“Vũ khí bí mật” của các điệp viên Mỹ và Anh

Thứ Năm, 05/12/2024, 21:10

Vào cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990, các điệp viên Mỹ và Anh hoạt động ở Moscow dưới vỏ bọc nhân viên sứ quán có một đặc điểm nổi bật: đam mê các màn hóa trang. Công bằng mà nói, “vũ khí bí mật” này đã mang lại thành công cho đối phương trong một thời gian nhất định. 

Hình nộm phục vụ cục tình báo trung ương mỹ 

Một thời gian dài, các điệp viên CIA ở Moscow hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao, khi gặp gỡ các chỉ điểm viên là  công dân Liên Xô, thường xuyên sử dụng các hình nộm.

Một trong những công cụ chống phản gián được các điệp viên Mỹ ưa chuộng là “Jack in the Box” (Jack trong hộp). Trong tiếng lóng của các nhân viên giám sát KGB, nó được gọi là “Chiêu trò hình nộm”.

“Vũ khí bí mật” của các điệp viên Mỹ và Anh -0
Điệp viên Michael Sellers bị bắt.

“Chiêu trò hình nộm” hoạt động theo sơ đồ sau:

Sau khi rời khỏi tòa nhà đại sứ quán, điệp viên lên xe cùng vợ (hoặc một điệp viên khác). Vợ lái xe, điệp viên ngồi bên cạnh. Dưới chân anh ta là một chiếc hộp nhỏ. Khi chiếc xe lọt vào “vùng chết”, nó lập tức rẽ vào một con phố nhỏ gần nhất, để trong vài giây thoát khỏi tầm mắt của các giám sát viên, không chần chừ, người Mỹ nhảy ra khỏi xe và biến mất vào một ngõ hẻm gần đấy. Còn người vợ kích hoạt “Jack” - nhấn nút, và… kỳ diệu thay! Một hình nộm lập tức bật ra từ chiếc hộp, giống hệt người chồng điệp viên vừa rời khỏi xe. Được bơm đầy không khí, con búp bê cao su trông giống như người thật. Để hoàn toàn đánh lừa các nhân viên giám sát đang bám theo, người vợ ngồi sau tay lái giả vờ nói chuyện, xoay đầu  con búp bê bằng một thiết bị đơn giản. Chỉ khi chiếc xe đến gần tòa nhà các nhân viên đại sứ quán Mỹ ở, cô ta mới xả hết không khí từ con búp bê, đóng hộp lại trước sự ngỡ ngàng của các nhân viên tình báo.

Tất nhiên, các nhân viên giám sát hiểu rằng họ đã mất dấu điệp viên, nhưng không thể xác định được tung tích trước khi anh ta xuất hiện ở nhà hoặc tại đại sứ quán.

Trong khi đó, khoác lên mình chiếc áo dài và đội mũ lưỡi trai che kín mặt, điệp viên Mỹ vừa cuốc bộ vừa sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Rồi khi kiểm tra và đảm bảo không có "đuôi" bám theo, anh ta đến điểm hẹn. Gặp xong, anh ta trở về nhà hoặc đại sứ quán.

“Vũ khí bí mật” của các điệp viên Mỹ và Anh -0
Điệp viên Michael Sellers.

Đến năm 1990, Đại sứ quán Mỹ ở Moscow nhận được 9 chiếc xe có cửa sổ bằng kính tối màu. Hơn nữa, các điệp viên Mỹ không chỉ được cung cấp hình nhân giả mạo nhân viên đại sứ quán mà còn cả mặt nạ cao su giống như loại Phantomas sử dụng trong bộ phim nổi tiếng của Pháp.

Xuất hiện câu hỏi: tất cả những hình nhân và mặt nạ này được dùng làm gì?

Các điệp viên Mỹ hy vọng rằng với sự trợ giúp của chúng, họ có thể đánh lừa Cục Giám sát của KGB (Cục 7). Ví dụ, một điệp viên - hình nộm, người sắp tổ chức cuộc gặp gỡ bí mật với chỉ điểm viên, được đưa đến một khu vực xa xôi của Moscow trên một chiếc xe thông thường. Trong khi đó, điệp viên thật lái chiếc xe có kính tối màu đi theo hướng ngược lại. Với mục đích  tương tự, mặt nạ cũng được sử dụng để làm rối trí các nhân viên giám sát.

Sở thích hóa trang của các điệp viên Mỹ rất đa dạng. Ví dụ, cựu Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Mỹ, Michael Sellers, thay đổi diện mạo của mình bằng cách đội tóc giả và gắn ria giả. Một đồng nghiệp khác của ông, cũng giữ chức vụ tương tự, thích hóa trang thành công nhân và luôn đeo kính râm. Còn một trong các tùy viên thậm chí đã mặc quần áo phụ nữ - trong bộ trang phục này, anh ta thực hiện các hoạt động gián điệp. Thấy thế, các nhân viên giám sát của KGB nói đùa với nhau:  “Lại xuất hiện quý bà xinh đẹp này, chắc chắn là đang đi làm nhiệm vụ quan trọng!"

Điệp viên đi xe đạp

Trong hồ sơ của cơ quan phản gián Liên Xô còn lưu giữ một thủ thuật cắt “đuôi” rất độc đáo mà điệp viên Anh Philip James Wood sử dụng khi đến Moscow hoạt động gián điệp.

Các nhân viên giám sát thuộc Cục 7 KGB đón Philip Wood tại sân bay “Sheremetyevo-2”. Để dễ dàng trao đổi qua bộ đàm và mã hóa thông tin, họ đặt cho anh ta biệt danh “Cây Sồi Anh”, hay đơn giản là “Cây Sồi”.

Philip Wood bước ra khỏi tòa nhà sân bay, một tay ôm chiếc hộp to tướng, tay kia xách chiếc túi thể thao. Anh ta giả vờ lau kính mắt, nhìn xung quanh và bước vào bóng râm.

Trong khoảnh khắc tiếp theo, điều xảy ra đã khiến các nhân viên Cục Giám sát không khỏi ngỡ ngàng, khiến họ đã phải dành sự tôn trọng nghề nghiệp cho đối tượng này.

Wood xé lớp giấy màu bọc chiếc hộp và lấy ra… một chiếc xe đạp gấp. Với một động tác điêu luyện, anh ta lắp bánh xe vào, quàng chiếc túi thể thao qua vai và bắt đầu đạp xe hướng về phía Moscow. Rõ ràng, Wood cần phải thoát khỏi cái đuôi bám theo mình. Điều này có nghĩa, hoặc anh ta đã liên hệ với một điệp viên nào đó trên đường đến Moscow, hoặc ít nhất là phải thu xếp một chỗ trú ẩn.

Chiếc hộp rỗng nằm trên vỉa hè như một biểu tượng về sự khéo léo của tình báo Anh

Tủ đựng trang phục nghiệp vụ có tất cả mọi thứ: từ tóc giả và áo bông đến áo mưa và mũ trùm đầu, nhưng xe đạp thì thật khó tưởng tượng! Các nhân viên giám sát của KGB thường đi bộ hoặc đi ô tô.

Đi ô tô tốc độ 10 km/h, cũng như chạy theo một người đi xe đạp mặc trang phục dân sự, thật khó gọi là giám sát bí mật.

“Vũ khí bí mật” của các điệp viên Mỹ và Anh -0
Các nhân viên giám sát của Cục 7 KGB.

Vào ngày Philip Wood bay đến Moscow, cơ quan KGB tổ chức ngày thể thao, một hoạt động bắt buộc mà nhiều cán bộ điều tra thường bỏ qua. Nhưng các nhân viên giám sát thì không. Họ luôn có sẵn bộ đồ thể thao của câu lạc bộ "Dynamo".

Wood thong thả đạp xe, trông như một người làm vườn hoặc  nhân viên đường sắt. Không dừng lại, các "vận động viên câu lạc bộ “Dynamo" chạy theo anh ta - hai nhân viên giám sát tay cầm thiết bị liên lạc nội bộ nhỏ như chiếc bật lửa gas. Nhấn  nút về phía này - các đồng nghiệp trong xe nghe bạn nói, nhấn sang phía kia - bạn nghe thấy họ.

Chạy được khoảng một cây số rưỡi, họ nhảy vào xe, sau đó một đôi khác thay thế. Nhìn từ bên ngoài, mọi thứ trông rất tự nhiên: các vận động viên đang tập luyện, còn huấn luyện viên thì đi xe đạp. Và đối với Wood, mọi thứ cũng hoàn toàn tự nhiên. Bởi vì ở đâu mà chẳng có các vận động viên chạy: ở Anh, ở Mỹ, và cả ở Nga nữa!

Vậy là, cùng với các đồng nghiệp ngồi trong những chiếc xe tháp tùng điệp viên nước ngoài, thay phiên nhau, các giám sát viên chạy đến thành phố Khimki. Philip Wood bước vào bốt điện thoại công cộng, lấy  ra một tấm thẻ...

Các điệp viên, đặc biệt là điệp viên Anh, không trốn trong các bốt điện thoại công cộng của Liên Xô. Một khi họ sử dụng mánh khóe đi xe đạp, nghĩa là họ sẽ không gọi điện đến đại sứ quán. Vậy sao không thử tìm hiểu xem anh ta gọi cho ai, nội dung gì? Hơn nữa, bạn đang có trong tay một thiết bị thu phát cực mạnh.

Người đàn ông đang đứng trong bốt điện thoại, còn "vận động viên câu lạc bộ “Dynamo" thở hổn hển chạy ngang qua. Anh ta đưa tay vào bên trong, vỗ nhẹ vai người đàn ông: "Anh bạn! Có thấy người của chúng tôi chạy qua đây không?"

“Anh bạn” - Philip Wood - lúc đầu không hiểu, vì đang mải gọi điện thoại. Cứ coi như là đang thực hiện nhiệm vụ.

"Người của chúng tôi là ai?",- Philip Wood hỏi, trong đầu đang tưởng tượng đến chiếc còng sắp siết chặt cổ tay mình.

"Ồ, các vận động viên câu lạc bộ “Dynamo!" ấy mà - một nhân viên giám sát trả lời.

Lúc này, Wood cảm thấy yên tâm, vì hiểu rằng mình chưa “bị tóm". Anh ta trả lời: "Không! Không thấy ai chạy qua cả!".

Chỉ cần vài giây là đủ để “vận động viên câu lạc bộ "Dynamo" thứ hai ném vào bốt điện thoại thiết bị thu phát nối với máy ghi âm trong xe. Tất cả phần còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật: cả số điện thoại Wood gọi lẫn cuộc trò chuyện đều  được ghi âm.

“Vũ khí bí mật” của các điệp viên Mỹ và Anh -0
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Moscow.

Sau khi gọi điện xong, "Cây Sồi" lên xe đạp và đạp về phía thủ đô, không hề quan tâm tới các phương tiện giao thông công cộng.  Các đội giám sát gọi thêm hỗ trợ, vì sức lực của "các vận động viên Dynamo" đã cạn kiệt, hơn nữa việc mặc quần lót chạy trong thành phố quả thật không thích hợp với các sĩ quan phản gián.

Chưa đầy mười phút, xung quanh người đi xe đạp đang di chuyển trên đường cao tốc Leningradskoye, đã xuất hiện một vòng tròn bảy chiếc xe công vụ, lúc thì vượt lên, lúc thì tụt lại phía sau, cố gắng không để mục tiêu tuột khỏi tầm mắt, đồng thời cũng không muốn "bị lộ diện". Nhiệm vụ không hề đơn giản: lúc ấy đang buổi chiều chủ nhật, con đường chật ních người làm vườn trở về nhà.

 Các nhân viên giám sát đề nghị liên hệ với trạm cảnh sát giao thông gần nhất, yêu cầu tạo ra tình huống khẩn cấp để tước đi phương tiện di chuyển của điệp viên Anh, chí ít là tháo van săm xe. Cảnh sát giao thông là những người nhạy cảm, luôn sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu của lực lượng phản gián.

Tuy nhiên, trưởng ban chuyên án "Cây Sồi” nghiêm cấm bất kỳ hành động nào  cản trở sự di chuyển của đối tượng: "Hãy để “hai bánh” nghĩ rằng “đuôi” của mình sạch. Hãy để anh ta tận hưởng niềm vui chiến thắng. Chúng ta sẽ có thời gian để trả đũa anh ta vì những khổ cực của chúng ta!".

Những người xa lạ với hoạt động tình báo có thể coi câu chuyện trên là một hành động ngớ ngẩn hoặc là một cố gắng tỏ ra độc đáo của những kẻ lập dị trong giới tình báo, may lắm là một màn ứng biến. Tuy nhiên, các nhà tình báo chuyên nghiệp biết rất rõ rằng trong thực tiễn hoạt động tình báo, cơ hội ứng biến không nhiều như những người ngoài có thể tưởng tượng. Hơn nữa, khi tiếp xúc gần hơn với nghề tình báo, bạn sẽ nhận ra rằng không có chỗ cho sự ứng biến, vì ở đây mọi thứ đều được tính toán kỹ từ trước, lên kế hoạch chi tiết, thậm chí đôi khi còn được diễn tập nhiều lần trong những điều kiện gần với thực chiến. Tất nhiên, mọi quyết định đều phải được cấp trên phê duyệt và chấp thuận, mà cấp trên không phải lúc nào cũng đồng tình với quan điểm của bạn.

Còn hoạt động phản gián thì khác. Để hiểu và chấp nhận bản chất của nó, chỉ cần một ví dụ: màn trình diễn đua xe đạp của điệp viên Anh Philip Wood và cách đáp trả của nhân viên giám sát KGB.

Dù sao đi nữa, bằng khả năng ứng biến tài tình của mình, các giám sát viên KGB đã chứng tỏ họ cao tay hơn những kẻ ngạo mạn từ “Cục Tình báo mật” (MI.6). Bởi vì nếu phát hiện có ai đó theo dõi mình, chắc chắn Wood sẽ không vào gọi tại bốt điện thoại công cộng ở Khimki. Một khi đã gọi điện thoại,  nghĩa là anh ta hoàn toàn tin rằng mình không bị theo dõi.

Kim Thanh Hằng
.
.