Tử huyệt của Erwin Rommel

Thứ Năm, 16/03/2023, 08:30

Bất chấp thất bại ở El Alamein, thống chế Đức Quốc Xã Erwin Rommell vẫn luôn nhận được những lời ca ngợi về tài cầm quân của mình, từ chính các đối thủ thời ấy. Và do đó, sau này, ông ta cũng luôn được giới nghiên cứu lịch sử quân sự quốc tế đánh giá là một trong những danh tướng lẫy lừng nhất thời cận đại.

Song, có lẽ, cũng chính là tình thế ở chiến trường Bắc Phi (Đại chiến Thế giới lần thứ II) từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943 gián tiếp khẳng định: Chỉ “tài thao lược” của Rommel thôi, thì vẫn là quá ít để làm nên chiến thắng. Và bên cạnh đó, chính những tố chất huyền thoại của “Cáo sa mạc” lại cũng là những nguyên nhân then chốt khiến ông ta phải “ôm hận” trở về.

Màn dạo đầu mùa hạ

Trên thực tế, có tới hai trận đánh lớn giữa quân đội Đức Quốc xã và quân đội Đồng Minh, tại địa danh El Alamein.

Tử huyệt của Erwin Rommel -0
Mỗi chiếc xe tăng thiệt hại đều là không thể bù đắp.

 Trận El Alamein thứ nhất bùng nổ vào ngày 1/7/1942, khi Rommel mang Quân đoàn Châu Phi của mình từ Lybia tiến về phía đông, tới Ai Cập. Tháng 6/1942 trước đó, quân đội Anh đã từng có được những thành công nhất định, khi đẩy được Rommel vào thế phòng thủ. Song, sau đại thắng tại trận Galaza - nơi mà kỹ năng dùng binh thần tốc của Rommel, với những mũi thiết giáp đột kích không thể ngăn cản (bởi cả quân Anh lẫn quân Pháp) một lần nữa được khẳng định  thế chủ động lại hoàn toàn thuộc về vị thống chế Đức.

Theo trang History, “Rommel đã đáp trả bằng các cuộc tấn công liên tiếp bằng không quân và xe tăng, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng hùng mạnh của Anh. Cuối cùng, Rommel đã sử dụng các sư đoàn xe tăng của mình để buộc quân Anh phải rút lui một cuộc rút quân nhanh tới mức một lượng lớn vật tư đã bị bỏ lại”.

Tuy nhiên, có một vấn đề đáng lo ngại cũng đã xuất hiện: “Trên thực tế, Rommel đã đuổi được quân Anh sang Ai Cập chủ yếu bằng các phương tiện mà họ thu được”. Vấn đề ấy có nghĩa là gì? Là việc cho dù trận Galaza khép lại với thắng lợi vang dội dành cho phe Trục (quân Đức cùng một số đơn vị quân Ý), cái giá phải trả vẫn là quá lớn, khi số lượng xe tăng Đức bị tiêu hao là quá cao. Thiếu hụt sức cơ động cùng sự hùng hậu từ đơn vị xung kích sở trường này, Rommel không thể đánh tan rã hoàn toàn Tập đoàn quân số 8 của Anh, và vẫn phải cứ thế truy kích đến El Alamein, nơi chỉ cách căn cứ hải quân của Anh tại cảng Alexandria 96 km về phía Tây.

Tại đây, quân đội Đồng minh (mà nòng cốt là quân Anh) tái tập hợp, để tổ chức phòng thủ. Không có gì đáng ngạc nhiên, với phong cách quen thuộc đặc trưng của mình, Erwin Rommel lệnh cho các đơn vị dưới quyền tấn công mãnh liệt vào phòng tuyến quân Đồng Minh.

Mặc dù vậy, đến ngày 5/ 7/1942, Rommel vẫn buộc phải “ngừng tiến độ”, khi cảm nhận được rõ rằng những người lính Đức dưới quyền mình, cho dù cực kỳ thiện chiến, cũng đã kiệt sức. Trong báo cáo gửi về Berlin, Rommel cho biết rằng 3 sư đoàn thiết giáp dưới quyền mình, mỗi sư đoàn chỉ còn khoảng 1.200-1.500 người; trong khi đó, đường tiếp vận luôn bị không quân của đối phương quấy nhiễu và cắt đứt.

Tử huyệt của Erwin Rommel -0
Cuối cùng, “Cáo sa mạc” cũng bị đánh bật khỏi Bắc Phi.

Tình thế giằng co và khốc liệt kéo dài đến hạ tuần tháng 7/1942. Và nói một cách ngắn gọn, qua các trận đánh lớn nhỏ tiếp diễn, trận El Alamein lần thứ nhất khép lại khi Rommel không thể giành được Ai Cập, mà buộc phải lui về phòng thủ - một bước ngoặt đích thực ở Mặt trận Bắc Phi. Cho đến thời điểm đó, hầu hết mọi chiến dịch, quân Đồng Minh đều phải chịu “thua thiệt” trước những đoàn xe tăng ghê gớm của Rommel.

Và sự sụp đổ mùa thu

“Thừa thắng xông lên”, dưới sự chỉ huy của tướng Anh Bernard Montgomery, quân Đồng Minh phản kích mãnh liệt với chiến dịch “Light foot”, trong trận El Alamein thứ hai, diễn ra từ 23/10 đến 11/11/1942.

Cho dù phải đối diện và sẽ buộc phải công kích vào một trận địa phòng ngự có chiều sâu mà Erwin Rommel đã xây dựng khẩn cấp trong sáu tuần, Montgomery cùng quân Đồng Minh vẫn cảm nhận rõ được rằng: Họ đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một, để đánh bại hoàn toàn Quân đoàn Châu Phi huyền thoại của kẻ địch danh tiếng.

“Gót chân Achilles” của Rommel nằm ngay trong chính cách ông giải thích thất bại ở trận El Alamein lần thứ nhất: “Là Tổng tư lệnh, buộc tôi phải tuyên bố rõ ràng rằng thất bại mà các đội quân Ý phải chịu tại Alamein vào đầu tháng 7 không phải là lỗi của binh lính Ý. Quân Ý rất quyết tâm, không nghĩ đến bản thân và là những người đáng mong đợi, và, xét theo điều kiện chiến đấu, họ đã luôn luôn làm được tốt hơn mức trung bình. Không nghi ngờ gì là thành tích của mọi đơn vị Ý, đặc biệt là của các lực lượng cơ giới, vượt xa những gì mà Lục quân Ý đã làm được trong một trăm năm trở lại đây. Nhiều tướng lĩnh và sĩ quan Ý đã có được sự ngưỡng mộ của chúng tôi, cả với tư cách con người và người lính.

Nhưng, nguyên nhân thất bại của Ý có căn nguyên nằm ở toàn bộ tình trạng và hệ thống quân sự của Ý, ở vũ khí trang bị nghèo nàn và ở tình trạng thiếu quan tâm đến cuộc chiến chung của nhiều người Ý, cả sĩ quan và chính khách. Thất bại này của Ý đã thường xuyên gây cản trở cho việc thực hiện các kế hoạch của tôi…” (Hồ sơ Rommel của tác giả Liddell Hart).

Có lẽ ở đây, chúng ta cũng cần làm rõ: Bởi vì trọng tâm lực lượng cũng như hậu cần của quân đội Đức Quốc xã đang dồn vào Mặt trận phía Đông, với các cuộc đọ sức vô cùng ác liệt khi phải chạm trán với khối tiềm lực khổng lồ của Hồng quân Liên Xô, nên ở Mặt trận Bắc Phi, nước Ý (đồng minh cùng phe Trục với Đức Quốc xã) sẽ phải nhận vai trò chính trong công tác tiếp vận. Và vì vậy, khi phía Ý không hoàn thành nhiệm vụ (theo cách nhìn của Rommel), sức chiến đấu của toàn quân phe Trục cũng không thể không suy giảm.

Tử huyệt của Erwin Rommel -0
Trong khi đó, quân Đồng Minh mạnh lên từng ngày, nhờ được cung ứng tiếp vận dồi dào.

Rommel không có đủ nhân lực, hỏa lực và sức cơ động để biến Quân đoàn Châu Phi của mình trở lại là “Sư đoàn ma”, như ngày dẫn đầu đoàn thiết giáp mang cờ thập ngoặc xé nát nước Pháp, tiến vào Paris, bức hàng “người hùng Đệ nhất Thế chiến”  Thống chế Pháp Petain.

Song, nhìn sâu xa hơn, dường như ngay trong chiến công hiển hách năm 1940 ấy, cách dùng binh quá táo bạo và quá thần tốc của Rommel cũng ẩn giấu những khiếm khuyết. Sư đoàn thiết giáp số 7 của ông ta tiến quá nhanh và thường xuyên mất liên lạc với “đại quân”, điều đó gián tiếp thể hiện rằng sức kết nối để hiệp đồng tác chiến trong tổng thể là không được chặt chẽ. Chưa kể, nó cũng sẽ đặt ra những dấu hỏi về hậu cần điều mà phải đợi đến tận các trận đánh ở Bắc Phi mới thực sự bộc lộ. 

Rommel thích hợp với phong cách độc lập tác chiến. Có lẽ vì vậy mà ông ta, chứ không phải ai khác, được Adolf Hitler cử sang Mặt trận Bắc Phi nắm một cánh “biệt quân”, nhằm chi viện cho quân đội của Benito Mussolini đang khốn đốn tại đây. Ông ta lập tức đảo ngược được thế cờ, tuy vậy, cũng nhanh chóng chạm đến giới hạn. Trong khi Erwin Rommel luôn phải “chạy vạy” để có đủ lương thảo cũng như đạn dược cho binh lính (và xăng dầu cho xe tăng), thì quân đội Đồng Minh “dễ chịu” hơn nhiều với nguồn hậu cần dồi dào được cung cấp từ Mỹ cũng như mọi quốc gia tập hợp dưới lá cờ Anh trong khối Thịnh vượng chung (Commonwelth).

Có không ít sĩ quan tham mưu, cả Đức lẫn Ý, đều đã từng cảnh báo với Rommel rằng lính của ông ta không thể được tiếp tế một cách đầy đủ, khi các bến cảng chủ chốt như Tripoli và Benghazi (thuộc Tunisia hiện tại) đều ở quá xa, khi tuyến tiếp tế đã bị kéo quá dài. Nhưng, bất chấp những lời cảnh báo này, Rommel vẫn thúc quân tiến đến Alamein.Và đúng như dự đoán, hệ thống tiếp tế không thể cung ứng đủ các vật tư thiết yếu.

Đến đây, ta có thể hiểu thêm một lý do nữa, để cho dù lực lượng đã sứt mẻ đáng kể, Rommel vẫn nhất quyết “sang Đông”. Bởi lẽ, từ Ai Cập, ông ta có thể tính chuyện giằng giật các mỏ dầu vô giá ở Trung Đông, ngay đó.

Nhưng, đó là một cuộc trường chinh không thể hoàn tất. Đến mùa xuân năm 1943, không còn gì để tiếc nuối, Erwin Rommel rời chiến trường Bắc Phi, về trấn giữ Bức tường Đại Tây Dương, khi “đại thế” của quân đội Đức Quốc xã đã gần như sụp đổ trên mọi mặt trận.

Đến thời điểm này, quân Đồng minh đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát Địa Trung Hải cũng như vùng trời từ Tunisia sang Ý. Cuối cùng, ngày 13/5/1943, toàn bộ liên quân Đức-Ý tại Bắc Phi buộc phải đầu hàng, tổng số tù binh lên đến 240.000 người.

Và 80 năm sau, bài học về tử huyệt hậu cần, cũng như mặt trái của hình thái “chiến tranh chớp nhoáng” mà Rommel là một trong những biểu tượng vĩ đại nhất, có lẽ vẫn còn rất đáng tham khảo. Trong thế giới hiện đại, rất khó có thể giành chiến thắng chỉ bằng sức mạnh quân sự đơn thuần. Hay nói cách khác, chiến tranh chưa bao giờ chỉ là câu chuyện về những chiến địa giao tranh.

"This is not the end, nor is it even the beginning of the end, but it is, perhaps, the end of the beginning" ("Đây chưa phải là kết thúc, cũng chưa phải là phần mở đầu của sự kết thúc. Nhưng, có lẽ, đây là kết thúc của phần khởi đầu"). Thủ tướng Anh huyền thoại Winston Churchill đã nói như vậy, sau chiến thắng mang tính bước ngoặt của quân đội Đồng Minh tại El Alamein.

Tập đoàn quân số 8 Anh tổn thất trên 13.000 người trong tháng 7/1942, sau trận El Alamein lần thứ nhất (bao gồm 4.000 quân của Sư đoàn New Zealand, 3.000 của Sư đoàn Bộ binh 5 Ấn Độ và 2.552 người thuộc Sư đoàn 9 Úc),nhưng họ cũng đã bắt được 7.000 tù binh, qua đó giáng một đòn nặng nề vào sức mạnh nhân lực và thiết giáp của phe Trục.

Thiên Thư
.
.