Tương lai quân đội Mỹ thời Trump 2.0

Thứ Hai, 25/11/2024, 08:00

Các chuyên gia dự báo Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ hai có thể sử dụng quân đội giải quyết các vấn đề nội bộ, tăng chi tiêu quốc phòng, tăng khả năng răn đe, hồi tố một số vấn đề như việc rút quân khỏi Afghanistan.

Khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua giành chức tổng thống và sẵn sàng đảm nhận vai trò Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Mỹ lần thứ hai vào ngày 20/1/2025, có thông tin nói rằng các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đang tổ chức các cuộc thảo luận không chính thức về chủ đề Lầu Năm Góc sẽ hoạt động như thế nào dưới quyền ông Trump, do mối quan hệ “rắc rối” giữa ông với giới lãnh đạo quân sự cấp cao trong nhiệm kỳ đầu tiên (2016 - 2020).

Tương lai quân đội Mỹ  thời Trump 2.0 -0
Tổng thống Donald Trump chào các binh sỹ Mỹ trên tàu USS Wasp ở Yokosuka, phía nam Tokyo, vào ngày 28/5/2019.

Sử dụng quân đội giải quyết vấn đề an ninh nội địa

Theo nhận định của Prakash Nanda, nhà phân tích chính trị, ngoại giao và các vấn đề chiến lược của Hội đồng Quốc gia nghiên cứu lịch sử (Ấn Độ), rõ ràng, ông Trump “có vấn đề” với tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (nay đã nghỉ hưu) về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân.

Những người đứng đầu quân đội cũng không đồng tình với việc Tổng thống Trump có xu hướng sử dụng quân đội để giải quyết các vấn đề an ninh nội địa khi ông thấy cần thiết.

Theo Hiến pháp nước Mỹ, quân đội nước này đóng vai trò bảo vệ đất nước và thực thi chính sách quốc phòng. Trách nhiệm chính của quân đội là bảo vệ nước Mỹ trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Quốc hội có thẩm quyền tuyên chiến và quyết định về việc duy trì hoặc sử dụng quân đội trong các tình huống xung đột. Quân đội Mỹ không được phép tham gia các hoạt động thực thi pháp luật trong nước, trừ khi có sự cho phép của quốc hội hoặc tổng thống. Trong những tình huống đặc biệt như thiên tai hoặc nổi loạn, quân đội có thể hỗ trợ theo yêu cầu của chính quyền liên bang hoặc bang.

Mùa hè năm 2020, trong giai đoạn đỉnh điểm của các cuộc biểu tình đòi công lý cho người da màu liên quan vụ sát hại người nghiện ma túy George Floyd khi bị cảnh sát khống chế, ông Trump đã cân nhắc việc triển khai quân đội đàn áp những người biểu tình. Tuy nhiên, việc đó đã bị các quan chức Lầu Năm Góc phản đối, trong số này có cả Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người sau đó bị ông Trump cách chức.

Viết trên EA Times, học giả Nanda cho rằng hiện nay ông Trump có thể không còn hứng thú sử dụng quân đội trong những tình huống tương tự. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa quên việc mới đây ông Trump nói với cử tri rằng mình không ngần ngại sử dụng quân đội thực hiện kế hoạch trục xuất hàng chục triệu người nhập cư không có giấy tờ đang sống ở Mỹ.

Ông Trump cũng phản đối những phong trào “thức tỉnh” trong quân đội Mỹ, chẳng hạn như những chính sách giúp quân đội thân thiện hơn với người thiểu số, cộng đồng LGBTQ+ (các cộng đồng và cá nhân có bản dạng giới hoặc xu hướng tình dục khác biệt so với chuẩn mực xã hội thông thường) và phụ nữ.

Trên thực tế, trong quá trình vận động tranh cử, những quan chức thuộc đảng Cộng hòa của ông Trump tuyên bố rằng nếu thắng cử, họ sẽ nỗ lực để các đảng đảng Dân chủ cánh tả có xu hướng “thức tỉnh” bị sa thải khỏi quân đội “càng sớm càng tốt”.

Tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử, ông Trump nói ông ủng hộ ý tưởng loại bỏ “tận gốc” các tướng lĩnh và chính sách “thức tỉnh” khi được hỏi về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden sa thải Matthew Lohmeier, cựu sĩ quan Lực lượng Không gian vũ trụ, vì ông này tuyên bố trên một podcast rằng hệ tư tưởng Marxist đang thâm nhập vào quân đội Mỹ. Ông Trump cũng đã nói về vấn đề mà ông mô tả là “chiến đấu với kẻ thù bên trong quân đội Mỹ”.

Cách đây không lâu, tờ EA Times có bài phân tích chỉ ra lý do tại sao nhiều cựu chiến binh cam kết ủng hộ ứng viên Kamala Harris thay vì ông Trump, bất chấp sự đóng góp được đánh giá là “đáng kể” của ông trong nhiệm kỳ tổng thống nhằm củng cố sức mạnh và vị thế của quân đội Mỹ. Theo bài báo, ông Trump đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược và hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của nước Mỹ, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Ông đã nâng tầm hệ thống phòng thủ mạng của quốc gia bằng cách nâng cấp Bộ chỉ huy Không gian mạng thành một bộ chỉ huy tác chiến lớn và giảm bớt các hạn chế thủ tục đối với các hoạt động liên quan không gian mạng. Ông Trump cho phép chi hơn 2,2 nghìn tỷ USD để hiện đại hóa quân đội. Ông trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ, chỉ đạo chính phủ lần đầu tiên đánh giá về chuỗi cung ứng quốc phòng và sản xuất của nước này kể từ những năm 1950.

Ông Trump cũng quyết định ba lần tăng lương cho quân nhân và gia đình họ, mức tăng lương lớn nhất cho quân đội trong một thập kỷ.

“Dựa vào hành động của ông với tư cách là tổng thống và các bài phát biểu của ông trong trong đợt vận động tranh cử gần đây, có khả năng Tổng thống Trump (trong nhiệm kỳ lần hai) sẽ tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường khả năng răn đe”, ông Nanda nhận định.

Khả năng này được nói tới trong bối cảnh giới chức quân sự Mỹ lo ngại vị thế của siêu cường này đang bị xói mòn trước các đối thủ tiềm tàng. Nadia Schadlow, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson, từng là Phó cố vấn An ninh Quốc gia về Chiến lược dưới thời Tổng thống Trump (nhiệm kỳ trước) lập luận: “Tăng cường vị thế quân sự của Mỹ là mấu chốt cho việc củng cố, đảm bảo các lợi thế kinh tế và chính trị của nước Mỹ. Sự thịnh vượng trong tương lai của đất nước sẽ bị suy giảm nếu các đối thủ giành được ưu thế hoặc nếu một cuộc xung đột toàn cầu nổ ra”. “Một báo cáo gần đây do các quan chức của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ thực hiện cho rằng quân đội Trung Quốc đang trên con đường trở thành “đối thủ cạnh tranh quân sự ngang hàng, nếu không muốn nói là vượt trội của Mỹ”.

Theo bà Schadlow, điều này có nghĩa là Mỹ phải có khả năng thể hiện sự sẵn sàng trong việc tiến hành các chiến dịch quân sự kéo dài trên nhiều chiến trường khi cần thiết.

Trong báo cáo được công bố vào tháng 7 vừa qua, Ủy ban Chiến lược quốc phòng, cơ quan được Quốc hội Mỹ thành lập để đánh giá và đưa ra các khuyến nghị liên quan chiến lược quốc phòng quốc gia, tuyên bố rằng “nếu không có sự thay đổi đáng kể từ phía Mỹ, cán cân quyền lực sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc”. Tổng chi tiêu quốc phòng hằng năm của Trung Quốc ước tính lên tới 711 tỷ USD và hồi tháng 3/2024, chính phủ Trung Quốc công bố việc tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm thêm 7,2%.

“Năm nay Nga sẽ dành 29% ngân sách liên bang cho quốc phòng, tiếp tục tái thiết quân đội và nền kinh tế sau giai đoạn đầu cuộc tấn công vào Ukraine. Nga sở hữu các khả năng chiến lược, không gian vũ trụ, không gian mạng đáng kể và dưới thời Vladimir Putin, quay trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình trong Chiến tranh lạnh”, báo cáo của Ủy ban Chiến lược quốc phòng Mỹ nhận định.

Tương lai quân đội Mỹ  thời Trump 2.0 -0
Binh sĩ Mỹ và những người Afghanistan làm việc cho Mỹ chuẩn bị rút khỏi Afghanistan, tháng 8/2021.

Hồi tố việc rút quân khỏi Afghanistan?

Không chỉ được cho là sẽ có những bước đi làm thay đổi cách thức vận hành quân đội và Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Trump còn được cho là có thể xem xét hồi tố đối với một số quan chức trong quân đội, xem xét lại một số bước đi của giới chức quốc phòng trong nhiệm kỳ của ông Biden. Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tập hợp danh sách các quan chức cấp cao kể cả đã nghỉ hay đương chức trong quân đội Mỹ, những người trực tiếp tham gia vào việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, nghiên cứu khả năng đưa một số người ra tòa án binh, NBC dẫn hai nguồn tin, một quan chức giấu tên và “một nguồn tin có hiểu biết về vấn đề”, cho hay.

Theo hãng tin Mỹ, các quan chức thuộc nhóm ông Trump đang xem xét thành lập một ủy ban để điều tra việc rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021, cụ thể là thu thập thông tin về những người trực tiếp tham gia vào việc ra quyết định rút quân, cách thức thực hiện. Nhóm còn xem xét liệu sự kiện này có hội đủ yếu tố để khởi tố các tướng lĩnh liên quan tội phản quốc hay không. “Họ đang xem xét vấn đề này rất nghiêm túc”, nguồn tin nói với NBC.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên án việc rút quân Mỹ khỏi Afganistan là một “sự sỉ nhục” và “ngày đáng xấu hổ nhất trong lịch sử đất nước chúng ta”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ dựa vào đâu người ta có thể đưa ra cáo buộc "phản quốc" vì các tướng lĩnh quân đội thực hiện theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.

Cũng cần phải nhắc lại rằng chính ông Trump là người khởi xướng việc rút quân. Mỹ đưa quân vào Afghanistan vào tháng 10/2001, sau sự kiện khủng bố 11/9, với mục tiêu tiêu diệt tổ chức al-Qaeda và lật đổ chính quyền Taliban. Cuộc chiến kéo dài gần 20 năm, với hàng ngàn binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hàng ngàn tỷ USD chi phí. Sự can thiệp quân sự tỏ ra ngày càng không hiệu quả, đặc biệt sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt vào năm 2011. Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên cam kết chấm dứt “các cuộc chiến bất tận” và bắt đầu đàm phán với Taliban để đạt được thỏa thuận hòa bình.

Tháng 2/2020, chính quyền Trump ký Thỏa thuận Doha với Taliban. Nội dung chính là Taliban cam kết ngừng hỗ trợ khủng bố và không tấn công các lực lượng Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan trước ngày 1/5/2021, nếu các điều kiện được đáp ứng. Taliban hứa tiến hành đối thoại nội bộ với chính phủ Afghanistan. Kế hoạch này được coi là bước đầu tiên để kết thúc sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, ông Trump đã thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần hai và người chiến thắng là ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ. Khi nhậm chức vào tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden tiếp tục cam kết chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan.

Tháng 4/2021, ông Biden thông báo sẽ hoàn tất việc rút quân vào ngày 31/8/2021. Lý do là “không thể kéo dài mãi một cuộc chiến mà quân đội Afghanistan không thể tự giải quyết”. Ông Biden quyết định rút quân mà không phụ thuộc vào điều kiện Taliban thực hiện thỏa thuận. Tháng 5/2021, quân đội Mỹ bắt đầu giảm dần lực lượng, sau đó đóng cửa các căn cứ lớn như căn cứ không quân Bagram (tháng 7/2021). Tháng 8/2021, Taliban nhanh chóng chiếm lại lãnh thổ khi quân đội Afghanistan sụp đổ. Ngày 15/8/2021, Taliban tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp nhiều kháng cự. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rời khỏi đất nước. Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan là việc Mỹ và đồng minh không lường trước được.

Từ 16-31/8/2021, Sân bay quốc tế Hamid Karzai trở thành tâm điểm của một chiến dịch di tản lớn. Hàng ngàn công dân Mỹ, người Afghanistan từng hỗ trợ Mỹ, và người tị nạn cố gắng rời khỏi đất nước. Những hình ảnh hỗn loạn, bao gồm việc người dân bám vào máy bay để được di tản, gây sốc toàn cầu. Ngày 26/8/2021, một vụ đánh bom liều chết do nhóm Hồi giáo cực đoan IS thực hiện tại sân bay khiến 13 binh sĩ Mỹ và hàng trăm người Afghanistan thiệt mạng. Ngày 30/8/2021, chuyến bay cuối cùng của người Mỹ rời Afghanistan, chính thức chấm dứt sự hiện diện quân sự kéo dài 20 năm.

Sau sự kiện này, nhiều ý kiến chỉ trích cách thức rút quân thiếu kế hoạch, dẫn đến hỗn loạn và thương vong. Đặc biệt, sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan khiến quyết định rút quân bị đặt dấu hỏi. Uy tín của Mỹ bị tổn hại, khi các đồng minh lo ngại về cam kết của Washington trong việc bảo vệ lợi ích toàn cầu.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.