Vitaly Yurchenko: Đào tẩu giả và gián điệp thật
Hiện tượng đào tẩu xảy ra rất nhiều trong thế giới tình báo. Một sĩ quan tình báo bỗng rời bỏ hàng ngũ và chạy sang bên đối phương, mang theo những bí mật. Nếu những thông tin đó đủ tốt, kẻ đào tẩu có thể hy vọng vào một cuộc sống an nhàn và dư dật, đa phần sẽ sống dưới một căn cước mới và một khuôn mặt mới đã chỉnh sửa.
Nhưng những cuộc đào tẩu rồi sau đó lại quay trở lại thì vô cùng hiếm hoi trong các hoạt động gián điệp. Đây chính là trường hợp của Vitaly Yurchenko, 4 tháng sau khi đào tẩu khỏi KGB, anh ta bỗng đột ngột quay trở lại và được chào đón.
Bối rối và băn khoăn
Năm 1985, Vitaly Yurchenko là một điệp viên hàng đầu của KGB. Lãnh đạo một bộ phận phản gián quan trọng, Yurchenko được phương Tây đánh giá là nhân vật đứng thứ 5 trong bộ máy tình báo Xôviết. Từ 1975 đến 1980, anh ta đứng đầu bộ phận an ninh tại Đại sứ quán Liên Xô ở Washington, có nghĩa là người lãnh đạo cả một mạng lưới các điệp viên Liên Xô đã thâm nhập vào khu vực Bắc Mỹ.
Trong guồng máy của KGB, Yurchenko phụ trách các hoạt động phản gián liên quan đến các nước Anglo-saxon và các mật vụ của CIA biết rất rõ Yurchenko là ai. Họ tin rằng Yurchenko chính là kẻ đã ra tay hành quyết Shadrin, một sĩ quan KBG làm nội gián cho người Mỹ, vào năm 1975 anh này đã mất tích bí ẩn ở Vienne và từ đó không ai còn nhìn thấy anh ta. CIA tin rằng chính nhóm mật vụ do Yurchenko chỉ huy đã bắt cóc và hành quyết Shadrin.
Tháng 7-1985, Đại tá KGB Vitaly Yurchenko quyết định đào tẩu sang phương Tây, để “đi tìm tự do” như cách mà bộ máy tuyên truyền phương Tây hay nói. Đây quả thật là một món quà “trời cho” đối với CIA, họ tổ chức thẩm vấn Yurchenko trong nhiều tuần lễ, viên sĩ quan Xôviết đã cung cấp một danh sách các điệp viên của KGB đang hoạt động ngầm ở Mỹ, mọi thông tin đều xác thực và CIA không có lý do gì để nghi ngờ lòng thành thực của Yurchenko.
Tuy nhiên chỉ 4 tháng sau khi đến Mỹ, lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của nhân viên CIA chịu trách nhiệm giám sát, một lần nữa Yurchenko lại tìm cách đào tẩu và chạy trốn khỏi sự giám sát của CIA, bằng cách chạy vào Đại sứ quán Liên Xô tại Washington. Trong cuộc họp báo ngay ngày hôm sau tại Đại sứ quán Liên Xô, Yurchenko tuyên bố rằng anh ta đã bị CIA đánh thuốc mê và bắt cóc tại Roma rồi sau đó mang về Mỹ và nguyện vọng duy nhất hiện nay chỉ là muốn được trở về tổ quốc. Một thời gian ngắn sau đó, Yurchenko về nước trên một chuyến bay của Aeroflot cùng với vài đặc vụ KGB và anh ta đã được đón tiếp như một vị anh hùng.
Giới chức Mỹ sau những giây phút choáng váng, bắt đầu tranh luận sôi nổi để tìm lý do giải thích cho sự việc vừa xảy ra. Trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng, khi được hỏi “liệu có phải chúng ta đã bị Yurchenko đưa vào bẫy?”, Tổng thống Reagan đã trả lời: “Không có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ điều này là đúng và cũng không có dấu hiệu nào chứng tỏ điều này là không đúng”, Ông cũng thú nhận rằng “cảm thấy băn khoăn” khi một ai đó có điều kiện sống ở Mỹ mà lại “thích quay về Nga để sống”.
Món quà trời cho của CIA?
Cuối tháng 7-1985, Yurchenko có mặt tại Rome với danh nghĩa để bảo đảm an ninh cho nhóm các nhà khoa học Xôviết sang dự một hội thảo về vũ khí hạt nhân. Nhiệm vụ chính của nhóm mật vụ do Yurchenko chỉ huy là giám sát mọi hoạt động, theo dõi mọi cuộc tiếp xúc và nhất là ngăn chặn mọi mưu toan đào thoát sang phương Tây nếu có của những khoa học gia này, một hiện tượng khá phổ biến lúc bấy giờ.
Một ngày đầu tháng 8, Yurchenko nói với các đồng nghiệp muốn đi thăm các bảo tàng ở Vatican, anh ta rời đại sứ quán Liên Xô và lên một chiếc xe taxi. Sau 24h, khi không thấy Yurchenko quay lại, các đồng nghiệp và sứ quán Liên Xô bắt đầu lo lắng tìm kiếm, người Ý, được phía Liên Xô thông báo, cũng lao vào một chiến dịch truy tìm quy mô lớn, còn tại Moscow, Bộ Ngoại giao lên tiếng bày tỏ nghi ngờ rằng CIA đã tổ chức bắt cóc Yurchenko.
Trên thực tế, Yurchenko chưa hề đến Vatican. Hai giờ sau khi rời khỏi sứ quán Liên Xô tại Roma, anh ta đã có mặt trong sứ quán Mỹ để xin được tị nạn. Ngay khi nhận được thông báo, CIA hiểu rằng đây là một “con cá lớn” và cần phải đưa được về Mỹ càng sớm càng tốt.
Hai tháng sau, các nguồn tin chính thức của Mỹ mới bắt đầu hé lộ ra rằng có một sĩ quan cấp cao của KGB đã đào tẩu an toàn sang phía Mỹ. Yurchenko được đưa đến sống tại một ngôi nhà ở vùng quê, một “cơ sở an toàn” của CIA, khá gần với Langley, đại bản doanh của CIA. Ở đây Yurchenko được thẩm vấn liên tục nhiều tuần lễ. Với sự thận trọng cao nhất, các đặc vụ CIA đã tiến hành nhiều vòng kiểm tra nói dối.
Những người thẩm vấn thường hỏi Yurchenko những câu hỏi mà họ đã biết câu trả lời, mục đích để kiểm tra kiến thức và độ thành thực của anh ta. Yurchenko đã vượt qua tất cả những cuộc kiểm tra nói dối một cách ngoạn mục và các nhà phân tích của CIA không có bất cứ lý do gì để nghi ngờ anh ta. Yurchenko đã cung cấp cho CIA rất nhiều thông tin quý giá, bắt đầu bằng việc thừa nhận trách nhiện trong vụ Shadrin, nhưng những vấn đề mà anh ta đề cập tiếp theo mới làm lạnh gáy các cấp lãnh đạo của Langley.
Vào năm 1984, Trưởng bộ phận CIA Moscow đã lên tiếng báo động: mạng lưới điệp viên ngầm của CIA ở Liên Xô lần lượt bị KGB phát hiện và tống giam, trong đó có Tolkachev, một chuyên gia hàng không, một nguồn tin quan trọng hàng đầu của Mỹ. Chắc chắn đã có kẻ nội gián của KGB trong hàng ngũ CIA, nhưng người Mỹ cho đến lúc đó vẫn bất lực không thể tìm ra “con chuột chũi” đó.
Khi được thẩm vấn về vấn đề này, Yurchenko tuyên bố rằng anh ta biết ít nhất một kẻ nội gián đã xâm nhập vào một trong những cơ quan tình báo Mỹ, kẻ đó có bí danh là “Robert”. Sau khi được cung cấp thêm chi tiết, CIA đã nhận diện được “Robert”, tên thật là Edward Lee Howard. Mặc dù giờ đây anh ta không còn được sử dụng nữa nhưng vai trò mà anh ta đã từng đảm nhận đã đem đến nhiều hậu quả thực sự thảm khốc cho CIA. Các nhân viên thẩm vấn CIA đã thật sự choáng váng khi nghe thấy những gì Yurchenko kể lại.
Howard, một thanh niên nhỏ nhắn thông minh có nhiều bằng cấp đã được CIA tuyển dụng vào đầu những năm 1980. Để chuẩn bị cho việc được cử sang Liên Xô, tại Langley, anh ta đã phải xem kỹ hồ sơ của các điệp viên đã xâm nhập vào nước này, những người anh ta sẽ cùng làm việc với họ trong tương lai. Trước khi lên đường, theo nguyên tắc, Howard phải qua một cuộc kiểm tra bằng máy nói dối, kết quả thật thảm hại: đây là một kẻ dối trá hơn thế nữa còn nghiện rượu và ma túy...
Không được cử đi Nga và lại bị CIA hắt hủi, Howard đã tìm cách liên lạc với người Nga để bán danh sách điệp viên CIA mà anh ta đã có trong tay. Đó là lý do vì sao các điệp viên CIA ở Nga đã bị bắt hàng loạt. Khi CIA, theo chỉ dẫn của Yurchenko tìm đến Howard thì anh này đã chạy trốn. Việc tố cáo Howard, một gián điệp đã ngừng hoạt động, trên thực tế không gây tổn thất nào cho KGB, nhưng đã giúp cho Yurchenko có được sự tin tưởng của CIA, ít nhất giờ đây họ đã biết nguyên nhân vì sao mạng lưới gián điệp của họ ở Liên Xô bị sụp đổ nhanh chóng.
Thông tin quan trọng thứ hai được Yurchenko cung cấp liên quan đến chương trình Ivy Bells. Từ những năm 1970, tàu ngầm và thợ lặn Mỹ đã bí mật đặt những chiếc máy nghe lén tại các vùng biển đóng băng của Liên Xô, nhưng chỉ một thời gian sau Liên Xô phát hiện ra và phá hủy hết. CIA muốn tìm ra ai là kẻ chỉ điểm chính xác các vị trí đặt máy nghe trộm để cho phía Nga biết được.
Yurchenko đã giải đáp cái thắc mắc này cho CIA, đó là một nhà phân tích của NSA có tên là Ronald Pelton. Giống như Howard và những kẻ nội gián khác bị Yurchenko tố giác với CIA, Pelton cũng vừa từ chức khỏi NSA và vì thế không còn tác dụng gì với KGB nữa, tuy nhiên việc tố cáo này đã củng cố rất nhiều cho sự tin tưởng của CIA với Yurchenko.
Cú tát đối với CIA
Ngày 2-11-1985, 4 tháng sau cuộc chạy trốn vào sứ quán Mỹ ở Roma và hai tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh ở Genève giữa Tổng thống Reagan và Tổng bí thư Gorbatchev, Yurchenko được phép đi ăn cùng với một đặc vụ CIA tại một nhà hàng ở Washington - một quyết định dường như đã có chủ ý. Cựu điệp viên KGB đã chọn Au Pied de Cochon, một nhà hàng sang trọng và rất nổi tiếng.
Cuối bữa ăn, Yurchenko đột ngột đứng dậy và hỏi đặc vụ CIA đi cùng “nếu bây giờ tôi bỏ chạy thì anh có bắn tôi từ sau lưng không?”. Ngạc nhiên đến sững sờ, viên đặc vụ ấp úng trả lời rằng “Không, chúng tôi không làm như vậy bao giờ”. Yurchenko cười và nói mình sẽ đi dạo và hẹn gặp lại sau 2 giờ nữa.
Vài phút sau anh ta đã ung dung bước qua cổng Đại sứ quán Liên Xô. Ngay sáng hôm sau, Yurchenko đã tổ chức một cuộc họp báo tại Đại sứ quán, anh ta tố cáo CIA đã bắt cóc anh ta tại Rome, sau khi bị đánh thuốc mê, anh ta đã bị đưa về Mỹ và giam giữ trong một cơ sở bí mật của CIA, tại đây anh ta bị thẩm vấn và thậm chí bị tra tấn. Yurchenko tuyên bố mình không còn nhớ đã nói gì với những người thẩm vấn, nhưng nếu các nhà báo muốn biết, tốt nhất là hỏi thẳng CIA.
Đây quả là một cái tát vào mặt CIA, bởi chỉ mới cách đó vài tuần CIA đã giới thiệu cuộc đào tẩu của Yurchenko như là một thắng lợi vẻ vang của mình.
Để giữ thể diện, CIA đã tung ra những lời giải thích về chuyến đào tẩu thứ hai của Yurchenko (quay về với KGB), theo CIA đó là những lý do tình cảm. Yurchenko thuộc loại người điên rồ về tình yêu và đó là lý do khiến anh ta lao vào vòng tay những người Mỹ khi ở Roma. Người tình trong tâm tưởng của Yurchenko tên là Valentina, vợ một nhà ngoại giao Nga mà anh ta đã gặp và yêu say đắm vào những năm 1970 khi đang làm việc ở sứ quán Liên Xô tại Washington.
Vào năm 1985, chồng của Valentina đang giữ một vị trí ngoại giao tại Canada. Cùng với các mật vụ của CIA, Yurchenko đã hai lần sang Montréal để gặp “người trong mộng” nhưng đều bị phũ phàng từ chối, điều này khiến anh ta suy sụp và đột ngột quyết định quay trở về tổ quốc.
Câu chuyện tình lãng mạn mà CIA công bố như không thuyết phục được ai, rõ ràng là hai lần đào tẩu này của Yurchenko đã được dự kiến ngay từ đầu và nó là một phần của một chiến dịch của KGB chuẩn bị chu đáo và thực hiện rất hoàn hảo.
Toàn bộ chiến dịch này như một mũi tên nhắm vào nhiều mục đích: làm lung lay vị thế của Mỹ trước cuộc gặp thượng đỉnh Xô-Mỹ cũng như đánh lạc hướng sự chú ý của CIA để bảo vệ an toàn cho hai điệp viên hàng đầu của KGB khi đó đang ẩn nấp trong các cơ quan tình báo Mỹ: Aldrich Ames, sĩ quan CIA và Robert Hanssen, sĩ quan FBI.