Từ Langley đến Hollywood: Tưởng xa mà gần

Thứ Sáu, 08/04/2022, 08:30

Tất cả con mắt tại Hollywood hiện đổ dồn vào cái tát của tài tử Will Smith trong lễ trao giải Oscars. Điều này khiến công chúng bỏ qua một bộ phim mới mang tính scandal không kém. “Theaters of War: How the Pentagon and CIA Took Hollywood” - một bộ phim tài liệu được sản xuất bởi Quỹ Giáo dục truyền thông của Mỹ.

Phim kể về hành trình của giáo sư Roger Stahl khám phá mối quan hệ mờ ám giữa CIA, Lầu Năm góc và Hollywood. Qua những cuộc phỏng vấn với nhiều đạo diễn, diễn viên, biên kịch tên tuổi, khán giả xem phim sẽ phải rùng mình khi nhận ra “vòi bạch tuộc” của CIA ăn sâu vào kinh đô điện ảnh thế giới đến mức nào.

Bình phong

“Theaters of War” ra rạp đúng vào dịp tròn 10 năm phim “Argo” được công chiếu lần đầu. “Argo” dựa trên cuộc giải cứu 52 con tin bị giam lỏng tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran của Iran. Khi mới ra mắt, “Argo” chịu nhiều chỉ trích vì thay đổi nhiều chi tiết có thật trong lịch sử nhằm hạ thấp vai trò của Bộ Ngoại giao Canada. Đồng thời nó còn che giấu những thất bại mà CIA và Lầu Năm Góc liên tục gặp phải trong khi giải cứu con tin. Chưa hết, đạo diễn, diễn viên chính của bộ phim là nam tài tử Ben Affleck còn gây sốc khi tuyên bố: “Tai mắt CIA đặt ở khắp Hollywood, chỉ có điều chúng ta không biết họ là ai mà thôi”.

Lời bình phẩm này có thể gây ngạc nhiên với khán giả, nhưng với nhiều người trong cuộc, họ đều biết rõ điều đó. Đạo diễn gạo cội Oliver Stone trả lời phỏng vấn trong phim “Theaters of War” như sau: “CIA và Lầu Năm Góc đều đặt văn phòng quản lý nghệ thuật - giải trí. Ngoài mặt họ nói rằng muốn giúp nhà làm phim khắc họa chân thực nhất mạng lưới tình báo nhưng điều thực chất họ muốn là chúng tôi nói dối cho họ. Họ chỉ muốn những bộ phim ca ngợi gián điệp Mỹ, ca ngợi lòng ái quốc Mỹ… Hollywood hiện đang bị tê liệt vì họ. Không có ai muốn nói xấu gì CIA ngay cả khi họ phạm tội ác tày trời”.

Từ Langley đến Hollywood: Tưởng xa mà gần -0
Bộ phim “The Green Berets” bị CIA bỏ hẳn một tập phim.

Oliver Stone là tác giả của bộ phim “Platoon”, một trong những tác phẩm hay nhất về chiến tranh Việt Nam. Bộ phim tuy vậy suýt nữa không được làm. Kịch bản phim hoàn thành năm 1975. Nhưng phải chịu cảnh “xếp xó” gần một thập niên vì Stone không tìm được nhà sản xuất. CIA đã bí mật sử dụng ảnh hưởng để các hãng phim từ chối kịch bản. Đạo diễn phải sang tận Anh mới tìm được nhà sản xuất đồng ý làm phim.

Một kỷ niệm khác của Oliver Stone liên quan đến CIA. Bộ phim “Born on the Fourth of July” do ông đạo diễn dựa trên hồi ký của cựu chiến binh Ron Kovic. Ông Kovic mất đôi chân trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi trở về nước, ông trở thành nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng. Vì tham gia những cuộc biểu tình chống CIA can dự vào Panama, Guatemala và El Salvador mà Kovic bị cơ quan này đưa vào danh sách theo dõi. Stone không những mất nhiều năm tìm nhà sản xuất cho bộ phim mà còn phải lùng sục khắp các ngóc ngách Hollywood để tuyển diễn viên. Không ai muốn động đến CIA cả. Thật may mắn là nam tài tử Tom Cruise, khi đó mới chỉ là một ngôi sao trẻ, đồng ý đảm nhận vai Ron Kovic.

CIA đã can thiệp vào Hollywood kể từ thập niên 1930. Ví dụ như những bộ phim hoạt hình tuyên truyền thời Thế chiến II do hãng Walt Disney sản xuất ít nhiều đều dưới sự chỉ đạo của OSS, tiền thân của CIA. Nhưng phải đến cuối thập niên 1970, CIA mới trở thành một thế lực tại kinh đô điện ảnh thế giới. Sau vụ   scandal Watergate, nước Mỹ bàng hoàng khi biết CIA điều hành một mạng lưới rộng khắp theo dõi từng tầng của chính phủ lẫn các phương tiện truyền thông. Cơ quan này qua một đêm trở thành tổ chức bị căm ghét nhất nước Mỹ. CIA bèn thành lập Văn phòng Quan hệ công chúng để tiện việc sử dụng Hollywood nhằm hồi phục uy tín của họ.

Trong những năm đầu thành lập, mục tiêu chính của Văn phòng Quan hệ công chúng là xóa dấu vết CIA trong các tác phẩm nghệ thuật. Series phim truyền hình “The Green Berets” của ngôi sao John Wayne kể về lực lượng mũ nồi xanh tinh nhuệ. Theo Wayne kể lại sau này, để đổi lấy sự trợ giúp về đạo cụ và bối cảnh, biên kịch phim phải chuyển toàn bộ kịch bản cho Văn phòng Quan hệ công chúng của CIA. Họ buộc đạo diễn phải bỏ một tập phim nói về những chiến dịch bí mật của CIA tại Nam Lào trong chiến tranh Việt Nam.

Từ Langley đến Hollywood: Tưởng xa mà gần -0
“Without Remorse” là bộ phim truyền hình mới nhất có dính dáng đến Langley và Lầu Năm Góc.

Văn phòng Quan hệ công chúng của CIA trong thập niên 1980 chỉ tập trung vào việc che đậy thông tin liên quan đến hai vụ scandal lớn trong chính giới Mỹ khi đó: vụ Iran-Contra và chiến dịch Cyclone hỗ trợ quân kháng chiến Afghanistan chống lại quân đội Liên Xô (cũ). Phải chờ đến sau khi Bức tường Berlin sụp đổ thì cơ quan này mới có thể chuyển sự chú ý sang lĩnh vực điện ảnh.

Một trong các bộ phim “bom tấn” đầu tiên được CIA hỗ trợ về tài chính và đạo cụ là “Patriot Games” do ngôi sao Harrison Ford thủ vai chính. Ford kể về trải nghiệm quay phim tại trụ sở CIA tại Langley, bang Virginia rằng: “Họ cho phép chúng tôi được huy động nhân viên CIA làm diễn viên quần chúng…Tôi được nói chuyện với một điệp viên CIA nằm vùng tại Bắc Ireland. Nếu không có những trải nghiệm của người này thì tôi đã không biết phải vào vai đóng giả làm quân nổi dậy IRA như thế nào”.

Sau “Patriot Games” là một loạt các bộ phim khác có dính dáng đến CIA như “Wag the Dog”, “Mission: Impossible”, “The Bourne Identity”, “The Agency”, “Enemy of the State” và “Meet the Parents”. Khán giả nào tinh ý sẽ phát hiện ra ba cái tên thường xuất hiện luôn trong những bộ phim nói trên.

Cái tên thứ nhất là nhà văn Tom Clancy, người được coi là “ông hoàng tiểu thuyết gián điệp Mỹ”. Người ta còn biết đến ông với tư cách cố vấn cho CIA. Nhà báo Mỹ Jeffrey St. Clair tóm lược: “Tom Clancy luôn hơn những nhà văn khác vì mình ông có thông tin tình báo bí mật. CIA cung cấp cho ông ta những tư liệu đó để đổi lại việc được nhà văn viết tốt”. Chẳng có gì lạ khi nhân vật chính trong nhiều tác phẩm của Clancy là điệp viên CIA Jack Ryan. Rồi cũng chính CIA hỗ trợ tài chính cho những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Tom Clancy như “Patriot Games”.

Cái tên thứ hai là của diễn viên nổi tiếng Robert DeNiro. Ông thường xuyên vào vai điệp viên CIA trong những bộ phim như “Wag the Dog”, “The Sum of All Fears”. Diễn viên sau này thú nhận rằng ông làm vậy do được anh họ động viên. Anh họ của DeNiro không ai khác là điệp viên CIA lâu năm Chase Brandon. Từ năm 1996 đến 2007, Chase Brandon đóng vai trò là người trung gian giữa Văn phòng Quan hệ công chúng CIA và Hollywood. Ông ta còn là biên kịch của bộ phim “The Recruit” nói về cuộc chiến phản gián trong lòng CIA. Phim có sự tham gia của các diễn viên Ben Affleck, Al Pacino và Bridget Moynahan.

Minh tinh Jennifer Garner kể lại kỷ niệm của mình với Chase Brandon trong khoảng thời gian ông ta làm cố vấn cho series phim truyền hình “Alias” (từng được trình chiếu ở Việt Nam với tên gọi “Mật danh”) do cô thủ vai chính: “Brandon là một con người vô cùng quyến rũ. Ông ta có thể làm bạn thân với tất cả mọi người. Điều duy nhất bạn cần nhớ khi giao tiếp với Brandon là đừng bao giờ chọc quá sâu vào quá khứ của ông”. Nữ diễn viên Garner sau này còn cộng tác với Chase Brandon để quay một video tuyển mộ nhân viên CIA.

Từ Langley đến Hollywood: Tưởng xa mà gần -0
Chase Brandon, tay trong của CIA ở Hollywood.

Tiến lên màn ảnh nhỏ

Hollywood càng ngày đầu tư “mạnh tay” cho phim truyền hình. Với việc số lượng người lựa chọn xem phim trên màn ảnh nhỏ thay vì đến rạp tăng lên từng ngày, các hãng phim buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh của họ. Trong quá trình chuyển đổi này, CIA không hề chậm một bước. Cách đây bốn năm, Văn phòng Quan hệ công chúng CIA đã xuất bản “Sách tím” nói về chiến lược truyền thông của họ. Văn bản này nói rõ việc CIA phải tìm mọi cách “chen chân” được lên các nền tảng truyền tải như Netflix, Hulu, Amazon Prime, Apple TV, v.v…

Thành công của CIA trong mối quan hệ với “tân Hollywood” có thể kể đến bộ phim truyền hình “Homeland”. Bộ phim nói về cuộc chiến ngầm giữa CIA và các thế lực Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông. Series đã không ít lần thắng được các giải Emmy và Quả cầu vàng cho phim truyền hình hay nhất. Ngược lại, công chúng Iran, Iraq, Lebanon... lên án kịch liệt “Homeland” vì bộ phim khắc họa người Trung Đông như những kẻ mọi rợ.

Ngay cả trong lòng nước Mỹ cũng xuất hiện những tiếng nói phản đối bộ phim. Một nhân vật trong series dựa trên hình tượng cựu chiến binh - nhà hoạt động phản chiến Tomas Young. Young mất đi đôi chân khi tham chiến tại Iraq. “Homeland” mô tả anh như một kẻ hèn nhát chỉ tìm cách đào ngũ, nhưng theo chính các đồng đội cũ của Young, anh là một sỹ quan gương mẫu. “Homeland” cũng như một số bộ phim khác có liên quan đến CIA trước nay đều tìm cách bôi nhọ nhân phẩm các nhà hoạt động vì hòa bình để khiến công chúng Mỹ nghi ngờ phong trào phản chiến.

Từ Langley đến Hollywood: Tưởng xa mà gần -0
Hai tài tử Ben Affleck (trái) và Bryan Cranston trong phim “Argo”.

Hai tác phẩm nổi tiếng khác cũng được CIA hỗ trợ sản xuất là “The Suicide Squad” và “Jack Ryan”. Văn phòng Quan hệ công chúng CIA đóng vai trò trung gian giữa hãng phim và Bộ Quốc phòng Mỹ để các studio được sử dụng vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại làm đạo cụ. Có một cảnh quay đáng nhớ trong “The Suicide Squad” là khi đơn vị lính siêu năng lực bước lên trực thăng không vận CV-22. CV-22 là mẫu máy bay tối quan trọng của quân đội Mỹ nên rất ít khi được phép xuất hiện trên phim ảnh.

Chưa hết, nội dung của cả “The Suicide Squad” và “Jack Ryan” đều xoay quanh việc lính đặc nhiệm Mỹ lật đổ chính phủ các nước Mỹ La-tinh. Trong thời Chiến tranh lạnh, chính phủ cánh tả các nước Guatemala, El Salvador, Peru, và Chile đều bị lật đổ do sự can dự của CIA. “The Suicide Squad” và “Jack Ryan” một phần dựa trên những sự kiện này, nhưng lại mô tả chính phủ các nước nói trên như những chế độ độc tài cần phải bị phế bỏ để “bảo vệ nền dân chủ”.

Từ Langley đến Hollywood: Tưởng xa mà gần -0
Quan hệ giữa CIA và các hãng phim Hollywood gần gũi hơn nhiều người tưởng.

Liệu Hollywood có thể “rũ bỏ” ảnh hưởng của CIA lên những bộ phim không? Theo giáo sư, nhà nghiên cứu kinh tế  - xã hội Edward Herman thì chuyện đó khó xảy ra. “Mục tiêu của CIA đã thay đổi sau khi Internet xuất hiện. Họ biết là không thể ngăn chặn tất cả những nguồn thông tin bất lợi cho mình nên chuyển sang chiến lược “bình thường hóa”.

Một bộ phim có CIA hỗ trợ sản xuất được phát gần đây trên nền tảng Amazon Prime mang tên “Without Remorse”. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Tom Clancy. Tác phẩm nói về việc trả thù của một cựu đặc nhiệm lính thủy đánh bộ Mỹ có gia đình bị sát hại. Giới phê bình đặt dấu hỏi lớn vì sao Amazon lại chịu phát hành một bộ phim có những cảnh tra tấn tàn bạo như vậy. Cả Amazon và hãng Paramount Pictures sản xuất bộ phim đến nay vẫn chưa đưa ra câu trả lời.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.