UAV từ Iran đang thay đổi chiến trường Á-Âu

Thứ Hai, 14/11/2022, 09:20

Các thiết bị bay không người lái (UAV) có xuất xứ từ Iran đang hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới và có vẻ như đã góp phần làm thay đổi cục diện các chiến trường ở khu vực  Âu-Á. Các UAV được cho là có nguồn gốc từ Iran đã trút xuống rải rác khắp các trung tâm đô thị của Ukraine, trong đó bao gồm cả thủ đô Kiev. Hai tuần sau, các lực lượng Israel tấn công một nhà máy sản xuất UAV của Iran ở Syria.

Cáo buộc

Điều này có vẻ như đã chứng minh cho việc chương trình UAV của Iran hiện đã vượt ra ngoài biên giới Iran, cả về phạm vi hoạt động và sản xuất. Iran đã trở thành một quốc gia xuất khẩu UAV và vũ khí này đang tạo ra những điểm nóng mới trong các trục địa chính trị khác nhau.

UAV từ Iran đang thay đổi chiến trường Á-Âu -0
Với tầm bay thấp, máy bay không người lái “kamikaze” do Iran sản xuất rất khó bị phát hiện.

Ngày 5/11, Iran lần đầu tiên thừa nhận rằng họ đã cung cấp UAV cho Moscow nhưng cho biết chúng đã được gửi trước cuộc chiến ở Ukraine, nơi Nga đã sử dụng chúng nhằm vào các trạm điện và cơ sở hạ tầng dân dụng. Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nói rằng, “một số lượng nhỏ” máy bay không người lái đã được xuất xưởng vài tháng trước cuộc xung đột Nga  - Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Tehran đang nói dối, khẳng định rằng lực lượng của Kiev đã bắn rơi ít nhất 10 máy bay không người lái mỗi ngày. Tuy nhiên, trong phản hồi chi tiết nhất của Iran cho đến nay, Ngoại trưởng Amirabdollahian phủ nhận việc Tehran tiếp tục cung cấp máy bay không người lái cho Moscow. Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông cho biết: “Về những phát biểu ồn ào của một số nước phương Tây rằng Iran đã cung cấp tên lửa và UAV cho Nga để giúp đỡ cuộc chiến ở Ukraine - phần về tên lửa là hoàn toàn sai sự thật. Tuy nhiên, phần về UAV là đúng và chúng tôi đã cung cấp cho Nga một số lượng nhỏ UAV nhiều tháng trước cuộc chiến Ukraine”.

Trên thực tế, chương trình UAV của Tehran có từ cuộc chiến tranh tiêu hao với Iraq hồi những năm 1980 và dựa trên nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) quan trọng kéo dài hàng thập kỷ. Chiến lược UAV của Iran rất ráo riết, chủ yếu tập trung vào việc sử dụng UAV để hỗ trợ khả năng của chính phủ và củng cố các lực lượng ủy nhiệm của họ ở nước ngoài. Được dẫn dắt bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và nhà sản xuất UAV Qods Aviation Industries (QAI), một số công nghệ UAV hiện có của Iran được phát triển bằng “công nghệ đảo ngược” từ các hệ thống của phương Tây đã bị rơi hoặc hạ cánh trên hoặc gần lãnh thổ Iran (bao gồm cả những vũ khí được cho là đã bị đánh chặn hoặc bị bắt gần bờ biển của Iran).

Các UAV của Iran được sử dụng để bổ sung cho cuộc chiến ủy nhiệm của nước này, cung cấp cho nhóm Houthis ở Yemen và Hezbollah ở Libang. Do vậy, các UAV của Iran đã phổ biến rộng rãi trên các chiến trường Trung Đông. Mặc dù thông tin nguồn mở về các chi tiết cụ thể trong chiến lược máy bay không người lái của Iran còn hạn chế, nhưng Tehran chắc chắn đã phát triển một cơ sở sản xuất nội địa quy mô lớn với chu kỳ sản xuất - chế tạo nhanh chóng. Theo Tehran Times ngày 12/9, danh mục đầu tư hiện tại của Iran bao gồm cả một UAV tự sát tiên tiến (Arash-2) có thể tấn công Tel Aviv, điều sẽ gây ra mối đe dọa đối với phương Tây.

UAV của Iran đang gia tăng số lượng nhanh chóng và xu hướng này không chỉ giới hạn ở một chiến trường cụ thể. Việc kiềm chế thành công sự trỗi dậy của Tehran với tư cách là nhà xuất khẩu UAV sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc tăng cường khả năng chống UAV mà còn vẽ ra bản đồ chi tiết về mạng lưới công nghiệp - quân sự toàn cầu của Iran. Mạng lưới này rất nổi bật ở các nước đang phát triển mà phương Tây sẽ phải theo dõi.

UAV từ Iran đang thay đổi chiến trường Á-Âu -0
UAV từ Iran đang thay đổi chiến trường Á-Âu -1
Máy bay không người lái của Iran đang được tăng cường sản xuất và xuất khẩu.

UAV của Iran tại các khu vực xung đột

Trong quá khứ, Iran đã thành công trong việc xâm nhập vào các khu vực xung đột bằng cách cung cấp các hệ thống quân sự của mình cho các tổ chức ủy nhiệm. Các hệ thống UAV của Iran đã được chứng minh là tài sản chiến lược có giá trị cao đối với các đồng minh ủy nhiệm của Tehran, đặc biệt là Hezbollah. Thực tế việc các UAV của Iran có mặt trong các căn cứ của Venezuela là một yếu tố đáng để phương Tây lưu tâm. Iran và Venezuela đã ký một lộ trình hợp tác kéo dài 20 năm, có thể bao gồm các trao đổi trong sản xuất UAV. Mối quan hệ quân sự-chiến lược của họ đang được cải thiện nhanh chóng, được minh chứng qua việc khoảng 80 công ty quốc phòng Iran đã tham gia hội chợ Triển lãm Khoa học Công nghiệp Iran-Venezuela tại Caracas từ ngày 16 đến 19/9.

Các yếu tố thúc đẩy tổ hợp công nghiệp của quân đội Iran và đặc biệt là các hệ thống UAV của họ không chỉ giới hạn ở việc tìm kiếm khách hàng. Một khía cạnh quan trọng khác là các cơ sở sản xuất quốc tế của chính phủ Iran. Trong thập kỷ qua, Iran đã xây dựng các nhà máy sản xuất UAV và các cơ sở bảo trì ở các quốc gia dễ bị xung đột và các nước đang phát triển, trong đó bao gồm Venezuela, Syria và gần đây nhất là Tajikistan. Nhà máy ở Dushanbe đặc biệt quan trọng vì nó đánh dấu sự công khai chính thức đầu tiên về dây chuyền sản xuất UAV quốc tế của Iran. Đây cũng là một bước đi quan trọng cho thấy Iran đang nỗ lực mở rộng dấu chân của mình ở Trung Á và bão hòa thị trường khu vực bằng các giải pháp UAV của riêng mình trước khi Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các đồng minh NATO khác có thể làm điều tương tự.

Sau Tajikistan, các UAV của Iran cũng đã thâm nhập vào thị trường Armenia. Điều này chứng tỏ Tehran đang sử dụng việc bán UAV để khẳng định ảnh hưởng ở khu vực Trung Á, đồng thời định vị mình như một lựa chọn thay thế cho các giải pháp UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng trở nên phổ biến trong khu vực, đặc biệt là sau thành công của họ trong Chiến tranh Karabakh lần thứ hai, trong đó có đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ là Azerbaijan đã đánh bại đồng minh của Iran là Armenia, phần lớn là do sự vượt trội của UAV phía Azerbaijan. Iran hiện có thể mua và bán các loại vũ khí thông thường, bao gồm cả UAV, điều mở ra con đường cho Iran trở thành đối thủ của các nước phương Tây và các nước bên bờ Đại Tây Dương trong lĩnh vực xuất khẩu quân sự.

UAV từ Iran đang thay đổi chiến trường Á-Âu -0
Một máy bay không người lái được cho là có xuất xứ từ Iran .

Nga sử dụng UAV của Iran?

Nga đang sử dụng UAV của Iran để đa dạng hóa các vũ khí tấn công của mình, nhưng các loại vũ khí sát thương mà nước này mua chủ yếu do giá thành phải chăng. Với giá ước tính khoảng 20.000 USD/chiếc, “máy bay không người lái kamikaze” của Tehran rẻ hơn nhiều so với tên lửa đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng. Các máy bay Shahed-136 của Iran (được gọi là Geran-2 trong tiếng Nga) là công cụ tấn công quan trọng của Lực lượng vũ trang Nga. Với nguồn dự trữ tên lửa của Nga đang ở mức thấp (chỉ còn 13% tên lửa Iskander và khoảng 45% tên lửa Kh-101 và Kh-555, điều đã buộc Nga phải sử dụng kho dự trữ khẩn cấp), UAV của Iran cung cấp cho Nga có vẻ như là một giải pháp thay thế nhanh chóng và hiệu quả.

Nhờ sản xuất đơn giản và giá thành rẻ, tuy nhiên, trọng tải của các hệ thống này không đủ để tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu quy mô lớn, chẳng hạn như các cây cầu hoặc nhà máy. Đối với các cuộc tấn công như vậy, tên lửa hành trình và đạn đạo vẫn là chủ lực. Tuy nhiên, bom đạn của Iran vẫn có thể làm tê liệt các cơ sở và buộc đối phương phải chi tiêu nguồn lực để sửa chữa tất cả cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Một số hãng tin phương Tây cho rằng Nga có thể sẽ sớm mua máy bay Meraj-521 của Iran – mô hình tương tự với máy bay Switchblade 300 của công ty Mỹ AeroVironment. Lô đặt hàng mới của Nga có thể bao gồm máy bay không người lái Arash-2, đây là loại UAV được trang bị camera quang học và ảnh nhiệt mà Shahed-136 thiếu. Trong khi Shahed-136 có thể mang trọng tải chiến đấu 40 kg, Arash-2 có thể mang khoảng 272 kg thuốc nổ, khiến nó trở thành một vũ khí nguy hiểm hơn nhiều so với Shahed-136.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay không người lái kamikaze để tấn công các mục tiêu có giá trị cao không phải là một hiện tượng mới. Theo Fars News ngày 26/12/2021, một số máy bay không người lái của Iran, trong đó bao gồm Shahed-136 và Shahed-131 đều đã được nhóm Houthis sử dụng để tấn công các mục tiêu có giá trị cao của Saudi Arabia, các tàu chở hàng liên kết với Israel và các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, điều khiến UAV của Iran trở nên cực kỳ nguy hiểm là bởi khoảng 40% số máy bay Shahed-136 đã đánh trúng mục tiêu. Tỷ lệ thành công này không cao nhưng vẫn đủ để gây sát thương quy mô lớn, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị.

Về mặt hiệu quả quân sự, các hệ thống phòng thủ căn cứ, hệ thống phòng không từ tầm ngắn đến tầm trung và các khí tài tác chiến điện tử cũng được yêu cầu để tạo ra một thế trận phòng không nhiều lớp. Hiện tại, chiến lược kết hợp giữa vũ khí phòng không vác vai nhỏ gọn (MANPADS), hệ thống phòng không và pháo phòng không (AAA), chẳng hạn như Gepards của Đức, có vẻ là giải pháp lý tưởng đối với các UAV. Mặc dù không đủ để phòng thủ khu vực, nhưng khi được sử dụng cùng với AAA, các hệ thống như hệ phòng thủ tên lửa đất đối không (NASAMS) cũng có thể cung cấp giải pháp phòng thủ điểm để bảo vệ các cơ sở quan trọng trên thực địa.

Các dây chuyền sản xuất UAV của Iran đang mở rộng ra ngoài biên giới của đất nước, điều tạo ra một bức tranh phức tạp hơn cho các chiến lược của Mỹ và các đồng minh. Ở một số khu vực có mức độ đe dọa cao, chẳng hạn như Đông Âu, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Á và Đông Phi, nhu cầu về UAV sẽ tiếp tục tăng. Điều này chủ yếu là do các UAV đã tự chứng minh là tài sản hiệu quả về chi phí làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực có lợi cho một quốc gia có nguồn lực quân sự hạn chế, đặc biệt là trong các cuộc xung đột bất đối xứng.

Khi nói đến việc giảm hoặc loại bỏ khả năng bay không người lái của Iran, các biện pháp cần được tính đến là: vô hiệu hóa các âm mưu chiến lược trong IRGC, lấp đầy khoảng trống về nhu cầu bằng các giải pháp của phương Tây và thay thế JCPOA bằng một chiến lược mới hiệu quả hơn. Về vấn đề này, việc tăng cường khả năng tình báo và giám sát cả trên lãnh thổ Iran cũng như các nước triển khai UAV của Iran cũng sẽ là chìa khóa cho chiến lược chống khủng bố của phương Tây đối với Iran.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.