Vì sao Interpol ra lệnh bắt giữ con gái cựu Tổng thống Angola?

Thứ Năm, 24/11/2022, 14:53

Ngày 18-11-2022, Cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol đã ban hành lệnh truy nã toàn cầu đối với Isabel dos Santos, tỷ phú người Angola và cũng là con gái của  Jose Eduardo dos Santos, cựu tổng thống nước này. Isabel bị Interpol truy nã bởi các tội danh rửa tiền, lừa đảo, lợi dụng chức quyền, giao dịch nội gián, dựa vào thế lực của người cha để tham nhũng…

Những bước tiến thân

Isabel dos Santos sinh năm 1973 tại Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan, nơi cha mẹ cô lấy nhau. Ông Jose Eduardo dos Santos, cha Isabel khi đó là một quan chức trong Phong trào nhân dân giải phóng Angola (MPLA) nên được cử đi học kỹ thuật ở Liên Xô. Mẹ Isabel là nhà vô địch cờ vua Angola, cũng sang Liên Xô để bổ sung kiến thức về lĩnh vực này.

Vì sao Interpol ra lệnh bắt giữ con gái cựu Tổng thống Angola? -0
Isabel đứng trước căn nhà mua với giá 12 triệu bảng Anh ở London.

Năm 1975, chế độ thực dân Bồ Đào Nha ở Angola sụp đổ. 4 năm sau, ông  Jose Eduardo dos Santos lên nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Từ đó, Isabel theo cha mẹ chuyển về dinh tổng thống. Được một thời gian, vợ chồng dos Santos ly hôn, đất nước Angola rơi vào nội chiến nên Isabel cùng mẹ đến London, Anh. Tại đây, cô theo học trường nữ sinh St Paul, sau đó Isabel lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện tại King’s College London và làm việc cho Công ty kế toán Coopers & Lybrand.

Nội chiến kết thúc, Isabel quay lại Angola, bắt đầu khởi nghiệp trong ngành vận tải. Việc xử lý thông tin liên lạc giữa công ty và tài xế đã đưa cô đến với điện thoại di động, khi ấy vẫn còn rất mới mẻ. Cuối năm 1990, Isabel là thành viên chủ chốt của Công ty viễn thông Unitel đồng thời giành được giấy phép khai thác mạng di động toàn quốc. Trả lời báo chí, Isabel cho rằng những gì cô có được là do nỗ lực bản thân chứ không phải vì cha cô là tổng thống.

Kể từ đó, đế chế Unitel ngày càng lớn mạnh nhưng chỉ đến lúc Isabel mua cổ phần của ngành xi măng rồi trở thành cổ đông chi phối, cô còn có cổ phần trong công ty khai thác kim cương, trong ngân hàng Angola, trong mạng lưới siêu thị, nhà máy bia và chuỗi truyền hình vệ tinh thì dư luận dấy lên những cáo buộc Isabel đã sử dụng quyền lực của cha mình để thâu tóm những ngành kinh tế trọng điểm.

“Vận may” đến với Isabel nhiều lần nữa. Từ năm 2002, giá dầu bắt đầu tăng. Nếu như năm 2001, thu nhập dầu mỏ của Angola chỉ là 3 tỉ USD thì đến 2008 là 70 tỉ. Nhanh như chớp, Isabel trở thành Chủ tịch Công ty dầu mỏ quốc doanh Sonangol, Angola. Cũng năm 2002, Isabel kết hôn với Dokolo, doanh nhân, nhà sưu tầm nghệ thuật người Congo.

Trả lời cuộc phỏng vấn của tờ Economist, Isabel phủ nhận các cáo buộc tham nhũng và gia đình trị nhắm vào cô: “Tôi đã phải bán lẻ từng cái điện thoại cho khách hàng, còn chuỗi siêu thị nơi tôi có cổ phần, nổi tiếng là “cá tươi ngon nhất nước”. Người ta gọi tôi là công chúa nhưng mấy ai biết mới 5 giờ sáng, công chúa đã phải nhảy ra khỏi giường để kiểm tra hàng. Tôi chẳng dựa vào ai cả”.

Thế nhưng những gì Isabel nói với báo chí lại khác hẳn đời thật của cô. Năm 2012, vợ chồng Isabel tổ chức một bữa tiệc xa hoa, mời hàng trăm bè bạn đến dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày cưới trong lúc ngay tại thủ đô Luanda, cả triệu người sống vất vưởng vì không có nhà và thực phẩm, điều kiện vệ sinh thấp kém. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), thời điểm ấy, 2/3 dân số Angola sống với mức dưới 2USD/ ngày.

Vì sao Interpol ra lệnh bắt giữ con gái cựu Tổng thống Angola? -0
Một bữa tiệc của Isabel (áo sọc) với chai rượu vang Chateau Mouton 310.700 USD.

Sự giàu có của vợ chồng Isabel còn được thể hiện bằng chiếc siêu du thuyền Heyken, 6 xe hơi thể thao của những hãng sản xuất nổi tiếng thế giới. Tại Lisbon, Bồ Đào Nha, vợ chồng Isabel sở hữu căn hộ penthouse khổng lồ mà chỉ riêng cái gara, có đủ chỗ cho 7 chiếc xe. Ở London, Anh, cặp vợ chồng này làm chủ 3 ngôi nhà ở Kensington, là một trong những khu sang trọng nhất thủ đô, trong đó nổi bật nhất là  một biệt thự mà tầng hầm được thiết kế theo dạng “tảng băng trôi”. Ngôi biệt thự này là nơi Dokolo trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật châu Phi với những đồ tạo tác có từ thế kỷ thứ 6.

Ở Monte Carlo, Monaco, cặp đôi mua một căn hộ sang trọng trong tòa nhà Petite Afrique với giá 50 triệu euro và một biệt thự ở Algarve. Tại Bồ Đào Nha, vợ chồng Isabel nắm giữ 800 triệu euro cổ phần của Công ty dầu khí Galp, 450 triệu euro cổ phần của Tập đoàn Nos, chuyên về truyền hình trả tiền và internet băng thông rộng. Ngoài ra họ còn có cổ phần trong ngân hàng Bồ Đào Nha Eurobic và các ngân hàng ở Angola, Cape Verde… Theo tạp chí Forbes, Isabel là người phụ nữ giàu nhất châu Phi với tài sản lên đến 3,5 tỉ USD, chưa kể những món đồ trang sức bằng vàng, kim cương…, trị giá khoảng 600 triệu USD nữa.

Năm 2017, Tổng thống Jose Eduardo dos Santos ốm nặng rồi bị buộc phải thoái vị, Joao Lourenco, quan chức cấp cao của MPLA lên thay. Trong một chiến dịch chống tham nhũng, Joao Lourenco sa thải Isabel khỏi chức vụ Chủ tịch Công ty dầu mỏ quốc doanh Sonangol, đồng thời tiến hành điều tra về nguồn gốc tài sản của vợ chồng cô. Không những thế, em gái cùng cha khác mẹ với Isabel là Welwitschia dos Santos cũng bị bãi nhiệm đại biểu quốc hội. Khi trốn sang Anh, Welwitschia cho rằng cô phải rời bỏ đất nước vì bị cơ quan mật vụ Angola tìm cách hãm hại. Riêng Jose Filomeno dos Santos, anh trai cùng cha khác mẹ với Isabel bị bắt vì tham nhũng. Trả lời báo chí, Isabel nói: “Đây là vụ án đậm màu sắc chính trị. Họ chọn anh em tôi làm vật tế thần”.

Sụp đổ

1 năm sau khi bị sa thải khỏi chức vụ Chủ tịch Công ty dầu mỏ quốc doanh Sonangol, chính quyền Tổng thống Joao Lourenco bắt đầu “tính sổ” với Isabel. Ngày 30/12/2019, Tòa án tối cao Luanda ra lệnh đóng băng các tài khoản của Isabel ở ngân hàng Angola đồng thời tịch thu cổ phần của cô trong các công ty, bao gồm Unitel và Banco de Fomento Angola.

Hai tuần sau, Chính phủ Angola tuyên bố họ đang chuẩn bị một cuộc chiến pháp lý về việc tịch thu tài sản của Isabel tại Bồ Đào Nha bằng cách yêu cầu Bộ Tài chính Bồ Đào Nha ngăn chặn việc chuyển tiền từ Ngân hàng thương mại của nước này sang một ngân hàng Nga vì Isabel vừa là công dân Angola, vừa là công dân Nga.

Chưa hết, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Isabel cùng gia đình, cấm họ nhập cảnh Mỹ với lý do “tham nhũng bằng cách biển thủ công quỹ”. Bên cạnh đó, Bộ này cũng công bố lệnh trừng phạt kinh tế với Nascimento, cựu giám đốc truyền thông của cựu Tổng thống dos Santos và tướng Dias, nhân vật đầy quyền lực ở Angola cùng vợ ông ta là Luisa de Fatima Giovetty. Nhằm tránh bị bắt và ra tòa, Nascimento và Dias tự nguyện giao nộp tài sản cho Chính phủ Angola, bao gồm nhà riêng và các bất động sản, là một phần trong những cáo buộc về gian lận, tham nhũng.

Vì sao Interpol ra lệnh bắt giữ con gái cựu Tổng thống Angola? -0
Trụ sở Công ty viễn thông Unitel Angola, nơi Isabel “khởi nghiệp”.

Cũng trong năm 2020, Tòa án tối cao Angola còn ra lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng cá nhân của Dokolo, chồng Isabel. Theo văn phòng Tổng chưởng lý, vợ chồng Dokolo đã thực hiện những thương vụ thông qua Công ty kim cương Sodiam và Công ty dầu mỏ Sonangol, dẫn đến hậu quả nhà nước Angola bị lỗ 1,14 tỷ USD nhưng thực chất thì số tiền này rơi vào túi vợ chồng Isabel.

Sau khi tài sản của Isabel ở Angola và Bồ Đào Nha bị đóng băng, tạp chí Forbes đã loại cô ta khỏi danh sách những người giàu nhất châu Phi. Đêm 22/1, ba ngày sau khi Tòa án tối cao Luanda ra lệnh đóng băng, người quản lý tài sản cá nhân của Isabel là giám đốc ngân hàng tư nhân Nuno Ribeiro da Cunha được tìm thấy đã chết trong ga ra nhà mình. Dư luận cho rằng Nuno phải chết để khỏi khai ra những thương vụ làm ăn bất chính của vợ chồng Isabel.

Tháng 6/2020, Dokolo, chồng Isabel qua đời khi mới 49 tuổi trong một tai nạn khi lặn biển. Lợi dụng đám tang và Tòa án tối cao chưa cấm Isabel xuất cảnh, cô ta sang Dubai, Trung Đông, nơi cô có nhà riêng. Đến tháng 10, Tổng thống Joao Lourenco ban hành quyết định quốc hữu hóa Công ty viễn thông Unitel, chấm dứt tất cả mọi quan hệ của Isabel với đơn vị này.

Tuy nhiên Isabel vẫn còn cổ phần ở Dịch vụ đầu tư xuyên châu Phi, trụ sở tại Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh, chuyên kinh doanh kim cương, Tập đoàn Kento và Jadeium, trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan, cung cấp các dịch vụ viễn thông,  Công ty đầu tư Santoro Finance, nơi đại diện tư cách pháp nhân cho cổ phần của Isabel ở ngân hàng Banco BPI, trụ sở tại Lisbon, Bồ Đào Nha, Công ty năng lượng và dầu mỏ Esperaza Holding BV, trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan và tập đoàn bán lẻ Condis ở Luanda, Angola.

Ngày 18/1/2022, Cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol ban hành lệnh truy nã toàn cầu đối với Isabel sau khi yêu cầu dẫn độ Isabel từ nhà riêng tại Dubai không kết quả vì cô ta chẳng còn ở đó. Những thông tin do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố cho thấy “Isabel đã lợi dụng chức vụ tổng thống của người cha để tích lũy tài sản từ các công ty trong nước, mua cổ phần của các công ty nước ngoài thông qua việc dành cho họ nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Angola. Cô ta đã kiếm được hàng tỉ USD nhưng người dân Angola phải trả giá”.

Trong một bài tường thuật, tờ Economis mô tả cuộc sống xa hoa của vợ chồng Isabel: “Từ sân thượng của câu lạc bộ Miami nằm trên bờ biển Ilha de Luanda, Angola, có thể nhìn thấy những chiếc xe hơi đắt tiền của giới siêu giàu đổ đến đây vào ngày cuối tuần. Nó cũng là địa điểm cố định để Isabel tổ chức những buổi đại tiệc mà chi phí cho 1 đêm có thể nuôi sống 10.000 gia đình nghèo ở Luanda suốt 1 tháng”.

Quyết định truy nã Isabel của Interpol có hiệu lực trên toàn thế giới và bất cứ quốc gia nào đã gia nhập tổ chức này đều có quyền bắt giữ cô ta. Ngay cả những quốc gia không phải là thành viên Interpol cũng được phép thi hành quyền này dù cô ta không phạm tội ở đó.

Mặc dù “đế chế Isabel” đã sụp đổ nhưng các nhân vật chính trị quyền lực dưới thời Tổng thống Jose Eduardo dos Santos bị cáo buộc biển thủ hàng tỉ USD vẫn chưa thấy lộ mặt. Theo báo cáo của ICIJ, hầu hết số tiền biển thủ đã chuyển đến một số quốc gia, nơi được mệnh danh là “thiên đường” thuế, thông qua những công ty, tập đoàn nước ngoài đã nhận được nhiều ưu ái khi đầu tư vào Angola.

Ông Carvalho, một trong những người phụ trách điều tra vụ Isabel nói: “Chúng tôi hiện có trong tay gần 12 triệu hồ sơ của các công ty, tập đoàn nước ngoài đầu đã đầu tư vào Angola. Nhiều công ty trong số đó đã được Isabel, thông qua cha cô ta, cho hưởng những đặc quyền đặc lợi mà bình thường, nằm mơ cũng không thấy được…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.