việc Trung Quốc đóng cửa để kiểm soát dịch và một số nhà máy lọc dầu lớn tạm đóng cửa. Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% vào tháng 6 này. Lạm phát cao ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ đã nhanh chóng lan rộng trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức tăng nhanh nhất trong 30 năm qua. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang trên đà lao dốc.
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới của tờ The Wall Street Journal với các nhà kinh tế hàng đầu, xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới là khoảng 44%. Khảo sát mới đây do tờ The Economist phối hợp với hãng nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy có tới 51% người được hỏi cho rằng nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái về kinh tế và chỉ có 21% người được hỏi cho biết họ không tin điều đó sắp xảy ra.
Trước đó, một cuộc thăm dò ý kiến của giới chuyên gia kinh tế do hãng tin Bloomberg tiến hành vào tháng 5 cũng chỉ ra rằng nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng rõ rệt, với khả năng xảy ra là 30%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ dự báo mà Bloomberg đưa ra trước đó 3 tháng.
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy dự đoán trên có thể đúng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại, khi Cơ quan Thống kê lao động Mỹ trong tháng này cho biết GDP của nước này đã bất ngờ giảm xuống trong quý I năm nay. Đây là kết quả tồi tệ nhất kể từ mùa xuân năm 2020, khi nền kinh tế Mỹ vẫn còn chìm sâu trong đợt suy thoái do đại dịch COVID-19.
Kinh tế luôn đóng một vai trò quan trọng, tác động rất lớn tới tỷ lệ ủng hộ của dân chúng. Một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện và vừa hoàn thành hôm 22-6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Mỹ Biden đã giảm 4 tuần liên tiếp, xuống mức 36%. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden đang tiến gần đến mức thấp kỷ lục mà người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Donald Trump, từng ghi nhận hồi tháng 12-2017 với 33%. Từ tháng 8 năm ngoái, tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden luôn ở mức dưới 50%, một dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại đối với đảng Dân chủ của ông trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới đây. Và đó là “vận may” của ông Trump?
Sự trợ giúp “vô tình” của giới truyền thông
CNN có thể sẽ đưa ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng? Điều đó nghe có vẻ vô lý, vì kênh tin tức này thường dựng rất nhiều chương trình với sự tham gia của các thành viên Cộng hòa thuộc phong trào “Never Trump” (những người không ủng hộ Trump), nhưng việc FED tăng lãi suất lớn vào ngày 17-6 là một cảnh báo rõ ràng. Vấn đề ở đây cách CNN đưa tin về nền kinh tế - lạm phát, lạm phát, lạm phát 24/7.
Không còn nghi ngờ gì nữa, lạm phát là một vấn đề thực sự. Tiền thuê nhà, giá xăng, thức ăn và các mặt hàng khác tăng cao đã “ngốn” một khoản tiền lớn của nhiều gia đình. Giới truyền thông, trong đó có cả CNN, chắc chắn đã nghiêm túc chú ý đến vấn đề này. Tuy nhiên, lạm phát không phải là toàn bộ câu chuyện của nền kinh tế. Mỹ hiện có tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong gần 50 năm qua.
Cần hiểu rằng lạm phát và thất nghiệp tỷ lệ nghịch với nhau. Khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, chi tiêu sẽ cao hơn, kéo theo giá hàng hóa và lạm phát cao hơn. Đó thực sự là một vấn đề lớn. Và, tỷ lệ thất nghiệp thấp không chỉ là vấn đề một vài triệu người từ thất nghiệp chuyển sang có việc làm, như các chuyên gia được trả lương cao đã nói với chúng ta. Hơn 6 triệu người mất việc hoặc rời bỏ công việc của họ mỗi tháng. Con số đó sẽ lên đến hơn 70 triệu trong vòng một năm, mặc dù nhiều người lao động trong số này thay đổi công việc nhiều lần.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là tình trạng của thị trường lao động ảnh hưởng rất nhiều tới một bộ phận lớn dân số, chứ không chỉ một số tương đối nhỏ những người chuyển từ thất nghiệp sang có việc làm. Và, trong một thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, hàng chục triệu người lao động cảm thấy tự tin để rời bỏ một công việc không được trả lương cao, điều kiện không tốt, ít cơ hội thăng tiến hoặc vì ông chủ là một kẻ tồi tệ. Đây là một vấn đề lớn gần như hoàn toàn bị bỏ qua khi tin tức chỉ chú ý tới lạm phát và lạm phát.
Tất nhiên, CNN không có lượng khán giả lớn như vậy, vì vậy tin tức của kênh này thực sự không quan trọng lắm trong bức tranh tổng thể. Đáng tiếc, lạm phát, lạm phát và lạm phát dường như là chủ đề kinh tế bao trùm ở khắp mọi nơi. Các trạm xăng ở California đăng giá cao kỷ lục dường như đã trở thành tin tức bắt buộc phải đưa đối với các phóng viên.
Tất cả những điều này có thể bị coi là một trò đùa ngớ ngẩn, ngoại trừ việc nó gây ra hậu quả trong thế giới thực. Ngày 17-6, Chủ tịch FED Jerome Powell đã có một cuộc họp báo sau khi công bố đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của FED, mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ. Ông nói rằng một động lực cho đợt tăng lãi suất lớn này là người tiêu dùng đã bắt đầu cho rằng tỷ lệ lạm phát sẽ cao hơn.
Các cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng đã bắt đầu chỉ ra rằng mọi người đang bắt đầu nghĩ rằng lạm phát sẽ còn kéo dài trong tương lai. Powell nói rằng ông tăng lãi suất để thuyết phục mọi người rằng điều đó sẽ không xảy ra.
Giờ đây, mọi người rõ ràng không cần phương tiện truyền thông nói với họ rằng giá xăng và giá thực phẩm đều tăng. Họ tự nhìn thấy điều đó khi họ mua xăng hoặc đi siêu thị. Tuy nhiên, khi đề cập đến suy nghĩ của họ về lạm phát trong tương lai, có khả năng là tin tức trên các phương tiện truyền thông đóng một vai trò lớn.
Rốt cuộc, hầu hết mọi người có lẽ sẽ không ngồi xuống để nghiền ngẫm các mô hình kinh tế để dự báo lạm phát trong tương lai dựa trên lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp và các dữ liệu kinh tế khác. Nếu họ nghe thấy lạm phát 24/7, họ nhiều khả năng sẽ nghĩ rằng đó là một vấn đề dai dẳng hơn là nếu họ có một bức tranh đầy đủ về nền kinh tế.
Thực tế là Chủ tịch Powell đang xem xét một cách rõ ràng nhận thức của công chúng về lạm phát khi đưa ra quyết định tăng lãi suất của mình, có nghĩa là tin tức của các phương tiện truyền thông hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của FED. Có nguy cơ lớn là Powell và FED sẽ tăng lãi suất quá mức và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Đó là một vấn đề thực sự lớn, vì suy thoái kinh tế có nghĩa là hàng triệu người sẽ mất việc làm. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ có một thị trường lao động rất khó tính, nơi mọi người không thể dễ dàng từ bỏ những công việc tồi để tìm những công việc tốt hơn. Và, điều này sẽ mở ra cơ hội giúp ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong cuộc bầu cử vào năm 2024, nhiều cử tri còn dao động sẽ có xu hướng bỏ phiếu dựa trên tình trạng của nền kinh tế hơn là việc bảo vệ nền dân chủ. Điều đó có nghĩa là bằng cách thúc đẩy FED gây ra suy thoái một cách không cần thiết, giới truyền thông sẽ đóng một vai trò rất lớn trong việc đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng.