Tường thuật của các bác sĩ trong nội chiến Sudan

Thứ Hai, 22/05/2023, 21:14

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, từ ngày 15/4/2023 - nghĩa là thời điểm bắt đầu nổ ra những cuộc giao tranh giữa Quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF)  đến nay, chỉ 16% các bệnh viện ở những vùng chiến sự còn hoạt động trong bối cảnh nguồn cung ứng thuốc men, vật tư bị đứt gãy. Nhiều phương tiện, nhất là xe cứu thương, dụng cụ cấp cứu bị cả hai phe chiếm đoạt…

Bệnh viện cũng là mục tiêu

Hậu quả của cuộc nội chiến tác động lên lĩnh vực y tế có thể thấy rõ nhất ở phía Tây thành phố Dafur, nơi bệnh viện El Geneina với 300 giường, là trung tâm giảng dạy lâm sàng cho sinh viên y khoa thuộc Đại học Y Dafur. Bác sĩ Omeir, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp nói với trang tin Inside Politics: “El Geneina được trang bị các dụng cụ hiện đại như máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm cắt lớp, máy chụp cộng hưởng từ, máy xét nghiệm sinh hóa…, nhưng bây giờ chỉ còn trơ lại vài chục chiếc giường sắt. Khi đã lấy hết hoặc phá hỏng những thứ quý giá, lính Sudan lấy nệm, lính RSF lấy giường. Ngay cả những cây sắt dùng để treo chai dịch truyền cũng bị cướp mất…”.

sud1.jpeg -0
Bệnh viện El Geneina chỉ còn lại những chiếc giường.

Ở bệnh viện Sản Nhi Saudi, phía Bắc Dafur, tình trạng cũng thê thảm không kém. Đây là nơi sinh viên y khoa thực tập cách đỡ đẻ, mổ bắt con cùng các phẫu thuật phức tạp liên quan đến tử cung, vòi trứng, buồng trứng, săn sóc trẻ sinh thiếu tháng, điều trị các bệnh lý nhi khoa nhưng theo nữ bác sĩ Zain, dụng cụ, thuốc men hầu như chẳng còn gì. Zain cho biết cô đã van xin với những người lính RSF rằng các loại dụng cụ này không phù hợp với việc chữa trị cho thương binh nhưng chỉ huy của nhóm RSF đuổi cô ra ngoài: “Mày tưởng chúng tao không có vợ à? Phụ nữ chúng tao cũng biết đẻ chứ!”.

Cũng tại bệnh viện này, một quả bom do máy bay quân đội Sudan ném xuống hồi tuần trước đã giết chết 4 người, trong đó có một trẻ sơ sinh khi phi công phát hiện lính RSF di chuyển trên con đường sau lưng bệnh viện. Việc cứu chữa 9 người bị thương tiến hành trong điều kiện được mô tả là “hết sức sơ sài”. Tiến sĩ Khalid Elsheikh Ahmedana, điều phối viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, trụ sở tại Khartoum cho biết: “Số bệnh nhân không thể tiếp cận với các cơ sở y tế có điều kiện chăm sóc tốt đang gia tăng. Tình hình thật tồi tệ, nhất là với những người mắc bệnh mãn tính, bệnh suy thận phải lọc máu, người mắc các bệnh tim mạch, sản phụ và trẻ sơ sinh cần đến sự chăm sóc đặc biệt…”.

Với bệnh viện trung tâm Khartoum, nơi những tay súng RSF đã chiếm đóng từ ngày 15/4 đến nay, khá nhiều bác sĩ, điều dưỡng không dám đi làm vì họ sợ sẽ bị bắn khi ra đường. Nói chuyện với trang tin Inside Politics, bác sĩ Muso, chuyên khoa cột sống cho biết: “Dù có đến, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì vì không còn thuốc men. Ngay cả những bộ nẹp cố định xương sống cũng bị RSF lấy để điều trị cho người của họ”.

Những bệnh nhân còn trong bệnh viện, ai có thể đi được thì tìm cách về nhà. Có người được thân nhân giúp đỡ nhưng cũng không ít người phải tự mình vận động. Và dù có nằm lại chăng nữa thì theo bác sĩ Muso: “Chẳng còn ai chăm sóc họ. Nếu như trước đây, bệnh nhân cột sống được các điều dưỡng, hộ lý giúp thay quần áo, vệ sinh thân thể và việc bài tiết thì bây giờ, họ chỉ biết nằm đó, chịu đựng cả đau đớn lẫn bẩn thỉu và mùi hôi thối. Đã có 12 người chết vì các vết loét gây nhiễm trùng do nằm lâu ngày, 9 người khác đang trong tình trạng thập tử nhất sinh…”.

Còn với bệnh viện Bahri, nơi từng bị quân đội Sudan kiểm soát trong nhiều tuần thì gần giữa tháng 5, mới được trả lại nhưng theo lời một số nhân viên y tế: “Bệnh viện chẳng khác gì một đống rác. Không điện, hệ thống lạnh hỏng hoàn toàn. Không nước, tất cả các khoa phòng bốc lên mùi hôi hám từ các nhà vệ sinh. Kho thuốc trống rỗng, máy chụp cộng hưởng từ bị bắn nhiều phát đạn, phim X-quang chưa sử dụng bị xé khỏi bao bì, tung tóe trên sàn nhà.

Ngoài sân, trên miệng những hố cá nhân là những chiếc giường với 3 hoặc 4 tấm nệm nhằm che chở cho quân đội Sudan khỏi những trận pháo kích của RSF…”. Đau thương nhất là giáo sư Bushra Ibnauf Sulieman, chuyên về bệnh lý nội khoa bị các tay súng không rõ thuộc phe nào, dùng lưỡi lê đâm chết khi ông đưa một bệnh nhân suy thận đi tìm chỗ lọc máu.

sud2.jpg -0
Không có chỗ treo, người nhà bệnh nhân phải đứng giữ chai dịch truyền.

Chữa bệnh từ xa

Để tìm cách giúp đỡ những nạn nhân khốn khổ, các bác sĩ Sudan thoát được sang Qatar đã thiết lập một đường dây trợ giúp, hoạt động 24/24 giờ trên nền tảng các trang mạng xã hội như Twitter, Instagram, WhatApp… Với một đội ngũ gồm 136 người thuộc nhiều chuyên khoa, họ trả lời tất cả những câu hỏi của những người liên hệ với họ.

Bác sĩ sản khoa Paye nói: “Chỉ trong ngày 12/5, tôi đã hướng dẫn cho 3 sản phụ ở Khartoum tự sinh con tại nhà nhưng tôi không biết liệu họ có đủ điều kiện để thực hiện những chỉ dẫn của tôi hay không, chẳng hạn như kiểm tra bánh nhau xem đã bong hết chưa, hoặc luộc sôi cây kéo dùng để cắt dây rốn ít nhất 15 phút….”.

Bác sĩ chuyên khoa nội tiết Iknaut cho biết cả Sudan hiện có 3,5 triệu bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và ông chẳng có cách gì để có thể giúp họ vì bệnh này phụ thuộc rất nhiều vào thuốc: “Những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng như giảm ăn các thức ăn chứa tinh bột hoặc đường đều trở nên vô ích vì thực tế, thực phẩm ở những vùng đang xảy ra giao tranh đều rất khan hiếm. Một bệnh nhân ở El Fasher nói với tôi rằng đã 3 ngày nay, mỗi ngày bà chỉ được ăn 1 bát cháo bột ngô nấu rất loãng nhưng các triệu chứng của việc tăng đường huyết như mờ mắt, chóng mặt… vẫn thấy xuất hiện”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày càng có nhiều chỉ dấu lo ngại rằng số người chết gián tiếp bởi nội chiến ở Sudan sẽ gia tăng trong bối cảnh các cuộc ngừng bắn liên tục bị vi phạm. Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cảnh báo Sudan sẽ bùng phát dịch bệnh do thiếu thực phẩm và nước sạch cũng như gián đoạn các dịch vụ tiêm chủng.

Ông Ghebreyesus nói: “61% nhân viên y tế ở quốc gia này đã bỏ việc vì chiến sự. 24.000 phụ nữ sẽ sinh con trong vài tuần tới mà không có sự theo dõi, chăm sóc của bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh”, còn với tiến sĩ Ahmed Al-Mandhari, Giám đốc khu vực Văn phòng WHO tại Đông Địa Trung Hải thì: “Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như bệnh thận, tiểu đường và ung thư… không thể tiếp cận các cơ sở y tế hoặc thuốc men mà họ cần, chưa kể khoảng 30.000 trẻ em dưới 5 tuổi có thể sẽ chết vì dịch tả do phải uống trực tiếp nước sông mà không được nấu chín”.

Vẫn theo WHO, cả hai bên trong cuộc nội chiến này dường như đang vi phạm nghiêm trọng luật xung đột vũ trang. Những báo cáo đáng tin cậy cho thấy bệnh viện trở thành mục tiêu đánh phá, nhà thuốc bị lục soát, cướp bóc, thường dân không thể tiếp cận các dịch vụ nhân đạo cơ bản theo tinh thần Công ước Geneva. Bên cạnh đó, việc RSF kiểm soát Trung tâm thí nghiệm y học ở thủ đô Khartoum, nơi lưu trữ mầm bệnh sởi, bệnh tả cùng các mầm bệnh nguy hiểm khác có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ sinh học nghiêm trọng.

Ông Nima Saeed Abid, đại diện WHO tại Sudan nói: “Vấn đề chính là bên kiểm soát Trung tâm thí nghiệm y học đã không cho phép các chuyên viên kỹ thuật của chúng tôi tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm sự an toàn cho các mẫu sinh học. Nếu chẳng may những mẫu này lọt ra ngoài, sẽ là một thảm họa”. Giáo sư Kaveh Khoshnood, chuyên gia dịch tễ học về các bệnh gây ra bởi vi khuẩn tại Trường Y tế công cộng Yalenói thêm: “Có những vấn đề về sức khỏe cộng đồng cần được cả thế giới quan tâm bởi lẽ cũng như một đám cháy rừng, những phút đầu tiên bạn có thể dập tắt nó chỉ bằng một thùng nước nhưng những phút sau, có thể là hàng nghìn thùng nước”.

sud3.jpg -0
Các hiệu thuốc tây ở Khartoum hoặc đã bị cướp, hoặc đóng cửa vì sợ cướp.

 Thảm hoạ y tế đang đến gần

Trở lại với thảm họa y tế ở Sudan, cho đến nay đã 3 lần quân đội Sudan và lực lượng RSF đồng ý ngừng bắn vì lý do nhân đạo nhưng cả 3 lần, lệnh này không được tôn trọng. Tướng Abdel Fattah al-Burhan, chỉ huy quân đội Sudan đổ lỗi cho RSF cố tình vi phạm còn tướng Mohamed Hamdan Dagalo (thường được biết đến dưới cái tên Hemedti), lãnh đạo RSF cáo buộc quân đội Sudan lợi dụng ngừng bắn để chiếm lại những vùng do họ kiểm soát. Theo Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, đã có gần 600 thường dân chết trong những cuộc giao tranh, hơn 1.500 người bị thương nhưng việc cứu chữa rất hạn chế, khoảng 1,5 triệu người khác đã phải bỏ nhà cửa, chạy sang lánh nạn ở các quốc gia láng giềng.

Với các bác sĩ còn ở lại Sudan, tất cả đều cùng chung nhận định rằng nguồn cung thuốc men, vật tư y tế hiện đang ở mức đáy. Bác sĩ Muke, bệnh viện trung tâm Khartoum cho biết: “Chúng tôi chỉ còn khả năng cầm cự tối đa trong 3 tuần nhưng nếu tình hình chiến sự leo thang, 3 tuần này có thể biến thành… 3 ngày!”. Còn với tiến sĩ Attiya Abdullah, phát ngôn viên của Hiệp hội bác sĩ Sudan thì: “Giữa các mối đe dọa bạo lực và thiếu thốn từ cuộn băng keo đến gói chỉ khâu, các bác sĩ vẫn tiếp tục làm việc vì chúng tôi không thể để người dân của mình  chết. Nhưng làm gì đây khi mà chúng tôi có thể bị bắn, bị ném bom bất cứ lúc nào…”.

Bác sĩ Mohammed, bệnh viện Nam El Fasher nói: “Tôi phải đi bộ 20km từ nhà đến chỗ làm và phải giả dạng như thường dân để tránh bị giết”. Còn bác sĩ Kuleba thì: “Nhiều người có sẵn những bệnh lý về sức khỏe tâm thần gọi cho tôi để hỏi xem họ có thể tìm mua thuốc ở đâu nhưng các đầu mối của chúng tôi cho biết tất cả các hiệu thuốc ở Khartoum hoặc đã bị cướp hết, hoặc đóng cửa. Tôi tin rằng tình trạng sức khỏe tâm thần ở Sudan đang ngày càng tồi tệ hơn, nhiều người đã xuất hiện hiện tượng chấn thương tâm lý sớm, phát xuất từ những gì họ đã nhìn thấy. Ngay cả một số bác sĩ cũng gặp phải vấn đề này mà nguyên nhân là sự bất lực trước cái chết chỉ vì không có đủ những phương tiện cần thiết”.

Tại bệnh viện Nyala chuyên về sản khoa nhưng đã được biến cải thành trung tâm xử lý đa chức năng để có thể cấp cứu những người bị thương ngày càng nhiều, tiến sĩ Bashir nói: “Từ 30 giường ban đầu, nay chúng tôi đã tăng lên 108 giường. Bạn thấy đấy, ở một khúc quanh trên lối đi có một chiếc giường, ở hành lang có thêm 3 hoặc 4 giường khác. Tất cả đều không đặt đúng chỗ. Kể từ khi giao tranh nổ ra, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 400 người bị thương, trong đó gồm cả trẻ em, chủ yếu là do đạn và mảnh đạn, 54 người đã chết.

Và bởi vì nó vẫn là bệnh viện chức năng duy nhất ở khu vực này nên không chỉ người bị thương mà ngay cả những người mắc các bệnh khác cũng đổ xô đến với hy vọng có thuốc. Hiện tại trong khoa hộ sinh, mỗi giường đều có 2 sản phụ nằm ngược đầu nhau. Nếu trẻ sinh non, chúng chỉ được quấn chăn để giữ ấm vì chúng tôi không có lồng ấp. Mỗi bác sĩ phẫu thuật ngày thực hiện 5, 6 ca mổ là chuyện bình thường. Thậm chí vừa mổ xong, họ chỉ có chút thời gian để thay găng, thay quần áo mổ rồi lao vào làm tiếp…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.